Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

Trung Quốc: Bắc Kinh hoàn tất đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than; Nhiệt điện Long An: Bộ Công Thương trấn an dư luận?; Sài Gòn sẽ ô nhiễm như Bắc Kinh vì nhiệt điện than Long An


Nhiệt điện Long An: Bộ Công Thương trấn an dư luận?

  • 20 tháng 3 2017
nhiệt điệnBản quyền hình ảnhOTHER
Image captionHai vị trí được cân nhắc đặt nhà máy Nhiệt điện Long An nằm sát khu đô thị cảng Hiệp Phước
Bộ Công Thương ra thông cáo rằng sẽ "chỉ duyệt Nhiệt điện Long An khi đáp ứng yêu cầu" trong lúc chuyên gia bình luận với BBC rằng "đó chỉ là một cách trấn an".
Trung tâm Điện lực Long An được đầu tư khoảng 5 tỷ đôla, đề xuất xây dựng ở Long An, gần biển Cần Giờ khiến người dân TP Hồ Chí Minh quan ngại về nguy cơ ô nhiễm.
Dự án nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, đang ở giai đoạn lập quy hoạch nghiên cứu và chọn địa điểm.
Theo kế hoạch, trung tâm được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2024 trở đi với 2 nhà máy tổng công suất 2.800 MW.
Hôm 20/3, Bộ Công Thương phát đi thông cáo: "Để phù hợp với ý kiến của các bộ ngành, Tư vấn đã hiệu chỉ hồ sơ quy hoạch. Địa điểm Trung tâm Điện lực Long An [gồm hai dự án nhà máy nhiệt điện] được đề xuất tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An."
"Địa điểm này phù hợp với Quy hoạch của Tỉnh Long An, với quy hoạch Quốc phòng, phù hợp với quy hoạch Giao thông vận tải."
[Tuy vậy] Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh ủng hộ chọn địa điểm Trung tâm Điện lực Long An tại Cần Đước và có ý lo ngại nếu nhà máy đặt tại Cần Giuộc sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống khu đôo thị Cảng Hiệp Phước."
Thông cáo cho biết thêm: "Bộ Công Thương chỉ phê duyệt Quy hoạch địa điểm Trung tâm Điện lực Long An khi đáp ứng các yêu cầu: phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công nghệ tiên tiến, có giải pháp xử lý phát thải đảm bảo môi trường, đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam hiện hành…"
Bộ Công Thương cũng nói "sẽ quản lý chặt chẽ quá trình triển khai các dự án, ngay từ việc đề xuất lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, có cam kết đảm bảo môi trường trong đầu tư cũng như vận hành nhà máy…"

'Tai hại'

Đường dây điệnBản quyền hình ảnhREUTERS
Image captionĐường dây điện (ảnh minh họa)
Hôm 20/3, từ Hà Nội, Chuyên gia Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID nói với BBC rằng bà "đang tìm hiểu dự án Nhiệt điện Long An đang ở giai đoạn nào nên chưa thể bình luận."
Cùng ngày, trả lời BBC từ Đại học Bách khoa Grenoble, Pháp, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, cựu cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF), nói: "Theo tôi, thông cáo của Bộ Công Thương chỉ là một cách trấn an công luận".
"Người dân ở TP Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội có lý do để quan ngại về các dự án nhiệt điện trong lúc môi trường hiện tại đã quá tệ rồi."
"Nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu than thì dù tối tân đến đâu vẫn thải khí CO2 quá nhiều so với nhà máy khí."
"Theo như tôi được biết thì giải pháp làm nhiệt điện chỉ mang tính tạm thời và là chính sách tai hại, chứ không phải là chiến lược lâu dài, trong lúc chính phủ Việt Nam chờ đầu tư vào năng lượng tái tạo."
"Nhiều nước đã đi con đường này và đó cũng là con đường duy nhất của Việt Nam."
Cũng liên quan đến nhiệt điện, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, hôm 7/3 khiến hai người bị bỏng 20% và 35%.
"Nguyên nhân được xác định là do công nhân thi công của nhà thầu trong quá trình hàn lắp ghép thiết bị đường ống gần hệ thống khử SOx (FGD) trong đường khói thoát, đã gây tia lửa bắn vào các bảo ôn bao bọc hệ thống FGD, gây cháy bảo ôn," Bộ Công Thương ở thời điểm đó cho hay.

Trung Quốc: Bắc Kinh hoàn tất đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than

Trung tâm Tin tức VTV24-

VTV.vn - Tổ máy cuối cùng của nhà máy điện Hoa Năng, phía Nam thành phố Bắc Kinh đã chính thức đóng cửa ngày 18/3.

Việc đóng cửa Tổ máy cuối cùng của nhà máy điện Hoa Năng đã đưa thủ đô của Trung Quốc trở thành đô thị đầu tiên tại nước này chấm dứt sử dụng năng lượng điện từ than đá.
Với việc đóng cửa nhà máy này, Bắc Kinh sẽ tiết kiệm được khoảng 1,76 triệu tấn than tiêu thụ, đồng thời cắt giảm hàng trăm tấn khí thải sulfur và nitơ phát ra mỗi năm.
Trước đó, thành phố Bắc Kinh cũng đã đóng cửa 4 nhà máy điện than khác và khởi công xây dựng 4 nhà máy nhiệt điện dùng khí thiên nhiên, có khối lượng phát thải thấp hơn nhiều so với than đá. Đây là một phần trong kế hoạch nâng cao chất lượng không khí, trước tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng tại Bắc Kinh hiện nay.

Sài Gòn sẽ ô nhiễm như Bắc Kinh vì nhiệt điện than Long An


Hai vị trí (dấu đỏ) ưu tiên đặt nhà máy nhiệt điện Long An. (Hình: Báo Thanh Niên)
LONG AN (NV) – Trung tâm nhiệt điện than trị giá $5 tỷ huyện Cần Giuộc mà Bộ Công Thương đang xúc tiến khiến Sài Gòn lo ngại sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và nền kinh tế.
Báo Thanh Niên ngày 17 Tháng Ba, trích dẫn Quy Hoạch Điện VII đã điều chỉnh cho hay, tại Long An có hai dự án nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2, dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 và 2026, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn $5.8 tỷ.
Dựa trên quy hoạch này, Bộ Công Thương đang tìm vị trí thích hợp để phát triển trung tâm nhiệt điện Long An. Vị trí được đề nghị là xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2024, với nhu cầu tiêu thụ than có thể lên đến gần 10 triệu tấn/năm, nhập từ Úc, Indonesia.
Tại hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” ở Sài Gòn do Bộ Công Thương vừa tổ chức, ông Phương Hoàng Kim, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Năng Lượng, Bộ Công Thương khẳng định, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, giá thành sản xuất điện than thấp, sau thủy điện nên để bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển điện than là nhu cầu tất yếu. Nếu nhà máy nhiệt điện than làm nghiêm túc việc xử lý các chất thải độc hại thì không có vấn đề gì.
Nếu như các nhà quản lý tỏ ra lạc quan thì nhiều chuyên gia môi trường Việt Nam lại tỏ ra lo ngại. Đặc biệt, việc đặt nhà máy nhiệt điện than ở Cần Giuộc, ô nhiễm không khí Sài Gòn sẽ tăng mạnh.
Bà Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng cho rằng, khu vực Cần Giuộc chỉ cách Sài Gòn khoảng 30 km mà các nhà máy nhiệt điện than thải ra lượng bụi mịn cực lớn nên tác động đến không khí là rất nghiêm trọng. Bởi ở khu vực này chịu ảnh hưởng mỗi năm hai lần gió chướng. Chúng sẽ đẩy trực tiếp không khí ô nhiễm từ các nhà máy này hướng vào Sài Gòn.
Ngoài ra, đây là khu vực ven biển chịu tác động của nhiều hướng gió khác nhau nên tạo sự khuếch tán. Chính vì vậy Sài Gòn có thể thường xuyên bị mù khô, sương mù giống như ở Bắc Kinh, Trung Quốc, thậm chí là mưa acid.
Còn ông Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu cho rằng: “Ở góc độ khoa học, việc hàng loạt nhà máy nhiệt điện than đang và chuẩn bị xây dựng sẽ là một chuỗi ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho miền Tây và Sài Gòn.
Khói bụi ở dạng các khí độc như: CO2, CO, SOx, Nox, các hạt tro xỉ PM1.0, PM2.5 cực nhỏ sẽ tác động mạnh đến sức khỏe người dân, gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch… Về mặt tự nhiên, nó sẽ làm gia tăng nguy cơ mưa acid, tàn phá hệ sinh thái.
LHQ thúc Việt Nam đối phó nạn xâm hại tình dục trẻ em
Trong đề tài nghiên cứu “Ước lượng thiệt hại sức khỏe và chi phí kinh tế của ô nhiễm không khí tại Sài Gòn” của ông Lê Việt Phú, chuyên gia sáng kiến chính sách công hạ vùng Mê Kông thuộc Fulbright, tại khu vực Sài Gòn số người chết do ô nhiễm không khí năm 2013 là 3,000 người. Rủi ro vô hình do ô nhiễm không khí ở Sài Gòn cao gấp 10 lần so với tai nạn giao thông. Thiệt hại về kinh tế do thiệt hại về người tương đương từ 5 – 7% GDP vào năm 2013. (Tr.N)

Không có nhận xét nào: