Chủ Nhật, 21/10/2018
Canada đang có nguy cơ trở thành ‘chư hầu’ của Trung Quốc trừ khi chính quyền Canada chấm dứt sự ngây thơ, khờ dại những chiến dịch “xâm lăng thầm lặng” của Đảng cộng sản Trung Quốc vốn đang làm xói mòn nền dân chủ và chủ quyền. Đó là bài học từ cuốn sách mới của giáo sư Clive Hamilton “Silent Invasion” (Tạm dịch: Cuộc xâm lăng Thầm lặng), trong đó trình bày chi tiết ảnh hưởng thâm nhập khắp của Trung Quốc đối với Úc, một trong những đồng minh thân cận nhất của Canada. Các chiến dịch của Bắc Kinh đã khiến cho nhiều quan chức Úc ủng hộ những quan điểm của Bắc Kinh, theo Epoch Times hôm 18/10.
Trong cuốn sách, tác giả Hamilton, một giáo sư chuyên dạy về đạo đức công tại Đại học Charles Sturt ở Canberra, Úc đã trình bày tất cả những chi tiết đáng sợ về cách mà Mặt trận Thống nhất Trung Quốc âm thầm thâm nhập vào mọi khía cạnh của xã hội Úc, nhằm phá vỡ liên minh Mỹ – Úc.
Giáo sư Halmiton là một trong nhóm 4 người chủ tọa cuộc thảo luận tại một sự kiện do Viện Macdonald-Laurier (MLI), một cơ quan tư vấn chính sách công, tổ chức ở Ottawa, Canada, hôm 16/10.
Cuốn sách ‘Cuộc xâm lăng Thầm lặng’ đã trình bày chi tiết về cách mà Trung Quốc cho là họ có quyền chiếm lấy thế giới, cách mà Trung Quốc tự phô diễn mình là một nạn nhân lịch sử của các cường quốc khác như Nhật Bản và Mỹ.
Ủy ban Mặt trận Thống nhất Trung Quốc, một cơ quan thuộc Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), làm việc để tác động đến sự lựa chọn, phương hướng và sự trung thành của các mục tiêu nước ngoài mà họ nhắm đến, bằng cách khuất phục những ‘nhận thức tiêu cực’, và thúc đẩy những nhận thức ủng hộ sự cai trị của ĐCSTQ ở Trung Quốc, giáo sư Hamilton giải thích.
Cuốn sách của giáo sư Hamilton suýt nữa không xuất bản được khi mà 3 nhà xuất bản của Úc đã từ chối do lo ngại sự trả đũa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, cuối cùng cuốn sách này đã xuất bản được vào tháng 2/2018.
Tại hội thảo hôm 16/10, các chủ tọa đã tập trung thảo luận vào biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ Canada khỏi “cuộc xâm lăng” tương tự từ Trung Quốc. Đó là nâng cao nhận thức nhiều hơn nữa về mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.
Giáo sư Hamilton tuyên bố: “Về cơ bản, điều thực sự quan trọng là bản chất của những hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Canada, phải được phơi bày và vạch trần tại tất cả các chi nhánh của nó. Và trên hết, điều quan trọng là người Canada gốc Hoa phải dũng cảm trước mối đe dọa bị trả thù, và nói ‘chúng tôi là những người Canada trung nghĩa, chúng tôi không muốn ĐCSTQ gây ảnh hưởng đến Canada. Chúng tôi đến đây để thoát khỏi ảnh hưởng của nó”.
Âm mưu dài hạn
Điều gây sốc ở đây là ĐCSTQ không chỉ nhìn vào ngắn hạn, khoảng 5 năm sau trong tương lai, mà họ mưu tính cho dài hạn, cho các thế hệ trong tương lai. Ban công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc tìm cách nhận diện các nhà lãnh đạo công nghiệp tương lai khi họ còn trẻ, ‘tu dưỡng’ những người này sao cho họ ủng hộ nhiều hơn đối với các mục tiêu của Trung Quốc, khi họ vươn tới, nắm giữ các chức vụ trong chính quyền của nước sở tại.
Những giới tinh hoa Úc bị nhắm đến, được mời đến các sự kiện thịnh soạn như đón mừng Tết Nguyên Đán của Trung Quốc, sao cho quan điểm của ĐCSTQ trở nên thân quen đối với họ.
Kết quả là các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp Úc này, và các giới tinh hoa khác, đang khiển trách những người nắm quyền tại chính nước Úc vì những hành động hoặc tuyên bố gần đây không thân thiện với chính quyền Trung Quốc.
Ví dụ, Bắc Kinh muốn người Úc ủng hộ quan điểm của Trung Quốc rằng Đài Loan không được coi là một quốc gia độc lập, và rằng Ấn Độ không có quyền đỏi hỏi đối với các khu vực tranh chấp với Trung Quốc ở dãy Himalaya.
“Khi người Canada xem xét kỹ những gì đang diễn ra, họ sẽ khám phá ra điều tương tự đang xảy ra ở đây“, giáo sư Hamilton nhận xét.
Trong năm 2016, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bị chỉ trích vì đã tham dự buổi gây quỹ với một doanh nhân giàu có Trung Quốc, người có quan hệ mật thiết với Bắc Kinh. Cá nhân này sau đó đã quyên góp một khoản tiền lớn cho Tổ chức Pierre Elliott Trudeau, một tổ chức từ thiện, phi đảng phái của Canada.
Vươn vòi bạch tuộc
Giáo sư Hamilton cho rằng ảnh hưởng của ĐCSTQ được nhận thấy trong nhiều khía cạnh của xã hội Úc, nơi mà các yếu tố ủng hộ Bắc Kinh kiểm soát 90% đài phát thanh và báo chí.
Một số trường đại học Úc còn coi mối quan hệ của họ với Bắc Kinh quan trọng hơn cả quyền tự do biểu đạt tư tưởng của các giảng viên.
Các doanh nhân giàu có Trung Quốc, những người có mối liên hệ với ĐCSTQ, đã trở thành những nhà tài trợ lớn nhất cho cả hai đảng chính trị lớn của Úc.
Những người Trung Quốc thiểu số ở Úc, ủng hộ Bắc Kinh, được khuyến khích tham gia chính trị và tranh cử cho các cuộc bầu cử liên bang hoặc tiểu bang tại Úc.
Một trường hợp đáng sợ đặc biệt được giáo sư Hamilton trích dẫn, là các nhà khoa học thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện đang làm việc tại các trường đại học Úc để nghiên cứu quân sự, tất cả đều nhận được tài trợ của Úc.
Những người chỉ trích ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc thì bị ‘dán mác’ là phân biệt chủng tộc và bài ngoại. “Việc buộc tội những người chỉ trích Trung Quốc là phân biệt chủng tộc và bài ngoại là một thủ đoạn có hiệu quả, bởi vì nó dựa trên lịch sử tệ hại của ‘Úc trắng’ (White Australia), bao gồm quan điểm chống Trung Quốc đã từng ở thời kỳ các mỏ vàng trước đây”, giáo sư Hamilton nhận xét.
Úc đã nếm trải tất cả các vấn đề mà Canada đang phải đối mặt: Tự do thương mại với Trung Quốc, bị thôn tính bởi các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, gián điệp mạng thông qua công ty Huawei, và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc nhằm gây bất ổn cho nền dân chủ. Úc được cho là đã đối mặt với các mối đe dọa ngấm ngầm của Trung Quốc 2 đến 3 năm trước Canada.
Ông Michel Juneau-Katsuya, cựu giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Cục An Ninh Tình báo Canada (CSIS) nhận định: “Sự ngây thơ của chúng tôi là một sự ngu xuẩn không thể chấp nhận được”.
“Chiếm được Canada” là cực kỳ hữu ích cho Trung Quốc vì quốc gia bắc Mỹ này rất giàu tài nguyên và Canada là nơi có thể tiếp cận NATO [Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương] và NORAD [Bộ chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ], nơi những thông tin quân sự và tình báo được chia sẻ.
Tại sự kiện, ông Richard Owens, phó giáo sư luật Đại học Toronto và là Học giả Cao cấp của Viện nghiên cứu Macdonald-Laurier (MLI), đã kêu gọi hành động nhiều hơn nữa, để chống lại cuộc tấn công ‘đế quốc’ của Trung Quốc, gọi đó là hành động của kẻ cướp.
Bà Duanjie Chen, một học giả cao cấp gốc Hoa tại Viện nghiên cứu MLI, cho rằng ĐCSTQ không được phép tác động đến cộng đồng người Hoa ở Canada.
“Chúng ta cần phải hòa nhập những người nhập cư Trung Quốc vào cơ cấu xã hội của chúng ta”, bà Chen kêu gọi. Những người nhập cư Trung Quốc thường xuyên sống trong các cộng đồng khép kín, và dễ dàng trở thành những nạn nhân của ĐCSTQ thông qua các phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát.
Đây là đặc trưng điển hình của ĐCSTQ, trong đó khai thác một điểm yếu trong nền dân chủ phương Tây, để đạt được những mưu đồ của mình.
Cho rằng vì sự kiểm soát của ĐCSTQ là rất nặng nề, nên người dân Trung Quốc không có ý thức mạnh mẽ về tinh thần thượng tôn pháp luật, và họ làm những gì mà chính quyền cộng sản nói, bà Chen nhận xét: “Ngay cả khi một người nào đó từ Trung Quốc đánh cắp bí mật của chúng tôi, họ không cảm thấy có điều gì sai trái. Họ cảm thấy họ đang đóng góp rất lớn cho quê hương, cho Đảng“.
Thương mại và gián điệp
Giáo sư Hamilton cho rằng khi các chính trị gia Úc thân thiện với Bắc Kinh, đưa ra những lý do để ủng hộ cho chính sách đối ngoại độc lập hơn, có nghĩa là họ muốn khiến Úc rời xa Mỹ, và ưa thích Trung Quốc.
Sau khi ký Hiệp định Thương mại Mỹ – Mexico – Canada (USMCA), Thủ tướng Canada Trudeau thông báo ông muốn nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
“Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều nhận ra rằng việc đa dạng hóa thương mại của chúng ta là cực kỳ quan trọng và chúng ta rất vui được tiếp tục hợp tác với người Trung Quốc“, Thủ tướng Trudeau phát biểu trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ ‘Globe and Mail’.
Tuy nhiên, kinh nghiệm tự do thương mại của Úc với chế độ cộng sản Trung Quốc cho thấy đây khó có thể là một trò chơi đôi bên cùng có lợi.
“Chắc chắn Úc đã trở thành một nơi ‘tự do, không có hạn chế’ đối với đầu tư của Trung Quốc, nhưng tất cả những trở ngại đối với các nhà đầu tư Úc ở Trung Quốc, thì vẫn còn đó”, giáo sư Hamilton nhận định.
Ngoài ra, còn có vấn đề đang bị che giấu là nhân công giá rẻ của Trung Quốc khiến người Úc bị mất việc làm. Các chính trị gia thân thiện với Bắc Kinh, những người chịu trách nhiệm thương thảo hiệp định thương mại của Úc với Trung Quốc, đã bị tác động.
Theo cuốn sách của giáo sư Hamilton, Bộ trưởng thương mại Úc Andrew Robb, người đã thúc ép buộc thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc phải hoàn thành, đã sớm rời bỏ công việc chính trị để làm việc cho công ty Trung Quốc và hưởng mức lương 880.000 đô la Úc mỗi năm.
“Thỏa thuận với Trung Quốc không thực sự hoàn toàn là một thỏa thuận thương mại, mà còn là một thỏa thuận đầu tư, có lợi nhiều cho Trung Quốc, trong đó củng cố các yếu tố khác của kế hoạch lớn Một vành đai, Một con đường và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB)”, giáo sư Hamilton lưu ý.
Sáng kiến Một vành đai, Một con đường là dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu của Bắc Kinh, trải rộng khắp châu Á, châu Phi và châu Âu.
Mọi người hãy nhớ lại rằng Canada đã rất mong muốn trở thành quốc gia Bắc Mỹ đầu tiên ký kết gia nhập Ngân hàng AIIB do Trung Quốc đứng đầu.
Vào tháng 3/2012, công ty Huawei của Trung Quốc đã bị cấm cung cấp thiết bị cho Dự án Mạng lưới Băng thông rộng Quốc gia (NBN) của Úc. Cơ quan tình báo Úc đã thông báo bằng chứng đáng tin cậy rằng gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc này có mối liên hệ với Tổng cục 3 của PLA, một cơ quan gián điệp mạng quân sự của Trung Quốc.
Trong cuốn sách, giáo sư Hamilton đã dẫn chứng tài liệu rằng công ty Huawei thành lập một Ủy ban Úc, như một ‘tấm bình phong’ để tạo ra một hình ảnh công chúng đáng tin cậy.
Dưới tác động của Trung Quốc, một số chính trị gia cao cấp của Úc đã chỉ trích lệnh cấm trên đối với công ty Huawei. Một trong số đó là cựu bộ trưởng thương mại Robb, người đã được Trung Quốc chi trả toàn bộ chi phí cho cho chuyến thăm đến trụ sở chính của Huawei ở Thâm Quyến, Trung Quốc.
Làn sóng chống Trung tại nước Úc
Xem xét vị trí lân cận của Úc với Trung Quốc, Úc đã giữ vai trò đi đầu trong việc ngăn chặn làn sóng gây ảnh hưởng của Bắc Kinh. Giáo sư Hamilton nhận định, đã có một sự thay đổi đáng kể về quan điểm của chính phủ Úc trong 2 năm qua.
Luật can thiệp nước ngoài mới của Úc qui định phạt tù từ 10 đến 15 năm đối với bất kỳ mưu toan che dấu gây ảnh hưởng đến các quy trình của chính phủ, hoặc ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền dân chủ.
Mặc dù bộ luật này vẫn chưa được kiểm nghiệm tại các tòa án, nhưng giáo sư Hamilton có thể trích dẫn nhiều ví dụ, nơi có thể kêu gọi áp dụng bộ luật.
Giáo sư Hamilton cho rằng Bắc Kinh đang xem xét lại các chiến lược của họ trong bối cảnh có sự phản kháng của Úc và Liên minh Tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes), gồm 5 nước: Úc, Anh, Mỹ, New Zealand và Canada.
Trong một cuộc phỏng vấn báo chí, giáo sư Hamilton nhận xét: “Họ [Bắc Kinh] đột nhiên thấy rất nhiều cách tác động đã trở nên khó khăn hơn, vì vậy họ luôn tìm kiếm điểm yếu nhất“.
Trong một số khía cạnh, Canada có thể là một điểm yếu nhất. Ông Michel cảnh báo, nếu Canada không ngăn chặn công ty Huawei, các thành viên khác trong ‘Ngũ Nhãn’ sẽ không sẵn lòng chia sẻ thông tin tình báo với Canada, đây là chưa nói đến việc nó đe dọa nền tảng của mối quan hệ giữa 5 nước.
Đây không phải là vấn đề liệu Canada có thể ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh hay không, mà là họ phải làm như vậy, “trừ khi Canada muốn hoàn toàn đầu hàng và nói: ‘chúng tôi dự kiến trong 5 hoặc 10 năm tới, chúng tôi sẽ trở thành chư hầu của Trung Quốc’”, giáo sư Hamilton nhận định.
Chiến tranh không chỉ được tiến hành bằng xe tăng và tên lửa. Trung Quốc đang sử dụng hiệu quả các chiến lược để xâm chiếm đất đai, và khuất phục các nước theo tham vọng của họ. Úc đã nhận ra điều này và Canada có thể sẽ không còn đứng trên đôi chân của mình.
“Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với thế giới. Mỗi chính trị gia cần phải đọc nó”, bà Chen nhận xét về cuốn sách “Cuộc xâm lăng thầm lặng” của giáo sư Hamilton.
Giáo sư Hamilton cũng muốn nhấn mạnh sự khác biệt giữa Trung Quốc, một đất nước, với chế độ cộng sản cầm quyền Bắc Kinh.
“Người Úc muốn có một mối quan hệ lành mạnh, hài hòa và bền vững với Trung Quốc, nhưng không phải với cái giá của chủ quyền hoặc quyền dân chủ của chúng tôi“, giáo sư Hamilton kết luận.
Duy Minh
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét