“Bệnh thành tích” với nhiều hệ lụy không phải là vấn đề gì xa lạ với xã hội ngày nay. Nhưng thành công trong đời một người lại không phụ thuộc vào thành tích học tập của bạn ra sao.
Bạn có biết rằng hơn 36% các tỷ phú trên thế giới không hề có bằng đại học và hầu như những người thành công bậc nhất trên thế giới đều không phải là người có thành tích học tập tốt chẳng hạn như Bill Gate, ông trùm kinh doanh Richard Branson, nữ doanh nhân kiêm diễn viên, nhà sản xuất nổi tiếng Drew Barrymore, tỷ phú Alan Sugar…
Và bạn có biết tỷ lệ thất nghiệp cao lại nằm ở phần nhiều các sinh viên học sinh có bằng đại học, tình trạng thừa thầy thiếu thợ xảy ra khá phổ biến. Nhiều công ty lại tuyển dụng người có kinh nghiệm và năng lực để làm việc chứ không phải là bạn có bao nhiêu tấm bằng đại học hay tấm bằng của bạn ra sao
Vậy thành công sự nghiệp trong đời của một người không hề phụ thuộc vào việc bạn học tập tại ghế nhà trường tốt như thế nào mà nó nằm ở việc bạn xác định mục tiêu trong đời của mình là làm gì, có phù hợp với sở thích niềm đam mê của bạn hay không, và phần lớn nằm ở kỹ năng mềm mà bạn có được khi giao tiếp ngoài xã hội.
Con trai học tập rất kém nhưng cha luôn vui vẻ không phàn nàn
Có một cậu bé lúc nhỏ học tập rất kém, kiểm tra luôn sai, không được 60 điểm, không đạt tiêu chuẩn. Một năm nọ, cậu vô cùng khó khăn mới kiểm tra được hơn sáu mươi điểm, rất vui mừng cậu cầm bài về khoe với cha.
Lúc đó cha cậu đang ăn cơm, ông đặt bát xuống không ngừng cười to. Anh chị của cậu đều cảm thấy kỳ lạ, kiểm tra tệ như vậy sao cha còn cười được. Cha nói:“Những năm nay cha luôn tìm người kế nhiệm mình, bây giờ cuối cùng tìm được rồi”.Cậu bé nghe xong cảm thấy không ổn, bởi vì cha của cô là nông dân, ba đời trước cũng đều là nông dân. Cậu thì không muốn làm nông dân, vì vậy sau này phải cố gắng nỗ lực học tập.
Khi thi đại học, năm thứ nhất không thi đậu, năm thứ hai lại thi rớt, cho đến năm thứ ba cuối cùng cũng có thể thành công. Điểm chuẩn của đại học là 361 điểm, cậu thi được 361,5 điểm, khi về đến nhà, cậu viết một dòng chữ thật to trên một tờ giấy đỏ dán trước cửa nhà, đó là“Chúc mừng Lâm Thanh Huyền đã đề tên bảng vàng”.
Cậu được xem như hạt giống nảy mầm, từ khi học lớp ba đã có ước mơ trở thành tác giả, bắt đầu từ tiểu học đã tập viết 500 từ một ngày, khi trung học mỗi ngày viết 1000 từ, lên phổ thông mỗi ngày viết 2000 từ, khi học đại học mỗi ngày luyện viết 3000 từ, cứ như vậy kiên trì, cho đến bây giờ đã viết ra 131 cuốn sách.
Và người ấy chính là nhà văn người Đài Loan nổi tiếng Lâm Thanh Huyền với hàng trăm tác phẩm nổi bậc đặc biệt về các câu chuyện Phật Giáo.
Trẻ càng có ít áp lực thì càng sáng tạo
Đối với cha mẹ thì con cái luôn là niềm hy vọng nên không ít người đã gây áp lực cho trẻ nhỏ, luôn ra yêu cầu cho chúng phải đạt điểm cao trong các kỳ thi, mà không nắm bắt được năng khiếu hay niềm đam mê của chúng là gì, bắt con trẻ học những gì người lớn thích và người lớn cảm thấy tốt, la rầy khi chúng bị điểm kém, cho con học ngày học đêm học thêm đủ loại, chạy đua theo thành tích như một căn bệnh. Mà những đứa trẻ càng bị gây áp lực thì sẽ càng mất khả năng sáng tạo làm những gì mình thích, khả năng thiên bẩm sẽ không được phát huy và ngày càng mất đi.
Cha nhà văn Lâm Thanh Huyền thì ngược lại, ông không hề gây áp lực học tập cho cậu. Sở thích văn chương của cậu được tự do sáng tạo và tôi luyện từ nhỏ nên đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp khi lớn lên.
Hãy cho trẻ tự do thể hiện tố chất của mình
Mỗi một loại đất sẽ thích hợp trồng một loại thực vật khác nhau chứ không phải chỉ cùng một loại duy nhất. Ví dụ như trên dốc núi thì trồng măng, chuối, trên đất cát thì trồng dưa hấu, dưa vàng Hami. Rrong đất bùn thì trồng khoai môn. Cũng như thế mỗi đứa trẻ sẽ có những tố chất khác nhau, những đứa trẻ phát triển não trái sẽ thiên về tư duy logic thì có thể thành luật sư, nhà toán học, kinh doanh. Trẻ phát triển não phải thiên về sáng tạo nghệ thuật thì có thể làm các lĩnh vực liên quan đến thời trang, hội họa, làm đẹp.
Vì vậy khi cha mẹ quan tâm cho trẻ tự do thể hiện tố chất thiên bẩm của mình thì trẻ sẽ trở thành hạt giống nảy mầm tốt, còn nếu gàn ép theo một khuôn mẫu nhất định, giáo dục chúng như nhau thì cũng giống như một giống cây tốt nhưng trồng ở vùng đất không thích hợp rồi cũng sẽ trở nên yếu ớt không phát triển được vậy.
Thay vì soi vào thành tích học tập hãy xem cách trẻ lý giải cảm nhận cuộc sống như thế nào
Có một câu chuyện như thế này, ở Đài Loan có một học sinh, cha là nông dân, làm nghề trồng dứa, bởi vì muốn xác định độ ngọt của dứa, mà trên từng quả dứa ông phải gõ xuống ba cái, qua nhiều năm, ngón tay gõ dứa vừa to vừa thô. Học sinh này rất đau lòng khi nhìn thấy cha như vậy, cho nên phát minh ra một chiếc máy có khả năng gõ xuống ba cái là xác định được độ ngọt của dứa, sau đó đã giành được Huy chương vàng Giải thưởng phát minh của Anh.
Học sinh này cũng không phải là một người học tập xuất chúng, nhưng chính tình thương cha đã giúp em làm được điều kỳ diệu.
Và có một đứa trẻ khác, bố mẹ làm nghề Photocoppy do đó máy móc rất hay hư hỏng, mỗi lần sửa chữa rất tốn tiền. Biết hoàn cảnh nhà còn khó khăn cậu đã tự mày mò và sửa chữa được tất cả các máy móc khi có sự cố nên đã giảm bớt chi phí cho ba mẹ rất nhiều. Cậu bé cũng không phải là người có thành tích học tập tốt, thi đại học đến hai lần mới đậu nhưng cũng phải rất khó khăn và chỉ ở mức điểm sàn.
Những người tinh anh trên thế giới ngày nay cũng không phải là những học sinh đứng đầu khi đi học, mà là những người thường đứng ở vị trí từ bảy đến mười bảy. Những người này thường có mối quan hệ rất tốt với mọi người, họ có thể làm bạn với người đứng đầu nhưng cũng chơi thân với người đứng cuối. Họ có cách lý giải cuộc sống cũng khá phong phú nhờ các mối quan hệ giao tiếp ngoài xã hội. Khi một đứa trẻ biết cảm nhận cuộc sống, tinh thần thoải mái thì sẽ càng có sáng ý.
Bồi dưỡng học vấn không quên bồi dưỡng giá trị đạo đức cho trẻ
Có câu nói“Tiên học lễ, hậu học văn”, “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”,vì vậy nên việc bồi dưỡng đạo đức cho trẻ từ nhỏ còn quan trọng hơn cả bồi dưỡng học vấn. Khi trẻ có nền tảng đạo đức tốt sẽ có khí chất tốt, từ đó mà có năng lực nắm bắt cuộc sống, biết yêu thương, trân trọng mọi người, xem sự đau khổ của bản thân là nhỏ đi mà có khả năng nghị lực đối mặt với các trở ngại.
Đặc biệt khi một đứa trẻ được bồi dưỡng đức hạnh tốt sẽ hiểu rõ nguyên lý nhân sinh trong kiếp sống này, từ đó có thể hiểu được mục đích sống bản thân mình, tự tin cởi mở giao tiếp với nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội dù thấp hay cao mà không thấy tự ti hay e ngại. Bởi lẽ chúng hiểu rằng“của cải của một người vốn khi sinh chẳng theo đến, khi chết chẳng đem theo đi, chỉ có đức hạnh mới là cái trường tồn với họ trong những kiếp sống tiếp theo, do đó vốn dĩ con người hơn nhau chỉ bởi đức hạnh”.Và thành công của một người cũng phụ thuộc ở khả năng giao tiếp tự tin này.
Nhà văn Lâm Thanh Huyền cũng từng khuyên con trai của mình khi trưởng thành như thế này“Đại kỳ nguyện, kiên kỳ chí, hư kỳ tâm, nhu kỳ khí“, có nghĩa là một người thành công chỉ cần có một lý tưởng, nguyện ước to lớn, ý chí kiên cường, thái độ khiêm nhường, và khí chất nhẹ nhàng.
Vì vậy thành tích học tập không hề quyết định sự thành hay bại trong đời của một người mà nằm ở thái độ sống của bạn như thế nào. Do đó chúng ta không thể nhìn vào đó để phán đoán một người cũng như các bậc phụ huynh cũng không nên nhìn vào đó mà gây áp lực cho con trẻ.
Nhã Thanh – Khải Phong
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét