Thứ Ba, 04/12/2018 • 4.8k Lượt Xem
Bữa tối làm việc giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1/12 đã thảo luận nhiều vấn đề từ tranh chấp thương mại, Bắc Hàn tới Đài Loan, nhưng không hề đề cập tới Biển Đông. Câu hỏi đặt ra là tại sao tranh chấp Biển Đông vốn được cả Mỹ và Trung Quốc quan tâm lại không được hai nhà lãnh đạo đề cập tới?
Sau khi cuộc gặp Trump – Tập bên lề G-20 kết thúc, chính phủ Mỹ và Trung Quốc cơ bản đều tuyên bố hội nghị giữa phái đoàn cấp cao hai nước là thành công đặc biệt trong vấn đề thương mại. Mỹ đã đồng ý không nâng thuế quan lên 25% đánh vào 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 1/1/2019. Đổi lại, Bắc Kinh đồng ý mua thêm hàng Mỹ để giảm thậm hụt thương mại song phương, cải cách về mặt cấu trúc nền kinh tế để giải quyết thực trạng họ đang đánh cắp tài sản trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, trợ cấp ngành công nghiệp và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan.
Tuy nhiên, tại hội nghị Trump-Tập lần này cả hai đều tránh đề cập tới vấn đề Biển Đông, bất chấp đây là điểm nóng mà cả Washington và Bắc Kinh đều rất coi trọng.
Trong hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tháng Mười Một vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thay mặt Tổng thống Donald Trump đã “luận tội” mạnh mẽ Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bắt nạt các nước nhỏ láng giếng, gây mất ổn định khu vực và ảnh hưởng tới tự do hàng hải quốc tế.
Ngoại giới đánh giá có hai nguyên nhân chính khiến lãnh đạo hai nước Trung, Mỹ không đề cập tới Biển Đông trong cuộc gặp bên lề G-20.
Thứ nhất, quan điểm của Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông có khác biệt sâu sắc từ cơ bản và đó là vấn đề rất khó để hai bên tìm được tiếng nói chung. Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, trong khi Mỹ đề cao “tự do hàng hải” tại vùng biển này.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping tại Hồng Kông nói với tờ Hoa Nam Buổi Sáng rằng sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông quá rộng để có thể vượt qua và hai bên không muốn vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu chính về đàm phán thương mại trong cuộc gặp bên lề G-20.
“Trung Quốc nhấn mạnh lợi ích hàng hải của họ trong vùng biển này, trong khi Mỹ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tự do hàng hải. Có những khác biệt từ những điểm khởi đầu và không thể dễ dàng hòa giải”, ông Song nói.
Thứ hai, Mỹ không phải là chủ thể trong tranh chấp Biển Đông, trong khi những quốc gia có tranh chấp vùng biển chiến lược này với Trung Quốc, đặc biệt là Philippines và Việt Nam gần đây lại không mạnh mẽ trong việc bảo vệ chủ quyền của mình.
Đặc biệt, trong chuyến thăm Phillipines hai ngày 20 và 21/11 vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông đã cùng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký bản ghi nhớ cùng khai thác chung Biển Đông. Như vậy, Philippines cho thấy họ đã thực sự “buông” vấn đề chủ quyền biển đảo để tập trung vào hợp tác kinh tế với Bắc Kinh.
Ông Wang Dehua – chuyên gia về các vấn đề Nam và Trung Á của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, Trung Quốc nói với tờ Hoa Nam Buổi Sáng rằng các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đã dịu giọng về yêu cầu chủ quyền của họ, làm nguội tình hình trên vùng biển chiến lược này.
Ông Wang cho hay: “Với việc quan tâm đến việc tạo ra bầu không khí tốt đẹp cho các cuộc thảo luận, Trung Quốc không cho rằng họ cần thiết phải đề cập tới vấn đề Biển Đông; và Mỹ biết họ cũng không được lợi gì khi dấy lên vấn đề đó”.
Trong khi chủ thể tranh chấp không quyết liệt trong việc thực thi chủ quyền của mình, làm sao có thể trông chờ vào sự giúp đỡ của các nước khác mà họ không trực tiếp là bên tranh chấp. Mỹ đang còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết với Trung Quốc như thương mại, Bắc Hàn và Đài Loan nên Washington tạm thời bỏ qua Biển Đông là điều có thể hiểu được.
Tân Bình
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét