RFA
Trung Quốc vào ngày 11 tháng giêng lên tiếng phản đối Việt Nam kêu gọi Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại Biển Đông.
Mạng báo The Economic Times loan tin này theo đó phát ngôn nhân Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra phản đối như vừa nêu sau khi đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Tôn Sinh Thành, vào ngày 9 tháng giêng, phát biểu với báo giới nước sở tại rằng Hà Nội hoan nghênh mọi đầu tư từ Ấn Độ vào Biển Đông.
Đại sứ Tôn Sinh Thành nói thêm hợp tác quốc phòng là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng và hiệu quả giữa Việt Nam và Ấn Độ. New Dehli có thể giúp Hà Nội tăng cường khả năng quốc phòng.
Phát ngôn nhân Lục Khảng được dẫn lời rằng Trung Quốc không phản đối việc phát triển quan hệ song phương bình thường giữa các lân bang của Trung Quốc với những quốc gia khác. Tuy nhiên Trung Quốc mạnh mẽ phản đối các bên liên quan dùng điều đó như là một lý do để xâm phạm điều mà Bắc Kinh cho là quyền lợi hợp pháp tại Biển Đông; cũng như làm phương hại đến hòa bình và ổn định trong khu vực.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng phản đối Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong những năm qua, Bắc Kinh luôn phản đối hoạt động thăm dò của Tập đoàn Dầu Khí Ấn Độ (ONGC) tại những lô thuộc Việt Nam tại Biển Đông.
New Dehli lên tiếng khẳng định rằng việc thăm dò của ONGC thuần túy là hoạt động thương mại không liên quan gì đến tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Ấn Độ hiện đang tăng cường quan hệ với Việt Nam và có quan điểm ủng hộ tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông. Đây là tuyến đường mà hằng năm lượng hàng hóa được vận chuyển qua đó trị giá hằng ngàn tỷ đô la Mỹ.
Vào ngày 9 tháng giêng, tại thủ đô New Dehli của Ấn Độ diễn ra cuộc hội thảo quốc tế chủ đề ‘Quan hệ Ấn Độ- Việt Nam trong tình hình thay đổi địa chính trị tại Ấn Độ- Thái Bình Dương’.
Thông điệp được đại sứ Việt Nam Tôn Sinh Thành chuyển tải từ hội thảo là mặc dù tình hình khu vực và toàn cầu phức tạp cũng như không đoán trước được, nhưng khuynh hướng hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chung. Khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương có vaị trò quan trọng chiến lược đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước lớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét