Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

TẬP CẬN BÌNH CÓ GIỐNG “ THẰNG NHÃI CON TUYÊN ĐỨC ĐỘNG BINH KHÔNG NGỪNG”…( Phần 2)

Phạm Viết Đào.
Kết quả hình ảnh cho Hoàng đế Tập Cận Bình
          
          Chiến lược “Trung Quốc náu mình chờ thời” do Đặng Tiểu Bình đề ra phải chăng đã chuyển qua giai đoạn mới; Giờ là lúc Trung Quốc ngửa bài ra để xưng hùng, xưng bá với thế giới, khu vực ?
          Việc Trung Quốc triển khai hàng loạt các thao tác chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, trong đó đáng chú ý là các động thái nhằm vào 2 địa bàn chiến lược Biển Đông và biển Hoa Đông; liệu có phải nhằm và đạt mục tiêu khống chế, độc chiếm 2 vùng biển này?
          Biển Đông, Hoa Đông vừa cửa ngõ ra đại dương của Trung Quốc. Biển Đông và biển Hoa Đông là vùng biển liên quan tới quyền lợi hàng hải hàng loạt nước ASEAN, Nhật Bản và các đồng minh và khách hàng của Mý và Tây Âu. Đây là vùng biển có mật độ lưu thông hàng hải nhộn nhịp vào loại bậc nhất của thế giới vì gắn với một thị trường đông dân, năng động…

          Tất cả những động thái của Trung Quốc trong những năm gần đây là đang triển khai theo chiến lược cách đây gần 2000 năm của Gia Cát Lượng (181–234), Thừa tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc, chiến lược “phòng ngự bằng phương pháp tấn công”…
          Gia Cát Lượng vạch ra và trực tiếp khai chiến lược này nhằm mục đích cứu vãn sự sụp đổ của tập đoàn quân phiệt Thục Hán; Thục Hán đang đứng trước sức ép bởi sức mạnh vượt trội hơn của 2 tập đoàn: Nguỵ Tào có được thiên thời và Đông Ngô-Tôn Quyền có được địa lợi …
          Nếu để Nguỵ liên minh với Ngô chủ động tấn công Tây Xuyên thì Thục Hán sẽ bị sụp đổ ngay lập tức. Đế đối phó, Gia Cát Lượng nhẫn nhục khôi phục lại sự liên minh với Đông Ngô sau trận thua của Lưu Bị ở Hào Đình, bị Lục Tốn đốt sạch 40 doanh trại. Đích thân Gia Cát Lượng miễn cưỡng 6 lần ( theo Tam Quốc diễn nghĩa) cất quân đánh ra Kỳ Sơn khu vực Trường An của Nguỵ-Tào…Lần cuối cùng Gia Cát Lượng ốm chết trên gò Ngũ Trượng…
          Theo chính sử của Trần Thọ thời nhà Tấn, sống sau thời Tam Quốc 70 năm viết trong Tam quốc chí xác nhận: Gia Cát Lượng 6 lần cất quân bắc phạt đánh Nguỵ không thành là do bởi Gia Cát Lượng “ vô năng “( chữ dùng của sử gia Trần Thọ) …
          Tập Cận Bình có giống như Gia Cát Lượng nhận thấy: nếu bị các thế lực bên ngoài chọc xía vào những “ tử huyệt” của mình, Trung Quốc sẽ rơi vào hỗn loạn và sụp đổ nhanh như nhà Thục Hán thời Tam Quốc.
          Về bản chất, “nội tạng”, “ cơ địa” Trung Quốc đang chứa đựng những “khối u ác”, “những tử huyệt” nếu bị virus bên ngoài thâm nhập vào thì sẽ kích động, xô đẩy đất nước Trung Hoa rơi vào tình cảnh hỗn loạn và sẽ bị phân liệt dẫn tới tai biến, đột quỵ…
          Xin nêu một vài tử huyệt:

          1/ Về Kinh tế:
          Sự phát triển kinh tế-xã hội nóng của Trung Quốc sau cải cách, mở cửa của Đặng Tiểu Bình  là sự phát triển của một sinh thể dựa vào sự xúc tác của các chất kích thích, tăng trọng thái quá. Sự tăng trưởng này chỉ đạt được những kết qủa ban đầu giống như gia súc lên cân nhanh, nhiều bộ phận trên cơ thể phát triển tăng theo ý muốn, không theo tự nhiên, xổi do đó không là một sinh thể khoẻ mạnh, có sức sống bền vững, tự thân…
          Những ‘thực phẩm chức năng” phục vụ cho tăng trưởng nóng của Trung Quốc đó là: khai thác, vơ vét tận diệt môi trường thiên nhiên, tài nguyên, khoáng sản, bóc lột sức người; dựa vào nền đại công nghiệp xuất khẩu hàng hoá giá rẻ, chất lượng thấp, hàng nhái, hàng giả tạo tạo nên những thành quả, lợi nhuận, doanh thu chụp giật nhất thời…

          2/Về xã hội:
          Nội trị, Trung Quốc thi hành nhiều chính sách an sinh xã hội duy ý chí, tù mù và thiếu nhất quán. Ví dụ: chính sách đẻ một con; chính sách này đã dẫn tới nguy cơ mất cân bằng tự nhiên về tỷ lệ trai gái. Chính sách này đã đẩy một quốc gia vốn bị ăn sâu tư tưởng Khổng giáo: trọng nam khinh nữ vào trạng thái bất an về các thiết chế an sinh xã hội. Chính sách đẻ một con này  tạo nên những trận “động kinh” làm chấn thương, bất an  tâm thần, tâm lý trong đời sống tinh thần của người Trung Hoa…
          Tổng thể, chính sách này đã tác động khiến cho Trung Quốc to mà không khoẻ bởi những căn bệnh do “hệ thần kinh” gây ra…
          Nếu xảy ra chiến tranh thì chắc chắn ý chí và sức chiến đầu, tinh thần chiến đấu của quân đội Trung Quốc là một tử địa; con em Trung Quốc mỗi gia đình có mỗi một con làm sao dám xả thân ra chiến đấu hy sinh cho quyền lợi, ý chí, tham vọng chính trị của nhà cầm quyền…
          Những cuộc thanh trừng gần đây dưới chiêu ngọn cờ chống tham những, “ đả hổ diệt ruồi” cho thấy sự bất ổn, sự mâu thuẫn sâu sắc về quyền lợi trong nội bộ cầm quyền Trung Quốc. Đó là mâu thuẫn, xung đột giữa cánh dân sự và cánh quân sự; giữa phe Đảng và phe quân sự; giữa phe thái tử đảng và phe những phần tử ưu tú trưởng thành từ trong nhân dân; mâu thuẫn giữa nhân dân và bộ máy cầm quyền…
          Những mâu thuần này đang làm suy yếu, làm ly tâm nội lực của xã hội Trung Hoa…

          3/ Về thiết chế xã hội ( Hệ điều hành quản trị…):
          Tử địa nguy hiểm nhất, cốt tử của của kinh tế-xã hội Trung Quốc đó là thể chế xã hội cộng sản mang màu sắc Trung Quốc. Đây là một thể chế tạo ra sự lộng quyền, lạm quyền cực đoan vô độ của bộ máy nhà nước đảng trị; thể chế bệnh hoạn này tất đã tạo ra những khối u ác tính trong lòng xã hội Trung Hoa…
          Ở thể chế này, con người muốn giàu có, muốn phát triển được một khả năng nào đó thì phải dựa vào quan hệ với các cá nhân, ăn cánh với các nhóm lợi ích trong bộ máy nhà nước bảo kê để làm ăn phi pháp, lách luật thì mới chụp giật được. Bởi thể chế của xã hội Trung Quốc là một thể chế độc tài, lạm quyền tràn lan, vô độ của cả guồng máy…
          Đảng Cộng sản Trung Quốc lập ra cái thiết chế, hệ điều hành “Thể chế độc tài, độc đảng”; Thể chế này đã cài đặt, lập trình bảo hiểm bằng một “phần cứng”: đó là sức mạnh của quân đội, công an, cảnh sát được sử dụng, can thiệp vào hết thảy các hoạt động dân sự. Chính quyền đẻ ra từ mũi súng…
          Do vậy, mà mỗi khi cái “phần cứng” này bị trục trặc tất yếu dẫn tới sự rối loạn, bục vỡ giây chuyền. Với một đất nước rộng lớn, đông dân, mỗi tỉnh có diện tích và dân số ngang với một quốc gia tầm trung của thế giới, sự nhiễu loạn chỉ có thể phải xử lý, cài đặt, thiết lập lại bằng sức mạnh của quân đội, của những cuộc chiến tranh, thảm sát…
          Không phải ngẫu nhiên mà những doanh nghiệp làm ăn lớn, có có máu mặt ở Trung Quốc đểu tìm cách tuồn vốn ra nước ngoài, chân trong chân ngoài để sẵn sàng chuồn ra khỏi Trung Quốc phòng khi có biến...
          Lo sợ về “ tử huyệt “ này, về nội trị Tập Cận Bình đề ra học thuyết “ Tứ toàn” nhằm đối phó với sự “ đột quỵ “ của xã hội Trung Hoa. Qua học thuyết “ tứ toàn” cho thấy: xã hội Trung Hoa là một xã hội ốm yếu toàn diện, toàn thân, toàn phủ tạng…
          Một đời, một nhiệm kỳ tổng bí thư tài giỏi lắm giải quyết được một vài phần việc, đằng này ông Tập muốn xốc lên toàn bộ thì làm sao nổi, sao xuể…
          Bản chất của thế chế cộng sản kể cả cộng sản Trung Quốc đó là dùng cơ chế tham nhũng để vận hành và duy trì hoạt động của bộ máy tham nhũng: độc trị độc. Sử dụng tiêu cực để hoá giải tiêu cực. Ở trong guồng máy quyền lực Trung Hoa, lực lượng quân đội là lực lượng được ưu đãi nhất, ăn dày nhất…
          Hệ điều hành đã được lập trình sẵn: anh phải biết tham nhũng và biết điều tiết hài hoà tham nhũng…Không thể sử dụng các “ông thánh” điều hành, chỉ huy, nói chuyện pháp lý,” tứ toàn” với đám anh chị, trộm cắp, xã hội đen... Nếu không biết tham nhũng, lo trên lót dưới thì anh không thể lọt được vào bộ máy quyền lực đảng trị. Nếu anh không biết điều tiết tham nhũng, sẽ bị gẫy cầu, sập mạng, chết yểu, hoặc bị vô hiệu và bị đẩy ra khỏi sân chơi…
          Tập Cận Bình có chống được tham nhũng không để hoàn thiện luật pháp thực hiện giấc mơ “ tứ toàn“? Chắc chắn là không!
          Tập Cận Bình chỉ có thể chống được những kẻ tham nhũng không ăn cánh với mình, để rồi ông ta lại tạo điều kiện cho quân, cánh mình tham nhũng do chính bởi cái thể chế độc tài đảng trị thay cho dân chủ pháp trị. Đến ngày nào, đó những kẻ tham nhũng trong cánh của ông lại vùng lên, coi chừng lại quật lại ông như ông từng quật lại Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai. Bởi vì tham những thì làm sao minh bạch, sòng phẳng và công bằng được. Sẽ có kẻ nhiều, người ít do vị trí, chức quyền và cơ hội trong thể chế cộng sản mang màu sắc Trung Quốc và mâu thuẫn lại nấy sinh ngay trong cánh của mình…
          Nắm chắc quân đội, hiện đại hoá quân đội để phục vụ cho việc củng cố vị thế, quyền lực Tổng Bí thư-“ông vua” đứng đầu một “đường dây vua” núp dưới ngọn cờ cộng sản, xã hội chủ nghĩa là mục tiêu số 1 của Tập Cận Bình.
          Để có tiền cung đốn, phân chia cho “đàn em”, những “con hổ” cùng cánh tham lam, đói khát thì phải tạo ra những “dự án” chiến tranh. Những dự án chiến tranh như tranh chấp trên biển, không phải sử dụng nhiều quân nhưng lại có cớ chi rất nhiều tiền, tài sản như đóng tàu, máy bay, lấp biển, là những dự án ma, chi tiêu vô tội vạ và có điều kiện ăn gian, ăn dày…
          Tập Cận Bình và đồng đảng của ông thừa biết: Nếu xảy ra chiến tranh trên biển thì không ai thắng vì chiến tranh không bao giờ vì chiến tranh; chiến tranh là nhằm mục đích để toạ hưởng, khai thác chiến lợi phẩm chiến tranh…
          Liệu Trung Quốc có đủ lực để “yểm” lực lượng của hải quân Mỹ, Nhật, Ấn Độ, ASEAN, Việt Nam và các quốc gia này ngồi yên cho Trung Quốc mang tàu vào hút dầu được chăng ?
          Liệu Trung Quốc xây ra hàng chục hòn đảo nhân tạo, mang máy bay tên lửa ra đó để canh giữ, thiết lập một vùng cấm bay được không?
          Đến như Mỹ từng mang mìn, tàu chiến, máy bay phong toả biển Việt Nam trong chiến tranh, cuối cùng phải chịu bó tay trước Việt Nam. Trung Quốc, một nền công nghệ chỉ giỏi làm hàng nhái, hàng ăn cắp, sản xuất cái ôtô, xe máy, tivi còn chưa ra hồn thì làm sao đánh đu công nghệ chiến tranh với những cường quốc công nghệ như Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ…
          Chưa nói Việt Nam, trong suốt chiều dày lịch sử vốn đã là là khắc tinh với các tham vọng bá quyền xâm lấn đất đai của các nước lớn không chỉ với Trung Quốc mà cả với Nhật, Pháp, Mỹ …
          Việt Nam cũng đang bị điều hành bởi hệ điều hành giống Trung Quốc nhưng: Việt Nam còn tiềm ẩn cái “phần mềm” khác: đó là thành luỹ lòng dân mà Trung Quốc không có. Nguyễn Trãi đã đề cập, viết về cái phần mềm này trong Bình Ngô đại cáo: “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán hận; Bọn cuồng Minh thừa cơ gây hoạ; bọn gian tà thì bán nước cầu vinh…”
          Mỗi khi bị xô đẩy vào thảm kịch bị ngoại bang xâm lấn, Việt Nam sẽ có những “Lê Lợi” khác thay thế “Trần Ích Tắc”, “Lê Chiêu Thống” đời áp chót. Cho dù có thể, có khi rơi vào tình cảnh “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần; Khi Khôi Huyện quân không một lữ…” nhưng mà vẫn quật cường quay lại đánh cho quân Trung Quốc bán sống bán chết, phải ôm đầu máu mà xin hàng …
          Trung Quốc vẫn tự hào mang Khổng Tử, được coi là di sản văn hóa truyền đời của mình ra chào hàng, xuất khẩu ra khắp thế giới. Thế mà lại không chịu hiểu một định đề sơ đẳng được coi là người thầy của nhiều triều đại Trung Hoa từng đúc kết: Tề gia-Trị Quốc-Bình thiên hạ…Phải  Tề gia đi đã, phải ổn định nội trị đi đã rồi mới tính chuyện bình thiên hạ…
          Một đầu lĩnh chính trị mới chân ướt chân ráo nắm chiếc ghế quyền lực cao nhất ở một đất nước đang hỗn loạn, đầy bệnh tật lại đi gây sự, mua thù, chuốc oán từ trong nhà “ chân mình cũng lấm bê bê” với cả với hàng xóm láng giềng; đứng về đạo lý, pháp lý và về phương diện an ninh-an toàn, cách ăn ở như vậy liệu có là các ăn ở có hậu?!
          Bao nhiêu bạo chúa độc tài trên thế giới và ngay tại đất nước Trung Hoa, tài giỏi và ghê gớm hơn Tập Cận Bình, thế nhưng rồi họ đã để lại những hậu quả gì cho thế giới, cho Trung Quốc và cho chính bản thân họ ?!

P.V.Đ

Không có nhận xét nào: