Thứ Năm, 4 tháng 7, 2019

TRUNG QUỐC ĐƯA QUÂN LẤN CHIẾM BIÊN GIỚI VỊ XUYÊN TỪ NĂM NÀO?


Ghi chép của Phạm Viết Đào.


Nhân chứng 1: Cựu Chiến Binh F 313 Tạ Văn Phòng (CCB Tạ Văn Phòng) (Quê Đan Phượng - Hà Nội):
Phạm Viết Đào: - Chào bác, hôm nay ( 3/2013) có cuộc gặp của các Cựu Chiến Binh Sư 313 từng chiến đầu tại Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, xin bác cho biết tên là gì ?
CCB Tạ Văn Phòng: - Tôi là Tạ Văn Phòng quê ở Đan Phượng, Hà Nội…
Phạm Viết Đào: - Bác lên (mặt trận) Hà Giang từ năm nào?
CCB Tạ Văn Phòng: - Tôi trước ở F 414 sau đó chuyển qua 313 từ năm 1980…
Phạm Viết Đào: - Bác rời Hà Giang năm nào?
CCB Tạ Văn Phòng: - Năm 1982 tôi có quyết định về nghỉ
Phạm Viết Đào: -Từ năm 1980 - 1982 bác đã chứng kiến những trận đánh nào lớn ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang?
CCB Tạ Văn Phòng: -Tôi đã chứng kiến những trận đánh lớn ở Cao điểm 1800 A ở Lao Chải từ năm 1980 (tên 1800 A chỉ độ cao của cao điểm này 1800 m so với mặt biển)
Phạm Viết Đào: - Năm 1979 Trung Quốc đã đưa quân đánh Vị Xuyên Hà Giang chưa?
CCB Tạ Văn Phòng: - Năm 1979 Trung Quốc đánh Hà Giang rồi. 4 h sáng ngày 17/2/1979 Trung Quốc nổ súng ở khu vực cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên…
Phạm Viết Đào: - Các trận đánh ở Cao điểm 1800 A năm 1980 kéo dài bao nhiêu ngày?
CCB Tạ Văn Phòng: - Cao điểm 1800 nằm giữa đường biên Việt Nam - Trung Quốc; Do mình đưa một đơn vị lên chốt giữ và sau đó đã mất liên lạc… Mình tổ chức đánh lên lấy lại…
Phạm Viết Đào: - Theo tôi được biết Cao điểm 1800 A và 1509 hiện nay đã bị Trung Quốc chiếm giữ, mình phản công nhưng không lấy lại được…Chắc bác không biết…
CCB Tạ Văn Phòng: - Có thể vì tôi chiến đấu ở khu vực cửa khẩu Thanh Thủy…chỗ Thanh Hương?
Phạm Viết Đào: - Quân Trung Quốc có tràn sang đông không? Hồi đó lực lượng phòng thủ của ta gồm những đơn vị nào?
Rút từ: " VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"

CCB Tạ Văn Phòng: - Chốt giữ mặt trận Vị Xuyên lúc đó là Trung đoàn 122 trực thuộc tỉnh đội Hà Tuyên; Tôi thuộc Trung đoàn 166 đóng quân bên bờ sông Lô…
Phạm Viết Đào: - Ta có 2 trung đoàn, bác có biết quân số độ bao nhiêu, có tới 3 - 4000 quân không?
CCB Tạ Văn Phòng: - Quân số thì tôi không nắm được…Lúc đó ta chỉ có 2 trung đoàn bộ đội địa phương Hà Tuyên, Trung Quốc vào ta đẩy lùi được.
Phạm Viết Đào: - Những trận đánh đầu năm 1982, bộ đội ta hy sinh có nhiều không ?
CCB Tạ Văn Phòng: - Chuyện đó tôi không nắm được…Sau này có Sư đoàn 356 từ Yên Bái bổ sung thêm…

Nhân chứng 2 – Cựu Chiến Binh F 313 Vũ Văn Soái, Quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa (CCB Vũ Văn Soái)
Phạm Viết Đào: -Chào anh đề nghị anh cho biết quý danh ?
CCB Vũ Văn Soái: -Tôi là Vũ Văn Soái quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa
Phạm Viết Đào: - Anh lên Hà Giang năm nào?
CCB Vũ Văn Soái:-Tôi lên Hà Giang tháng 2/1979 đúng lúc xảy ra chiến tranh biên giới với Trung Quốc…
Phạm Viết Đào: - Anh rời Hà Giang năm nào?
CCB Vũ Văn Soái:- Tôi rời Hà Giang năm 1993
Phạm Viết Đào: - Như vậy anh ở Hà Giang mười mấy năm…
CCB Vũ Văn Soái:- Tôi ở Hà Giang 11 năm
Phạm Viết Đào: - Trước 1979 anh ở đâu ?
CCB Vũ Văn Soái:-Trước 1979 tôi ở Quân khu IV
P.V.Đ:- Đề nghị anh kể cho diễn biến 2/1979 Trung Quốc đánh ở Hà Giang như thế nào ?
CCB Vũ Văn Soái:-Năm 1979, đơn vị của tôi được giao nhiệm vụ chốt giữ điểm cao 1800 A, 1800 B, 872, sau khi mình chốt giữ thì Trung Quốc đưa quân tấn công mình từ tháng 2/1979 cho đến năm 1980 thì mình bị mất những cái chốt ấy…
Phạm Viết Đào:-  Hồi đó anh là lính giữ chốt ở trên đó ?
CCB Vũ Văn Soái:- Hồi đó tôi làm Trưởng ban quân nhu của Trung đoàn…
Phạm Viết Đào:- Theo anh vì sao mình không giữ được những cái chốt ấy ?
CCB Vũ Văn Soái:-Lúc đó quân của mình mỏng quá, chủ yếu là quân địa phương, quân chủ lực ít.
Phạm Viết Đào: - Mình bố trí bao nhiêu quân giữ những cái chốt ấy ?
CCB Vũ Văn Soái:-Mình bố trí 1 trung đoàn chốt giữ ( Vị Xuyên) riêng những cái chốt ấy mình bố trí 1 tiểu đoàn…
Phạm Viết Đào: - Mình chỉ có 1 trung đoàn chốt giữ mặt trận Vị Xuyên Hà Giang? Thế Trung Quốc đánh thì mình giữ được bao lâu ?
CCB Vũ Văn Soái:-Mình giữ cho tới 1981 thì mất…
Phạm Viết Đào: - Thế cao điểm 1509 mất như thế nào anh có nắm được không ?
CCB Vũ Văn Soái:- Cao điểm 1509 giữa ta và Trung Quốc giằng co nhau, Trung Quốc đánh chiếm, ta lấy lại…Cho đến tháng 4/1984 thì cao điểm 1509 mất hẳn…
Đến năm 1984 ta mới đưa một loạt sư đoàn quân chủ lực lên như Sư 356, Sư 316…
Phạm Viết Đào: -Anh có nhớ gì trận 28/4/1984 khi Cao điểm 1509 bị mất hẳn…
CCB Vũ Văn Soái:-Thời kỳ đó tôi đang đi học dưới Yên Bái nên diễn biến của trận đánh tôi không nắm được…
Phạm Viết Đào: -Anh ở Hà Giang từ 2/1979 tới năm 1993, anh có kỷ niệm gì đáng nhớ không ?
CCB Vũ Văn Soái:-Tôi nhớ nhất là trận đánh để lấy lại Cao điểm 1688; Dành đi giật lại, đánh đi lấy lại hết đơn vị này đến đơn vị khác nhảy vào, tất nhiên mình vẫn giữ được nhưng tổn thất của mình quá lớn…
Phạm Viết Đào: - Ước tính mình thiệt hai bao nhiêu anh có nhớ được không ?
CCB Vũ Văn Soái: -Có cả những trung đoàn, tiểu đoàn của ta bị xóa sổ…
Phạm Viết Đào: - Nghĩa trang của lính Sư 313 của mình bây giờ nằm ở đâu ?
CCB Vũ Văn Soái:-Nghĩa trang của lính Sư 313 nằm ở 3 nơi: một nơi nằm ở ngã ba Thanh Thủy; Hình như bây giờ được chuyển về km 17, ở xã Đạo Đức…
Nói thực ra cuộc chiến tranh với Trung Quốc…giữa cái sống và cái chết, giữa cái còn và cái mất không kể hết được. Bên nó cũng chết nhiều…Bên mình cũng tương đối…
Phạm Viết Đào: - Năm 1979 thì anh chính thức ở chỗ nào ở Hà Giang ?
CCB Vũ Văn Soái: -Tôi đóng quân ở cầu Khỉ
Phạm Viết Đào: -Trung Quốc đưa quân tràn sang như thế nào ?
CCB Vũ Văn Soái:- Trung Quốc vẫn đưa quân theo chiến thuật “đầu nhọn đuôi dài”…; Trung Quốc đưa bộ binh tràn sang, ta tấn công thì họ lại lùi…
Phạm Viết Đào: - Anh ở bộ phận quân nhu, vậy hồi đó quân mình trang bị những loại vũ khí gì ?
CCB Vũ Văn Soái:- Hồi đó mình đã sử dụng H 12 loại 12 nòng, 24 nòng và 36 nòng…, Súng DKB, pháo cối, pháo 85, 105, 122 của Liên Xô…, thiết giáp, xe tăng…
Phạm Viết Đào: - Theo anh thì hỏa lực của ta so với Trung Quốc như thế nào?
CCB Vũ Văn Soái:- Vũ khí của mình sử dụng so với Trung Quốc thì hỏa lực của mình mạnh hơn nó nhưng nó lại nhiều đạn hơn mình.
Phạm Viết Đào: - Hồi đó mình sử dụng vũ khí của Liên Xô có sử dụng vũ khí của Mỹ không ?
CCB Vũ Văn Soái:-Có sử dụng vũ khí của Mỹ, pháo 105 là của Mỹ…
Phạm Viết Đào: - Mình có đủ đạn bắn không; Nguồn đạn Mỹ mình lấy từ đâu ?
CCB Vũ Văn Soái:- Nói chung mình sử dụng vũ khí của Mỹ để đánh chặn khi Trung Quốc tấn công, bắn cầm canh…phòng thủ là chủ yếu…
Phạm Viết Đào: - Nghe nói hồi đó ta có nguồn đạn từ Ấn Độ phải không ?
CCB Vũ Văn Soái:- Ta sử dụng vũ khí, nguồn đạn từ Liên Xô, Ấn Độ, chiến lợi phẩm từ các kho của Mỹ để lại…


                                    Cửa Hang Dơi
Nhân chứng 3: Cựu Chiến Binh 313 Nguyễn Văn Thanh quê Thanh Hóa sống tại TP Hà Giang (CCB Nguyễn Văn Thanh).
   Nhiều lần lên cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang tôi được nghe chuyện 47 bộ đội đặc công hy sinh ngay trước của hang vào quãng tháng 5/1984...nghi bị pháo của ta bắn nhầm...
   Hang Dơi nằm bên cạnh suối Thanh Thủy, kế liền hang Làng Lò; Hang Dơi là điểm được đánh dấu trên bản đồ cách Cao điểm 233 và 685 quảng 1500 m theo đường thẳng...
   Tôi đã hỏi chuyện Cựu Chiến Binh 313 Nguyễn Văn Thanh, theo Thanh anh là người có mặt trong Hang Dơi, nơi bộ đội ta đồn trú...Anh không dám khẳng định bị pháo ta bắn, anh chỉ nghi là bị cối Trung Quốc bắn...
Nếu nhìn vào bản đồ thì cối khó lòng bắn cầu vồng xuống được cửa Hang Dơi vì quân Trung Quốc ở cách đó quãng 1500 m. Ngọn núi có Hang Dơi dốc đứng về phía ta như một bức tường; Muốn câu cối thì phải đặt súng ngay trên đỉnh may ra mới câu được...
Vài lần vào thăm Đơn vị làm kinh tế 313 đóng đối diện Hang Dơi phía bên này; anh em lính trẻ cho biết: Linh hồn các liệt sĩ đặc công hy sinh trong trận đó thiêng lắm...Nhiều sáng tinh mơ, anh em bên này dậy sớm có nghe tiếng hô tập hợp đội ngũ, hô xung phong rất rõ bên kia suối Thanh Thủy...
Thỉnh thoảng vong hồn các liệt sĩ vẫn sang bên doanh trại bên này đùa nghịch. Ví dụ bộ đội đang ngồi uống nước một mình và cảm tưởng như có ai đó ngồi đối diện với mình, đụng vào chén ấm như nhắc phải rót nước mời liệt sĩ...Ai đi phép hoặc đi phép lên đều nhớ sang bên Hang Dơi thắp hương sẽ đi về suôn sẻ...
Trước đây Đơn vị kinh tế 313 có làm một cái chòi nhỏ để bộ đội thỉnh thoảng sáng thắp hương. Tôi đề nghị nên xây cái miếu thờ, tôi có cung tiến ít tiền và hiện đã được xây một cái miếu thờ trước cửa Hang Dơi để thắp hương tưởng vọng 47 chiến sĩ đặc công hy sinh không rõ do pháo Trung Quốc hay pháo ta...
Sau đây là cuộc trò chuyện giữa Phạm Viết Đào với CCB Nguyễn Văn Thanh

Phạm Viết Đào: - Anh ở đây từ năm nào đến năm nào?
CCB Nguyễn Văn Thanh: -Từ 1979 bọn tôi lên đây; Năm 1984 tôi còn ở trên này…
Phạm Viết Đào: - Anh tên là gì?
CCB Nguyễn Văn Thanh: -Tôi tên là Nguyễn Văn Thanh
Phạm Viết Đào: - Anh ở sư đoàn nào?
CCB Nguyễn Văn Thanh: -Tôi ở Sư đoàn 313
Phạm Viết Đào:- Anh đã tham gia những trận đánh ác liệt nào ở đây?
CCB Nguyễn Văn Thanh: - Chúng tôi đóng quân ở đây còn lên đánh ở cao điểm 1688
Phạm Viết Đào: - Hồi ta thắng hay ta thua?
CCB Nguyễn Văn Thanh: - Trận đánh ác liệt mà tôi chứng kiến là trận đánh lấy lại cao điểm 1688…
Phạm Viết Đào: - Tức là cao 1688 m? Nó cao hơn cả 1509 à?
CCB Nguyễn Văn Thanh: - Cao hơn…Nó nằm trên đất mình thuộc khu vực đường biên. Cao điểm này nằm ở khu vực Lao Chải; Trung Quốc đưa quân lấn chiếm và mình đưa quân lên để đánh lấy lại…
Phạm Viết Đào: -Trận đánh cao điểm 1688 đơn vị của anh hy sinh nhiều không?
CCB Nguyễn Văn Thanh: - Nhiều lắm anh ạ. Đơn vị đánh 1688 là Tiểu đoàn 8 ( F 313) khoảng 2/3 đơn vị đã bị hy sinh…
Phạm Viết Đào: - Một tiểu đoàn bao nhiêu quân…400 bộ đội à?
CCB Nguyễn Văn Thanh: - Một tiểu đoàn đủ là 600 bộ đội…
Phạm Viết Đào: -Trận đó đánh vào tháng mấy?
CCB Nguyễn Văn Thanh: - Đánh vào tháng 5/1981
Phạm Viết Đào: - Năm 1981 đã đánh nhau ác liệt thế?
CCB Nguyễn Văn Thanh: - Năm 1981 đánh nhau ác liệt trong khu vực Lao Chải…
Phạm Viết Đào: - Thế năm 1979, Trung Quốc vào tới tận đâu?
CCB Nguyễn Văn Thanh: - Năm 1979 tôi không chứng kiến khu vực này, hình như nó vào tận khu đây (khu vực cửa khẩu Thanh Thủy). Cầu này mình sợ nó sang nên cho đánh sập…
Phạm Viết Đào: - Trận đó mình huy động bao nhiêu quân?
CCB Nguyễn Văn Thanh: -Sau một số trận đánh 1800 A-B thấy không giải quyết được gì nên không đánh nữa. Phía ta chuyển sang sử dụng Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 14 đánh 1688. Chuyển sanh đánh tập kích, bắn tỉa…
Phạm Viết Đào:-Anh tham gia trận nào ác liệt nhất?
CCB Nguyễn Văn Thanh: - Đó là trận tôi tham gia và ác liệt nhất…
Phạm Viết Đào: - Trận đánh 1509 anh không tham gia?
CCB Nguyễn Văn Thanh: - Tôi không thuộc trung đoàn ấy (Trung đoàn 122)…Thời điểm đó Trung đoàn 122 đảm nhận giữ khu vực 1509.
Phạm Viết Đào: - Anh là người chứng kiến vụ 47 chiến sĩ đặc công bị sát thương trước cửa Hang Dơi; Lúc đó pháo bắn vào buổi chiều hay buổi sáng?
CCB Nguyễn Văn Thanh: -Bắn vào buổi chiều. Đặc công hóa trang chuẩn bị đi đánh chốt, đánh quấy phá, gây cho địch hoang mang. Ta xác định nếu ta đánh chiếm thì cũng không thể giữ được. Ta dùng đặc công để đánh. Lúc đó toàn quân của sư 305 của Bộ lên đánh.
Phạm Viết Đào: - Anh giải ngũ năm nào?
CCB Nguyễn Văn Thanh: -Tôi giải ngũ năm 1985; Tôi chuyển ngành…
Phạm Viết Đào: - Năm 1985 anh bị thương hay sao mà được chuyển ngành?
CCB Nguyễn Văn Thanh: - Năm 1985 tôi thuộc diện nghỉ chế độ…
P.V.Đ.


Rút từ: "VỊ XUYÊN & THẾ SỰ VIỆT-TRUNG"
Biên khảo về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược tại chiến trường 
Vị Xuyên Hà Giang.
Sách dày 700 trang khổ 240x160
Liên hệ- Email: Hoanghtham9@gmail.com
ĐT: 0382598746



Không có nhận xét nào: