Lời mở:
Theo 1 ông bạn công tác lâu năm tại Bộ Văn hóa..cho biết, sau vụ " Nhân văn Giai phẩm" một số nhà văn nhà thơ bị kỷ luật, "tư lệnh" của vụ trấn áp này là ông Tố Hữu...Nhà thơ Phùng Quán sau một thời gian được bố trí đi chăn bò ở Ba Vì thì được nhận về Cục Văn hóa quần chúng, bây giờ gọi là Cục Văn hóa-Thông tin cơ sở...Còn Nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, bố nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, một thời gian được bố trí làm Osin cho nhà ông Tố Hữu. Hàng ngày có nhiệm vụ đến quét dọn nhà cửa, rửa bát và trông nhà...
Đặng Đình Hưng được cái may là không phải đi xa rời Hà Nội như các nhà văn khác. Đặng Đình Hưng làm Osin cho nhà Tố Hữu một thời gian, ông Tố Hữu đã đề nghị chuyển đi chắc thấy chướng...
Dưới đây là bài phỏng vấn nhà thơ Hoàng Cầm của Thụy Khuê kể về công ăn việc làm của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sì dính dáng tới nhân văn giai phẩm...
NS Đặng Đình Hưng và Văn Cao
Thơ Hiện đại và
sinh hoạt sáng tác của các nhà thơ trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm
Nguồn Thụy
Khê
Buổi nói chuyện với nhà
thơ Hoàng Cầm, một trong những người chủ chốt của phong trào Nhân văn Giai phẩm.
Nhà thơ Hoàng Cầm sẽ cung cấp cho chúng ta một số dữ kiện văn học sử về thời kỳ
hậu Nhân văn, về sinh hoạt sáng tác của các nhà thơ hiện là những người đang
đưa ra những tìm tòi khai phá mới nhất cho thơ hiện đại.
Thụy Khuê: Thưa anh
Hoàng Cầm, anh đã sống những ngày sóng gió với phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và
cũng là những ngày mà thơ hiện đại manh nha mầm mống ở, không khí ấy như thế
nào thưa anh?
Hoàng Cầm: Nhân Văn chưa ra
nhưng cái chuyện thơ thì Lê Ðạt, Trần Dần có rất nhiều ý kiến về thơ ca để cho
nó tách hẳn ra. Còn riêng tôi thì tôi cũng không hẳn là cũ mà cũng chưa hẳn là
mới. Anh em cứ bảo tôi là một loại poète né. Bài Bên kia sông Ðuống thì anh em
vẫn đánh giá là nó cách tân đấy. Thế nhưng tôi cũng chả nghĩ gì đến cách tân
hay không cách tân bởi vì tôi, về mặt lý luận, tôi lười lắm. Và đến khi Nhân
Văn ra, thì tập Những người trên cửa biển rõ ràng là nó có nhiều cái rất mới và
đặc biệt là 1/3 đầu:
Sinh ra
tôi đã có Hải Phòng
đầu nhà
mới trồng cây mận
thì tôi cho đó là những câu thơ
rất hay, và
đêm đêm
tôi vẫn ngủ trên cầu
đấy. Nói được cái khao khát nó
mông mênh, nó vô tận như thế. Mà một trời một nước như thế với cái khát khao,
cái khát vọng lớn của những thi sĩ như chúng tôi lúc bấy giờ, thì anh Văn Cao
đã đạt được những câu thơ tôi cho là hay của cái thời kỳ giữa năm 56, từ mùa
xuân đến mùa hè.
T.K.: Thưa anh, rồi sau
đó có phải đến thời kỳ hoạt động mạnh của Nhân Văn Giai Phẩm không ạ?
H.C.: năm 56 là làm cái Giai Phẩm
Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thù, Giai Phẩm Mùa Đông, cũng là do tôi và anh Lê Đạt
làm là chính. Thế rồi đến Nhân Văn thì anh Nguyễn Hữu Ðang là người sinh ra báo
Nhân Văn, tôi là người đặt tên cho tờ báo. Nhưng đồng thời sau đó cũng lại
chính mình phải làm tất cả mọi viêc của tờ báo. Phụ thêm thì có anh Lê Ðạt. Thế
còn anh Trần Dần thì vì anh ấy cũng yếu và những công việc của một tờ báo thì
anh ấy cũng không làm được.
Năm 57 thành lập Hội Nhà Văn và
lúc bấy giờ về báo Nhân Văn thì chỉ có một cái lệnh là đóng cửa thôi. Cái lệnh
là đình bản. Cũng bị phê phán nhiều ở các báo, nhất là báo Nhân Dân, báo Văn
Nghệ đều có phê phán cái tư tưởng Nhân Văn. Nhưng mà còn về mỗi người thì chưa
có kỷ luật gì cả, đó là năm 57.
Tôi lại còn được bầu vào ban chấp
hành Hội Nhà Văn và phụ trách phó giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ (lúc bấy giờ đổi
tên là nhà xuất bản Hội Nhà Văn), do anh Tô Hoài làm giám đốc, thêm có anh Ðoàn
Giỏi nữa để cho gọi là có đại biểu của miền Nam. Thế nhưng công việc làm lúc bấy
giờ tôi làm là chính, vì anh Ðoàn Giỏi lúc bấy giờ anh ấy cũng chưa thân với
anh em viết văn ở ngoài Bắc lắm bởi vì anh ấy mới tập kết ra. Còn anh Tô Hoài,
anh ấy khôn lắm. Anh ấy cứ lỉnh đi để sáng tác. Ðấy là năm 57.
H.C.: Đến năm 58, đầu năm 58,
bên Trung Quốc có việc đánh đả phá phái hữu. Hai nhân vật được nêu ra để phê
phán ghê nhất là Đinh Linh và Trần Sĩ Hà. Bên nhà Nhà nước, lãnh đạo của ta ấy,
mới cử ông Huy Cận. Nếu tôi nhớ không nhầm thì là ông Huy Cận với ông Lưu Trọng
Lư, hay là ông Hà Xuân Trường nào đó tôi cũng không nhớ rõ lắm nhân vật thứ 2.
Nhưng mà tôi nhớ chắc chắn là anh Huy Cận được cử sang Trung Quốc để rút kinh
nghiệm cuộc đấu phái hữu. Khi các anh ấy về thì lập tức bên này lại mở ra một lớp
gọi là lớp học chính trị, nhưng chính ra là để đấu, đấu tranh chống tư tưởng
Nhân Văn. Tức là chống tư tưởng mà lúc bấy giờ ngườ ta cho là tư tưởng phá hoại,
chống Đảng, tiếng thông thường là “phản động”. Đấy là đầu năm 58.
Lớp học đó kéo dài gần 2 tháng,
sau đó thì đi lao động này, đi vào các xí nghiệp, xuống nông thôn, nông trường.
Nhưng mà không phải chi riêng anh em Nhân văn đi. Tất cả văn nghệ sĩ đều phải
đi tham gia lao động thực tế. Nhưng mà trong số chúng tôi đó, thì anh Trần Dần,
anh Lê Đạt, anh Đặng Đình Hưng, Tử Phác thì đi về nông trường Chí Linh để chăn
bò, chăn trâu, làm việc suốt ngày. Thế còn tôi và Phùng Quán, Trần Lê Văn,
Quang Dũng thì đi về một hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Bình để lao động, nhưng
mà nửa ngày thôi. Đó là sau khi giải quyết kỷ luật. Tôi thì thôi chức phó giám
đốc nhà xuất bản văn nghệ, nhà xuất bản Hội nhà văn, khai trừ khỏi ban chấp
hành. Lương cũng bị cắt đi rất nhiều, chỉ có một đồng lương nho nhỏ gọi là trợ
cấp, đủ ăn cho một người. Đợt đầu tiên đi 6 tháng, 6 tháng rồi lại về Hà Nội,
kiểm điểm rồi tổng kết vân vân…
Sau đó thì Hội nhà văn cũng
không thu xếp được chỗ nào để đi lao động nữa lại hẵng cứ ở nhà tạm nghỉ một thời
gian.
T.K:
Thưa anh, trong thời gian nghỉ đó thì các anh làm gì ạ?
H.C: Chính lúc bấy giờ anh em lại
tập trung viết được rất nhiều. Không phải là có một cái kỷ luật gì cấm sáng tác
cả. Cấm không được in báo, xuất bản sách. Cấm xuất hiện cái tên của mình. Lúc bấy
giờ tôi phải trông vào bà vợ. Như ở trong tập Về Kinh Bắc mà tôi đã viết đấy:
Bà vợ rất tốt, chịu đựng kham khổ, hy sinh cho chồng con. Lúc bấy giờ tôi tập
trung được tình cảm và suy nghĩ của mình liền trong năm tháng trời viết xong tập
thơ Về Kinh Bắc. Trần Dần cũng trong vòng nửa năm ấy viết được Cổng tỉnh. Lê Ðạt
làm một loạt thơ về quê hương của mình, thuở thơ ấu của anh ấy tức là thời kỳ
Yên Bái đấy, những bài thơ như là Lão núi, Ông lão chăn dê hay là Ông phó cả ngựa
đều đã có bắt nguồn ngay thời bấy giờ. Chỉ có là về sau này anh ấy hoàn chỉnh lại
thôi. Thế nghĩa là anh em không hề ngừng sáng tác, chỉ có điều là không được in
thôi. Không được xuất bản. Ðấy là năm 59.
Sang
năm 60 trở đi thì lại bắt đầu đi lao động. Anh Trần Dần và tôi lại vào cái xí
nghiệp nhà máy gỗ Hà Nội, anh Trần Dần làm thợ cưa, còn tôi thì đứng máy, ở cái
máy cưa.
T.K.: Thưa anh, về công
việc sáng tác sau giai đoạn 60 thì ra sao?
H.C.: Về cái việc sáng tác, thì
sau khi anh Trần Dần làm xong Cổng tỉnh, anh Ðặng Ðình Hưng viết tập thơ
đầu tiên trong cuộc đời anh ấy, đó là một tập thơ cực kỳ giá trị, tức là cái đầu
ô, hay cái cửa ô, chưa xuất bản đâu, nhưng mà đấy mới thật là thơ Ðặng Ðình
Hưng. Tôi thì Về Kinh Bắc, anh Trần Dần sau Cổng tỉnh lại tiếp tục, vào khoảng
ngoài năm 60, 61-62 gì đó, anh ấy lại viết một tập thơ nữa là Mùa sạch. Và anh
Lê Ðạt vẫn làm những bài thơ lẻ hoặc là những bài thơ dài, tức là mới phác thảo
thôi, nhưng vẫn làm việc đều đều suốt từ năm 60 trở đi. Cho đến năm 75, số tác
phẩm viết ra mà chưa được in ở mỗi người đề có là khá nhiều. Không hề là ngồi
chơi không. Riêng anh Văn Cao thì lúc bấy giờ anh ấy có khuynh hướng muốn trở
thành họa sĩ, anh ấy lại đi vẽ những minh họa, minh họa sách rồi minh họa trên
báo. Riêng về thơ thì anh ấy không làm nữa. Cho đến khi phục hồi, lúc bấy giờ đều
già cả rồi và Văn Cao thì cũng không còn một tình cảm nào say đắm về thơ như
trước. Anh ấy vẫn làm thơ, nhưng riêng tôi thì mình thấy là thơ Văn Cao
như thế, so với thời kỳ Cửa biển tức là Những người trên cửa biển ấy, thì xuống.
Ðến cái Cửa biển thì tôi cho là đến cái đỉnh cao của Văn Cao. Về sau, anh ấy vẫn
làm nhưng không bằng Những người trên cửa biển.
Anh Trần
Dần thì liên tục làm và anh ấy tìm tòi nhiều cách lắm. Sau đó anh ấy đi vào thơ
mini, tức là có khi chỉ có một câu, hai câu, rất ngắn mà nó chứa đựng những tư
duy rất hay và đặc biệt là ít lời, rất nhiều cảm xúc, rất nhiều trí tuệ.
Anh Lê
Ðạt vô cùng chịu khó học tập. Có khi anh ấy vào thư viện suốt cả tháng, anh ấy ở
thư viện đến 10 giờ đồng hồ một ngày, đọc sách rồi nghiên cứu tìm tòi các
thứ thơ văn cổ kim đông tây. Học rồi về nhà thì anh ấy lại làm. Có khi làm bài
ngắn, có khi làm bài dài v.v… Và cuối cùng ra được tập Bóng chữ đấy. Nó chứng
minh sự làm việc của anh Lê Ðạt rất công phu.
Anh Trần
Dần cũng bị tật, sau khi bị cảm một trận năm 1974, anh ấy hơi liệt liệt,
nhưng vẫn sáng tác thơ như thường, chịu khó tìm lắm. Gần đây, anh ấy lại
sưu tập lại rút ra ở tất cả thơ của anh ấy, những chỗ nào hay nhất để đưa vào từng
vấn đề của một tư duy thơ, gọi là lẩy Trần Dần. Anh tự lẩy. Anh ấy đã cố đưa ra
một thế giới gọi là thế giới Trần Dần, cái univers Trần Dần, thì tôi đã thấp
thoáng thấy nó hiện ra qua cái lẩy Trần Dần.
Tóm lại,
sự làm việc của anh em thời kỳ hậu Nhân Văn, tức là thời kỳ 58, 59, 60 cho đến
75 gần như là không ai nghỉ một tháng, một ngày nào mà không lo về việc thơ ca cả.
Chỉ có từ 75 về sau này, tình hình nó cũng có đổi khác, nhất là đến năm 88, được
phục hồi, chính thức trở lại sinh hoạt Hội Nhà Văn, cái đà sáng tác ở mỗi người
nó lại dâng lên, thì anh Lê Ðạt cũng làm nhiều. Anh Trần Dần bắt đầu làm được một
ít, thì chẳng may anh ấy lại bị bệnh khá nặng, cho nên là độ hai năm nay anh ấy
không làm được gì nữa.
T.K.: Thưa anh, vừa rồi
anh nói rất nhiều đến công việc sáng tác và tìm tòi của các bạn anh,thế còn
công việc tìm tòi của riêng anh thì ra sao ạ?
H.C.: Tôi là người hết sức giữ
cái sức khỏe, nhất là sức khỏe tinh thần của mình, cho đến hơi thở cuối cùng để
mà làm công việc của thơ. Tức là để sáng tác. Ðể nghiền ngẫm. Ðể nghiên cứu. Ðể
đọc tất cả những công việc về thơ. Tôi là mọt người mà chắc chắn là tôi còn đủ
sức cho đến hơi thở cuối cùng để mà làm việc cho thơ.
T.K.: Xin cám ơn nhà thơ
Hoàng Cầm .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét