Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Nga – Nhật nồng ấm, ''Bộ Tứ'' dễ bề kiềm chế Trung Quốc

Trọng Thành

mediaCuộc họp 2+2 Nga-Nhật. Từ phải qua trái, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Shoigu, ngoại trưởng Nhật Kono, ngoại trưởng Nga Lavrov và bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Onodera, Matxcơva, 31/07/2018.REUTERS/Maxim Shemetov
Từ hơn nửa năm nay, chủ trương hợp tác "Bộ Tứ" (bao gồm bốn quốc gia Mỹ-Nhật-Úc-Ấn) tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, để kiềm chế thế lấn tới của Trung Quốc, được quảng bá rộng rãi. Thế nhưng vai trò của nước Nga ra sao trong cục diện mới này ? RFI giới thiệu các nhận định của tiến sĩ Vinay Kaura. Theo chuyên gia Ấn Độ, nếu quan hệ Nga – Nhật nồng ấm, "Bộ Tứ" sẽ dễ bề hợp tác, ngăn chặn tham vọng thống trị của Bắc Kinh.





Bài viết của tiến sĩ Vinay Kaura (1), chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại Học Sarday Patel, bang Rajasthan, được đăng tải hôm qua, thứ Ba 31/07/2018, đúng vào ngày diễn ra cuộc đối thoại theo cơ chế 2+2, giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Nga – Nhật. Về phía Nga, có ngoại trưởng Serguei Lavrov và bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigou, về phía Nhật là ngoại trưởng Taro Kono và bộ trưởng Quốc Phòng Itsomori Onodera.
Đối thoại 2+2 với một quốc gia không đồng minh
Nhà nghiên cứu Ấn Độ đặc biệt chú ý đến cuộc họp Nga – Nhật ngày hôm qua, thứ Ba 31/07/2018, tại Matxcơva, theo cơ chế 2+2. Vậy vì sao cơ chế này lại được chú ý như vậy ?

Theo tiến sĩ Vinay Kaura, cơ chế 2+2 nói trên vốn chỉ dành cho các đồng minh thân thiết, trong khi đó Nga và Nhật vốn hoàn toàn không phải như vậy, chưa kể trong suốt lịch sử thế kỷ 20, hai quốc gia này lại thường là đối thủ của nhau. Trong cuộc chiến đầu tiên năm 1904-1905, Nhật xâm chiếm lãnh thổ của Nga, và ngược lại trong cuộc chiến thứ hai (Thế Chiến Hai), Nga chiếm đất của Nhật.
Năm 1956, Nhật Bản và Liên Xô ký kết một tuyên bố đình chiến và thiết lập quan hệ ngoại giao, thế nhưng một hiệp đinh hòa bình chính thức song phương vẫn chưa đạt được, do các tranh chấp về lãnh thổ. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Matxcơva và Tokyo đều giữ khoảng cách. Trong suốt hai thập niên gần đây, nhiều nỗ lực đã được tiến hành để cải thiện quan hệ song phương, nhưng không mấy kết quả.
Chính vì vậy, việc Nga – Nhật thiết lập cơ chế đối thoại 2+2 kể từ tháng 11/2013, được coi là một nỗ lực mang tính đột phá, mang lại hy vọng đưa quan hệ song phương sang một thời kỳ mới (một điều đáng chú ý là Tokyo và Matxcơva thiết lập cơ chế đối thoại nói trên chỉ một tháng sau khi Mỹ-Nhật thực thi đầy đủ cơ chế đối thoại hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng – người viết).
Cuộc khủng hoảng Ukraina, với việc Nga sát nhập bán đảo Crimée của nước này, khiến quan hệ giữa Matxcơva và Tokyo đột ngột lâm vào khủng hoảng, với việc Nhật Bản tham gia vào các trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên cũng chính Nhật Bản là nước phương Tây đầu tiên nối lại các đối thoại cấp bộ trưởng với Nga. Trong chuyến công du Nhật của tổng thống Nga Putin, tháng 12/2016, một cuộc đối thoại 2+2 lần thứ hai giữa Nga và Nhật đã được tổ chức vào tháng 3/2017 (xem thêm : Hội đàm Nga – Nhật: Bắc Triều Tiên và tranh chấp Kuril là trọng tâm).
Trung Quốc : Nga vừa hợp tác, vừa lo
Vì sao Nhật Bản nỗ lực để cải thiện quan hệ quốc phòng và ngoại giao với Nga ?
Theo chuyên gia Ấn Độ, một trong lý do cơ bản để Tokyo hết sức cố gắng để cải thiện quan hệ với Nga là để không cho Matxcơva và Bắc Kinh xích lại gần nhau, đặc biệt về mặt quân sự, bởi một trục Nga – Trung khăng khít sẽ gây khó khăn cho các hợp tác chiến lược khác của Nhật, đặc biệt trong đó có trục hợp tác Bộ Tứ, bao gồm Mỹ - Nhật - Ấn và Úc (tức Quad - chữ viết tắt của Quadrilateral Security Dialogue).
Như vậy, việc quan hệ Nga – Nhật nồng ấm không chỉ có ý nghĩa cho quan hệ song phương, mà còn mang lại một thay đổi hết sức quan trọng cho cục diện chiến lược của toàn bộ châu Á.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ý thức rõ môi trường an ninh phức tạp ở Đông Bắc Á, nơi có một Trung Quốc đang ngày càng độc đoán, một Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi đó chính sách của Hoa Kỳ ngày càng trở nên khó lường đoán, khi nhà tỉ phú Donald Trump tiền hậu bất nhất trị vì tại Nhà Trắng.
Một đối trọng với Bắc Kinh
Triển vọng hợp tác Nga - Nhật trong tình thế mới này ra sao ?
Trước hết phải ghi nhận là, về phía nước Nga, Matxcơva có nhiều quan hệ mật thiết với Bắc Kinh về kinh tế và chiến lược. Một liên minh khăng khít với Trung Quốc, có thể giúp chính quyền Putin củng cố uy thế trên trường quốc tế, thế nhưng Matxcơva cũng không muốn hỗ trợ cho tham vọng gia tăng của Trung Quốc, muốn trở thành « siêu cường châu Á duy nhất », tạo nên một hệ thống lưỡng cực mới, trong thế đối đầu với Hoa Kỳ.
Để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt « chiến lược », Nga cũng cố gắng phát triển các quan hệ với các cường quốc châu Á khác, đặc biệt là với Nhật Bản và Việt Nam. Chính quyền Putin hiểu rằng có thể sử dụng quan hệ với Nhật Bản để đối trọng với Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Matxcơva và Tokyo liên tục có các thương lượng để tìm ra một giải pháp bền vững cho xung đột chủ quyền lâu nay, liên quan đến quần đảo Kuril, do Nga kiểm soát, mà Nhật Bản gọi là « các vùng lãnh thổ phương Bắc ». Những vùng lãnh thổ mà, theo Tokyo, đã bị quân đội Liên Xô chiếm đóng từ năm 1945.
Nhật cũng có nhiều kế hoạch hợp tác kinh tế với Nga tại các đảo tranh chấp, để tăng cường lòng tin. Cụ thể là trong năm lĩnh vực, nghề cá, trồng cây trong nhà kính, du lịch, năng lượng gió và xử lý rác thải. Matxcơva hiện đang xem xét ký kết một thỏa thuận với Nhật, xây một cây cầu dài 28 hải lý, nối liền hòn đảo Sakhalin của Nga, với đảo lớn Hokkaido, cực bắc Nhật Bản.
Đặc biệt là Nhật và Nga đang hướng đến các hợp tác an ninh mật thiết. Cuốn Sách Xanh mới nhất của bộ Ngoại Giao Nhật (Diplomatic Bluebook 2017) mô tả quan hệ song phương với Nga là « có tiềm năng hết sức lớn lao », đồng thời khẳng định quan hệ này sẽ đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực (xem thêm : Nga muốn tổ chức thượng đỉnh Nam-Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản).
Nhân tố hàn gắn
Về phần mình, Ấn Độ có thể làm gì để thúc đẩy quan hệ Nga – Nhật ?
Ấn Độ không chỉ hợp tác mật thiết với Nga mà cả với Nhật. Đây là hai quốc gia duy nhất mà New Delhi tổ chức hàng năm các hội kiến ở cấp thượng đỉnh, với Nga là từ năm 2000, và với Nhật là từ năm 2006. Quan hệ đặc biệt, lâu bền này khiến Ấn Độ có thể trở thành một nhà trung gian, hay một nhà môi giới hòa giải, mà Matxcơva và Tokyo có thể mời đến, mỗi khi quan hệ song phương Nhật – Nga gặp trục trặc.
Matxcơva vốn nhìn Bộ Tứ Ấn Độ -Thái Bình Dương với cặp mắt ngờ vực. Nhưng Ấn Độ và Nhật Bản cũng là thành viên của Bộ Tứ. Nếu cảm thấy bị liên minh Bộ Tứ đe dọa, Nga có thể siết chặt quan hệ với Trung Quốc. Chính ở đây mà Nhật Bản và Ấn Độ có vai trò rất lớn trong việc gây dựng lòng tin với Nga. Bởi hai quốc gia châu Á này không chia sẻ quan điểm của chính quyền Mỹ, coi nước Nga là một  « thách thức lớn về an ninh », một quốc gia gây bất ổn. Như vậy, Bộ Tứ, với hai thành viên Nhật - Ấn, chắc chắn sẽ không phải là một khối lập ra để đối đầu với Nga.
Trong lúc Ấn Độ thể hiện rõ ràng là không làm gì để bị coi như là ngăn chặn lợi ích hay ảnh hưởng của Nga, thì Nhật Bản vẫn tiếp tục đón tiếp các quan chức quân sự cao cấp của Nga vốn bị phương Tây trừng phạt. Cuộc gặp không chính thức giữa thủ tướng Ấn và tổng thống Nga tháng 5/2018 tại Sotchi cũng chính là dịp để New Delhi khẳng định Nga không phải là đối tượng của liên minh Bộ Tứ (2).
Chuyên gia Ấn Độ kết thúc bài phân tích với nhận định : quan hệ Nga với Trung Quốc không tránh khỏi những mặt tiêu cực. Mỗi lần như vậy Matxcơva có thể tìm lại thế cân bằng thông qua mối quan hệ chiến lược với Nhật Bản và Ấn Độ.
 
Ghi chú
(1) Tiến sĩ Vinay Kaura là phó giáo sư khoa Quan Hệ Quốc tế và Nghiên cứu An Ninh, Đại Học Sardar Patel (Sardar Patel University of Police, Security, and Criminal Justice).
(2) Nhà nghiên cứu Vinay Kaura tỏ ra không mấy tin tưởng vào diễn biến « tích cực » mới đây trong quan hệ Ấn – Trung, sau thượng đỉnh Tập Cận Bình – Narendra Modi tại Vũ Hán, cuối tháng 4/2018. Theo ông, « thỏa thuận Vũ Hán » chỉ có ý nghĩa như một sự hòa hoãn, khiến vùng biên giới phía bắc của Ấn Độ tạm thời không bị Trung Quốc quấy phá.

Không có nhận xét nào: