Nguyễn Hồng Phúc
(VNTB) - Theo con số ghi nhận từ báo cáo tài chính, đến cuối năm 2018, Formosa Hà Tĩnh lỗ lũy kế gần 14.000 tỷ đồng.
Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh. |
Hiện tại, Formosa cũng cắt giảm 20% sản lượng cán nóng thường xuyên của nhà máy, và giảm giá 25 USD/ tấn cho cuộn cán nóng.
Thua lỗ dù nhiều ưu đãi
Chọn đầu tư vào Việt Nam, phía Formosa đã nhận được rất nhiều ưu ái từ phía Đảng và Nhà nước Việt Nam, như được thuê diện tích đất rộng lớn gần 3.300 ha trong thời gian 70 năm (dù quy định chỉ cho phép cho thuê tối đa 50 năm) với giá 4,455 triệu USD, tương đương hơn 96,22 tỉ đồng; mức giá này quá thấp coi như bằng không, do đó Formosa đã trả ngay một lần.
Formosa Hà Tĩnh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu đi vào sản xuất, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo và chỉ phải đóng thuế thu nhập 10% trong 50 năm còn lại. Trường hợp nếu dự lỗ, Formosa Hà Tĩnh cũng được chuyển lỗ sang các năm tiếp theo, được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị tạo tài sản cố định.
Sau một năm vận hành lò cao số 2, số liệu cho thấy chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, Formosa đã sản xuất được hơn 2 triệu tấn thép thô (phôi thép), dành 1,6 triệu tấn để tiêu thụ nội bộ, xuất bán trong nước gần 300.000 tấn và xuất khẩu gần 159.000 tấn. Sản lượng thép thô sản xuất của Formosa chiếm khoảng 40% toàn thị trường. Năm 2018, Formosa sản xuất hơn 5 triệu tấn thép thô, gần 3,44 triệu tấn thép cán nóng HRC (hot rolled coil).
Tuy nhiên báo cáo tài chính cho biết tính đến cuối năm 2018, phía Formosa Hà Tĩnh đã lỗ lũy kế gần 14 tỷ đồng, bất chấp việc nhận được nhiều ưu ái của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong chuyện chấp nhận công nghệ lạc hậu, đưa đến nhiều rủi ro cho môi trường sinh thái.
Tổng tài sản của Formosa Hà Tĩnh tại thời điểm 31-12-2018 là 12,7 tỷ USD, tổng nợ vay hơn 7,55 tỷ USD (175.550 tỷ đồng). Công ty đang có tồn kho hơn 1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2017.
Công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh, Formosa Plastic Group - nắm giữ 70% vốn - không có kinh nghiệm trong sản xuất thép, hoạt động chủ yếu của FPG là công nghệ sinh học, chế biến hóa dầu và sản xuất linh kiện điện tử. Tuy nhiên vào năm 2015, China Steel Company (CSC), đã rót thêm vốn vào Formosa Hà Tĩnh (thông qua công ty con là China Steel Asia Pacific Holdings Pte. Ltd.), nâng tỷ lệ nắm giữ lên 25%.
Sản phẩm chủ lực của Formosa Hà Tĩnh là thép cuộn cán nóng dùng nhiều nhất là trong ngành công nghiệp đóng tàu. Và đây cũng chính là nghi vấn thép cuộn cán nóng của Formosa Hà Tĩnh nhằm để cung ứng việc đóng tàu sắt cho lực lượng tàu cá của Trung Quốc đang độc chiếm biển Đông lâu nay.
Sẽ vẫn tiếp tục ô nhiễm ở mức trầm trọng!
Một nguồn tin cho biết, Formosa Hà Tĩnh đang cân nhắc tạm dừng kế hoạch triển khai lò cao số 3 do những ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hiện tại, phía Formosa Hà Tĩnh cũng đưa ra tuyên bố toàn bộ công nghệ dập cốc từ ướt sang khô được đưa vào vận hành chính thức, hoàn thành việc khắc phục toàn bộ 53 lỗi vi phạm về công nghệ khi cam kết đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên từ con số lỗ lũy kế như thể hiện trong báo cáo tài chính, đang có nghi vấn việc thay đổi từ dập cốc ướt sang khô được bắt đầu ở lò số một từ đầu năm 2019 và lò số 2 từ tháng 6-2019 của Formosa Hà Tĩnh, là có tuân thủ đầy đủ theo quy trình công nghệ tương ứng hay không? Lý do, công nghệ dập công khô thường đắt hơn (110 USD/tấn cốc) khi xây nhà máy so với dập cốc ướt.
Về chuyện ô nhiễm, trong khâu dập cốc, cốc từ lò luyện sẽ được làm nguội bằng khí trơ nitơ nếu cốc được dập khô. Qua cách này, bụi than/cốc cỡ hạt nhỏ đến 2,5 microns (PM2,5) sẽ phải được thu hồi để thải hoặc tái xử dụng để đốt trong khâu sintering quặng sắt.
Công nghệ dập cốc khô được các nhà máy gang thép ở Nhật, Hàn Quốc áp dụng nhiều vì đơn giản hơn trong khâu xử lý chất thải, nếu bụi cốc được thu hồi hoàn toàn. Bụi cốc chứa >60% C (cùng hydrocarbon) có nguồn năng lượng cao có thể tái sử dụng. Dập cốc khô cũng sẽ thu hồi được nhiệt từ khâu làm nguội này để chế hơi nước dùng trong nhà máy.
Tuy nhiên, một nhược điểm của dập cốc khô so dập cốc ướt, là nếu bụi hạt thoát ra ngoài sẽ gây ô nhiễm nhiều hơn, vì có chứa nhiều PAH là các chất hydrocarbon phức vòng/ thơm thuộc nhóm polycyclic aromatic hydrocarbon rất độc hại, gây ung thư; và các chất hữu cơ khác. Trong nhóm này benzo(a)pyrene (BaP) là chất độc hại nhất, mà Mỹ, EU đặt chuẩn rất gắt gao theo khuyến cáo từ WHO, dưới 1,0 ng/Nm3 cho không khí gần nhà máy.
Giảm thiểu các nguy cơ về rủi ro môi trường, hiện nay trên thế giới có nhiều quy trình sản xuất sắt thép mà không cần khâu luyện cốc. Các quy trình khử sắt trực tiếp (Direct reduction iron) như Corex, Mildrex, Finex,… có thể khử oxy từ quặng sắt (Fe2O3) để chế tạo sắt (Fe) và luyện chung với sắt phế thải trong lò điện hồ quang (Electric Arc Furnace - EAF); hoặc quy trình sắt thép đang áp dụng (Blast Furnace - BOF). Chi phí đầu tư ban đầu dĩ nhiên là cao hơn, nhưng chi phí xử lý chất thải thấp hơn nhiều vì ít tạo các chất thải độc hại.
Nếu thực sự vì dân…
Ghi nhận ý kiến từ nhiều chuyên gia trong lãnh vực luyện kim ở Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc Luyện kim Việt Nam, nếu thực sự vì môi trường sống lâu dài của người dân, đòi hỏi các quan chức cấp cao nhất của Bộ Chính trị cần hiểu rõ rằng dự án gang – thép Formosa Hà Tĩnh, về bản chất công nghệ, thuộc loại dự án tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về môi trường. Vì vậy, Đảng – Nhà nước nên xem xét lại quy mô không nên quá 7,5 triệu tấn/năm (hiện tại dự án đăng ký có 6 lò cao, sản lượng thép thô đạt 22,5 triệu tấn), và thời gian tồn tại của dự án Formosa không nên quá 25 đến 30 năm là vòng đời kinh tế của các dự án công nghiệp.
Ngoài ra, nguồn tài nguyên thiên nhiên là cảng biển nước sâu Sơn Dương cũng đã bị Formosa khống chế và độc quyền khai thác, trong khi chi phí cơ hội của cảng biển Sơn Dương rất lớn.
Nói một cách khác, chủ quyền trên biển của Việt Nam nhìn từ Sơn Dương đang bị phía đối tác Formosa đe dọa, khi phía Bộ Kinh tế Trung Quốc thông qua công ty con là China Steel Asia Pacific Holdings Pte. Ltd., mà bộ này chiếm 20,05% vốn cổ phần, để trở thành là cổ đông giữ quyền chi phối ở Formosa Hà Tĩnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét