Trúc Giang (VNTB)
Giáo sư Hồ Ngọc Đại với dự án “Công nghệ giáo dục” (viết tắt là CGD) đã được thực nghiệm ngay trong hệ thống giáo dục công lập gần 40 năm qua, song vẫn chưa được nghiệm thu. Rồi đến phó giáo sư Bùi Hiền với dự án“cải tiến chữ Quốc ngữ” được Cục Bản quyền chấp nhận bảo hộ, tiếp tục dậy sóng dư luận phản đối.
Câu hỏi đặt ra là nếu căn cứ vào Luật Giáo dục thì những vấn đề nói trên chịu sự điều chỉnh ra sao?
Nguyên lý giáo dục của Việt Nam?
“Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Điều 3, Luật Giáo dục 2005, đã viết như vậy.
Trường CGD Victory do GS Hồ Ngọc Đại thành lập nhìn từ trên cao. Ảnh: cgdvictory.edu.vn |
Theo báo Giáo dục Việt Nam (Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam), thì giáo sư Hồ Ngọc Đại từng có phát biểu như sau: “Bản chất của giáo dục theo cách cũ là “ngu dân”, phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức. Cách giáo dục ấy không tôn trọng cá nhân, kìm hãm trẻ con, hứa hão về tương lai. Còn tinh thần của CGD là giải phóng trẻ em, lấy hạnh phúc và sự phát triển tự nhiên của trẻ em làm mục tiêu. Mỗi em sẽ là một người duy nhất trong xã hội, các em phải khác nhau, khác bố mẹ và thầy cô, CGD tôn trọng suy nghĩ tự do và cá tính khác biệt”. [http://bit.ly/2Q3snN8]
Giáo sư Hồ Ngọc Đại còn được cho là từng kể: “Có một lần Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi tôi: “Trong công việc của mình, ai gây khó khăn cho anh nhiều nhất?”. Tôi trả lời là “Toàn người tốt gây khó khăn cho tôi”. “Tại sao lại thế?” - ông Đỗ Mười ngạc nhiên. Tôi trả lời: “Vì những người tốt đó họ tưởng tôi làm sai, để bảo vệ nền giáo dục đương thời nên họ phải chống lại lý thuyết của tôi”. Phải nói thật là lý thuyết của tôi đã đảo ngược lại toàn bộ nền giáo dục của nước ta. Ví dụ, tôi đề ra các nguyên tắc: học trò là trung tâm chứ không phải là thầy giáo; học là chơi chứ không phải là quá trình vật lộn đau khổ; học không có thi cử, không có chấm điểm...” [nguồn: http://bit.ly/2Q3snN8]
Như vậy, nếu nhìn dưới giác độ cáo buộc hình sự, giáo sư Hồ Ngọc Đại rất có thể đối mặt với “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Vi phạm Luật Giáo dục sao không xử lý?
Những câu trích dẫn nói trên của giáo sư Hồ Ngọc Đại, vốn nằm trên website Hệ thống Giáo dục CGD Victory do chính giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập. Hiện tại thì các nội dung trích dẫn này chỉ còn mỗi địa chỉ, còn nội dung đã được tháo xuống. [xem tại http://bit.ly/2PwWLhP; http://bit.ly/2LRIg65]
Rất có thể không hẳn đúng với sự thật và bối cảnh của những phát ngôn trích dẫn đó. Song việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấp thuận để cho bộ sách giáo khoa do giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn theo CGD mà ông cũng chính là tác giả, vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục công lập trên toàn quốc, là một quyết định vi phạm Luật Giáo dục.
Đơn cử, ngày 1/7/2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định 2222/QĐ-BGDĐT về việc ban hành kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục năm học 2016 - 2017 tại 48 tỉnh thành [xem văn bản tại http://bit.ly/2wEuE8r]
Quyết định 2222/QĐ-BGDĐT, tại phần II.7, ghi: “Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục tại 48 tỉnh, thành phố theo Quyết định số 2222/QĐ-BGDĐT ngày 01/7/2016 về việc ban hành Kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục năm học 2016-2017.
Để triển khai hiệu quả dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, các sở cần tổ chức tập huấn cấp tỉnh cho lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo, trường tiểu học và toàn thể giáo viên trực tiếp dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục; chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tập huấn cấp huyện, tổ chức Hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn cụm trường, trao đổi kinh nghiệm và dạy minh họa khi chuyển sang mẫu bài mới; thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ các trường trong quá trình thực hiện; chỉ đạo dạy học tăng thời lượng (nếu cần và có điều kiện); phối hợp sử dụng kĩ thuật dạy học tích cực để tổ chức dạy học; điều chỉnh ngữ liệu phù hợp với địa phương; tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học nhưng không lạm dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học; không tập trung giải nghĩa từ khi học sinh học ngữ âm; chú ý rèn kĩ năng nói cho học sinh; căn cứ chuẩn kiến thức kĩ năng Bộ GD&ĐT đã ban hành để thiết kế đề kiểm tra đánh giá định kì theo yêu cầu của môn học”.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là người ký Quyết định 2222/QĐ-BGDĐT dưới sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. Nội dung như vừa nêu đã vi phạm Điều 29, Luật Giáo dục vì nội dung sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn chưa được thẩm định theo đúng quy định.
Ở Khoản 3, Điều 29, Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi năm 2009) quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa”.
Tham nhũng chính sách?
Nhà giáo Vũ Thị Phương Anh nhận xét: “Tôi cho rằng nếu ông Hồ Ngọc Đại hay bất kỳ ai sử dụng tiền túi của mình để thử nghiệm thì rất đáng hoan hô; còn sách giáo khoa dạy theo phương pháp của ông, nếu do tác giả tự bỏ tiền túi in để cho ai muốn học thì mua, cũng không có gì đáng nói.
Nhưng nếu nghiên cứu của ông Hồ Ngọc Đại có sử dụng tiền ngân sách, rồi sách giáo khoa của ông Hồ Ngọc Đại lại được bán độc quyền, và áp từ trên xuống trong giai đoạn làm VNEN (*) thì rõ ràng là không thể chấp nhận được”.
(*) Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam. GPE-VNEN, Global Partnership for Education – VNEN viết tắt của từ Viet Nam Escuela Nueva.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét