Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY THÀNH LẬP SƯ ĐOÀN 31

Phạm Viết Đào.


Sáng nay, 7/7/2019, tại Hà Nội, các CCB của Sư đoàn 31 đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 45 năm ngày thành lập sư đoàn 11/7/1974-11-7-2019; Theo thông tin của Fb Tony, mình đã tới dự để gặp gỡ, kết nối thông tin với các CCB của Sư đoàn 31, Sư đoàn này đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên giai đoạn 1985-1986 với vị sư trưởng nổi tiếng Trần Tất Thanh…
Tới dự lễ kỷ niệm, mình nhận thấy có Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Khuất Duy Tiến và gần chục tướng lĩnh từng chỉ huy, hoặc trưởng thành từ F 31. Đông đảo các CCB từ các tỉnh phía bắc về dự. Tham dự còn có Tùy viên quân sự Đại sứ quán Lào và Cămpuchia…
Sư đoàn 31 được thành lập tại Nam Đàn Nghệ An, có tên ban đầu là Sư đoàn Lam Hồng, sau khi thành lập được điều động sang chiến đấu tại chiến trường Lào, sau năm 1978-1979 Sư đoàn 31 được biệt phái sang chiến trường Cămpuchia…Hiện tại F 31 đóng quân tại địa bàn Tây Nguyên…
Tại buổi gặp mặt hôm nay, mình đã gặp rất nhiều CCB từng chiến đấu tại chiến trường Lào, Cămpuchia…; Mình chỉ tìm cách kết nối lăm quen với các CCB từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên, những CCB từng tham gia các chiến dịch lấn dũi…trong giai đoạn 1985-1986…
Trung Quốc mở các chiến dịch quân sự lớn vào đầu tháng 4/1984 lấn chiếm biên giới nước ta vùng Hà Tuyên, khu vực Thanh Thủy Vị Xuyên. Đầu tháng 7/1984, Quân khu 2 và Bộ Quốc phòng đã huy động cùng lúc 6 trung đoàn của 4 sư đoàn chủ lực, đó là các Sư đoàn 356, 316, 312, 313…mở chiến dịch MB 84, vào ngày 12/7/1984. Mục tiêu của chiến dịch MB 84 đẩy lùi quân Trung Quốc ra khỏi các vị trí mà chúng lấn sâu vào Vị Xuyên có chỗ sâu tới 5 km…

Kết quả chiến dịch MB 84 đã không thành công, bộ đội ta chịu tổn thất lớn, riêng trong ngày 12/7/1984, khoảng 1200 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh, tổn thất nặng nề nhất là Sư đoàn 356, hơn 600 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong ngày 12/7/1984; Ngày 12/7 hàng năm được CCB Vị Xuyên ghi nhớ là ngày Giỗ Trận Vị Xuyên, để tưởng nhớ 5000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trogn chiến dịch MB 84…
Sau Chiến dịch MB 84 không thành công; phía Quân khu 2 và Bộ Quốc phòng đã thay đổi cách đánh, chuyển sáng cách đánh “lấn dũi”, vây lấn của cách đánh Điện Biên Phủ năm xưa…Sư đoàn 31 được giao nhiệm vụ một trong những đơn vị chủ lực, chủ công mở màn cách đánh này. Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 từng tham gia chỉ huy chiến đấu tại chiến trường Cămpuchia ghi nhận: Sư đoàn 31 là Sư đoàn được giao trọng trách đương đầu những trận đánh hiểm hóc, những mũi khó khăn nhất…
Trong bài phỏng vấn nhà văn Đào Thắng, người có mặt tại chiến trường Vị Xuyên giai đoạn 1984-1985, anh là biên kịch của Xưởng phim quân đội, tham gia làm 4 bộ phim về chiến trường Vị Xuyên, trong đó bộ phim “Đồng Văn tháng 4/1984” và “Giữ đất”, được giải của Bộ Quốc phòng, bộ phim “Thị xã yên tình” được Bông sen Bạc Liên hoan phim Việt Nam. Nhà văn Đào Thắng đã kể về những kỷ niệm không bao giờ quên về Sư đoàn 31 và Sư trưởng Trần Tất Thanh, người đã cấp xe bọc thép cho Đoàn làm phim quân đội mang máy đi ra các điểm tiền tiêu…Nhà văn Đào Thắng kể:
“- Điều tôi ám ảnh nhất đó là hình ảnh và những kỷ niệm về đại tá Trần Tất Thanh, vị Sư trưởng của Sư đoàn 31 bộ binh, Sư đoàn có tên là Tà Xanh; ông là người đã trực tiếp chỉ huy những trận đánh làm thay đổi cục diện chiến trường tại chiến tuyến Vị Xuyên Hà Giang…
Như anh biết, sau chiến dịch phản công đánh chiếm lại một số cao điểm xung quang 1509 ngày 12/7/1985 không thành công, bên ta tung ra 6 trung đoàn của 4 sư đoàn thiện chiến, áp dụng chiến thuật biển người của Trung Quốc bị thất bại và thương vong lớn.
Cuộc phản công thất bại và chúng ta không những không dành lại được 1509 mà còn mất thêm một số cao điểm. Trước tình thế đó, Bộ Quốc phòng đã điều tướng Nguyễn Hữu An, một chiến tướng tài danh, từng chỉ huy một trung đoàn đánh Điện Biên Phủ năm xưa lên chỉ huy mặt trận. Sư đoàn 31 là sư đoàn bộ bộ binh của đại tá Trần Tất Thanh đang đóng quân bên Lào được điều về để nhận nhiệm vụ tại chiến trường khốc liệt này?
Đại tá Trần Tất Thanh có kể cho tôi một chi tiết cảm động: Khi Sư đoàn Tà Xanh rút khỏi Lào để bổ sung cho chiến tuyến Hà Giang, nhiều bà con Lào đã lưu luyến đi theo bộ đội Việt Nam ba ngày để tiễn chân và bày tỏ tình cảm quý mến.
Khi Sư đoàn 31 được điều lên Hà Giang, chính BBC đã đưa tin ngay: Con Hổ Tà Xanh của đại tá Trần Tất Thanh sắp lến chiến trường Vị Xuyên; hãy coi sẽ bị gãy răng ở chiến trường toàn đá này…Kết cục Con Hổ Tà Xanh không bị gãy răng mà đã làm cho quân Trung Quốc liểng xiểng.
Khi tướng Nguyễn Hữu An và Sư đoàn 31 Tà Xanh được điều động về Hà Giang, đã tạo nên những thay đổi về cục diện chiến trường. Chúng ta đã đẩy lùi và chiếm lại một số cao điểm bị Trung Quốc chiếm giữ. Tôi không nhớ chi tiết các cao điểm nào nhưng đoàn làm phim đã lên tới Cao điểm H2, H3, là cao điểm đối địch với cao điểm H1, là cao điểm bị Trung Quốc chiếm.
Tướng Nguyễn Hữu An và Sư đoàn Tà Xanh dưới quyền chỉ huy của đại tá Trần Tất Thanh đã thay đổi cách đánh, dùng bộ đội đặc công áp dụng chiến thuật đánh công kiên của trận Điện Biên Phủ khi xưa, đánh nhỏ đánh chắc để tránh thương vong do phi pháp của địch rất mạnh gây cho ta.
Sư trưởng Trần Tất Thanh, một vị chỉ huy quả cảm và rất được lòng binh sĩ vì ông rất hiểu tâm lý binh sĩ. Việc đầu tiên của ông là bắt thay đổi toàn bộ tên gọi một số vị trí được bộ ta đặt tên trước đó tỷ như: Suối cô hồn, Cối xay thịt, Thung lũng tử thần, Cửa tử…yêu cầu bộ đội gọi tên thành những tên mới, ví như: Ngã ba kiên cường, Cao điểm anh hùng, Suối tương lai…
Khi đưa bộ đội lên, ông bố trị bộ đội thành tổ ba người, lên đào phá đá thành những hàm ếch sâu trong lòng đá để làm nơi ẩn nấp, đào xây dựng các chiến hào trên vách đá để đi lại hạn chế phi pháo địch…Đồng thời ông lệnh cho quân sĩ giữ nghiêm quân kỷ, không để bộ đội để tóc dài. Vì ở ngoài mặt trận có hai việc lính ta rất kiêng: cắt tóc và trả lời phỏng vấn báo chí, đoàn làm phim; nhiều lính sau khi cắt tóc, hay gặp báo chi hay bị tử thương…Sư trưởng Trần Tất Thanh đã buộc lính thay đổi “hủ tục” đó…
Bộ đội giữ chốt phải nói là vô cùng gian khổ, phải phá đá ra để làm hầm không chỉ để trú ẩn trong đó mà cả nơi ăn nghỉ đã đành, phải chịu đựng biết bao thiếu thốn…Bộ đội nằm trong hầm đá ngủ nhiều ngày nên thường bị bệnh cứng khớp, vì ngủ trực tiếp trên sàn đá nên mất nhiệt.
Trời Hà Giang mùa dông có khi xuống tới 4 độ. Nhiều bệnh binh được khiêng ra từ chốt, người cứ bị co quắp không duỗi ra được, kể cả khi khiêng tới bệnh viện. Sư trưởng đã tìm cách chuyển gỗ, ván lên để kể làm giường cho quân sĩ. Rồi thì đã lên chốt rồi, chuyện tắm rửa là một việc làm kỳ công vì trên cao làm gì có nước.
Hôm đoàn làm phim lên chúng tôi đã chứng kiến một tiểu đoàn trưởng ba tháng canh chốt được bố trí thay phiên trở về tuyến sau để được tắm. Anh biết bộ đội giữ chốt tắm như thế nào không? Lính chiến trường gọi là tắm khô, không tắm bằng nước mà tắm bằng cồn…Lấy cồn tẩm bông lau người, sĩ quan cấp tiểu đoàn phải ba tháng mới tắm 1 lần, không biết lính thì được mấy lần.
Sư trưởng Trần Tất Thanh kể cho tôi một trận chiến đấu vô cùng oai hùng và cảm động, một trận đánh mà ông đã mất quá nhiều nước mắt. Phía Trung Quốc đã sử dụng pháo giã ác liệt vào trận địa phòng ngự của ta suốt từ 6 giờ đến 10 giờ đêm; pháo, cối của chúng cứ giã liên tục đạn nố chớp chớp liên hồi y như trong các trận đánh của các trò chơi điện tử bây giờ.
Đứng tuyến sau nhìn thấy cảnh quân mình oằn lưng chịu đòn pháo địch nước mắt ông tràn trề. Thế nhưng khi pháo giặc im, chúng xua bộ binh địch lao lên đánh chiếm trận địa phòng ngự của ta thì lại thấy súng của quân ta chớp lóe rền vang từ trong các hầm cố thủ và quân địch lại bị đẩy lui. Nhìn cảnh đó ông lại nước mắt lưng tròng vì sung sướng: vừa thương quân sĩ vừa cảm phục tinh thần ngoan cường chịu đựng bảo vệ trận địa…
Có thể nói sau trận 12/7/1984, quân ta và quân địch không tổ chức những trận đánh lớn cấp trung đoàn mà luôn giằng co nhau những trận đánh trên từng ngọn đồi điểm chốt. Chúng tôi đã vác máy quay lên tận cao điểm H2 để hướng ống kính máy quay lên cao điểm H1 là cao điểm lính Trung Quốc chiếm giữ. Bộ đội đã cản không cho chúng tôi lên vì rất nguy hiểm, chúng tôi vẫn lên vì chúng tôi cũng từng là lính chống Mỹ, có đủ kinh nghiệm tránh đạn của địch.
Tôi còn nhớ, khi đoàn làm phim tập kết vào cái hang lớn gọi là Hang Mán, phải qua một chiếc cầu bắc bằng dây. Khi qua đoạn suối này phải chạy thật nhanh, nếu chạy không nhanh thì sẽ ăn đạn cối của Trung Quốc. Thành ra khi đi qua đoạn suối này giống như trẻ con chơi trò ú tim. Chuẩn bị từng người một, từ bên này nhanh chóng lao qua bên kia. Khi chúng tôi lao qua được vào trong hang thì pháo cối dồn dập nổ, chỉ chậm vài giây là coi xong.
Vào đến trong hang, lính mới phổ biến kinh nghiệm cho chúng tôi: Các chú nếu muốn tránh bị phi pháo địch bắn thì phải mặc áo bỏ ngoài quần và đừng mặc áo sĩ quan. Nếu lính Trung Quốc nhìn thấy mặc áo quần áo sĩ quan thì chúng nổ súng ngay. Còn áo để ngoài quần là quy ước ngầm hiểu đó là lính hậu cần. Khi thấy lính để áo ngoài quần, cả ta cũng không bắn lính Trung Quốc và lính Trung Quốc cũng không bắn ta. Tóm lại đó là một sự thỏa thuận ngầm kỳ khôi ở nơi cửa tử.
Còn lên đến điểm cao H2 thì có thể nghe rõ bước chân di chuyển của lính Trung Quốc ở điểm cao H1 bên này nghe rõ tiếng trò chuyện của phía bên kia…
Phạm Viết Đào: - Thế lên đến H2, các anh có quan sát được gì không?
Nhà văn Đào Thắng: - Có một chuyện thú vị này bây giờ tôi tiết lộ với anh, chính từ điểm cao H2, một nhịp cầu “ đình chiến “ được thiết lập, mà những nhịp cầu này lại do chính những người lính xây cất lên.
Hồi đó cả một chiến trường dài trên chục km bộ đội ta mệnh danh là “Lò Vôi thế kỷ” vì núi toàn đá vôi. Do pháo cối của hai bên bắn nhiều nên lửa đạn đã biến cả những giải đá xanh dài trở nên trắng xóa vì đá bị biến thành vôi. Nghĩa là hai bên cứ đánh nhau ác liệt, giằng co không ai chịu thua ai, đến một thời điểm thì chính người lính Trung Quốc thấy chán và vô nghĩa. Không rõ bên nào chủ động trước, nhưng hai đơn vị lính của phía Trung Quốc và Việt Nam tại điểm chốt tiền tiêu đã thỏa thuận ngầm với nhau là thôi không bắn nhau nữa. Vì như thế vô nghĩa. Phía chúng ta vì bảo vệ biên cương của Tổ Quốc nên chấp nhận hy sinh là có ý nghĩa; còn phía Trung Quốc, người lính ngộ ra họ là công cụ vô nghĩa và độc ác của nhà cầm quyền.
Từ chỗ hai bên căng thẳng rình bắn nhau, lính hai trạm chốt này đêm đêm đã bí mặt gặp nhau, giao lưu nhảy múa, hát hò và tặng thuốc lá, thuốc lào và nhu yếu phẩm cho nhau. Phía quân ta tặng quân Trung Quôc thuốc lào, còn lính Trung Quốc tặng ta thuốc lá Đại Thiền Môn, bánh kẹo thậm chí cả bia rượu. Việc này phía ta đã nhanh chóng báo cáo về cho Tổng cục chính trị những diễn biến bất thường của chiến trường Hà Giang.
( Hỏi nhà văn Đào Thắng, tham gia làm 4 bộ phim về Vị Xuyên; Rút từ trong tập: VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG-Tác giả Phạm Viết Đào)

Sư đoàn F 31 là 1 đơn vị được phong danh hiệu Anh hùng trong chiến đấu; Về sự trưởng thành và những chiến công của F 31, xin đưa phát biểu của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước…
Có 1 điều tế nhị: Trong khi Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói về quân tình nguyện Việt Nam khi chiến đấu tại Cămpuchia, quân ta chỉ sử dụng không khí và nước của nước bạn, một bác CCB khá luống tuổi lại hăng lên, thật thà đọc vanh vách các chiến lợi phẩm mà Quân đoàn 3 thu được tại Cămpuchia trong đó có 1 lượng vàng kha khá…
Tôi phải lên rỉ tai: bác dại thế, tay Tùy viên quân sự Cămpuchia nó biết tiếng Việt, nó mà báo về thì Hunsen mà đòi thì các bác giải quyết sao đây? Rất may lúc đó các đại biểu đang chúc nhau và tay tùy viên kia vào phòng VIP…Làng tôi cũng có một cậu đi lính Cămpuchia về, gia cảnh cũng nghèo, thế nhưng sau khi đi lính về cậu mua được mấy ha đất ở thị trấn Lạt Tân Kỳ, Nghệ An?

Điều may mắn cho tôi trong buổi gặp sáng nay nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư đoàn 31, tôi đã kết nối liên lạc được 1 số CCB của F 31, họ từng chiến đấu tại khu vực “4 hầm” một điểm chốt ác liệt của Chiến trường Vị Xuyên…
Có điều các CCB này người thì ở Lạng Sơn, người ở Hải Phòng, Thái Bình…sắp tới tôi sẽ sắp xếp để tìm gặp họ khai thác…
Sáng nay tôi cũng đã trao tặng tận tay tập “ VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG” cho một số tướng lĩnh từng chiến đấu tại chiến trường này… Họ hứa sẽ tranh thủ đọc và góp ý kiến…
Hy vọng có cuộc gặp gỡ nào của các CCB Vị Xuyên, các bạn nhớ báo để tôi đến.
Cảm ơn Fb Tony-Luyen…

Nhà văn Phạm Viết Đào.

Không có nhận xét nào: