Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

Lời bình của GS Nguyễn Đăng Hưng sau khi đọc bài viết của ông Trương Tấn Sang

Nguyễn Đăng Hưng
8-1-2018
“Lịch sử giúp chúng ta hiểu về hiện tại, dự báo tương lai”
Hôm nay, Ông Trương Tấn Sang, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đăng trên báo Nhân Dân, Thanh Niên và Dân Trí một bài viết rất đáng được quan tâm.
Ông đề cập đến những vương triều chính thống của dân tộc Việt, thời Trần, thời Lê, với những suy ngẫm về lẽ thịnh suy trong lịch sử. Đặc biệt ông đề cao vai trò và hành động “phản biện” của những các tầng lớp nho sỹ các thời bấy giờ. Về cụ Chu Văn An, ông viết:
“Hơn 100 năm kể từ khi vị Hoàng đế đầu tiên của Trần triều, vào buổi sáng sớm cái ngày mà quan Tư nghiệp Quốc tử giám Chu An (Chu Văn An), bậc quốc sư dạy dỗ cho hai Hoàng đế Hiến Tông và Dụ Tông, phải chấm tay áo gạt nước mắt, treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi về quê dạy học, kinh thành Thăng Long vẫn vắng lặng. Tờ sớ mà ông liều thân xin chém đầu 7 tên gian thần đầu triều vẫn nằm im đâu đó trong mật viện hay trên long án… Đó cũng là cái ngày báo hiệu cho sự lung lay và sụp đổ của vương triều Trần từng một thời rực rỡ”.
Ông nhắc đến vị vua trí thức đời nhà Lê và lòng cung kính tin dùng kẻ sỹ:
“Triều Lê với những vị hoàng đế anh minh như Lê Thánh Tông, người lệnh cho danh sĩ Thân Nhân Trung soạn văn bia với câu ‘hiền tài là nguyên khí quốc gia’, đã dựa vào các nhân tài để tạo dựng hàng loạt những giá trị văn hiến truyền lại cho đời sau, đưa Đại Việt lên hàng cường quốc trong khu vực”.

Ông cũng trích dẫn và bình luận một cách xác đáng:
“Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) có tổng kết 5 nguy cơ dẫn đến quốc gia suy vong là: Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt. Cả 5 điều ấy đều là những yếu tố bên trong. Dân tộc Việt Nam không bao giờ sợ giặc ngoại xâm, chỉ sợ những người cầm quyền không đủ dũng khí để tự sửa mình, để thực hành nghiêm khắc nội bộ”.
Khá lâu rồi ta mới thấy một nhân vật từng là Chủ Tịch nước, từng là thành viên cao cấp của Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam đề đạt và suy ngẫm về chính sách hiện nay, nhằm soi sáng những bước đi chính trị tương lai, mà dựa trên lịch sử dân tộc truyền thống, nhất là đề cao vai trò của tầng lớp trí thức.
Đây là nét mới đáng ghi nhận, nhất là nó được đăng tải chính thức trên báo Nhân Dân! Sẽ lạc quan quá đáng nếu ta cho đây là bước ngoặt thể hiện xu hướng mới của Ban Tuyên giáo?
Riêng cá nhân tôi, tôi hoan nghênh tinh thần này, tinh thần dựa vào bài học lịch sử ngàn năm của dân tộc để tìm lối ra cho những ách tắc vô cùng rối rắm hiện nay.
Tôi sẽ hoan nghênh hơn nếu ông Trương Tấn Sang xác định rõ hơn những bài học này, đặc biệt cách đào tạo và sử dụng trí thức ngày nay ở Việt Nam… Thí dụ như ngày xưa các quan được tuyển lựa nghiêm túc qua các kỳ thi, mà giai cấp nông dân hay giai cấp quan quyền đều bình đẳng ghi danh ứng thí! Còn chúng ta, đã có một thời, dưới mái nhà xã hội chủ nghĩa vào đại học đã bị hạn chế vì lý lịch và ngày nay, việc xử dụng cán bộ không được chế tài nghiêm túc mà ngược lại, những thói quen cơ cấu thân hữu, bà con thân thuộc đã thành một thông lệ tràn lan từ cấp trung ương đến các cấp tỉnh, huyện, xã…
Tôi cũng sẽ hoan nghênh hơn nếu cựu Chủ tịch nước thấy được rằng thời xưa ta gọi là phong kiến, quyền tự do sáng tác là điều có thật mà thời nay phải học hỏi. Thời xưa không hề có cái “ban tuyên giáo”, các “cục biểu diễn”… ngăn cấm văn nghệ sỹ sáng tác, sinh hoạt theo xu hướng tự do. Ta còn nhớ vua Tự Đức tuy rất cay cú với nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều vì câu thơ: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Ngài đã không vì một câu thơ “khi quân” của Truyện Kiều mà ra lệnh đốt hết sách của Nguyễn Tiên Điền hay bỏ Đoạn trường Tân thanh vào cối giã để lấy giấy tái chế!
Ngoài ra, nếu lấy lịch sử dân tộc ra làm bài học cho hôm nay và ngày mai thì theo tôi, điều cốt lõi nhất là phải noi gương, là tinh thần quật cường dân tộc, truyền thống đoàn kết gắn bó giữa giới cầm quyền và người dân trong công cuộc tạo sức mạnh tổng hợp, chống xâm lược phương Bắc, dù kẻ thù có nhất thời hung hãn mạnh bạo đến bao nhiêu.
Đó là “Tuyên Ngôn Độc Lập” của Lý Thường Kiệt, đó là “Hịch Tướng Sỹ” của Trần Hưng Đạo, đó là Hội Nghị Diên Hồng, đó là “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi, đó là lời thề giữa ba quân của Hoàng Đế Quang Trung trước khi tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh.
Các vương triều Đại Việt, qua lời nói và việc làm, đã bảo vệ giang sơn đất nước, đã hun đúc cho giống nòi chúng ta lòng yêu nước thương dân, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, vận dụng khí giới vô giá đó mà củng cố lực lượng, bảo vệ bờ cõi cho Đại Việt trường tồn qua lịch sử ngàn năm. Các vương triều đất Việt đi ngược lại lòng dân hay làm mất lòng dân đều tạo điều kiện cho phương Bắc thôn tính, nước nhà bước vào vòng nô lệ!
Hơn bao giờ hết, ngày nay trước hiểm họa lãnh thổ, lãnh hải bị xâm phạm, trước nguy cơ Biển Đông bị chiếm đoạt, chính quyền nên ghi nhận bài học này.
Cái nguy hiểm trước mắt là những sai lầm chính trị, những biện pháp đàn áp đáng tiếc, phát sinh ra đối kháng giữa dân và nhà cầm quyền: Đồng Tâm, Formosa, BOT Cai Lậy, trưng thu đất dai làm dự án…
Mong thay ý tưởng dựa vào lịch sử dân tộc sẽ không dừng lại ở đây mà còn được các nhà hoạch định đường lối, chính sách, triển khai thêm trong tương lai.
Việt Nam ngày nay rất cần những giải pháp có thực chất trong giai đoạn kiến tạo, đổi mới đợt hai, thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên, sớm đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển bền vững, dân chủ, văn minh.
____
Bài viết ông Trương Tấn Sang đã được đăng ở nhiều báo trong nước, như báo Nhân Dân: Lịch sử giúp chúng ta hiểu về hiện tại, dự báo tương lai ; báo Thanh Niên; báo Dân Trí

Không có nhận xét nào: