Một nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Australia đã nói về những tham vọng, cách thức thực thi và tình hình của Trung Quốc với bạn bè và các đối tác hiện tại. Bà cho rằng chính sách của Bắc Kinh đang mâu thuẫn với sự hòa thuận quốc tế và không có cách hành xử đôi bên cùng có lợi, theo National Interest.
Hình minh họa |
Có một lý lẽ cho rằng phương Tây đã nhầm về Trung Quốc, chứng minh việc Trung Quốc để nền kinh tế mở sẽ dẫn tới tự do hóa và thay đổi về mặt chính trị trở thành một "quyền lực có trách nhiệm" là sai lầm. Thực tế, các nhà cố vấn chính sách của Mỹ đã kết luận rằng chính sách của Mỹ dựa trên nền tảng kết luận như vậy đã thất bại.
Quan điểm này cũng xác nhận Trung Quốc là một đất nước không chỉ giành được lợi thế từ trật tự thế giới dựa trên nền tảng pháp luật mà còn không bị chỉ trích khi lạm dụng điều đó. Trung Quốc đã phát triển thành một quyền lực kinh tế khổng lồ không bị chế ngự bởi những luật lệ toàn cầu mà thay vào đó còn có nguy cơ trở thành một quyền lực đáng sợ.
Thực tế theo National Interest, Trung Quốc ngày càng đưa ra nhiều bằng chứng rằng họ không muốn tuân theo luật lệ quốc tế và không do dự khi hành động một cách đơn phương với những vấn đề mà họ coi là có nguy cơ với những lợi ích của mình như vấn đề trên Biển Đông. Ví dụ như chiến lược "bốn không" để phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế The Hague năm 2016 của Bắc Kinh: không tham gia, không chấp nhận, không thừa nhận và không thực thi là một trong những ví dụ rõ ràng nhất của việc công khai không đếm xỉa tới trật tự quốc tế dựa trên nền tảng pháp luật.
Khả năng của Trung Quốc làm "rung chuyển" trật tự hiện tại là không thể phủ nhận nhưng những thay đổi tại Washington - những chính sách của tổng thống Trump đang trở thành một làn sóng mạnh hơn với trật tự thế giới dựa trên nền tảng pháp luật. Hơn nữa, Bắc Kinh có thể đang "làm rung chuyển" hiện trạng thế giới nhưng vẫn chưa đủ để đạt tới vị trí mà họ muốn và vẫn có thể gặp rủi ro với sự phản kháng mạnh hơn từ những nước khác.
Những hoạt động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ gây quan ngại cho những hàng xóm trực tiếp và những bên tuyên bố chủ quyền lãnh hải mà nó còn tạo ra những rủi ro cao cùng căng thẳng không mong muốn trong một khu vực vốn đã bất ổn. Mặc cho những đảm bảo của Trung Quốc rằng họ sẽ không quân sự hóa những hòn đảo nhân tạo mà họ bồi đắp cải tạo phi pháp trên Biển Đông, việc tiếp tục phô trương cơ bắp lực lượng quân sự đã hủy hoại sự tín nhiệm và những ý định hòa bình mà Bắc Kinh đưa ra trước đó, theo National Interest.
Việc xây dựng lực lượng và có các hành động quân sự còn nổi bật hơn ở eo biển Đài Loan nơi mới đây Bắc Kinh đã thực hiện "trò chơi chiến tranh". Nhưng câu hỏi cần đặt ra là: Tại sao Bắc Kinh lại quyết định gây rủi ro cho danh tiếng của mình cũng như tạo ra xung đột tiềm tàng thay vì khẳng định vị thế toàn cầu của mình một cách hòa bình?
Trung Quốc hiện nay không chỉ tham vọng đưa ra viễn cảnh chiến lược của mình về một trật tự mới mà còn đang chạy đua với thời gian để thi hành viễn cảnh đó. Giấc mơ Trung Hoa không chỉ thể hiện ở việc Trung Quốc quân sự hóa trái phép những hòn đảo nhân tạo bồi đắp và cải tạo phi pháp trên Biển Đông mà còn có rất nhiều khía cạnh. Chiến lược "vành đai - con đường" bao gồm việc xây dựng cảng ở khắp nơi từ Djibouti tại châu Phi cho tới các bến tàu ở Vanuatu trên Thái Bình Dương.
Chiến lược "Vành đai - con đường" của Trung Quốc cũng bao gồm việc bảo đảm con đường vào biển và đường bộ trên khắp thế giới từ Bắc Cực cho tới Châu Mỹ Latinh, cũng như việc thành lập những tổ chức toàn cầu mới như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á AIIB. Tất cả những yếu tố này nằm trong một kế hoạch hợp nhất để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu. Cuối cùng, tất cả những dự án lớn và có tiềm năng thay đổi cuộc chơi trên thế giới này đều được coi là sáng kiến chính của ông Tập Cận Bình.
Theo National Interest, chiến lược giành quyền bá chủ của Bắc Kinh dựa trên 2 thành tố chính. Đầu tiên là sự gia tăng những nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền lãnh thổ (thậm chí phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế) ngay cả việc thường xuyên làm như vậy công khai phớt lờ luật lệ quốc tế. Thứ hai là sử dụng lợi ích kinh tế để buộc các nước phải đồng ý với mình, trong khi thúc đẩy quan hệ gần gũi với những nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh then chốt, thường là về mặt thúc đẩy kinh tế.
Theo rất nhiều đánh giá, thì những chiến thuật gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông có vẻ đã thành công ở cả hiệu quả xói mòn trật tự thế giới dựa trên nền tảng luật pháp trong khi tiếp tục khuếch trương các chiến dịch của Bắc Kinh. Cộng đồng quốc tế có đáp trả mạnh mẽ với hành động ngày càng cứng rắn của Trung Quốc hay không vẫn còn là một câu hỏi ngỏ. Nhưng có một điều chắc chắn là trong khi cộng đồng quốc tế còn đang cân nhắc thì Bắc Kinh đã kiếm đủ thời gian để xúc tiến các kế hoạch quân sự.
Một vấn đề khác gây quan ngại cho nhiều nước trên toàn cầu là nghệ thuật quản lý kinh tế của Trung Quốc. Ban đầu, dự án "vành đai - con đường" được hoan nghênh ở cả mặt nó sẽ là thay đổi lớn nhất trong lịch sử và là một món quà Trung Quốc tặng cho thế giới. Thực tế, rất nhiều nước hài lòng với sự kích thích về cơ hội có được cơ sở hạ tầng về kinh tế và vận tải mới mà sáng kiến của Trung Quốc đem lại. Sự hào phóng của Bắc Kinh đã được đón nhận nhưng không thể tránh được nhiều mức độ hạn chế về "những sự lôi kéo về mặt chính trị" của tiền Trung Quốc.
Hơn nữa, bối cảnh toàn cầu lại giúp thúc đẩy điều này. Ví dụ, người Mỹ bảo vệ nền công nghiệp trong nước, người châu Âu thì chỉ nghĩ đến mình, Nhật Bản với nền kinh tế khiêm tốn hơn chỉ làm thúc đẩy quan điểm rằng Trung Quốc đang tự mình lấp vào chỗ trống trong những lãnh đạo toàn cầu. Sau tất cả, những dự án của Trung Quốc trong chiến lược "vành đai - con đường" hay ngân hàng AIIB đều nhận được sự ủng hộ của cả những bên đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc bao gồm Malaysia, Philippines...
Nhưng "vành đai - con đường" - dự án được thúc đẩy nhiều nhất trong các nền kinh tế đang phát triển càng ngày càng trở thành một chủ đề gây hoài nghi và bị theo dõi sát sao. Ví dụ như những bẫy nợ và sự thỏa hiệp về các tài sản chiến lược quốc gia là hậu quả gây ra nhiều sự sợ hãi nhất của các nước với "vành đai - con đường". Và trường hợp của Sri Lanka trong vụ cảng Hambantota là cảnh báo với rất nhiều nước.
Món nợ 1 tỷ USD của Sri Lanka với Trung Quốc đã được sử dụng làm đòn bẩy để Bắc Kinh kiểm soát lợi ích và thuê cảng Hambantota trong 99 năm. Và kết quả là, nhận thức rằng những sự giúp đỡ và những món nợ Trung Quốc chính là một cái bẫy đang lan rộng trên khắp các hòn đảo ở nam Thái Bình Dương.
Nhưng đã có những thay đổi trong nhiều tháng vừa qua, và có một làn sóng phản kháng đang dâng lên trên toàn cầu, dẫn đầu bởi "các địch thủ tự nhiên", những người hàng xóm gần kề và ngay cả các nước ở xa. Những quan ngại đang dấy lên ở cả các nước không có vị trí địa lý an ninh liên quan trực tiếp tới Trung Quốc như New Zealand hay Cộng hòa Séc, National Interest ghi nhận.
Trong khi phạm vi và mức độ phản kháng rất khác nhau, thì có một điều e ngại chung giữa các nước: những sáng kiến về kinh tế của Bắc Kinh trực tiếp chuyển thành khả năng nhào nặn ảnh hưởng về chính trị với những nước nhận được lợi ích kinh tế từ Trung Quốc. Ví dụ, với một mức độ nào đó, những điều Trung Quốc ưu tiên nhất được gia tăng qua nhiều năm và được cộng đồng quốc tế ủng hộ qua việc giữ im lặng với những chủ đề cấm kỵ của Bắc Kinh. Nhưng ảnh hưởng về chính trị của Trung Quốc giờ đã quá mức chịu đựng của các nước - chủ yếu là vì Bắc Kinh gây ảnh hưởng cả với những đối tác kinh tế trong vấn đề chính trị nội địa của họ.
Nhờ có món nợ 1 tỷ USD của Sri Lanka mà Trung Quốc đã dành quyền thuê cảng Hambantota trong 99 năm. |
Ví dụ, tại Australia đang có một cuộc tranh luận về ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong đó, bao gồm cả một báo cáo do Four Corners đưa ra vào tháng 6.2017, cho thấy có những mối liên hệ cá nhân giữa những doanh nhân gốc Trung Quốc không chỉ với các nhà chính trị Australia và còn với những quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc. Tại Mỹ, những quan ngại còn lớn hơn nghi vấn Nga can thiệp vào chính trị nội bộ Mỹ khi sự hiện diện Trung Quốc tại các trường đại học là một vấn đề gây bất an đang lan rộng.
Các báo cáo cho thấy đảng cộng sản Trung Quốc đã thành lập "chi bộ" tại đại học Illinois, trong khi Hiệp hội sinh viên và học giả Trung Quốc CSSA trên khắp đất Mỹ được cung cấp tài chính cho các hoạt động và cam kết ca ngợi chính phủ Trung Quốc. Tại Trung Âu, những quan ngại về ảnh hưởng quốc gia của Trung Quốc không chỉ là một quan niệm xa vời. Một website có tên Chinfluence đã tập hợp lại những trường hợp bị ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc tại Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary.
Theo báo Mỹ, tốc độ gây ảnh hưởng nhanh chóng của Trung Quốc tới thế giới được theo đuổi thông qua khai thác những điểm yếu nhất của con người là tính tham lam và sự sợ hãi. Nhắm vào những lãnh đạo cấp cao nhất và vòng qua những quá trình dài thông qua việc khai thác các quan chức tham nhũng đã chứng minh tính hiệu quả với Bắc Kinh. Nhưng điều này sẽ chỉ tồn tại ngắn hạn và ở một vài nước cụ thể.
Tìm cách để gây ảnh hưởng tới các nhà chính trị rất tốn kém và chỉ hữu dụng về mặt ngắn hạn. Tại các nước dân chủ, nhiệm kỳ chính trị tương đối ngắn mặc dù các nhà chính trị cũ vẫn có thể giữ ảnh hưởng và có uy tín cao với công chúng. Trong trường hợp của Australia, cựu nghị sĩ đảng Lao Động Sam Dastyari là một minh chứng cho những nỗ lực của Trung Quốc để gây ảnh hưởng và cách để ngăn chặn điều đó.
Việc nhận tiền tài trợ từ doanh nhân người Australia gốc Trung Quốc cùng với những tuyên bố để lặp lại cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông đã kết thúc sự nghiệp chính trị của Dastyari. Điều này cũng là mồi lửa cho cuộc tranh luận đang diễn ra về việc thay đổi luật đối với sự can thiệp và những nguồn tài trợ của nước ngoài.
Cuộc tổng tuyển cử tháng 5 vừa qua tại Malaysia đã loại bỏ ông Najib Razak và đảng cầm quyền suốt 60 năm cũng cho thấy những rủi ro của Trung Quốc trong việc xây dựng những mối quan hệ với những cá nhân được lựa chọn. Quan niệm từ trên xuống dưới của Trung Quốc về chiến lược thúc đẩy những mối quan hệ với các cá nhân được nhắm tới sẽ hiệu quả và nhanh chóng về mặt ngắn hạn nhưng thất bại trong việc xây dựng nền móng dài hạn. Nói cách khác, Trung Quốc thất bại trong việc thể chế hóa những mối quan hệ từ mặt quan hệ cá nhân với những lãnh đạo khi những người này "mất ghế" hay rời nhiệm sở.
Những trường hợp như ông Najib Razak và ông Rodrigo Duterte hoàn toàn khớp với hình mẫu trên. Ông Durtete đã chứng tỏ là một người có thể thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến pháp luật trên Biển Đông khi ông đã có vẻ như bỏ qua chiến thắng của đất nước trước phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague để cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh. Nhưng là một lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, ông cũng phải chịu ảnh hưởng khi thái độ của người dân nước mình thay đổi.
Ngược lại, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam là một ví dụ về mối quan hệ lâu dài với nhiều sự gần gũi tương đồng, hai bên cùng có lợi. Dựa trên quan hệ giữa hai bên, Hà Nội và Bắc Kinh đã phát triển một lịch sử gần gũi trong những thập kỷ gần đây. Nhưng thay vì nuôi dưỡng mối quan hệ này, Bắc Kinh đã vội vã áp đặt vị thế của mình trên Biển Đông và đẩy tham vọng của mình đi quá xa...
Theo National Interest, với những hành động như cấm đoán phi pháp với việc tổ chức các cuộc thăm dò dầu khí trái phép hay việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom tầm xa ra quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam từ những năm 1970 đã làm xấu đi mối quan hệ giữa hai bên và làm khuấy động những vấn đề đang yên ổn.
Sự thất thường của ông Trump đối với những vấn đề toàn cầu đã cung cấp một cơ hội chiến lược cho Trung Quốc để bù đắp những thiếu sót của mình. Ông Tập Cận Bình rất sắc sảo trong việc nắm bắt một cơ hội như vậy. Thực tế, Trung Quốc có thể được chào đón khi lấp vào lỗ hổng lãnh đạo toàn cầu trong rất nhiều vấn đề nguy cấp như biến đổi khí hậu, thương mại và phát triển cơ sở hạ tầng.
Nhưng trong khi tầm nhìn của ông Tập Cận Bình về một "cộng đồng chung vận mệnh" rất hấp dẫn với nhiều nền kinh tế trên thế giới thì cách Trung Quốc thực thi tầm nhìn của họ gây ra những lo lắng đang tăng cao bao gồm cả những nước không có những mối liên kết chiến lược với Bắc Kinh. Những kế hoạch lớn của Trung Quốc để "phục hưng Trung Hoa" vào năm 2049 rất ấn tượng nhưng chiến thuật mà Trung Quốc áp dụng lại đang tạo ra những căng thẳng.
Chiến lược tham vọng và thiếu kiên nhẫn của Bắc Kinh trong việc khẳng định vị thế đã thiếu nhạy cảm với những giá trị, lợi ích và nhu cầu của những thành viên bạn bè trong "cộng đồng chung". Thêm nữa, Trung Quốc đã mất đi cơ hội trở thành lãnh đạo toàn cầu và đang mâu thuẫn với sự hòa thuận quốc tế cùng cách cư xử đôi bên cùng có lợi.
Những lãnh đạo đang ủng hộ Bắc Kinh vì bị bắt buộc phải theo đuổi những lợi ích trực tiếp, tìm kiếm những mối lợi về kinh tế hơn là sự tin tưởng và đoàn kết chung về mặt dài hạn. Trung Quốc đang "cược gấp đôi" vào chiến lược tốn kém để mua "những người theo mình" hơn là chiếm được trái tim và khối óc của bạn bè và đối tác. Đây rõ ràng không phải là chiến lược bền vững và hiệu quả, National Interest kết luận.
(VietTimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét