Từ xưa đến nay, một động tác không thể thiếu trong quá trình an táng người đã khuất đó là đắp một tấm khăn lên mặt của họ. Nhiều người đã chứng kiến qua cảnh tượng này nhưng không phải ai cũng biết ý nghĩa thực sự của nó.
Có rất nhiều nghi lễ an táng cho người đã khuất nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. (Ảnh: Pixabay)
Ở các vùng nông thôn, người ta thường lưu lại rất nhiều những tập tục mai táng. Những tập tục này được lặp đi lặp lại cho tới khi trở thành thông lệ. Tuy nhiên, khi hỏi vì sao lại có tập tục như vậy thì không mấy người có thể giải thích được. Chẳng hạn, vì sao phải che mặt người chết bằng vải trắng hay giấy mỏng? Hoặc vì sao thân nhân phải trông chừng người chết qua đêm?
Có rất nhiều cách giải thích cho hành động này, theo nhiều thông tin ghi lại thì thói quen này bắt nguồn từ câu chuyện của một vị vua ở Trung Quốc. Vào hơn 2000 năm trước, Ngô Vương Phù Sai sau khi dẫn đại quân tiêu diệt nước Việt đã bắt sống Việt Vương Câu Tiễn về làm nô lệ. Tuy nhiên, Câu Tiễn không hề sa sút ý chí mà ngày đêm nếm mật nằm gai, tuy khom lưng quỳ gối, cung phụng tiền bạc mỹ nữ cho Phù Sai, nhưng lại âm thầm tính kế báo thù.
Phù Sai sau đó cho rằng Câu Tiễn đã cải tạo tốt, liền để ông ta quay trở lại nước Việt. Đại thần Ngũ Tử Tư sau khi nghe được tin này đã ra sức khuyên can, nói:“Câu Tiễn mang tâm bất chính, trước mặt bệ hạ làm ra vẻ đáng thương, nhưng kỳ thực ông ta tâm ý ngoan cường, bệ hạ ngàn lần không thể để Câu Tiễn trở về nước, cần phải tiêu diệt ông ta để trừ hậu họa”.
Ngô Vương Phù Sai nghe xong thì nổi giận đùng đùng, nói: “Ngươi lại dám nghi ngờ khả năng nhìn người của ta sao? Vậy từ giờ ngươi không cần phải vào triều nữa”. Ngô Vương ném một thanh kiếm xuống, muốn Ngũ Tử Tư tự sát để tạ tội.
Sau khi Ngũ Tử Tư tự sát, quả nhiên chỉ sau 10 năm Việt Vương Câu Tiễn đã xây dựng được lực lượng rất lớn mạnh, cuối cùng tiến vào tiêu diệt nước Ngô, rồi cũng ban cho Ngô Vương Phù Sai một thanh kiếm để ông ta tự sát.
Việt Vương Câu Tiễn nếm mật nằm gai để chờ cơ hội báo thú. (Ảnh: Kknews)
Cầm thanh kiếm trên tay, Ngô Vương vạn lần cảm khái, hận chính mình lúc trước không chịu nghe lời khuyên của Ngũ Tử Tư. Trước khi chết, Phù Sai nói với thủ hạ của mình: “Sau khi ta chết, hãy dùng vải trắng phủ lên mặt của ta, ta thực sự không còn mặt mũi nào nhìn Ngũ Tử Tư nữa”.
Đây chính là ghi chép sớm nhất về phong tục phủ vải trắng lên mặt người chết. Về sau, phong tục này chầm chậm được lưu truyền xuống.
Về việc dùng vải trắng che mặt người chết còn có một cách giải thích khác, chính là để phòng ngừa hiện tượng chết giả. Bởi vì trước kia tại vùng nông thôn, có người sau khi trúng độc của rắn, liền xuất hiện hiện tượng chết giả. Nghe nói đã từng có một nông dân trúng độc rắn mà chết, thân nhân liền mang đi mai táng. Vài năm sau khi bốc mộ, lại phát hiện người chết đã sống lại, thi thể không phải nằm ngửa mà lại nằm sấp xuống.
Bởi vậy, thân nhân của người chết cần phải thường xuyên túc trực bên cạnh linh cữu, khi phủ lên mặt người chết tấm vải trắng hoặc giấy mỏng, nếu như người đó chưa chết thì khi thở sẽ dễ phát hiện, giúp người nhà nhận ra người đó vẫn còn sống.
Theo góc độ y học mà xét, sau khi chết thân thể cũng như khuôn mặt của con người bắt đầu phân hủy, đậy vải lên có thể giúp xác chết tránh khỏi sự xâm nhập từ vi khuẩn bên ngoài.
Nhiều nơi có thói quen an táng 2 đến 3 ngày, nên trong thời gian đó khuôn mặt đã có thể bị biến dạng, việc che mặt giúp người đến đưa tang bớt sợ. Đặc biệt hành động này còn bày tỏ sự tôn trọng người chết, nên đắp khăn để bụi bẩn không rơi vào mặt người đã khuất.
Tuệ Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét