Người dân ở Mỹ và các nước phương Tây có thể gọi Donald J. Trump với rất nhiều cái tên khác nhau, nhưng ở Trung Quốc, nhiều người đang gọi ông là “Chuan Da Ye” (tạm dịch: ông Trump vĩ đại).
“Chuan” là cách phát âm tiếng Trung cho Trump. “Da” (đại), có nghĩa là to lớn hay vĩ đại, và “Ye” (gia) có nghĩa là ông nội, hoặc nghĩa rộng hơn là một người đàn ông lớn tuổi. Vì vậy từ “Chuan Da Ye” có thể được dịch đại khái là “ông Trump vĩ đại”.
Đối với những người biết rõ tiếng Trung, từ “Da Ye” cũng mang ý nghĩa là sự khẳng định, tôn trọng, tầm ảnh hưởng, quyền lực,… Khi người ta gọi ai đó là “Da Ye”, thường có nghĩa là họ sẵn lòng ủng hộ người này, ít nhất là về phương diện đạo đức. Và họ muốn đứng về phía ông hơn là phản đối.
Mặc dù các phương tiện truyền thông chính thức bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát mô tả phương Tây và Mỹ là “lực lượng thù địch phương Tây”, nhưng nhiều cư dân mạng Trung Quốc biết cách vượt tường lửa Great Firewall của Trung Quốc đã thể hiện thiện ý với ông Trump bằng cách gọi ông là “Chuan Da Ye”. Họ vừa thích tính cách và sự cứng rắn của ông vừa ngưỡng mộ sự giàu có và thành công của ông trong cuộc sống.
Hành động đáp trả
Ý nghĩa sâu xa của biệt danh mà một số người Trung Quốc đặt cho ông Trump là vì ông dám đứng lên chống lại ĐCSTQ vốn đã đàn áp người dân Trung Quốc trong nhiều thập niên qua.
Vì bản thân họ không có can đảm hay có khả năng chống lại ĐCSTQ, nên nhiều người Trung Quốc rất vui mừng khi thấy ông Trump làm như vậy.
Trong vụ bê bối vắc-xin giả xảy ra gần đây ở Trung Quốc khiến hàng trăm ngàn trẻ em nguy kịch vì tiêm vắc-xin DPT không hiệu quả, nhiều phụ huynh Trung Quốc vô cùng tức giận và đăng rất nhiều bình luận trên mạng xã hội cho Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc, yêu cầu chính quyền Trump “loại bỏ ngay chính phủ xấu xa này”.
Một số người thậm chí còn đánh dấu tọa độ của hai nhà máy giả mạo dữ liệu và bán vắc-xin không hiệu quả trên bản đồ, để yêu cầu Mỹ tiêu diệt các nhà máy sản xuất “vũ khí hóa học” này bằng tên lửa hành trình Tomahawk.
Người ta vẫn còn nhớ trong vụ bê bối công thức sữa trẻ em nhiễm hóa chất Melamine vào năm 2008 ở Trung Quốc, công lý không hề được thực thi. Theo số liệu chính thức, 300.000 đứa trẻ đã mắc bệnh, 54.000 em nhập viện và 6 em tử vong.
Thay đổi chính trị
Một số nhà trí thức, nhà bình luận, và những người ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc nghĩ rằng ông Trump có thể đạt được nhiều thành công hơn nữa bằng cách thay đổi chính trị thông qua các công cụ kinh tế.
Jin Yan, nhà bình luận người Trung Quốc, đã viết trên báo rằng, kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống, thế giới đã được chứng kiến những thay đổi chưa từng xảy ra từ sau Chiến tranh Lạnh.
Jin Yan cho rằng ông Trump đã dễ dàng đánh bại các nỗ lực “hợp tung” (hội nhập theo chiều dọc) của ĐCSTQ bằng chiến lược “liên hoành” (hội nhập theo chiều ngang) của mình.
Cả “hợp tung” và “liên hoành” đều là những chiến lược rất nổi tiếng của Trung Quốc từ thời kỳ Chiến Quốc (475–221 TCN). Trong thời gian đó, các quốc gia nhỏ đã cố gắng hình thành các liên minh để cùng chiến đấu chống lại các quốc gia lớn hơn.
Theo Jin, mặc dù Trung Quốc muốn áp dụng chiến lược “hợp tung” và hình thành một liên minh với châu Âu để phản đối Mỹ trong cuộc chiến thương mại, nhưng bằng cách nào đó ông Trump đã chuyển mũi dùi về phía Trung Quốc và đạt được một thỏa thuận “không thuế” và “không trợ cấp” với Châu Âu.
Ông nghĩ rằng Nhật Bản, Úc, Canada, và thậm chí cả Nga cũng sẽ kết thân với Mỹ hơn Trung Quốc; điều đó chứng tỏ ông Trump là một nhà chiến lược tài ba.
Thế giới đã đánh giá thấp ông Trump
Wang Shan, một phóng viên tiếng Trung của Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI), cho rằng cả “kẻ thù” và “bạn bè” của ông Trump đều đánh giá thấp ông, đặc biệt khi ông quyết tâm không để các nước khác lợi dụng lợi thế của Mỹ, cũng như quyết tâm chấm dứt các trật tự giao dịch không công bằng được hình thành trong 30 năm qua. Vì quyết tâm đó, Trump đã làm mọi việc theo cách riêng của mình, ngay cả khi các nhà lãnh đạo thế giới và các phương tiện truyền thông lên án ông.
Wang nghĩ rằng thế giới cũng đã đánh giá thấp khả năng của Trump khi ông tuyên bố một cuộc chiến kinh tế chống lại thế giới. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, nền kinh tế Mỹ đã vượt trội so với nhiều nền kinh tế khác và trở nên hùng mạnh hơn. Do đó, Trump có đủ “quân trang” để thực hiện một cuộc chiến chống lại các quan hệ thương mại không công bằng.
Mặt khác, các nước như Trung Quốc ngày càng trở nên phụ thuộc vào Mỹ. Nếu cuộc chiến thương mại càng ngày càng dấn sâu hơn, chính quyền Trung Quốc lấy gì để đấu lại đây? Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ ít hơn xuất khẩu, vì vậy họ không thể địch được thuế quan của Mỹ.
‘Cuộc chiến toàn diện’
Tang Hao, một nhà bình luận người Trung Quốc, cho rằng ông Trump đang có một “cuộc chiến toàn diện” chống lại ĐCSTQ. Ông nói:
“Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là cuộc chiến thương mại quốc tế như những gì thể hiện trên bề mặt. Trên thực tế, đó là một cuộc chiến giữa bản chất của ĐCSTQ và nhân loại, một cuộc chiến giữa các nguyên tắc phổ quát của thế giới và văn hóa đảng của ĐCSTQ. Đó cũng là một cuộc chiến giữa tà ác và chính nghĩa do Mỹ lãnh đạo với sự tham gia của toàn thế giới”.
Chen Kuide, tổng biên tập tạp chí China In Perspective (Thực trạng Trung Quốc), cho rằng ông Trump đang tạo ra “một kỷ nguyên mới”.
“Ban đầu, nhiều người, kể cả tôi có quan điểm rất tiêu cực về ông Trump. Ông ấy có nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, ông đã tạo ra một kỷ nguyên mới với tài năng về kinh tế và chính trị của mình”, Chen nói với một phóng viên của Thời báo Epoch Times tiếng Trung.
Chen nói rằng ông Trump đã phá vỡ được trạng thái hình thành từ thế kỷ trước và có thể tạo nên những thay đổi thực sự.
Nhà kinh tế học William Yu thuộc tổ chức dự báo uy tín UCLA Anderson Forecast, cho rằng ông Trump đang có quyết tâm mạnh mẽ giúp Trung Quốc cải cách và trở thành một đất nước tốt hơn, với một hệ thống kinh tế tốt hơn.
“Ông Trump rất kiên định và có ý thức mạnh mẽ về đâu là đúng và sai. Về mặt chính trị quốc tế, ông ấy không sợ hãi và rất can đảm. Tôi cảm thấy ông ấy rất giống với cựu Tổng thống Reagan 30 năm trước”, Yu nói.
“Trong những năm 1980, Liên Xô đã chiến đấu với Mỹ [lúc đó] do ông Reagan lãnh đạo và cuối cùng sụp đổ. Tình hình bây giờ cũng tương tự với Trung Quốc”.“Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ có kết quả khá hơn nếu cứ tiếp tục cuộc chiến chống lại Mỹ. Nhiều kết quả bất ngờ có thể kéo theo. Cách tốt nhất là hợp tác với ông Trump”.
Gần đây, một bức ảnh chụp ông Trump bắt tay với cựu Tổng thống Reagan đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc với chú thích: “Reagan nói với Trump: ‘Để tôi hạ gục Đảng Cộng sản Liên Xô trước; rồi anh sẽ thấy cách loại bỏ ĐCSTQ trong tương lai’. Trump trả lời Reagan:‘ Được rồi! Thỏa thuận vậy nhé!'”.
Bảo Long, theo Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét