Ai tin lời ông Tập Cận Bình rằng Trung Quốc không muốn làm bá chủ châu Á, chừng nào máy bay tên lửa, tàu chiến tàu ngầm Trung Quốc vẫn nhan nhản ở Biển Đông.
The Straits Times đưa tin, trong diễn văn kỷ niệm kỷ niệm lần thứ 68 Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (01/10/1949 – 01/10/2017), Chủ tịch nước này Tập Cận Bình nhắc lại tuyên bố Trung Quốc sẽ không bao giờ “thỏa hiệp về chủ quyền của mình”.
Ông Bình nói trong bài diễn văn: “Đừng nước nào mong chờ Trung Quốc chấp nhận nuốt trái đắng tổn hại đến chủ quyền, an ninh và phát triển, lợi ích quốc gia của chúng tôi”. The Straits Times lưu ý, Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền” với hầu như toàn bộ Biển Đông.
Sở dĩ người viết lưu ý, ông Tập Cận Bình chỉ nhắc lại điều này chứ không phải nhắc đến nó lần đầu tiên, là vì trong cuộc họp Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2013, ông Tập Cận Bình đã nói đến nó:
“Dù là quốc gia nào cũng đừng mơ Trung Quốc sẽ chấp nhận đem các ‘lợi ích cốt lõi’ của mình đi đổi chác, đừng mơ Trung Quốc sẽ chấp nhận ăn ‘trái đắng’ tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia”.
Đáng chú ý, ông Bình phát biểu điều này khi Philippines vừa đệ đơn khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS 1982 lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong cùng một tháng. Lần này ông Bình nhắc lại nó, khi chỉ còn vài ngày nữa là PCA ra phán quyết, nhiều khả năng sẽ hủy bỏ đường lưỡi bò.
Những phát biểu mâu thuẫn với thực tế của ông Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố rằng, nước ông không muốn làm bá chủ ở châu Á, nhưng cũng sẽ không khuất phục trước các mối đe dọa quân sự nào, theo South China Morning Post.
Tờ báo nhận xét, việc ông Bình dành một thời lượng đáng kể trong bài diễn văn để nói về chính sách đối ngoại Trung Quốc trước thềm phán quyết của PCA là động thái “hiếm hoi”.
Ông Bình nói: “Trung Quốc không thèm muốn lợi ích của bất kỳ quốc gia nào, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lợi chính đáng của chúng tôi.
Đừng quốc gia nào mng chờ chúng tôi mặc cả về lợi ích cốt lõi của mình hoặc chấp nhận nuốt trái đắng tổn hại đến chủ quyền, an ninh và phát triển, lợi ích quốc gia của chúng tôi”.
Nếu chỉ đọc bài phát biểu này, sẽ chẳng có ai phàn nàn, thậm chí còn ủng hộ ông Tập Cận Bình, bởi lẽ đó là trọng trách của một người đứng đầu quốc gia, dân tộc, bảo vệ lợi ích của quốc gia dân tộc mình rõ ràng là chuyện chính đáng.
Chỉ có điều, thế nào là lợi ích quốc gia chính đáng của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông? Lợi ích quốc gia mà Trung Quốc tự nhận là chính đáng ấy xây dựng trên cơ sở pháp lý quốc tế nào? Có xâm hại chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của các nước khác, của khu vực và quốc tế hay không? Đó mới là điều đáng nói.
Ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc “không thèm muốn lợi ích của bất kỳ quốc gia nào”, vậy tại sao Trung Quốc cất quân chiếm đóng trái phép, xâm lược các thực thể ở Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam các năm 1946, 1956, 1974, 1988, 1995?
Tại sao Trung Quốc cho tàu cắt cáp tàu thăm dò Bình Minh 2 của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam?
Tại sao Trung Quốc mời thầu bất hợp pháp 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cắm giàn khoan 981 bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ trong quan hệ giữa hai nước năm 2014?
Câu trả lời có thể tìm thấy phần nào qua việc chính Chủ tịch Trung Quốc 3 lần công khai tuyên bố: Trung Quốc có “chủ quyền từ thời cổ đại với các đảo ở Trường Sa” khi công du Hoa Kỳ, Anh quốc và Singapore.
Ngoài ra ngay từ khi mới nhậm chức, năm 2013 khi chủ trì họp Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, ông cũng đã tuyên bố:
Trung Quốc phải kiên trì phương châm “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” để thúc đẩy các hoạt động hợp tác hữu nghị cùng có lợi (trên các vùng biển tranh chấp (tức Biển Đông và Biển Hoa Đông).
Người viết không tin rằng một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc tế, coi trọng pháp trị trong đối nội như ông Tập Cận Bình lại có thể chủ động đưa ra những tuyên bố trái luật pháp quốc tế, chống lại luật pháp quốc tế như vậy. Có chăng là bộ phận tham mưu của ông đã báo cáo không trung thực, tham mưu tồi cho lãnh đạo.
Những tiếng nói trung thực, thẳng thắn từ đội ngũ các nhà học giả, các nhà nghiên cứu chân chính và am hiểu luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 như học giả Lý Lệnh Hoa, những người có quan điểm ôn hòa và giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế như cố Đại sứ Ngô Kiến Dân đã không đến được bàn làm việc của ông.
Hoặc giả những tiếng nói ấy có đến được thì cũng bị bóp méo bởi lăng kính Đại Hán, dân tộc cực đoan và họ trở thành “thế lực đối lập”.
Không phải ngẫu nhiên theo kết quả thăm dò dư luận của PEW lại có nhiều nước mà đại đa số người dân không ưa Trung Quốc đến thế. Tất cả là do chính sách của Trung Quốc được xây dựng bởi bộ phận tham mưu có quan điểm hung hăng hiếu chiến, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, muốn làm bá chủ thiên hạ, lợi mình hại người.
Nếu thực sự Trung Quốc tự tin vào yêu sách của mình, và biết thượng tôn pháp luật, mong Chủ tịch Tập Cận Bình hãy lập tức chỉ đạo thuộc cấp làm rõ yêu sách đường lưỡi bò để tuyên bố trước dư luận.
Đồng thời ông hãy yêu cầu các cơ quan hữu quan của Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán song phương với Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, đàm phán với 5 nước 6 bên về chủ quyền quần đảo Trường Sa, đối chất với các nước trong khu vực về việc áp dụng, giải thích UNCLOS 1982.
Điều đó mới thực sự thể hiện Trung Quốc là cường quốc biết thượng tôn pháp luật, biết phải trái trước sau. Ngược lại sẽ chỉ càng làm gia tăng tâm lý cảnh giác, đề phòng và thậm chí liên kết lại để chống bành trướng từ phía các nước nhỏ ở châu Á.
Cạnh tranh Trung – Mỹ ở Biển Đông
South China Morning Post cho hay, trong một thông điệp ám chỉ Hoa Kỳ, ông Tập Cận Bình chỉ trích Mỹ với các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông: “Hành động cơ bắp, dằn mặt như vậy không phản ánh sức mạnh thực sự và sẽ không thể ngăn chặn bất kỳ ai.
Trung Quốc tin rằng một cuộc đối đầu nên được thay thế bằng hợp tác, sự độc quyền nên được thay thế bằng một khái niệm cùng thắng. Đó là tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế cùng tham gia quyết định loại trật tự quốc tế và hệ thống quản trị tốt nhất cho thế giới”.
Theo ông, Trung Quốc sẽ tiếp tục “cách tiếp cận quân sự linh hoạt”. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không tìm kiếm các mối đe dọa thường xuyên bằng việc sử dụng lực lượng quân sự hay khoe mẽ sức mạnh quân sự trước ngưỡng cửa nước khác”.
Giàn khoan 981 Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014 gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ. Ảnh minh họa: Internet.
Cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ ở Biển Đông là một thực tế không ai phủ nhận được. Chỉ có điều các hoạt động của Hoa Kỳ hay Trung Quốc có vi phạm luật pháp quốc tế hay không.
Riêng hoạt động bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo, leo thang quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành hoàn toàn chống lại các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982.
Việc Trung Quốc kéo tên lửa, máy bay ra Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo này, mà còn leo thang căng thẳng khu vực, phá vỡ hiện trạng, đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia, không gian sinh tồn chiến lược của các nước ven Biển Đông.
Sẽ chẳng ai tin lời ông Tập Cận Bình rằng Trung Quốc không muốn làm bá chủ châu Á, chừng nào máy bay tên lửa, tàu chiến tàu ngầm Trung Quốc vẫn nhan nhản ở Biển Đông; Hoàng Sa và Trường Sa vẫn bị quân sự hóa, tàu cá tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các nước láng giềng trong khu vực.
Còn hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không mà quân đội Hoa Kỳ tiến hành bên trong phạm vi 12 hải lý của đá Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập ở Trường Sa hay đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa là phù hợp với quy định của UNCLOS 1982 như chính những gì tàu chiến Trung Quốc đã làm bằng việc đi qua lãnh hải 12 hải lý một hòn đảo của Mỹ hồi năm ngoái.
PCA sắp sửa ra phán quyết, có thể nói là một cơ hội rất quý báu cho các bên về việc xem lại cách ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 của mình, đặc biệt là Trung Quốc.
Các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông chỉ có thể giải quyết rốt ráo một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế nếu Trung Quốc và các bên thực sự thiện chí, khách quan, cầu thị và thượng tôn pháp luật.
Nếu Trung Quốc vẫn né tránh cơ quan tài phán quốc tế hoặc chống lại họ, nếu tiếp tục quan điểm sai trái “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác, đồng thời đẩy mạnh phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông, thì các nước chỉ còn cách đoàn kết lại chuẩn bị cho phương án xấu nhất.
Biển Đông chiến tranh hay hòa bình phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và hành động của Trung Quốc có tuân thủ luật pháp quốc tế hay không, có khách quan, cầu thị và thiện chí hay không.
MINH ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét