Sinh ra năm 1955, và sống qua một thời đại đóng cửa đen tối, rồi mở cửa ồ ạt của Trung Quốc, nhà văn Mạc Ngôn đã dùng ngòi bút phát họa nên những kiếp người bị đày đọa trên chính quê hương ông.
Cuốn tiểu thuyết “Sinh tử bỉ lao” (Sống đọa thác đày) của tác giả nổi tiếng Trung Quốc Mạc Ngôn gần đây đã được nhà xuất bản Seuil của Pháp phiên dịch và xuất bản. Bộ tác phẩm này được dịch ra tiếng Pháp có tên gọi là “Quy luật nhân quả luân hồi tàn khốc”. Dưới đây là một đoạn phỏng vấn của ký giả người Pháp Ursula Gauthier của tạp chí “Nhà quan sát mới” (Le Nouvel Observateur) với tác giả Mạc Ngôn.
Tạp chí “Nhà quan sát mới” đã giới thiệu Mạc Ngôn cùng với tác phẩm “Sinh tử bỉ lao” của ông như sau: Mạc Ngôn được đông đảo quần chúng nhìn nhận là tác gia rất quan trọng của Trung Quốc hiện nay. Ông xuất thân từ nông dân, nhưng chính quân đội đã cho ông cơ hội để nghiên cứu và sáng tác. Trong số hơn 80 quyển tiểu thuyết của ông có cả tác phẩm “Cao lương đỏ” được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim ảnh.
Tác phẩm mới của Mạc Ngôn – “Sinh tử bỉ lao” xoay quanh lịch sử xây dựng đất nước Trung Quốc trong 60 năm trở lại đây, miêu tả cho độc giả những mưa gió mà Trung Quốc đã trải qua trong 60 năm qua, thể hiện sự đồng cảm của tác giả đối với phần đông người dân lao động khổ cực.
“Sinh tử bỉ lao” thuật lại, vào 50 năm đầu trong cuộc vận động cải cách ruộng đất, có một địa chủ tên Tây Môn Náo đã bị Đảng Cộng sản trung Quốc (ĐCSTQ) xử bắn. 50 năm sau trong câu chuyện đầu thai chuyển sinh, ông lần lượt đầu thai làm con lừa, trâu, heo, chó và khỉ, cuối cùng lại được đầu thai thành người.
Trong lúc phỏng vấn, Mạc Ngôn nói, trong “Sinh tử bỉ lao”, ông thông qua nhân vật chính Tây Môn Náo biểu đạt cách nhìn của ông đối với thời kỳ đầu kiến lập Trung Quốc với cuộc vận động xã hội to lớn quan trọng, cũng chính là vận động cải cách ruộng đất. Ông cho rằng, ngay lúc đó địa chủ phú nông bị đuổi tận giết tuyệt là tuyệt đối không công bằng. Bởi vì trong bọn họ có rất nhiều người đều dựa vào chính mình vất vả cần cù lao động cùng tính toán tỉ mỉ mới giàu có lên, bọn họ không nên bị xử tử.
Mạc Ngôn tiến thêm một bước chỉ ra rằng, nói một cách tổng thể, nông dân Trung Quốc với tư cách là một chỉnh thể phổ biến đã bị ĐCSTQ ngược đãi. Trong thời đại của Mao Trạch Đông, chính sách giá cả của quốc gia và dự toán phân phối bất hợp lý khiến nông thôn vì sự nghiệp công nghiệp hóa Trung Quốc đã phải bỏ ra một cái giá quá lớn. Mà cho đến hôm nay, con cái của những người nông dân năm đó, đã hợp thành quy mô công nông dân với hơn một tỷ người, bọn họ đã chịu lao động giá rẻ và đãi ngộ thấp kém giúp cho kinh tế Trung Quốc chắp cánh bay lên.
Mạc Ngôn nói: “Nhân vật chính Tây Môn Náo chuyển thế luân hồi vào năm 1949 gặp phải tai ương chính là khắc họa cảnh ngộ của nông dân Trung Quốc. Nông dân Trung Quốc từ năm 1949 trở về sau, hoàn toàn bị đối đãi như dê bò, bọn họ bị tước đoạt tự do, bị đuổi cả đàn cả lũ mà vào công xã nhân dân; bọn họ phải tuân thủ kỷ luật, khi âm thanh còi vang lên mới được nghỉ ngơi, người khác gọi họ trồng hoa màu gì thì họ trồng hoa màu đó.Tuy rằng nông dân Trung Quốc trong thế kỷ 20 thập niên 80 đã từng có một chút tự do, nhưng mà hoàn cảnh của họ ngay sau đó liền ngày càng sa sút. Chính như nhân vật chính Tây Môn Náo, cho dù bản thân không có gì để chỉ trích, nhưng anh ta vẫn như người vô tội mà bị xử bắn, hơn nữa cho dù là ở địa ngục vẫn bị ngược đãi. Nếu như không phải ở anh có trí tuệ xuất sắc cùng tinh thần sống sót ngoan cường, thì sao có thể chịu nổi đãi ngộ như trâu ngựa đây?”.
Như vậy, Diêm La Vương ở âm phủ địa ngục vì sao lại giống như ở nhân gian, đối xử không công bình với Tây Môn Náo như thế? Mạc Ngôn trả lời: “Bởi vì Tây Môn Náo là một người phản kháng. Anh ta trước sau không ngừng kêu gào phải quay về nhân gian để tính sổ với những đao phủ đã sát hại mình. Diêm La Vương cũng như chính quyền Bắc Kinh, cũng sẽ nghiêm khắc trừng trị những người phản kháng”. Mạc Ngôn nói: “Địa ngục kỳ thực tượng trưng cho Trung Quốc, khác biệt duy nhất là ở chỗ, tại địa ngục, con người không thể bị một phát súng bắn chết, mà sẽ bị cưỡng bức đầu thai chuyển thế làm lợn, dê, bò, các loại động vật”.
Phóng viên của tạp chí “Nhà quan sát mới” chú ý tới việc Mạc Ngôn sử dụng rất nhiều từ ngữ Phật giáo trong tiểu thuyết của ông, liền hỏi thăm bản thân ông phải chăng đối với Phật giáo đặc biệt cảm thấy hứng thú. Mạc Ngôn trả lời rằng, Phật giáo, Đạo giáo cùng tư tưởng Khổng Tử là bộ phận trọng yếu tạo thành hệ thống đạo đức Trung Quốc, ông bà của ông tuy là những nông dân không biết nhiều chữ nghĩa, cũng chưa từng xem qua kinh Phật, nhưng cũng như đại đa số nông dân Trung Quốc vậy, có thể dùng giáo lý nhân quả báo ứng của Phật giáo mà giải thích sự thật trong cuộc sống.
Trên thực tế, quy luật nhân quả luân hồi khiến dân chúng có thể khắc chế những kích động phá hoại từ nội tâm, mà tiếp tục nhẫn nại đi tiếp. Mạc Ngôn bình thản nói, những lúc ông gặp phải khó khăn và trở ngại, cũng thường truy tìm giải thoát trong Phật giáo.
Trong tiểu thuyết “Sinh tử bỉ lao” còn một nhân vật chính khác là Lam Liễm cũng nhận được sự chú ý của tạp chí “Nhà quan sát mới”, vì Lam Liễm không chịu hòa nhập vào tập thể, cự tuyệt đem phần đất của mình giao cho công xã quản lý. Mạc Ngôn trong lúc phỏng vấn còn cường điệu nói, với ông, nhân vật Lam Liễm đưa ra một vấn đề hết sức quan trọng, đó chính là chủ nghĩa cộng sản có thực sự là một chế độ xã hội có thể thực hiện được không?
Mạc Ngôn cho là không thể được, đây là trái với nhân tính. Ông cho rằng, chỉ có xã hội mà một ngàn người cũng chỉ có một gương mặt mới có thể thống nhất cách ăn mặc trang điểm, cử chỉ ăn nói của mọi người. Mà trên thực tế, con người có tính cách đa dạng. Phóng viên hỏi, chẳng lẽ không thể tồn tại sự phát triển cá tính dựa trên sự nhẫn nhịn trên tinh thần của cả chỉnh thể sao? Mạc Ngôn cho rằng trong tình huống trước mắt là không thể được.
Tuy nhiên trước mắt xã hội Trung Quốc đối với việc sùng bái tư hữu tài sản khiến cho nhiều khuyết điểm của tư bản chủ nghĩa hiện ra, cũng từ đó mà lý luận chủ nghĩa Mác lại được lần nữa nhận được sự hứng thú từ dân chúng. Có lẽ đáp lại những người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan, xã hội Trung Quốc sẽ có diễn biến hình thức mới trên chỉnh thể. Có lẽ đây cũng là luân hồi có tính chu kỳ. Tuy nhiên, Mạc Ngôn hy vọng trong vòng luân hồi mới lần này, không còn giống như thời đại Mao Trạch Đông trước đây, khiến mỗi người Trung Quốc đều chịu đựng thống khổ to lớn như thế.
Natalie, theo bannedbook.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét