Cuộc Chiến được toan tính |
Thực ra Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc tấn công về kinh tế như một sự phản đòn bởi chính mình là kẻ khởi động trước. Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã dùng chính sách bẫy nợ cùng một loạt các chương trình đầu tư thông qua các hiệp định song và đa phương, thiết lập Nhất đới Nhất lộ trải dài khắp các châu lục để vừa thông thương vừa có thể kiểm soát được tình hình thế giới. Bắc Kinh đã đầu tư xuyên địa cầu, từ Á, Âu, Mỹ tới Phi. Và đây là một cuộc xâm lăng mềm, tức về mặt kinh tế, mà khi đã phụ thuộc về kinh tế ắt sẽ lệ thuộc về chính trị, và nó cũng là điều kiện để hiện diện về quân sự một khi có các sự biến liên quan đến công dân của nước này tại nước sở tại mà công dân của họ có mặt.
Hoa Kỳ đương nhiên biết được sự trỗi dậy của Trung Quốc là một mối nguy và sự đe doạ tiệm tiến. Không chỉ về mặt kinh tế đơn thuần, mà là sự lớn mạnh về quân sự cũng như vấn đề vũ trang. Tuy nhiên, Mỹ hành động vì Trung Quốc là một quốc gia cộng sản hung hăng với phương châm bá quyền và bành trướng để đạt được mục đích. Nó dẫn tới những hiểm hoạ và gây phương hại tới sự vận hành lành mạnh của các hệ giá trị mà Hoa Kỳ đã dày công gây dựng hàng thế kỷ: là nhân quyền, luật pháp và văn hoá giao thương.
Chính vì sự xâm lấn về kinh tế đó dẫn tới rất nhiều hệ luỵ và có thể phá vỡ các khối liên minh cũng như những quan hệ bang giao tốt đẹp vẫn được duy trì. Cùng với việc Trung Quốc đã trục lợi về kinh tế và công nghệ trên sự mềm mỏng và lơ là của Mỹ, dẫn đến thặng dư thương mại nghiêng hẳn về Trung Quốc, nhưng đó vừa là điểm yếu những cũng lại là điểm mạnh của Mỹ trong việc đặt ra như một điều kiện thiết yếu khi hành động. Mỹ đã thực hiện cuộc chiến thương mại. Đầu tiên là tăng lãi suất đồng USD lên thêm 0.25%. Tiếp theo là Nhà trắng đưa ra một loạt các mức thuế suất rất cao đánh vào các mặt hàng của Trung Quốc, tăng dần cả về mức thuế lẫn tỷ trọng và số lượng hàng hoá. Đương nhiên, Hoa Kỳ cũng mở các cuộc điều tra trên toàn quốc để tiêu diệt gián điệp Trung Quốc dưới cái mác nhà khoa học hay doanh nhân, kỹ sư. Tức vừa tấn công trực diện từ bên ngoài lại vừa tấn công quyết liệt từ bên trong để dọn sạch những mớ bòng bong nguy hại đang chằng chịt bủa vây khiến nước Mỹ bị băm vằm và què quặt.
Việc này khiến cho Trung Quốc không thể trở tay kịp, vì nền kinh tế nước này vốn vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu đối với các nước lớn ở châu Âu và Mỹ, nhất là những mặt hàng về công nghệ và gia công. Đương nhiên là với một nền kinh tế nửa thị trường nửa kế hoạch hoá do nhà nước kiểm soát và can thiệp mạnh mẽ, các doanh nghiệp luôn phải tuân thủ tuyệt đối các chỉ lệnh từ chính quyền và như vậy, những hệ quả phát sinh từ cuộc chiến sẽ làm cho các doanh nghiệp này không thể tự mình có cách gì cứu vãn được tình thế mà lại phải trông chờ vào nhà nước.
Mỹ cũng lại đang cân nhắc tới khả năng gia nhập vào CPTPP vừa được thông qua bởi 11 nước sau khi sửa đổi, trong đó có Nhật Bản, một nước đồng minh lớn. Nhưng nó vẫn được cho là một vấn đề còn để ngỏ.
Cuộc chiến thứ hai, quan trọng hơn cả, đồng thời với mặt trận kinh tế, là quân sự và chính trị. Hoa Kỳ đã giãn tách được Triều Tiên với Trung Quốc về mức độ gắn kết dựa vào vấn đề hạt nhân. Làm giảm tình hình căng thẳng kéo dài nhiều thập kỷ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên bằng các cuộc gặp gỡ liên tiếp. Đặt Đài Loan làm trung tâm của vấn đề chia tách chính sách Một Trung Quốc (công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, công khai bán vũ khí cho họ). Ngay cả Henry Kisinger, mộ con người hết lòng ủng hộ chính sách One China, cũng nhiệt tình tán thành những hành động này của Nhà trắng. Tiếp theo là tiến hành cô lập Trung Quốc thông qua việc tạo ra trục liên kết quan trọng Mỹ - Ấn - Nhật. Song cùng là việc kéo Nga lại gần mình hơn để không cùng một lúc phải căng mình chống lại hai nước lớn. Điều này Nga biết nhưng vẫn tranh thủ sự ủng hộ của phương Tây hơn là xích lại với Trung Quốc, vì từ thời cộng sản, hai nước này còn căng thẳng đến mức xảy ra đụng độ quân sự và chiến tranh biên giới với nhau hay tranh giành vị thế anh cả trên trường cộng sản quốc tế. Liên minh Châu Âu rõ ràng có những xung khắc nhất định với Trump về nhiều vấn đề, nhưng với họ, đương nhiên Hoa Kỳ là một cường quốc đáng tin và đáng trọng hơn hẳn một Trung Hoa bặm trợn và lưu manh. Nên việc liên kết với nhau trong cuộc chiến thương mại vừa rồi là một minh chứng rõ nét về nhận định này.
Chúng ta thấy được rằng, đây không phải một cuộc chiến đơn thuần được quyết định trong chốc lát, mà hẳn phải là một chiến dịch được chuẩn bị và có toan tính kỹ lưỡng từ lâu cũng như được nhìn nhận là một công cuộc dài hơi.
Trump đang hành động như thời mà Ronald Reagan đã làm với Liên Xô: thứ nhất là vực dậy một nước Mỹ lớn mạnh về kinh tế là ưu tiên hàng đầu; thứ hai là đầu tư vào quân sự để chạy đua vũ trang. Chính hai hành động này đã khiến cho Hoa Kỳ vững mạnh hơn trong khi Liên Xô chao đảo và dẫn tới sự sụp đổ toàn diện. Khi thực hiện hai chiến lược đó, Hoa Kỳ đã đồng ý rằng cần phải tạm thời để cho Trung Quốc được rảnh tay tập trung xây dựng con đường của riêng mình mà không được xích lại gần Liên Xô mà rồi trở thành một đối cực mạnh hơn với Mỹ.
Tổng thống Trump đặc biệt yêu mến (ngưỡng mộ) ông Churchill và Reagan, hai con người mà đã chống cộng sản mãnh liệt và kiên trung đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời. Churchill góp phần đánh bại chế độ Phát xít, còn Reagan làm suy vong chế độ cộng sản - hai chế độ toàn trị.
Mọi thứ ra sao, hãy còn phải chờ xem, nhưng mọi diễn biến vừa qua đều cho thấy những dấu hiệu về một cuộc chiến không khoan nhượng giữa hai trường chủ nghĩa dường như là đối địch nhau. Và chúng ta cần phải kịp nhận ra những chuyển biến của thời cuộc để đưa ra những quyết định và lựa chọn sáng suốt, nếu không sẽ không kịp có cơ hội để thực hiện điều đó hoặc nếu có thì sẽ phải trả những cái giá quá lớn về sau.
Luân Lê
(FB Luân Lê)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét