Các quốc gia thuộc EU đã thống nhất vào hôm thứ Tư (5/12) một kế hoạch xây dựng hệ thống phối hợp nhằm giám sát các khoản đầu tư của nước ngoài vào châu Âu, đặc biệt là các nguồn đầu tư từ Trung Quốc, theo Reuters.

Theo kế hoạch, được đưa ra sau sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét các khoản đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như công nghệ và cơ sở hạ tầng chiến lược, điển hình như các cảng hoặc mạng lưới năng lượng.
Nghị viện châu Âu và 28 quốc gia thành viên EU đã ký một thỏa thuận hồi tháng trước nhằm bảo vệ các lĩnh vực quan trọng.
Kế hoạch của EU không nêu tên Trung Quốc nhưng việc nó đề cập tới các khoản đầu tư của các tập đoàn nhà nước và yêu cầu chuyển giao công nghệ là những căn cứ cho thấy kế hoạch này ám chỉ tới Bắc Kinh.
Nghị viện Châu Âu sẽ bỏ phiếu cho đề xuất này vào tháng Hai hoặc tháng Ba năm sau.
Các nhà lập pháp của EU đã thành công trong việc thúc đẩy việc sàng lọc các khoản đầu tư với yêu cầu cao hơn so với đề xuất ban đầu, chẳng hạn như bắt buộc Ủy ban EU sàng lọc các giao dịch và yêu cầu các nước EU hợp tác. Họ cũng đã mở rộng danh sách “các lĩnh vực quan trọng” bao gồm hàng không vũ trụ, y tế, công nghệ nano, phương tiện truyền thông, pin điện và thực phẩm.
Hệ thống được đề xuất cũng đề nghị các quốc gia không tiến hành riêng lẻ việc sàng lọc các dự án đầu tư. Hiện tại có 13 quốc gia có hệ thống sàng lọc đầu tư riêng. Những nước này sẽ cần phải thông báo cho các thành viên EU khác và Ủy ban EU khi họ tiến hành đánh giá một dự án đầu tư.
Tất cả các nước sẽ phải cung cấp một báo cáo hàng năm cho Ủy ban EU, và sẽ có nghĩa vụ giải trình nếu một phần ba các nước thành viên bày tỏ lo ngại về dự án đầu tư đó.
Ý kiến của Ủy ban EU có thể giúp các nước thành viên giải tỏa những lo ngại đối với những dự án đầu tư phải mất nhiều năm nghiên cứu vì sợ rằng sẽ mất quyền kiểm soát trên những lĩnh vực nhạy cảm khi nó đã rơi vào tay nước ngoài.
Kha Đạt
Có thể bạn quan tâm: