Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

VNTB - Dự án Nhất đới Nhất lộ của Trung Quốc gây ra những mối quan ngại về các khoản nợ


Mai Hưng dịch (VNTB) Dự án NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ (Một vành đai Một con đường) của Trung Quốc gây ra những mối quan ngại về các khoản nợ

Chương trình đầy tham vọng bị nghi ngờ bởi khả năng trả nợ hoặc cái giá phải trả quá cao

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã gọi nó là “dự án của thế kỷ” và cho biết nó sẽ mở ra một “thời kỳ hoàng kim” của quá trình toàn cầu hóa.

Với các dự án do Bắc Kinh hậu thuẫn tại 78 quốc gia, “Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ” (the Belt and Road Initiative = BRI) là một trong những chương trình phát triển đầy tham vọng nhất thế giới. Nhưng những người chỉ trích nó lại sợ rằng nó có thể trở thành tiếp điểm (hoặc đường dẫn = the conduit) mà thông qua đó một số những vấn đề nợ nần của Trung Quốc được trung chuyển ra nước ngoài.

Ảnh minh họa.
Một loạt các cuộc tranh cãi đã bùng lên ở các quốc gia xa xôi như Pakistan, Sri Lanka, Lào, Malaysia, Montenegro và nhiều những nước khác đều liên quan đến những khoản nợ khó trả - hoặc là vì ở các quốc gia này có những người đã nhận thức được khả năng không thể xử lý được các khoản nợ khổng lồ quá cỡ đối với Trung Quốc, hoặc là vì một số các dự án hạ tầng cơ sở do Bắc Kinh tài trợ dường như không có thể biện minh cho cái giá mà các quốc gia này phải trả cho các dự án hạ tầng cơ sở này.

Andrew Davenport, viên chức điều hành chính của Nhóm tư vấn RWR (nguyên văn = RWR Advisory Group) - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cho biết rằng: “Sự gián đoạn giữa mức độ tin cậy của một dự án hay của một quốc gia và quy mô các khoản vay mà Trung Quốc đưa ra đã dẫn đến những sự chậm trễ của dự án, dẫn đến bất ổn chính trị và dẫn đến những cáo buộc về những sai trái trong các thủ tục cấp phép cho các hợp đồng”.

Một số những bất cập đang trở nên quá nóng đối với thiết kế của Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ. Một nghiên cứu của Thời báo tài chính (Financial Times = FT) cho thấy 78 quốc gia được Trung Quốc lựa chọn tham gia vào sáng kiến này bao gồm nhiều nền kinh tế có mức rủi ro nhất trên thế giới, theo bảng xếp hạng rủi ro quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD = Organization for Economic Cooperation and Development).

Theo một nghiên cứu của FT (xem biểu đồ), trong số 7 quốc gia có mức rủi ro quốc gia cao nhất, các nước tham gia Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ cho thấy mức rủi ro trung bình của các nước này là 5,2 – tồi tệ hơn một cách đáng kể so với mức rủi ro trung bình của các thị trường mới nổi là 3,5. Một kết quả tương tự được đưa ra bởi Moody – một tổ chức xếp hạng tín dụng – cũng cho thấy mức xếp hạng tín dụng trung bình của 78 quốc gia này là Ba2 - biểu thị mức độ rủi ro “không nên đầu tư” hoặc mức độ “rác” của nguy cơ vỡ nợ.

Pakistan, quốc gia đứng thứ bảy trong bảng xếp hạng rủi ro của OECD, cung cấp cho thế giới một ví dụ thuyết phục về tình trạng khó khăn, căng thẳng của Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ (BRI). Trong tháng này, Islamabad xác nhận rằng họ đang xem xét đề nghị Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) giải cứu tình thế khó khăn sau khi một hóa đơn nhập khẩu khổng lồ của họ đối với hàng hóa của Trung Quốc và các nghĩa vụ trả các khoản nợ tới hạn của họ đã góp phần vào tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng.

Alex Holmes, nhà kinh tế châu Á thuộc cơ quan nghiên cứu Capital Economics, cho biết: “[Pakistan] đang trên bờ vực của cuộc khủng hoảng thanh toán các món nợ bị gây ra chủ yếu do hàng hóa nguyên liệu, thiết bị sản xuất nhập khẩu tăng mạnh liên quan đến một loạt các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc”.

Ảnh minh họa: Montenegro “Con đường cao tốc dẫn đến hư không” Chi phí: € 809 triệu Euro cho giai đoạn đầu
Moody đã đánh tụt mức độ xếp hạng tín dụng của Montenegro sau khi phải vay một khoản nợ từ Trung Quốc để tài trợ cho 41 km đường trong giai đoạn đầu tiên của dự án đường cao tốc này, tổng chi phí của nó tương đương với một phần năm GDP. Có rất nhiều những nghi ngờ về việc làm sao tìm được nguồn kinh phí cho 136km còn lại của con đường cao tốc này.

Hồi đầu tháng Sáu, Ngân hàng trung ương của Pakistan chỉ còn lại có 10 tỉ đô la ngoại tệ, thiếu hụt đáng kể so với khoản nợ nước ngoài đến hạn phải trả trong năm tới trị giá 12,7 tỷ đô la. Tuy nhiên, mặc dù tình hình tài chính của Islamabad là rất mong manh, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tiến hành chương trình Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ (BRI) duy nhất lớn nhất của họ tại quốc gia này, tiếp tục cho vay vốn và công việc xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 62 tỷ đô la.

Campuchia, một con nợ lớn khác của chương trình Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ, cũng đang cho thấy những dấu hiệu căng thẳng. Sự gia tăng nhập khẩu nguyên liệu hàng hóa sản xuất để cung cấp các dự án xây dựng đã khiến cho thâm hụt thương mại của Phnom Penh tăng lên 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nếu các dòng vốn đầu tư nước ngoài suy giảm, nước này có thể phải vật lộn để tìm kiém các nguồn tài chính để trả cho các khoản nợ nước ngoài của mình, ông Holmes nói thêm.

Một số quốc gia khác đã vấp phải những vấn đề tương tự. Sri Lanka đã phải chuyển nhượng quyền sở hữu cảng chiến lược Hambantota sang cho Trung Quốc sau khi không còn khả năng có thể trả các khoản nợ đáo hạn cho các chủ nợ Trung Quốc.

Montenegro đã bị Moody đánh tụt mức xếp hạng tín dụng sau khi vay từ Trung Quốc để tài trợ cho giai đoạn đầu tiên của một dự án đường cao tốc trị giá 809 triệu euro, một khoản tương đương gần một phần năm GDP của đất nước. Lào đã ký kết một dự án đường sắt do Trung Quốc tài trợ trị giá 6 tỷ đô la - tương đương với khoảng 40 phần trăm GDP trong năm 2015 của quốc gia này - khoản tiền bắt buộc để nhập khẩu máy móc này đã góp phần tạo ra một sự thâm hụt cán cân thương mại khổng lồ cho nước Lào.

Những khó khăn của Malaysia trong chương trình Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ lại thuộc dạng khác. Kuala Lumpur không phải đối mặt với cán cân thanh toán vay – trả, nhưng thủ tướng mới của Malaysia là ông Mahathir Mohammed đã đình chỉ khoảng 23 tỷ đô la trong các cam kết cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong khi chính phủ của ông đang lượng định, đang xem xét lại “các hiệp ước bất bình đẳng”.

Ảnh minh họa: Tuyến đường sắt cao tốc của Lào Chi phí: 6 tỷ đô la
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc đang xây dựng tuyến đường cao tốc này với hàng chục đường hầm và 170 cây cầu ở Lào. Chi phí chiếm khoảng 40% GDP của quốc gia thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á này.

Một nghiên cứu của Nhóm tư vấn RWR đã tính toán rằng những tranh cãi về nợ - cũng như sự phản đối của công chúng đối với các dự án, những phản đối đối với chính sách lao động của Trung Quốc, sự chậm trễ trong việc vận hành các dự án và những lo ngại về an ninh quốc gia - đã gia tăng tỷ trọng các dự án trong chương trình Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ “gặp khó khăn” lên tới con số khoảng 270 trong tổng số 1.814 dự án được thực hiện từ năm 2013. Các dự án này chiếm khoảng 32% tổng giá trị của các dự án.

Vấn đề nợ cũng tồn tại ở cấp độ công ty. Điều này là do các doanh nghiệp lớn thuộc nhà nước Trung Quốc vốn đang xây dựng, vận hành và đầu tư vào nhiều dự án thuộc chương trình Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ - tính trung bình – có tỷ lệ nợ cực cao.

Một nghiên cứu của Financial Times cho thấy 10 nhà thầu xây dựng và kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc hoạt động bên ngoài Trung Quốc có tỷ lệ nợ cao hơn gần gấp bốn lần so với tỷ lệ nợ của 10 công ty hàng đầu không thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Dữ liệu này cho thấy rằng về tổng nợ của ebitda (thu nhập trước lãi, thuế, khấu hao và trả góp), một thang điểm chung về khả năng trả nợ của công ty, thì 10 nhà thầu hàng đầu Trung Quốc có số điểm trung bình là 9,2, thể hiện mức độ mắc nợ (hay là tỷ lệ nợ vay) cực cao. Trong khi đó, đối với các nhà thầu tương nhiệm không thuộc Trung Quốc điểm số trung bình này là 2,4.

“Các doanh nghiệp nhà nước lớn được điều hành bởi các chính trị gia thuộc đảng Cộng sản”, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã nói như vậy với điều kiện xin được giấu tên. “Họ (các doanh nghiệp này) được tưởng thưởng vì lòng trung thành chính trị và được thúc đẩy bởi một động cơ là mong muốn làm hài lòng các ông chủ trong đảng của họ bằng cách tham gia vào các dự án lớn thuộc chương trình Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ. Nợ nần không hề là mối quan tâm lớn đối với họ”.

Trong một số trường hợp, các nhà đầu tư “hiệp sĩ trắng” Trung Quốc mắc nợ còn nhiều hơn so với các công ty mà họ đến để “giải cứu” (“hiệp sĩ trắng” - đúng là một loại công ty “mắc bệnh sỹ diện chó” hay gọn hơn là “mắc bệnh sỹ chó”. Người dịch). Tập đoàn cổ phần đóng tầu Cosco (Cosco Shipping Holdings), công ty mẹ của Cty đóng tầu Trung quốc (China Cosco Shipping), là tập đoàn mà đã mua lại cổ phần kiểm soát của cảng lớn nhất của Hy Lạp trong năm 2016, vốn bị mắc một món nợ lớn gấp sáu lần so với món nợ của Cty Cảng Piraeus – Cty mà bị họ (Trung quốc) mua lại.

Phi vụ đầu tư vào cảng Piraeus đã được chứng minh là thành công, tạo ra một sinh khí hoạt động kinh doanh mới tại cảng này của Hy Lạp. Tuy nhiên, sự bất đối xứng về các khoản nợ nần cho thấy rằng các công ty Trung Quốc - đặc biệt là 98 tập đoàn lớn thuộc sở hữu của SASAC - một công ty cổ phần của chính quyền trung ương - đang chơi trên một sân chơi với các quy tắc, luật lệ khác nhau. Bởi vì các công ty này chủ yếu thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, họ có thể mắc nợ các khoản nợ khổng lồ mà không sợ phá sản.

Nhưng điều này đang bắt đầu thay đổi - và theo những cách mà có thể ảnh hưởng đến đầu tư của chương trình Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ. Hồi tháng 5 năm nay, Bắc Kinh đã yêu cầu các công ty SASAC đến năm 2020 phải giảm tỷ lệ nợ so với tài sản (debt-to-asset ratios) của họ xuống. Các nhà phân tích cho rằng điều này có khả năng sẽ đòi hỏi một sự tập trung lớn hơn vào chất lượng của các dự án đầu tư ở nước ngoài.

Jinny Yan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng tiêu chuẩn công thương Trung quốc (ICBC Standard Bank) cho biết: “Khi Trung Quốc mở rộng chiến dịch giảm thiểu các khoản nợ trong nước, tiêu điểm chính sách sẽ hướng tới chất lượng ảnh hưởng hơn là hướng tới số lượng. Điều này có nghĩa là khả năng khó trả được nợ sẽ ngày càng được xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là ở những nước có nguy cơ cao nằm dọc theo NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ”.

Một số thỏa thuận đầu tư thuộc chương trình Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ mà được coi là quá rủi ro có thể sẽ không bị ảnh hưởng, trong khi tốc độ đầu tư mới có thể giảm, một quan chức cấp cao cho biết như vậy. “Tại Bắc Kinh đã có một sự đánh giá lại đối với chương trình Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ. Chúng tôi cần được đảm bảo rằng thanh danh tiếng của chương trình Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ phải được bảo vệ bằng cách đảm bảo rằng các dự án thuộc chương trình Sáng kiến NHẤT ĐỚI NHẤT LỘ là có chất lượng cao”.

Nguồn: FT

Không có nhận xét nào: