Tác giả: Carlyle A Thayer
Dịch giả: Châu Minh Dũng
11-12-2018
Năm nay đánh dấu thời điểm chính giữa chu kỳ năm năm của Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) [tính từ Đại hội ĐCSVN lần thứ 12 diễn ra từ ngày 20 đến 28/1/2016: ND]. Phiên họp toàn thể lần thứ tám của Ủy ban Trung ương ĐCSVN diễn ra vào tháng 10 vừa qua là bước chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 vào năm 2021, nhằm chỉ định năm tiểu ban được giao nhiệm vụ phác thảo Kế hoạch kinh tế xã hội, điều chỉnh quy chế Đảng, và xem xét các ứng cử viên khả dĩ cho Ủy ban trung ương và Bộ Chính trị nhiệm kỳ tới. Một số diễn biến chính trị và kinh tế lớn ở Việt Nam trong năm 2018 vừa qua sẽ tác động mạnh đến quá trình chuẩn bị này.
Yếu tố quan trọng đầu tiên là chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Việt Nam, vốn đã phát hiện sai phạm nghiêm trọng của các quan chức liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và ba ngân hàng lớn. Trong một diễn biến bất thường, các quan chức an ninh Việt Nam đã tổ chức bắt cóc một cựu Chủ tịch HĐQT PVN [Trịnh Xuân Thanh], khi đó đang lẩn trốn ở Đức, rồi đưa người này về Hà Nội và kết án ông ta hai án tù. Giám đốc điều hành PVN cũng bị kết án tử hình.
Chiến dịch chống tham nhũng mở rộng đến mức kết tội một Thứ trưởng Bộ Công an [Bùi Văn Thành], sĩ quan lãnh đạo một công ty thuộc sở hữu của quân đội, cùng với một mạng lưới các quan chức cao cấp tại thành phố Đà Nẵng. Tháng 3/2018, ông Đinh La Thăng – cựu quan chức đảng bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị – trở thành cựu ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị kết án tù.
Một thách thức khác cho ĐCSVN trong năm nay là sự phản đối của người dân trước hai dự luật đã được đưa ra tranh luận tại Quốc hội. Thứ nhất là dự luật về các Khu Kinh tế và Hành chính đặc biệt, dự kiến xây ba đặc khu kinh tế – bao gồm Vân Đồn ở miền Bắc, Bắc Vân Phong ở miền Trung và Phú Quốc ở miền Nam. Thứ hai là dự luật An ninh mạng, một tập hợp gồm nhiều quy tắc để kiểm soát mạng internet ở Việt Nam.
Truyền thông mạng xã hội Việt Nam cho rằng các tập đoàn tư bản Trung Quốc sẽ nhận được hợp đồng thuê đất kéo dài 99 năm tại các đặc khu kinh tế và đó sẽ là hiểm họa với an ninh quốc gia. Còn Luật An ninh mạng được xem như công cụ kiểm soát quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội. Một loạt cuộc tuần hành và biểu tình chống Trung Quốc nổ ra vào tháng 6/2018, riêng cuộc biểu tình ở Bình Thuận đã trở thành bạo loạn. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, phong trào biểu tình đã thể hiện thái độ bất mãn của người dân đối với sự bất ổn trong chính phủ.
Chính phủ Việt Nam đã hoãn việc xem xét thông qua dự luật về các đặc khu kinh tế đến năm 2019.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục củng cố vị thế của ông trong tháng 11, khi ông được chọn để kiêm nhiệm chức Chủ tịch nước sau cái chết của ông Trần Đại Quang. Diễn biến này có khả năng làm đảo lộn sự cân bằng trong hàng ngũ lãnh đạo trước đây và thu tóm rất nhiều quyền lực vào trong tay một cá nhân. Ông Trọng giờ sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình chính sách và cả việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13.
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam tiếp tục chuyển biến xấu sau khi các cơ quan an ninh tiến hành bắt giữ, xét xử và bỏ tù một loạt các nhà hoạt động chính trị và xã hội dân sự, dựa trên các quy định mơ hồ của Bộ luật hình sư. Các nhà hoạt động này tham gia nhiều vấn đề, bao gồm các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, các vấn đề môi trường, quyền lao động và quyền lợi hiến pháp. Hai nhà hoạt động nổi tiếng là luật sư Nguyễn Văn Đài và bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã lần lượt được phóng thích khỏi nhà tù rồi bị trục xuất đến Đức và Hoa Kỳ. Ước tính có khoảng từ 84 đến 92 tù nhân lương tâm vẫn còn đang bị giam giữ tại Việt Nam.
Bất chấp các sự kiện chính trị này, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ ở mức gần 7% GDP trong ba quý đầu năm 2018, khiến Việt Nam trở thành một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các mảng quần áo, giày dép và đặc biệt là điện tử đã giúp lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế tạo tăng trưởng mạnh.
Việt Nam cũng được hưởng lợi ngắn hạn trong cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi các công ty Trung Quốc và nhiều công ty nước ngoài khác chuyển đến Việt Nam. Mức xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng và Việt Nam đạt được mức thặng dư thương mại là 35 tỉ USD.
Trước mắt, Việt Nam sẽ đối mặt với ít nhất bốn thách thức lớn trong năm 2019.
Thách thức lớn nhất mà các nhà lãnh đạo Việt Nam phải giải quyết là vấn đề bất ổn xã hội tiềm ẩn đã thúc đẩy phong trào biểu tình lan rộng, bằng cách giải quyết các vấn đề liên quan đến việc lãnh đạo quốc gia, bao gồm chuyện đất đai, lao động và môi trường cũng như quyền tự do trên internet.
Thứ hai, các lãnh đạo Việt Nam phải đánh giá hiệu quả thực chất của việc Tổng Bí thư đảng đồng thời nắm giữ chức Chủ tịch nước và quyết định gia hạn hay chấm dứt việc này khi nhiệm kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ kết thúc trong năm 2021.
Thứ ba, Việt Nam phải thực hiện chương trình cải cách kinh tế như đã dự định, chẳng hạn như chuyện cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước để chấm dứt tình trạng mà Hoa Kỳ xác định là một nền kinh tế không phải kinh tế thị trường. Việt Nam cũng nên thay đổi chính sách tỷ giá hối đoái hiện tại của mình để tránh khỏi nguy cơ bị Hoa Kỳ xem là quốc gia thao túng tiền tệ.
Cuối cùng, Việt Nam cần bảo đảm dàn lãnh đạo quốc gia trong tương lai bằng cách xác định nhóm “cán bộ chiến lược”, thế hệ tiếp theo với những lãnh đạo đảng có “lý lịch sạch” – được bầu vào Ủy ban Trung ương mới của năm 2021.
Tác giả: Carlyle A Thayer là giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, Canberra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét