Tờ Economist cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tập trung sức mạnh mà đỉnh điểm là tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp tới. Sau đó, ông mới bắt đầu “hiển lộ” sức mạnh, thông qua cải cách kinh tế-xã hội một cách nghiêm túc hơn nữa.
Các tổng thống Mỹ thường đánh giá cao những người đồng nhiệm đến từ Trung Quốc. Ông Donald Trump từng được Washington Post dẫn lời cho rằng ông Tập Cận Bình là người “quyền lực nhất” ở Trung Quốc trong vòng 100 năm qua.
Quyền lực nhất
Theo tờ Economist, ông Trump có lẽ đã đúng. Không chỉ vậy, tờ báo này còn tin rằng có thể ông Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới hiện nay.
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đứng thứ hai sau Mỹ, và quân đội nước này dù cố gắng “tăng cơ bắp” gần đây nhưng vẫn chẳng là gì so với Mỹ. Nhưng theo Economist, phần cứng kinh tế và phần cứng quân sự không phải là tất cả.
Lý do: tại những nước dân chủ như Mỹ, các nhà lãnh đạo không thể cứ muốn gì là làm nấy. Mọi quyết định của họ đều phải được quốc hội thông qua, mà để được quốc hội thông qua, trước tiên họ phải được cử tri đồng thuận. Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất thế giới, nhưng lãnh đạo của họ không thể tùy tiện sử dụng sức mạnh đó.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc đồng thời cũng là người đứng đầu quân đội và đứng đầu đảng cầm quyền (và là đảng duy nhất). Ngoài ra, ông Tập được cho là đang nắm giữ quyền lực tại Trung Quốc lớn hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác kể từ thời Mao Trạch Đông.
Ông Tập Cận Bình được cho là nhà lãnh đạo nắm giữ quyền lực lớn nhất kể từ thời Mao Trạch Đông (Ảnh: Economist)
Trong khi Trung Quốc thời Mao là một nước nghèo nàn lạc hậu, thì Trung Quốc thời Tập là một cỗ máy tăng trưởng của toàn cầu. Sức ảnh hưởng của ông sẽ sớm được nhìn thấy đầy đủ trong Đại hội ĐCSTQ diễn ra 5 năm/lần ở Bắc Kinh ngày 18/10 tới.
Nhiều nhà quan sát hoài nghi liệu ông Tập có sử dụng quyền lực đặc biệt của mình để làm việc tốt hay không.
Tăng sức mạnh quân sự
Trong rất nhiều chuyến công du nước ngoài, ông Tập đã tự giới thiệu mình là một sứ đồ hòa bình và hữu nghị, một tiếng nói lý trí trong một thế giới hỗn độn và bối rối. Tại Davos vào tháng Giêng, ông Tập đã hứa với giới tinh hoa toàn cầu rằng ông sẽ là một nhà vô địch của toàn cầu hoá, thương mại tự do và hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Những lời của ông Tập được chú ý một phần bởi vì Trung Quốc có kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Sáng kiến ​​”Một vành đai, một con đường” của ông có thể được đặt tên một cách khó hiểu, nhưng thông điệp của nó rõ ràng – hàng trăm tỷ đô la của Trung Quốc sẽ được đầu tư ở nước ngoài vào các đường sắt, bến cảng, trạm điện và các cơ sở hạ tầng khác để giúp các vùng rộng lớn trên thế giới thịnh vượng hơn.
Ông Tập cũng lên kế hoạch biến Trung Quốc thành một cường quốc quân sự chưa từng có ở nước ngoài. Năm nay ông mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của nước này ở Djibouti (châu Phi). Ông đã gửi hải quân Trung Quốc đi thao diễn ở những nơi xa xôi hơn trước đây, bao gồm việc tới “cửa ngõ” của NATO ở Biển Baltic cùng với đội tàu của Nga.
Trung Quốc nói họ sẽ không bao giờ xâm chiếm các nước khác để áp đặt ý chí của mình (ngoài Đài Loan – vốn bị họ xem không phải là quốc gia). Nhưng trên thực tế, họ đã tuyên bố chủ quyền phi pháp ở hầu hết Biển Đông, chiếm đóng và làm thay đổi hiện trạng các đảo tranh chấp. Lời biện minh của họ là để hỗ trợ gìn giữ hòa bình, chống cướp biển và các sứ mệnh nhân đạo. Đối với các hòn đảo nhân tạo với đường băng quân sự ở Biển Đông, họ nói đây đơn thuần là những hành động phòng thủ.
biển đông
Ảnh chụp vệ tinh ngày 16/6/2017 cho thấy các công trình mới của Trung Quốc trên bãi Đá Chữ Thập, Biển Đông (Ảnh: AMTI/CSIS)
Với phương Tây, Economist cho rằng ông Tập không gây rối để tìm cách phá hoại các nền dân chủ và làm mất ổn định phương Tây như người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, ông lại quá “khoan dung” đối với các hành vi gây rối của đồng minh thân cận Triều Tiên. Và một số hành vi quân sự của Trung Quốc đã gây báo động các nước láng giềng, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn ở Ấn Độ và Nhật Bản.
Củng cố quyền lực chính trị
Trong nước, tờ Economist nhận định ông Tập tin rằng ngay cả một sự nới lỏng chính trị nhỏ nhoi cũng có thể làm lung lay uy quyền của mình, và đe dọa cả chế độ. Sự sụp đổ của Liên Xô ám ảnh ông. Ông không những không tin tưởng những kẻ thù mà các cuộc thanh trừng của ông nhắm tới, mà cả tầng lớp trung lưu sử dụng điện thoại thông minh đang phát triển nhanh ở Trung Quốc. Ông dường như quyết tâm thắt chặt kiểm soát xã hội Trung Quốc, nhất là bằng cách tăng cườngnăng lực giám sát của nhà nước, và duy trì khả năng kiểm soát của đảng đối với nền kinh tế.
Tất cả điều này sẽ làm cho Trung Quốc kém thịnh vượng hơn khả năng của nó và trở thành một nơi “dè dặt hơn” để sống, Economist trên ấn bản báo giấy. Vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc tiếp tục diễn ra nghiêm trọng khi ông Tập phải gánh chịu di họa đàn áp từ người tiền nhiệm. Cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp đối với hàng triệu học viên Pháp Luân Công từ năm 1999 đến nay. Đó là một trong số lý do chính khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Trung Quốc vào danh sách các nước đội sổ về tự do tín ngưỡng.
Có một số dấu hiệu cho thấy dường như ông Tập Cận Bình muốn chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gặp phải nhiều chỉ trích gay gắt trên thế giới vì những vi phạm nhân quyền này. Ông Tập chưa có động thái chính thức nào, nhưng đã loại bỏ nhiều quan chức tham gia vào cuộc đàn áp, thông qua chiến dịch chống tham nhũng mang tên “đả hổ diệt ruồi”. Ngay cả những tay chân thân tín nhất của họ Giang nay cũng đã bị ngồi tù và muốn lập công chuộc tội bằng việc tố cáo “ông chủ cũ” của mình.
Có tham quyền cố vị?
Những nhà dân chủ đã từng than khóc vì “10 năm mất mát” do cải cách dưới thời người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào của ông Tập. 10 năm nay đã trở thành 15 năm, và có thể thêm nhiều năm nữa. Nhưng một số người lạc quan lập luận rằng giới quan sát chưa thấy được “con người thật” của ông Tập, vì ông chưa tập hợp đủ quyền lực. Đại hội Đảng sắp tới sẽ giúp ông củng cố quyền lực của mình, và sau đó ông sẽ bắt đầu cải cách xã hội-kinh tế một cách nghiêm túc, dựa trên những thành công tương đối của ông trong việc hạn chế tham nhũng.
Tuy nhiên, những người hoài nghi lo ngại ông Tập cũng tham quyền cố vị như một số lãnh đạo tiền nhiệm. Và ông Tập được cho là không muốn bước xuống vào năm 2022, khi nhiệm kỳ hiện nay của ông chấm dứt. Để chuẩn bị cho ngày đó, có lẽ ông sẽ tập trung thâu tóm quyền lực nhiều hơn nữa.
Theo các nhà phân tích, không ai nên có quá nhiều quyền lực. Quyền lực tập trung quá lớn ở một người là công thức cho sự bất ổn ở Trung Quốc, như đã từng xảy ra trong quá khứ – dưới thời Mao Trạch Đông và Cách mạng Văn hoá của ông ta. Đây cũng là một công thức cho hành vi tùy tiện ở nước ngoài, Economist nhận định.
Trung Dung
Xem thêm: