Bài báo hé lộ vài nội dung trong Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông Duy Nhất của ASEAN – Trung Quốc.
Thêm chú thích |
Vào ngày 3 tháng 8 vừa rồi, Ngoại trưởng của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng người đồng cấp Trung Quốc đã loan báo sự đồng thuận về một Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo Bộ Quỵ tắc Ứng xử ở Biển Đông Duy Nhất (sau đây gọi là Văn Bản) làm cơ sở cho việc thông qua một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.
Văn Bản này dài 19 trang khổ A4. Nó được cấu trúc gồm 3 phần chính theo Thoả thuận Khung Bộ quy tắc Ứng xử đã được thông qua trước đây – những điều khoản tiền đề, những điều khoản chung, và những điều khoản cuối cùng. Văn Bản được mã hoá theo màu sắc như sau: màu đen cho nội dung được lấy từ Khung COC, màu xanh da trời cho nội dung đã được thống nhất, và màu xanh lá cây là những ý kiến mà 11 bên đưa vào.
Văn Bản lặp lại những từ ngữ trong Khung COC rằng đây “không phải là một công cụ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ hoặc phân định biển”. Ở phần 2 của Những Nguyên tắc Chung, Malaysia thêm vào một thông báo như sau:
Các Bên tiếp tục công nhận rằng COC không giải quyết hoặc không ảnh hưởng đến lập trường của các Bên về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc giải quyết tranh chấp, ranh giới biển, hoặc các quyền lợi hàng hải các Bên được cho phép theo luật quốc tế về biển và được ghi nhận / phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Giới hạn về độ dài không cho phép bài viết phân tích và tổng kết đầy đủ Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất này. Bài viết này tập trung vào 5 vấn đề chính được đề cập trong Văn Bản: phạm vi địa lý áp dụng COC; vấn đề giải quyết tranh chấp; nghĩa vụ hợp tác; vai trò của các bên thứ ba; và tình trạng pháp lý của Bộ Quy tắc cuối cùng về Ứng xử ở Biển Đông.
Phạm vi địa lý
Văn Bản không xác định rõ ràng phạm vi địa lý trên Biển Đông được áp dụng. Ở phần Những Điều Khoản Chung, Việt Nam đề xuất rằng, “Bộ quy tắc Ứng xử hiện tại sẽ áp dụng cho tất cả các thực thể đang trong tranh chấp và những vùng biển chồng lấn do những yêu sách theo UNCLOS 1982 ở Biển Đông.” Indonesia thì thêm vào, “các Bên cam kết tôn trọng Vùng Đặc Quyền Kinh Tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo quy định trong UNCLOS 1982.
Malaysia đề xuất, “tuỳ thuộc vào các yếu tố/nội dung của COC, phạm vi địa lý/phạm vi áp dụng có thể cần phải được xác định,” trong khi Singapore thì bình luận “các Bên có thể sẽ muốn cân nhắc về sự tiện ích của việc thêm một phần về định nghĩa các thuật ngữ sẽ được sử dụng trong đây.”
Giải quyết Tranh chấp
Một phần lớn Văn Bản được dành cho các vấn đề phòng ngừa, quản lý và giải quyết tranh chấp Biển Đông giữa các bên. Tuy nhiên Văn Bản không có bất kỳ tham chiếu cụ thể nào đối với các cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc có trong Phụ lục VII UNCLOS.
Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp, Indonesia đề xuất như sau:
Các Bên nhất trí, khi thích hợp, sẽ sử dụng Hội đồng Cấp Cao của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với sự đồng ý của các Bên liên quan, để giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến các sự cố có thể xảy ra trên Biển Đông.
Các Bên đồng ý rằng bất kỳ sự cố nào chưa được giải quyết sẽ được chuyển tới một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp của quốc tế, với sự đồng ý của Các Bên liên quan.
Việt Nam đề xuất rằng các bên giải quyết tranh chấp “thông qua đàm phán hữu nghị, điều tra, trung gian, hoà giải và những biện pháp khác theo thoả thuận của các Quốc gia Thành viên.” Nếu những biện pháp đó không thành công, Việt Nam đề nghị các bên tranh chấp “sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo những điều khoản tương ứng của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.”
Việt Nam kết luận rằng không có bất kỳ điều gì trong COC “sẽ ngăn cản” việc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình phù hợp theo Điều 33(1) của Hiến chương Liên Hợp quốc. Điều 33 bao gồm “các biện pháp [giải quyết tranh chấp] khác” như trọng tài, Toà án quốc tế, sử dụng các cơ quan hay thoả thuận khu vực, hoặc những biện pháp hoà bình khác được quyết định bởi các bên liên quan.
Văn Bản có hai lựa chọn để giám sát việc thực hiện. Lựa chọn thứ nhất, được ủng hộ bởi Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Malaysia, và Singapore, đặt trách nhiệm vào Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc. Lựa chọn thứ hai, được đề xuất bởi Việt Nam, kêu gọi việc thiết lập một Uỷ ban lãnh đạo bởi các Ngoại trưởng hoặc đại diện của các quốc gia.
Nghĩa vụ Hợp tác
Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất có nguồn gốc từ những điều khoản trong UNCLOS rằng các quốc gia ký kết có nghĩa vụ hợp tác bảo vệ môi trường biển trong một biển nửa kín và trong khi đang chờ giải quyết tranh chấp, các quốc gia ký kết cần tham gia vào những thoả thuận có tính thực tiễn.
Phần 2 (Các Điều Khoản Chung), tiểu mục c (Những cam kết cơ bản) gồm 6 điểm: i (Nghĩa vụ hợp tác), ii (Đẩy mạnh hợp tác hàng hải có tính thực tiễn), iii (Tự kiềm chế/Thúc đẩy lòng tin và sự tín nhiệm), iv (Phòng ngừa sự cố), v (Quản lý sự cố), và iv (Các cam kết khác, phù hợp với luật quốc tế, để đáp ứng các mục tiêu và nguyên tắc của COC).
Phần 2.c có lẽ là phần được tranh luận nhiều nhất trong Văn Bản. Ví dụ, phần này bao gồm giải thích dài tỉ mỉ 4 lựa chọn về nghĩa vụ hợp tác và thúc đẩy hợp tác hàng hải thực tế, nối tiếp bởi hai bộ chọn lựa về tự kiềm chế/thúc đẩy lòng tin, và kết thúc là thảo luận về ba điểm còn lại. Tiếp sau đó Văn Bản còn chứa đựng một đề xuất bởi Việt Nam thay thế toàn bộ phần 2.c (Những cam kết cơ bản) với 27 điểm quy định những điều các quốc gia phải làm và không được làm.
Trong phần 2.c (i và ii), Philippines, Indonesia và Singapore, Trung Quốc và Campuchia, đã lần lượt đề xuất bốn lựa chọn riêng biệt về nghĩa vụ hợp tác. Ngoại trừ lựa chọn Trung Quốc đề xuất, tất cả các lựa chọn khác về cơ bản đều bao gồm năm lĩnh vực hợp tác trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Chúng bao gồm: bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn giao thông và liên lạc ở biển, và chống tội phạm xuyên quốc gia. Đề xuất của Indonesia bổ sung đánh bắt trái phép vào danh sách của DOC về tội phạm xuyên quốc gia – bao gồm buôn bán ma túy trái phép, cướp biển và cướp vũ trang trên biển, và giao thông có vũ trang bất hợp pháp. Campuchia thì đề xuất kết nối biển.
Đề xuất của Trung Quốc thì có phần chồng chéo với những lựa chọn khác nhưng đáng chú ý ở chi tiết mà nó cung cấp trên sáu lãnh vực hợp tác – bảo tồn nguồn cá, hợp tác an ninh và luật biển, đi lại và tìm kiếm cứu nạn trên biển, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường, kinh tế biển bao gồm hợp tác trong lãnh vực thuỷ sản và dầu và khí, và văn hoá biển.
Quan trọng nhất là về hợp tác kinh tế biển, Trung Quốc đề xuất là sự hợp tác chỉ được thực hiện bởi các quốc gia ven biển “và không được hợp tác với các công ty từ những nước ngoài khu vực.” Ngược lại, Malaysia lại đề nghị rằng không có gì trong COC “sẽ ảnh hưởng… quyền hoặc khả năng của các Bên tiến hành các hoạt động cùng với nước ngoài hoặc các tổ chức tư nhân do họ tự lựa chọn.”
Hai lựa chọn được đề xuất ở phần 2.c.iii với tiêu đề “Tự kiềm chế/Thúc đẩy lòng tin và sự tín nhiệm. Lựa chọn đầu tiên được liệt kê bởi Indonesia gồm bốn biện pháp: đối thoại giữa các quan chức quốc phòng và quân đội, đối xử nhân đạo với người gặp nạn, tự nguyện thông báo về các cuộc tập trận chung hay kết hợp sắp diễn ra, và thường xuyên trao đổi thông tin liên quan.
Lựa chọn thứ hai trong phần 2.c.iii có 7 điểm, trong đó 5 điểm được đề xuất bởi Trung Quốc, một được đề xuất bởi Philippines và điểm cuối cùng được đề xuất chung bởi Trung Quốc và Philippines.
Điểm đầu tiên Trung Quốc đề xuất là “các hoạt động quân sự trong khu vực là để dẫn tới tăng cường lòng tin lẫn nhau.” Trong đề xuất thứ hai Trung Quốc kêu gọi giao lưu giữa các lực lượng quốc phòng và quân đội bao gồm “tàu quân sự ghé thăm cảng của nhau và tuần tra chung một cách thường xuyên.” Đề xuất thứ 3 kêu gọi thường xuyên tập trận chung giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN.”
Điểm thứ tư Trung Quốc đề xuất:
Các Bên sẽ thiết lập một cơ chế thông báo các hoạt động quân sự, và thông báo cho nhau các hoạt động quân sự chính nếu thấy cần thiết. Các Bên không được tập trận chung với các nước ngoài khu vực, trừ khi các bên liên quan đã được thông báo trước và không phản đối.
Điểm đề xuất thứ năm của Trung Quốc lưu ý rằng các tàu và máy bay quân sự được hưởng quyền miễn trừ quốc gia và được “miễn trừ tài phán bởi bất cứ quốc gia nào khác ngoài quốc gia mà tàu đăng ký.” Hơn nữa, tàu và máy bay quân sự được hưởng quyền tự vệ “nhưng phải có sự lưu tâm thích đáng đến các tàu và máy bay quân sự của bên còn lại..”
Trung Quốc và Philippines cùng thêm vào điểm thứ sáu gọi là “đối xử công bằng và nhân đạo cho tất cả những ai đang gặp nguy hiểm hoặc gặp nạn ở Biển Đông.”
Cuối cùng, Philippines đề xuất điểm thứ 7 bao gồm “tôn trọng việc ngư dân thực hiện những quyền đánh cá truyền thống… [và] tiếp cận các thực thể địa lý và ngư trường truyền thống.”
Việt Nam đã đưa ra một bảng đề xuất riêng của mình thay thế toàn bộ những điều trên trong Phần 2.c. Việt Nam đề nghị rằng các Quốc gia Thành viên tôn trọng “các vùng biển được quy định và thiết lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.” Việt Nam cũng đề xuất rằng Các Quốc gia Thành viên cần cung cấp thông báo trước 60 ngày về cuộc tập trận chung/kết hợp sắp diễn ra” ở Biển Đông.
Việt Nam cũng đề xuất một hướng dẫn cụ thể về những gì Quốc gia Thành viên không nên làm, bao gồm xây dựng trên bất kỳ đảo nhân tạo nào, quân sự hoá các thực thể, phong toả tàu chở lương thực hay luân chuyển nhân sự, tuyên bố Khu vực Nhận diện Phòng không, và tiến hành các các cuộc mô phỏng tấn công tàu và máy bay của các quốc gia khác.
Vai trò của Các Bên Thứ Ba
Các bên thứ ba là những quốc gia không tham gia ký kết COC. Không có tham chiếu nào trong Văn Bản về việc gia nhập COC của các bên thứ ba. Brunei đề xuất rằng “sau khi COC có hiệu lực, các Bên có thể đề xuất Nghị quyết Đại hội đồng Liên hợp quốc hai năm một lần để đảm bảo tất cả các quốc gia khác tôn trọng những nguyên tắc có trong COC.
Như lưu ý ở trên, đề xuất của Trung Quốc trong Văn Bản là nhằm ràng buộc các quốc gia thành viên ASEAN trong COC và giới hạn nếu như không phải là loại trừ sự tham gia của các bên thứ ba.
Tình trạng pháp lý
Văn Bản không có tham chiếu nào cho thấy COC là một hiệp ước theo luật quốc tế. Mặc dù nó có một đề xuất của Việt Nam rằng Các Quốc gia Thành viên “đã đồng ý ràng buộc bởi Bộ Quy tắc Ứng xử hiện hành…” Việt Nam cũng đề nghị COC “phải được phê chuẩn theo thủ tục nội bộ tương ứng của các Quốc gia ký kết” và văn bản phê chuẩn sẽ được gửi cho Tổng thư ký ASEAN – người “sẽ đăng ký” COC theo đúng điều 102 Hiến chương Liên Hợp quốc.
Cả Brunei và Việt Nam đã đề nghị một cách độc lập rằng không Quốc gia Thành viên nào có sự bảo lưu nào đó khi ký kết COC.
Nội dung hiện tại của Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất là đầy đủ theo tham chiếu luật quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng. Nhưng nó không đề cập đến nghĩa vụ của nhà nước các bên đối với UNCLOS là phải lập tức tuân thủ những phán quyết đã được ban hành thông qua các trình tự trọng tài thành lập theo Phụ lục VII.
Văn Bản này vẫn đang là một “tài liệu sống,” nghĩa là các bên vẫn có thêm hoặc bớt trong văn bản dự thảo. Nội dung của Văn Bản bao gồm khả năng sẽ bổ sung thêm các hướng dẫn và quy trình trong phụ lục
Văn Bản này cũng là một công trình vẫn còn đang trong tiến trình mà dự kiến sẽ trải qua ít nhất ba lần thảo luận trước khi tiến tới một Bộ Quy tắc cuối cùng về Ứng xử ở Biển Đông.
Carl Thayer
Dịch giả: Nhật Minh - Diplomat
(Tiếng Dân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét