Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

Mối nguy từ các dự án đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam

Trong thời gian qua báo chí đã nói về bẫy nợ của Trung Quốc đối với một số quốc gia. Nay phải chăng sắp đến lượt Việt Nam cũng sẽ sập chiếc bẫy nợ này ? Hiện giờ, Việt Nam chưa đi đến tình trạng đó, nhưng trước mắt rõ ràng là Việt Nam đang đối diện với nhiều nguy cơ từ các dự án đầu tư của Trung Quốc.

Mối nguy từ các dự án đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam
Trong một báo cáo vào tháng 08/2018 gởi thủ tướng Việt Nam về Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ phát triển ODA và vốn vay ưu đãi, bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nợ Trung Quốc. Theo báo cáo này, vốn gọi là « ưu đãi » của Trung Quốc cho Việt Nam thật ra cũng tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, tức là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc) và có điều kiện vay kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác tại Việt Nam.

Cụ thể, bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vốn vay Trung Quốc có lãi suất là 3%/năm, cao hơn vốn vay của Nhật Bản (0,4 - 1,2%), Hàn Quốc (0-2%) hoặc Ấn Độ (1,75%). Chưa kể phí cam kết 0,5% và phí quản lý 0,5%. Thời hạn vay vốn của Trung Quốc là 15 năm và thời gian ân hạn là 5 năm, cả hai đều thấp hơn so với các nhà tài trợ khác. Các khoản vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc được cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Báo cáo nói trên của bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt nhấn mạnh là một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc « thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư ».

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam vay nợ nhiều từ Trung Quốc đang góp phần khiến quan hệ giữa hai nước ngày càng bất đối xứng :

« Quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc hiện đang xuất hiện sự bất bình đẳng, bất đối xứng với Trung Quốc, tức là Việt Nam vay nợ của Trung Quốc rất nhiều, vay nợ trong lĩnh vực điện, xây các nhà máy điện than với công nghệ Trung Quốc, gây ô nhiễm và gây phản ứng không hài lòng, tiêu cực trong dân chúng. Ngoài ra, nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc rất lớn. Đấy là hai yếu tố tạo nên sự bất bình đẳng và không cân bằng trong quan hệ giữa hai nước.

Việt Nam không được hưởng chính sách lãi suất vay nợ ưu đãi về lãi xuất và các điều kiện chi trả. Các dự án mà Việt Nam nhận đầu tư của Trung Quốc chủ yếu là do tập đoàn điện lực EVN ký kết, theo phương thức « chìa khóa trao tay » và công nhân Trung Quốc thực hiện xây lắp các công nghệ Trung Quốc, hoàn thành và chuyển giao cho Việt Nam. Sự giám sát của Việt Nam đối với các dự án này cũng không được thực hiện, mà việc giám sát là do các cơ quan của Trung Quốc thực hiện.

Cho nên đã có nhiều sự lo ngại về việc các dự án đó không bảo đảm về mặt kỹ thuật, cũng như gây ô nhiễm môi trường ».

Theo báo chí trong nước, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy trong số 19 dự án nhiệt điện đầu tư theo phương thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao ), có 3 dự án có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc với cổ phần chiếm đa số chi phối. Đó là dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Vũng Áng 2 và Vĩnh Tân 3. Ngoài ra, tuy không góp mặt với tư cách chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã trúng thầu các dự án nhiệt điện ở Việt Nam. Chẳng hạn như nhà thầu KAIDI đã lần lượt trúng thầu các dự án như Nhà máy điện Thăng Long, Nhà máy điện Hải Dương và Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 3, Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê.

Trong một bài báo đăng trên mạng ngày 02/12/2018, tờ Dân Trí cho biết chính bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã nhìn nhận rằng trong thời gian qua có nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án của Việt Nam, nhưng trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tình trạng như : thi công chậm tiến độ, chất lượng của hàng hóa, công trình sau khi hoàn thành không cao, công trình xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành... Nhiều chủ đầu tư đã buộc phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc, kể cả chấp nhận bị kiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu lên nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu. Đó là những dự án đó sử dụng vốn vay của Trung Quốc, mà để vay vốn Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay.

Trước đây, vào năm 2016, Trung Quốc cũng đã đề nghị cho Việt Nam vay 300 triệu đôla để thực hiện dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Nhưng chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã từ chối. Tháng 10/2018, Sở Giao thông Vận tải tỉnh này vừa thông báo đã giao cho 3 nhà đầu tư Việt Nam thực hiện dự án, với mức vốn gần 500 triệu đôla. Theo dự kiến dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 12.

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Trung Quốc đã tỏ ra « hào phóng » với dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính vì đây là một dự án có lợi cho Trung Quốc, nhất là vì Vân Đồn rất có thể sẽ là một đặc khu kinh tế dành riêng cho Trung Quốc :

« Dự án Vân Đồn - Móng Cái rõ ràng là mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc. Nếu có dự án này thì hàng hóa Trung Quốc, du khách Trung Quốc sẽ có thể sang Việt Nam một cách dễ dàng. Dự án luật đặc khu, mà đã bị người dân phản đối rất gay gắt và chính phủ đã phải tạm dừng trình Quốc Hội, có dự trù là công dân Trung Quốc có thể vào Việt Nam mà không cần visa để kinh doanh, đầu tư tại Vân Đồn. Tôi hy vọng là nếu dự luật được trình ra, những điều mà người dân đã có phản ứng sẽ được xem xét một cách thận trọng và thỏa đáng ».

Hy vọng là dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ không rơi vào tình trạng giống như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội, một dự án vay vốn của Trung Quốc, vừa bị chậm trễ, vừa bị đội giá rất nhiều. Tờ Tiền Phong trong một bài báo đăng trên mạng ngày 30/10/2018 cho biết công trình này theo dự kiến lẽ ra đã hoàn thành từ tháng 6/2015, nhưng cho đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Còn vốn đầu tư cho dự án ban đầu được dự kiến là 552 triệu đôla, nhưng nay đã tăng lên tới gần 900 triệu đôla, tức là tăng gần 40%.

Với 552 triệu đôla tiền vay ODA Trung Quốc để thực hiện dự án Cát Linh - Hà Đông và với lãi vay thương mại ưu đãi trung bình 3%/năm, nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi năm phía Việt Nam phải trả khoảng 240 tỷ đồng tiền lãi (tương đương 600 triệu đồng/ngày).

Còn với khoản lãi vay tăng thêm do dự án bị đội giá, Việt Nam phải trả nợ trong vòng 9 năm cho ngân hàng China EximBank của Trung Quốc từ tháng 01/2016 đến 15/11/2025. Cộng cả hai khoản vay, mặc dù dự án chưa hoàn thành, nhưng mỗi ngày phía Việt Nam đang phải trả cho Trung Quốc cả lãi lẫn gốc khoảng 2,4 tỷ đồng.

Nhưng làm thế nào để tránh cho các nhà thầu Trung Quốc liên tục thắng thầu ? Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, biện pháp cần thực hiện là Việt Nam « phải tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều ».

Tiến sĩ Lê Dăng Doanh thì đề nghị chính phủ phải xét lại các quy định, luật lệ về đầu tư và đấu thầu :

« Thủ thuật của Trung Quốc là lợi dụng luật đầu tư và luật đấu thầu của Việt Nam là người nào bỏ thầu giá thấp nhất thì sẽ được chấp nhận. Các nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu với giá rất thấp cho nên luôn thắng thầu. Sau khi họ thắng thầu và tiến hành xây dựng thì công trình đó đội giá lên gấp nhiều lần, như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Hà Nội hiện nay, đang gây sự chú ý của dư luận.

Cho nên, Việt Nam cần phải điều chỉnh quá trình xét duyệt các dự án của Trung Quốc và điều chỉnh các điều kiện của luật đất thầu, để tránh rơi vào cái bẫy của Trung Quốc, tức là chào thầu rất rẻ, nhưng cuối cùng Việt Nam phải trả một cái giá rất đắt, với một công nghệ rất kém, với nhiều yếu tố môi trường mà người dân rất quan tâm ».

Thanh Phương 

(RFI)

Không có nhận xét nào: