Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Phép màu chiến lược của châu Á đã chấm dứt?

Posted on  by The Observer

Print Friendly, PDF & Email
Nguồn: Richard N. Hass, “The End of Asia’s Strategic Miracle?”, Project Syndicate, 16/08/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thanh Mai | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vẫn còn quá sớm để biết được liệu thách thức từ những chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên có được giải quyết không và giải quyết như thế nào. Nhưng lại không là quá sớm để xem xét thách thức này có ý nghĩa ra sao đối với một phần của thế giới vốn có lịch sử đầy đối đầu trên nhiều phương diện.
Cái tên mỹ miều “Phép màu châu Á” có ý diễn tả mức độ thần kỳ của sự tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia châu Á trong nửa thế kỷ qua. Nền kinh tế khởi sắc đầu tiên là Nhật Bản. Mặc cho sự giảm tốc trong những thập niên gần đây và dù có dân số tương đối nhỏ, quốc gia này vẫn giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Sự nổi lên của Trung Quốc bắt đầu muộn hơn một chút nhưng cũng không kém phần ấn tượng: quốc gia này đã đạt được mức tăng trưởng GDP trung bình hai con số qua ba thập kỷ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong hiện tại. Ấn Độ, vốn sẽ sớm trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, gần đây cũng đạt tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng 7-8 % một năm. Mười nước thành viên ASEAN cũng có mức tăng trưởng trung bình 5% trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, phép màu của nền kinh tế châu Á đương đại còn phụ thuộc vào một phép màu mang tính chiến lược ít được bàn đến: sự duy trì hòa bình và trật tự. Kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào giữa những năm 1970, châu Á nổi bật bởi sự vắng bóng những cuộc xung đột lớn bên trong và giữa các quốc gia. Đây là một thành tích làm cho khu vực này khác hẳn với châu Phi, châu Âu, Trung Đông và thậm chí là Mỹ Latinh.
Sự ổn định này còn lạ kỳ hơn vì châu Á vốn là nơi tồn tại hàng loạt các tranh chấp chưa được giải quyết. Khi Thế chiến II kết thúc năm 1945, Nhật Bản và Nga đã không ký được hòa ước, phần lớn là do những tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril mà Nhật Bản gọi là vùng Lãnh thổ phương Bắc. Tám năm sau, chiến tranh Triều Tiên cũng kết thúc mà không có một hòa ước chính thức, để lại một bán đảo bị chia cắt và vũ trang hóa nặng nề.
Ngày nay, những yêu sách lãnh thổ đối nghịch nhau – hầu hết có liên quan đến Trung Quốc – tiếp tục nhen nhóm căng thẳng trên khắp châu Á. Nhật Bản bị cuốn vào cuộc tranh chấp với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông. Hơn nửa tá các nước châu Á khác bất đồng sâu sắc với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ấn Độ cũng đang đối đầu với Trung Quốc tại đường biên giới chung lâu đời ở vùng Himalaya.
Bất chấp tất cả những căng thẳng trên, châu Á nhìn chung vẫn duy trì được hòa bình, một phần là vì không một quốc gia nào muốn đe dọa sự phát triển kinh tế bằng cách châm ngòi một cuộc xung đột. Quan điểm này được liên hệ một cách rõ ràng nhất với Đặng Tiểu Bình. Trong quá trình dẫn dắt nền kinh tế Trung Quốc “cải cách và mở cửa” từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1990, Đặng Tiểu Bình đã công khai nhấn mạnh tầm quan trọng của một môi trường ổn định bên ngoài để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế trong nước. Sự phụ thuộc vào các mối quan hệ thương mại khu vực để thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm đã tạo ra một động lực khác trong việc duy trì hòa bình.
Nhưng kinh tế có lẽ không phải là yếu tố duy nhất tạo nên nền hòa bình châu Á. Vì hầu hết các nước châu Á là các xã hội tương đối đồng nhất, có bản sắc quốc gia mạnh mẽ, nên khả năng xung đột nội bộ bùng phát và tràn qua biên giới các quốc gia là khá thấp. Cuối cùng nhưng chắc chắn không kém phần quan trọng, sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Hoa Kỳ tại châu Á – nền tảng củng cố hệ thống đồng minh khu vực vững mạnh – đã khiến các quốc gia châu Á giảm bớt nhu cầu phát triển những chương trình quân sự lớn của riêng mình, và đồng thời giữ vững nguyên trạng vốn kiềm chế sự mạo hiểm bằng vũ lực.
Những yếu tố này đã đóng góp vào nền hòa bình và ổn định ở châu Á, tuy nhiên, không nên coi chúng như những điều hiển nhiên có. Quả thật, những yếu tố này đang chịu những sức ép ngày một gia tăng – đe dọa đến phép màu chiến lược vốn tạo điều kiện cho sự thần kỳ của nền kinh tế châu Á.
Điều gì đã thay đổi? Trước hết, sự đi lên về kinh tế đã cho phép Trung Quốc mở rộng năng lực quân sự. Vì Trung Quốc theo đuổi một chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán – được thể hiện qua tranh chấp biên giới của quốc gia này với Ấn Độ và những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông – các quốc gia khác càng bị thúc đẩy phải gia tăng chi tiêu quân sự cho riêng mình. Khi điều đó xảy ra, một bất đồng hoặc một sự cố sẽ có nhiều khả năng leo thang trở thành xung đột hơn.
Trong khi đó, Hoa Kỳ – cường quốc duy nhất có khả năng cân bằng lại Trung Quốc – dường như đang rút khỏi vai trò truyền thống của mình ở châu Á. Chính quyền tổng thống Donald Trump đã rút quốc gia này khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, và đã chất vấn các đồng minh về vấn đề chi tiêu quốc phòng (hạn chế) và sự mất cân bằng thương mại kéo dài (với Mỹ). Nhìn chung, sự bất định ngày càng tăng của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ có thể làm suy yếu khả năng răn đe và thúc đẩy các đồng minh phải tự lo cho an ninh của mình.
Nguyên nhân trực tiếp nhất của sự bất ổn tiềm tàng là Triều Tiên, vốn không chỉ là mối đe dọa quân sự truyền thống đối với Hàn Quốc mà còn là một mối đe dọa hạt nhân đối với toàn bộ châu Á cũng như với Hoa Kỳ. Điều này  có thể khơi mào một cuộc tấn công phủ đầu khốc liệt từ phía Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ kiềm chế không hành động quân sự, hậu quả cũng có thể không kém phần tàn khốc nếu Triều Tiên tấn công thực sự. Ngay cả chỉ lời đe dọa tấn công đơn thuần cũng có thể gây bất ổn nếu nó thúc đẩy các đồng minh đang lo âu của Hoa Kỳ, như Hàn Quốc và Nhật Bản, tăng chi tiêu quân sự và xem xét lại quan điểm không sở hữu vũ khí hạt nhân của họ.
Nếu bất cứ viễn cảnh nào trong những điều trên xảy ra thì những hệ lụy sẽ có ảnh hưởng sâu rộng. Ngoài những thiệt hại về con người, chúng sẽ đe dọa đến sự thịnh vượng kinh tế không chỉ của châu Á mà còn của toàn bộ thế giới. Đặc biệt, một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể hủy hoại một mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế kỷ 21.
Tin vui là không điều nào trong đó sẽ chắc chắn xảy ra. Các chính phủ vẫn còn thời gian để thực hiện kiềm chế, tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và xem xét lại những chính sách đe dọa gây mất ổn định. Tuy nhiên không may là chúng ta lại đang sống trong một thời kỳ trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và đôi khi là của sự lãnh đạo vô trách nhiệm. Thêm vào đó là những dàn xếp quân sự-chính trị khu vực chưa đầy đủ và cũng không có gì chắc chắn rằng sự khôn ngoan sẽ chiến thắng bất cẩn, hay liệu nền hòa bình độc đáo kéo dài hàng thập niên qua của châu Á sẽ được đảm bảo.
Richard N. Hass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, từng là Giám đốc Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush tại Bắc Ireland và điều phối viên chương trình Vì tương lai Afganistan. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “A world in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order”.
Copyright: Project Syndicate 2017- The End of Asia’s Strategic Miracle?

Không có nhận xét nào: