Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

VNTB - 'Chính trị cường quyền đang quay trở lại mạnh hơn': hành động của chúng ta?


Ánh Liên (VNTB) 

Đã lâu lắm rồi, TBT ĐCSVN mới đề cập đến cụm từ ‘chính trị cường quyền’. Đây là cụm từ miêu tả cách chơi của những nước lớn, những nước có vai trò và tác động đến đời sống chính trị - kinh tế thế giới.

Chính trị cường quyền thể hiện đậm nét qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cuộc chiến do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động, uy hiếp trực tiếp tính ‘bá quyền’ của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới; chặn đứng sự trỗi dậy bằng đồng tiền và quân sự của nước này ở sân sau Mỹ - La Tinh, Châu Phi, cũng như tại vùng Biển Đông, Hoa Đông.

Ảnh minh họa.
Tạm rời thế giới, trở lại Việt nam, chính trị cường quyền hiện diện trở lại và mức độ phức tạp còn lớn hơn cả cuộc chiến tranh lạnh, ít nhất là về quy mô phát động và tác động kinh tế trên toàn cầu, nó làm gợi nhớ về cuộc chiến tranh Lạnh - Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và sự sụp đổ Liên Xô sau đó. Do vậy, tính chất của chính trị cường quyền cũng quyết định đến hướng đi của bản thân nhà nước Việt nam, trong đó bao gồm cả việc lựa chọn phe và sự phân giải trong đội ngũ lãnh đạo đảng.

Việt nam, với chiến lược ngoại giao là không thiết lập đồng minh và làm bạn với tất cả các nước, tuy nhiên, thực tế của chiến lược này là sự đu dây có định hướng, lấy vị trí địa lý trở thành một yếu tố cản địa giữa các nước lớn. Tuy nhiên, vì định hướng nên xu hướng lớn nhất vẫn là tập trung vào chiến lược xây dựng ngoại giao với nước lớn – Trung Quốc. Và dĩ nhiên, mô hình và học tập từ Trung Quốc trong xây dựng một thể chế XHCN vững mạnh luôn là bài học đắt giá của Hà nội.

Chắc chắn trong sự vươn dậy của Trung Quốc thời Tập Cận Bình, các nhà ngoại giao Việt nam đã phải nghiền ngẫm rất nhiều về câu nói của Napoleon, theo đó: ‘Hãy để con rồng Trung Quốc ngủ yên, vì khi thức giấc nó sẽ làm rung chuyển thế giới’.

Quả thật, với dân số lớn, nền kinh tế biến chuyển từ công xưởng trở thành một nền kinh tế lớn trên thế giới (tính cho đến nay, nhiều thập niên gần đây gắn liền với với tỷ số hơn 9% GDP); xây dựng sân sau ở nhiều địa vực thế giới; áp dụng AI trong quản lý dân cư, tốc độ tăng trưởng cao nhiều năm; chính trị tiếp tục gia tăng bởi sự đi lên của Tập Cận Bình và chiến dịch đốt lò. Trung Quốc cho thấy một ‘mẫu mực của mô hình XHCN’, và cho niềm tin phía Hà nội rằng, Việt nam cũng sẽ làm được như vậy.

Hà nội cũng nhanh chóng đi theo Bắc Kinh từ lĩnh vực lập pháp cho đến cuộc chiến đốt lò trong ngành công an, quân đội và đội ngũ quan chức cấp cao.

Nhưng giờ đây, Bắc Kinh đang cho thấy mình là con rồng giấy trong cuộc chiến cường quyền với nước Mỹ. Sự phát triển kinh tế trong hệ quy tắc ‘mèo trắng mèo đen miễn sao bắt được chuột’ mỏng manh, yếu đuối trước một nước Mỹ với độ tích lũy tư bản đến gần thế kỷ. Sự già cỗi của nước Mỹ, nền tư bản thâm sâu của nước Mỹ dưới sự dẫn dắt của vị Tổng thống xuất phát từ doanh nhân Donald Trump đã khiến cho Bắc Kinh trở nên lép vế.

Sàn chứng khoán đỏ kéo dài trong nhiều tuần lễ, và sự quỳ gối về mặt phát ngôn khiến Bắc Kinh lép vế trước sức mạnh Mỹ. Và lúc này, ‘con rồng châu Á’ trở nên không còn đủ sức mạnh để Hà nội ngồi yên. Giới quan chức thủ cựu trong đảng, đặc biệt là người học tập Bắc Kinh để thiết lập chính trị tập quyền như cách ông Tập Cận Bình tiến hành tại Trung Quốc có thể đã phải bất ngờ trước sự thoái lui của Rồng Bắc Kinh trước con Diều hâu Mỹ. Luật an ninh mạng và Luật đặc khu được phủ bóng bởi giá trị Bắc Kinh nay trở nên gặp khó khi chính bản thân Bắc Kinh phải lao đao trong cuộc chiến kinh tế, giá trị ‘mẫu mực của mô hình XHCN’ tiếp tục phải gánh chịu sự tác động từ phía bên kia bán cầu, khi Cuba từ bỏ con đường lên Cộng sản, phong trào cánh tả Mỹ Latinh với lá cờ đầu là Venezuela rơi vào trạng thái suy tàn.

Khi Bắc Kinh suy yếu, cũng đồng nghĩa sự thủ cựu trong ĐCSVN cũng suy yếu, và từ đây, buộc phải mở đường cho sự đổi mới trong đảng. Điều này gần như là một nguyên tắc được lặp lại từ khi ngoại giao Việt nam phải đứng lựa chọn giữa Trung – Xô sau năm 1975, và khi Liên Xô sụp đổ, để cứu vãn thể chế, Việt nam sẽ phải chọn Trung Quốc. Tuy nhiên, lần này, con đường tiến lên XHCN (với như cầu giữ vai trò tối cao của ĐCSVN) chỉ có một đường hướng là Bắc Kinh, nhưng sự lao đao trong kinh tế vừa rồi buộc Hà nội phải suy nghĩ về lựa chọn số 1 này, bởi bản thân nếu Bắc Kinh với tiềm lực kinh tế mạnh như thế còn chưa lo xong, thì Việt nam sẽ về đâu nếu tiếp tục bám víu?. Nói nôm na, nếu trà Trung Quốc ngon hơn Việt nam, nhưng trà Trung Quốc giờ đây lại dở hơn trà Mỹ, thì tại sao Việt nam phải học tập cái ngon đầy hạn chế đó của Trung Quốc?

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, Tổng thống Donlad Trump tiếp tục phê chuẩn dự luật quốc phòng 716 tỷ USD. Luật này cung cấp tài chính cho 14 hành động cứng rắn đối với Trung Quốc, trong đó đáng chú ý Việt nam sẽ được hưởng lợi bởi 2 hành động, bao gồm nâng cấp sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam á (1) và cấm Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới - 'Vành đai Thái Binh Dương' cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động quân sự hóa ở biển Đông, bao gồm dừng hành động xâm chiếm biển đảo và loại bỏ các hệ thống vũ khi ra khỏi các tiền đồn (đảo nhân tạo) trong vùng Biển Đông (2).

Do đó, cuộc chiến cường quyền trở lại, và người thắng trong cuộc chiến này – dù là tư bản cũng sẽ buộc Hà nội phải nghĩ về một mối liên hệ liên kết thực sự, hoặc phe phái cấp tiến trong nội bộ đảng buộc phải bàn thảo nghiêm túc để đi đến sự thúc đẩy cải cách, mở cửa nhiều hơn trong đảng.

Lenin đã từng nói rằng nhà tư bản sẵn sàng bán những sợi dây thừng mà sau đó sẽ được dùng để treo cổ họ. Nhưng giờ đây, giới tư bản gạo cội của Mỹ đã bán dây thừng cho Bắc Kinh và làm cho Bắc Kinh trở nên kiêu ngạo, sau đó lại thắt cổ Bắc Kinh bằng chính sự kiêu ngạo đó.

Ghé ngồi của 'hoàng đế Tập Cận Bình' bắt đầu bị lung lay khi Trung Quốc đang yếu thế trong cuộc chiến thương mại lần này với Mỹ, khi 'làn sóng chỉ trích bất thường nhằm vào chính sách kinh tế và cách chính phủ xử lý cuộc chiến thương mại đã hé lộ những rạn nứt hiếm hoi trong nội bộ Bắc Kinh.'

Câu hỏi đặt ra là: Việt nam sẽ làm gì trong bối cảnh này?

Câu trả lời đơn giản là, quay về chiều hướng dân chủ hóa trong đảng, chặn đứng các hành vi học tập Bắc Kinh của nhóm người trong đảng về phương diện kinh tế - chính trị. Bởi chính thực tiễn cho thấy, dù đặc khu hay luật an ninh mạng được xây dựng nên, chính trị là sự độc quyền tối đa của 1 người, thì khi kinh tế đổ vỡ, nó kéo theo sự sụp đổ của 1 chế độ. Một Bắc Kinh điêu đứng trước Mỹ không phải là một mô hình học tập theo.

Và đằng sau sự yếu đuối của Bắc Kinh lại chính là sự thiếu hụt tiềm lực và sức mạnh tối đa hóa của nhân quyền, bởi 'nhân quyền trong mắt lãnh trẻ Trung Quốc lại chỉ là loại trang sức đắt tiền xa xỉ nên họ không quan tâm vì không có tiền để mua sắm.'

Ngoài ra, sự yếu thế lần này của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại cũng cho thấy, bản thân 'người đốt lò vĩ đại – Nguyễn Phú Trọng', muốn duy trì quyền lực trong thời gian tới, buộc phải cởi mở hơn, và tất nhiên, không chôn chân ở sự kiện 'chuyến thăm nước Mỹ lần đầu tiên của một TBT ĐCSVN' vào năm 2015.

Đường lối đối ngoại, hiệu quả đối ngoại sẽ quyết định sự phân chia ghế và tiếng nói giữa lớp người bảo thủ, và cấp tiến trong đảng.

Không có nhận xét nào: