Vụ doanh nghiệp tặng xe cho TP.Đà Nẵng: Bất thường quanh chiếc xe tiền tỉ
Chiếc xe gây xôn xao dư luận của TP.Đà Nẵng.Ảnh: P.V
Ngày, 1.3, tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra làm rõ việc doanh nghiệp tặng xe sang cho 2 địa phương là Đà Nẵng và Cà Mau.
Báo Lao Động đã tiến hành tìm hiểu và phát hiện nhiều điểm bất thường xung quanh chiếc xe doanh nghiệp tặng cho TP.Đà Nẵng. Cụ thể: Mạnh thường quân tặng xe Toyota Avalon có giá theo thị trường hơn 2 tỉ đồng cho TP.Đà Nẵng, nhưng DN có tên trên hoá đơn tặng xe là Cty TNHH Minh Hưng Phát lại có nhiều điểm bất thường khi 2 lần đổi tên, 3 lần thay trụ sở và chỉ xuất 3 hoá đơn trong 5 năm. Bên cạnh đó, liên quan đến việc đăng kiểm và nguồn gốc chiếc xe này cũng xuất hiện một số vấn đề cần làm rõ...
Dấu hỏi quanh công ty “Mạnh thường quân”
Tìm hiểu thông tin về công ty tặng xe Toyota Avalon cho TP.Đà Nẵng, PV phát hiện ra khá nhiều điểm khác lạ. Cụ thể, hoá đơn xuất cho Văn phòng Thành ủy TP.Đà Nẵng ghi rõ đơn vị bán hàng là Cty TNHH Minh Hưng Phát với MST 0400575147 và địa chỉ 198 Trần Phú, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, tra cứu trên website của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính về thông tin người nộp thuế, DN có MST nói trên là Cty TNHH Phú Gia Compound với địa chỉ 30 Lê Hồng Phong, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Còn khi tra cứu thông tin hoá đơn nói trên, thì thấy hoá đơn có mẫu số 01GTKT/001, ký hiệu MP/11P này có ngày bắt đầu sử dụng là 20.4.2011 với DN TNHH Minh Hưng Phát, địa chỉ số 2 Hải Phòng, quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng), trong khi đó hoá đơn thực sự được xuất ngày 1.2.2016 với DN cùng tên nhưng khác địa chỉ.
Trao đổi với Báo Lao Động, một cán bộ Tổng cục Thuế cho biết việc DN xin phát hành hoá đơn từ năm 2011 và sử dụng thực sự năm 2016 là không sai luật vì hoá đơn từ lúc đăng ký in có thể được sử dụng trong 5 năm. Tuy nhiên, cán bộ này cho rằng cần làm rõ về thông tin DN ghi trên hoá đơn xem có trùng khớp với thông tin DN khai báo với cơ quan thuế vào thời điểm xuất hoá đơn hay không. Trên thực tế, cùng một DN, cùng một hoá đơn nhưng địa chỉ và tên DN tại các thời điểm phát hành, xuất và sau khi xuất hoá đơn lại khác nhau.
Bên cạnh đó, sau gần 5 năm từ thời điểm đăng ký phát hành hoá đơn nói trên (20.4.2011) tới ngày xuất hoá đơn (1.2.2016), Cty này chỉ xuất 3 hoá đơn trong khi ngành nghề đăng ký kinh doanh của công ty này là “Mua bán nhà và dịch vụ chuyển quyền sử dụng đất”. Tại sao một công ty có chuyên ngành “mua bán nhà” lại chỉ xuất 3 hoá đơn trong gần 5 năm, trong đó một hoá đơn liên quan tới việc tặng xe cho TP.Đà Nẵng?
Không nhập chính hãng, xe tặng TP.Đà Nẵng về nước cách nào?
Không chỉ DN tặng xe có nhiều dấu hiệu lạ, chiếc xe Toyota Avalon BKS 43A-299.99 biển xanh cũng có một số điểm cần làm rõ về nguồn gốc và thủ tục đăng kiểm.
Chiếc xe này được Bộ Công an chứng nhận kiểm định số A0026164, được đăng ký ngày 2.2.2016, chủ phương tiện là Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng với số chứng nhận đăng ký ôtô là 019225 và nơi đăng ký là Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng. Do được Bộ Công an chứng nhận kiểm định nên hồ sơ của xe này không có dữ liệu trên hệ thống thông tin tra cứu của Cục Đăng kiểm.
Trong khi đó, theo Luật Giao thông đường bộ (điểm 6 Điều 55), phương tiện giao thông thuộc tổ chức chính trị, xã hội… phải do cơ quan đăng kiểm thuộc Cục Đường bộ - Bộ GTVT cấp. Thành ủy Đà Nẵng là tổ chức chính trị, vì vậy, theo quy định xe Bí thư sử dụng phải do Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Quy định cũng nêu rõ “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức kiểm định xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.” Bên cạnh đó, qua tìm hiểu thông tin từ Toyota Việt Nam, nhà sản xuất và phân phối xe chính hãng của Toyota tại Việt Nam, xe Toyota Avalon không được nhập khẩu chính hãng về Việt Nam. Do đó, theo quy định, dòng xe này chỉ có thể về nước theo dạng xe đã qua sử dụng hoặc xe hồi hương, biếu tặng. Bên cạnh đó, theo giới buôn xe tại Đà Nẵng và Hà Nội, giá của một chiếc Toyota Avalon nhập Mỹ mới không dưới 100.000 USD, tương đương với gần 2,4 tỉ đồng, trong khi đó giá ghi trên hoá đơn xuất xe cho Văn phòng Thành uỷ Đà Nẵng chỉ là 1.182.486.222 đồng, giá có thuế VAT là 1.300.734.844 đồng.
Thông tin về chiếc xe biển xanh này gây xôn xao dư luận trong thời gian qua và Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng khẳng định xe này cũng không vi phạm về quy định mua tài sản công khi giá trị chỉ 1,3 tỉ đồng. Trong khi đó, ngày 1.3 trong họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra làm rõ việc DN tặng xe sang cho chính quyền ở 2 địa phương là Đà Nẵng và Cà Mau. Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Bộ Tư pháp, sẽ căn cứ vào các quy định, rà soát, xem xét kỹ lưỡng để báo cáo Thủ tướng và sau khi Thủ tướng có kết luận chính thức, sẽ thông tin cho các cơ quan truyền thông.
Vì sao công ty tặng Lexus 3 tỷ cho Cà Mau rồi tạm ứng 25 tỷ?
Hoạt động thua lỗ nhiều năm và không có chi phí sửa chữa tài sản hư hỏng, doanh nghiệp tặng tỉnh Cà Mau 2 xe Lexus đã phải tạm ứng tiền xử lý rác từ ngân sách Nhà nước.
Những ngày qua, dư luận ở miền Tây xôn xao chuyện Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý, phường 8, TP Cà Mau) tặng 2 xe Lexus, mỗi chiếc trị giá trên 3,1 tỷ đồng, cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau. Lý do tặng và nhận là để phục vụ công tác kiểm tra hạn hán, phòng chống lụt bão, cháy rừng, xâm nhập mặn...
Sự việc càng được người dân Cà Mau chú ý khi Công ty Công Lý "đầu năm tặng xe sang, cuối năm ứng tiền tỷ".
Cụ thể, ngày 23/3/2016, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý, ký văn bản số 48 với nội dung doanh nghiệp đang đầu tư dự án điện gió Khai Long ở xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), với vốn đầu tư lên đến 6.583 tỷ đồng. Trong thời điểm này, tình hình El Nino biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt ở Cà Mau nên doanh nghiệp muốn có sự đóng góp cho tỉnh khi thấy lãnh đạo tỉnh này thiếu phương tiện để đi kiểm tra thực tế tại địa bàn xảy ra thiên tai.
Một trong hai xe Lexus mà Công ty Công Lý tặng cho tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hải Long. |
Sau khi UBND tỉnh Cà Mau tiếp nhận 2 xe Lexus trị giá trên 3,1 tỷ đồng mỗi chiếc, sự "hào phóng" của doanh nghiệp sẽ không bị chú ý nếu nửa năm sau đó Công ty Công Lý không nêu ra những khó khăn tại nhà máy xử lý rác. Đó là tài sản bị hư hỏng cần phải sửa chữa hoặc thay thế nên Công ty Công Lý đề nghị UBND tỉnh Cà Mau cho doanh nghiệp tạm ứng ngân sách 30 tỷ đồng.
Tiếp nhận đề nghị của Công ty Công Lý, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu vào cuối tháng 10/2016. Lúc này, Sở Tài chính Cà Mau cùng với lãnh đạo cấp phòng của các sở, ngành đi kiểm tra thực tế tại nhà máy rác.
Để đảm bảo tính khách quan, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục yêu cầu Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư Cà Mau thành lập đoàn phúc tra với sự tham gia của các phó giám đốc.
"Lần kiểm tra thứ hai chúng tôi xác nhận nhà máy rác có nhiều thiết bị hư hỏng cần thay thế mà đơn hàng chỉ ở nước ngoài mới có. Sau khi xem xét đơn hàng và giá cả, chúng tôi lập báo cáo gửi cấp trên và UBND tỉnh Cà Mau quyết định", ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, nói.
Nhà máy rác ở Cà Mau được cho là xuống cấp, cần sửa chữa. Ảnh: Hải Long. |
Theo ông Khởi, nhà máy xử lý rác của Công ty Công Lý (đặt tại TP Cà Mau) hoạt động nhiều năm, giá thành xử lý mỗi tấn rác là 460.000 đồng. Do đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, phân compost sản xuất từ quy trình xử lý rác chưa bán được nên Công ty Công Lý đề nghị UBND tỉnh trợ giá mỗi tấn rác 450.000 đồng.
"Ngân sách eo hẹp nên tỉnh chỉ hỗ trợ được 350.000 đồng/tấn rác nên doanh nghiệp luôn bù lỗ. Chính vì lỗ mà đầu năm 2016, Công ty Công Lý xin chuyển chủ đầu tư nhưng địa phương chưa tìm được đơn vị nào thay thế. Vì vậy, tỉnh đã động viên doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động để xử lý rác", ông Khởi chia sẻ.
Đầu năm 2017, lượng rác từ các huyện vận chuyển về TP Cà Mau tăng nhiều. Vì vậy, Công ty Công Lý dự kiến xử lý 145 tấn rác mỗi ngày và nếu nhà máy đóng cửa thì mỗi tháng sẽ ứ đọng khoảng 4.350 tấn rác. Xét thấy đây là vấn đề cấp bách nên UBND tỉnh Cà Mau đồng ý cho Công ty Công Lý tạm ứng 25 tỷ đồng từ tiền xử lý rác để sửa chữa máy móc hư hỏng.
"Tỉnh cho doanh nghiệp tạm ứng tiền từ ngân sách, việc này chưa có quy định cụ thể tại văn bản nào nhưng pháp luật cũng không cấm việc này. Hình thức hoàn trả tạm ứng là trừ 50% chi phí xử lý rác hàng tháng mà ngân sách phải chi trả cho doanh nghiệp. Năm 2012, tỉnh có cho Công ty Công Lý ứng 20 tỷ đồng và trừ hết vào ngày 31/1/2016”, ông Khởi nói.
Văn bản của Công ty Công Lý gửi UBND tỉnh Cà Mau về việc có nhã ý tặng xe Lexus. Ảnh: Việt Tường. |
Từ những lý do trên, ông Khởi khẳng định tỉnh Cà Mau cho Công ty Công Lý ứng 25 tỷ đồng là đúng quy định pháp luật và nếu tham mưu sai ông sẽ chịu trách nhiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét