18/03/2017
Phạm Chí Dũng
18-3-2017
Câu hỏi này, thậm chí mang ý nghĩa đối với một phần sự sống còn
của dân tộc Việt Nam, đã tồn tại từ rất lâu và giờ đây lại một lần nữa đặc biệt
xáo động trong tâm thức nhiều người đang lo lắng việc Bắc Kinh sẽ đổ tiền để
cứu vãn chế độ Hà Nội – như một cách nhằm bảo vệ ý thức hệ độc đảng chuyên
quyền và phản dân chủ.
Ngửa bài đe dọa
Quá nhiều người Việt vừa không thích Trung Quốc, vừa lo sợ lịch
sử về nguy cơ Trung Quốc sẽ biến Việt Nam thành một thứ tỉnh lỵ thuộc Bắc Kinh
vào một thời điểm nào đó, nhất là sau khi Hội nghị Thành Đô đặt mọi chuyện vào
sự đã rồi và luôn là một cái cớ để Bắc Kinh tấn công Việt Nam bất kỳ lúc nào
thuận lợi.
Năm 2016, một trung tâm nghiên cứu có uy tín của Hoa Kỳ là Pew
đã chứng thực và lượng hóa tâm lý “thoát Trung” ấy. Khi Pew đặt câu hỏi đối với
1.000 dân Việt được hỏi nước nào là mối đe dọa lớn nhất, có tới 74% chọn Trung
Quốc. Và khi Pew đề cập quốc gia nào có thiện cảm nhất, chỉ có 16% dân Việt
chọn Trung Quốc.
Nhưng ở Việt Nam đương đại, chủ nghĩa “thân Trung” vẫn tồn tại
từ thời Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống. Chỉ có một điểm khác biệt cơ bản: nếu
ít năm trước loại chủ nghĩa này còn cố gắng che giấu ý đồ và hành vi của nó,
thì nay một số nhân vật người Việt đại diện cho khuynh hướng và tổ chức “thân
Trung” ở Hà Nội thậm chí còn công khai tuyên truyền cho khả năng “không có
chuyện chế độ (Việt Nam) sụp đổ vì Trung Quốc sẽ đổ tiền để cứu”.
Hầu như không khác với giới tuyên huấn Bắc Kinh mà từ lâu vẫn hô
hào về một “Trung Quốc đang trỗi dậy” để người dân nước này không nên ngả theo
phương Tây và cũng chẳng cần phải đấu tranh giành các quyền con người, các nhân
vật “thân Trung” ở Hà Nội muốn lật ngửa bài để đe dọa những quan chức manh nha
theo đường lối đồng minh quân sự với Mỹ và Nhật, cùng lúc khống chế phong trào
dân chủ nhân quyền và tinh thần kháng Trung ở Việt Nam.
Không biết vô tình hay hữu ý, hành động “thân Trung” trên càng
gia tốc và nguy hiểm hơn sau chuyến làm việc của ông Nguyễn Phú Trọng tại Trung
Quốc vào tháng Giêng năm 2017, kéo theo 15 hiệp định song phương và ngay lập
tức vốn đầu tư của Trung Quốc vọt lên hàng thứ hai trong các kênh đầu tư nước
ngoài vào Việt Nam.
Vì sao phải ‘cứu Việt Nam’?
2017 – năm bị xem là “cực kỳ khó khăn” đối với nền kinh tế Việt
Nam mà thậm chí một quan chức cao cấp là Nguyễn Xuân Phúc đã phải cảnh báo về
“sụp đổ tài khóa quốc gia”.
Hẳn là thế và hình như không còn lối thoát nào khác nếu chiếu
theo luận thuyết “kinh tế quyết định chính trị” của Mác mà Việt Nam vẫn hàng
ngày truyền tụng trong các cơ sở đào tạo “lý luận chính trị cao cấp”.
Sau triều đại bị xem là “phá chưa từng có” của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng, sự thật về một nền kinh tế suy sụp và cận kề khủng hoảng đã không còn
lời nào để bào chữa. Nếu trước đây Thủ tướng Dũng, dàn tham mưu bộ ngành của
ông ta, và kể cả dàn đồng ca phụ họa của những người bên đảng còn tự an ủi rằng
những “khó khăn kinh tế” như nợ xấu, nợ công, ngân sách không phải là chuyện
lớn và “vẫn còn dư địa để vay tiếp và phát triển”, làm thế nào có thể lý giải
được một sự thật trần trụi là ít nhất 25 tỷ USD nợ xấu trong hệ thống ngân
hàng vẫn hoàn toàn bế tắc trong xử lý trong khi nợ công quốc gia không phải chỉ
gần 65% GDP như đủ loại báo cáo “nâng lên một tầm cao mới” mà đã vọt lên đến
210% GDP – gấp hơn 3 lần ngưỡng nguy hiểm?
Kinh nghiệm của các quốc gia từng suýt vỡ nợ nhưng cuối cùng
không vỡ là cho dù nợ công cao nhưng ngân sách và dự trữ ngoại hối vẫn còn đủ
bù đắp. Cách đây vài năm, giới chuyên gia nhà nước vẫn thường lấy Nhật Bản như
một bài học kinh nghiệm về tỷ lệ nợ công vượt hơn 200% GDP nhưng vẫn an toàn để
cho rằng Việt Nam… cũng sẽ ổn. Nhưng lại theo kinh nghiệm của những quốc gia đã
từng thực sự vỡ nợ như Argentina, nợ công kinh khủng mà ngân sách lại cạn kiệt
là những tiêu chí chắc chắn dẫn đến một kịch bản vỡ nợ chắc chắn, có khi còn
kéo theo sự sụp đổ của cả một chính phủ.
Việt Nam lại đang bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 9 liên
tiếp, trong lúc các kênh “ngoại viện” gần như đóng lại. Ngay cả Hiệp định TPP
mà giới lãnh đạo Việt Nam từng trông đợi để được “tăng 25% GDP” cũng gần như
tan vỡ. Trong khi đó, một hiệp định khác – Hiệp định tự do thương mại giữa Việt
Nam và Liên minh châu Âu – cũng chưa tới đâu, cho dù đã được ký kết từ cuối năm
2015. Nghe đâu Nghị viện châu Âu còn đang rất cân nhắc có nên thông qua việc
triển khai hiệp định này hay không khi chính quyền Việt Nam vẫn thẳng tay đàn
áp nhân quyền.
Thậm chí vào năm 2016, lượng kiều hối của “kiều bào ta” gửi về
quê hương đã sụt đến 3 tỷ USD – giảm hơn 30% so với năm 2015, báo hiệu một thời
kỳ “đen tối”…
Việt Nam đang hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố đủ lớn cho một sự
ra đi về “ổn định kinh tế tức ổn định chính trị”: từ năm 2015, ngân sách trung
ương đã bị cảnh báo là “có thể trống rỗng”, để đến năm 2017, bên cạnh lời cảnh
báo “cực kỳ khó khăn” là bắt đầu xuất hiện dự báo về khả năng nền ngân sách
này “không trụ nổi đến hết năm 2018”.
Đó là nguyên do sâu xa để chế độ một đảng ở Trung Quốc, nếu
không thật sự khó khăn tài chính, đã và sẽ phải đổ tiền để cứu chế độ độc
đảng tại Việt Nam.
Thực chất kinh tế Trung Quốc ra sao?
Rất nhiều người cho rằng những nhân vật sâu hiểm và có tầm như
Tập Cận Bình sẽ chỉ “cứu Việt Nam” nếu Trung Quốc có đủ sức.
Khách quan mà xét, Trung Quốc đã vượt qua được một thử thách rất
lớn về kinh tế vào giai đoạn những năm 2012 – 2013. Từ năm 2011, người được
giải Nobel kinh tế là Tiến sĩ Nouriel Roubini đã đưa ra dự báo rằng kinh tế
Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng vào năm 2013”. Tốc độ suy giảm GDP, nợ chính quyền
địa phương và tình hình thiếu khả quan của các thị trường bất động sản và chứng
khoán… là một số cơ sở cho nhận định bi quan như vậy của Rounini và cả một số
tổ chức phân tích tài chính phương Tây. Tuy thế đến năm 2013, Trung Quốc lại
bất ngờ vượt qua vực thẳm kinh tế và tài chính để sau đó nhịp độ tăng trưởng
GDP có phần phục hồi. Cho tới nay, nền kinh tế quốc gia này vẫn có vẻ “ổn” và không
bị quá nhiều dư luận nghi ngờ như trước đây.
Nhưng vẫn có một tử huyệt của nền tài chính Trung Quốc mà chính
quyền nước này chưa bao giờ dám công bố: tỷ lệ nợ công quốc gia vọt lên đến
237% GDP, tức đến 28 ngàn tỷ USD vào năm 2016 – theo phân tích của tờ Financial
Times vào
tháng 4/2016 – vượt xa tỷ lệ nợ của các nước đang phát triển khác. Tình trạng
này có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính hoặc trì trệ kinh tế kéo dài ở Trung
Quốc.
Tất nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có thể tự an ủi
rằng họ có một kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới – lên đến 4.000 tỷ USD
vào năm 2016. Chỉ có điều, con số 4.000 tỷ này chỉ bằng 1/7 so với gánh nặng nợ
công 28 ngàn tỷ.
Chưa kể vào đầu năm 2017, Trung Quốc phải thừa nhận dự trữ ngoại
hối của mình đã giảm mạnh từ 4.000 tỷ về dưới mốc 3.000 tỷ USD.
Gần đây, những tin tức phản biện mới nhất về thực chất nền kinh
tế Trung Quốc đến từ ông Gordon G. Chang, tác giả của cuốn sách Sự
sụp đổ sắp đến của Trung Quốc. Vị luật sư kiêm nhà bình luận người
Mỹ này nhận định “kinh tế Trung Quốc sắp rơi tự do” trong một cuộc phỏng vấn
mới đây với trang Đại Kỷ Nguyên, theo đó ông
cho rằng Trung Quốc chỉ ổn định trên bề mặt trong năm 2017, nhưng tiềm ẩn bất
ổn thực sự dưới bề mặt.
Hai thông tin đặc biệt mà ông Gordon G. Chang cho biết là: Trong
năm 2015, luồng vốn chuyển ra nước ngoài là cao chưa từng thấy, từ 900 tỷ đến
1.000 tỷ USD; và theo nguồn tin của ông, chỉ có 500 tỷ USD trong số 3.000 tỷ
USD dự trữ ngoại hối là còn có thể sử dụng được. Cũng theo ước tính của ông,
Trung Quốc chỉ còn 1,5 nghìn tỷ USD tiền khả dụng để bảo vệ đồng Nhân dân tệ.
Ông Gordon G. Chang có ít nhất một cơ sở cho nhận định về tiền
khả dụng chỉ chiếm một nửa so với con số dự trữ ngoại hối mà chính quyền Trung
Quốc công bố: vào năm 2011, chính một cục trưởng thống kê của Trung Quốc, người
sau đó đã về hưu, đã phải thừa nhận rằng nhiều thống kê của quốc gia này không
phản ánh đúng sự thật. Cũng vào năm đó, con số nợ của các chính quyền địa
phương ở Trung Quốc được công bố chỉ khoảng 1.550 tỷ USD, nhưng đến năm 2014
thì Trung Quốc đã phải thừa nhận loại nợ này đã tăng gấp đôi, tức 3.000 tỷ USD.
Vài nhà phân tích ở Hồng Kông cũng cho rằng GDP thực sự ở Trung
Quốc không thể tăng đến 7% như báo cáo, mà chỉ khoảng 4-5% hàng năm.
Việt Nam lại rất thường “đồng tình” với Trung Quốc về phương
thức tuyên truyền về các số liệu kinh tế. Vào những năm 2009 – 2010, giới
lãnh đạo Việt Nam cũng “nâng” tăng trưởng GDP lên đến 9 – 9,5% như Trung Quốc,
để đến gần đây phải “co” về còn 6-6,5%.
Nhưng nói gì thì nói, tình hình kinh tế và tài chính ở Việt Nam
là tồi tệ hơn nhiều so với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc có đến 3.000 tỷ USD
dự trữ ngoại hối mà đã phải “gánh” 237% tỷ lệ nợ công, tỷ lệ nợ công ở Việt Nam
vẫn lên đến 210% nhưng kho dự trữ ngoại hối chỉ có khoảng 40 tỷ USD theo báo
cáo của Ngân hàng nhà nước (về thực chất số khả dụng trong kho dự trữ ngoại hối
của Việt Nam là thấp hơn khá nhiều vì có đến 1/3 trong đó là trái phiếu chính
phủ Mỹ, số còn lại không được minh bạch).
Có muốn cũng không cứu được!
Trong bối cảnh đầy nguy cơ tiềm ẩn về nợ công như thế, làm thế
nào Trung Quốc có thể “cứu Việt Nam”, cho dù Bắc Kinh muốn làm điều đó vào một
thời điểm nào đó?
Có một bằng chứng tương đối rõ ràng về khả năng hạn chế của
Trung Quốc: vào cuối năm 2016, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã phải quyết định
chọn nhà đầu tư trong nước làm dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái mà không
vay vốn của Trung Quốc, cho dù vốn đầu tư của dự án này chỉ khoảng 300 triệu
USD và đã được Bộ Giao thông Vận tải nhiệt tình “vận động” cho vụ vay mượn
này.
Một chuyên gia phản biện độc lập là ông Lê Đăng Doanh đã nói
toạc thực chất nguồn gốc rất đặc biệt của số vay 300 triệu USD trên: số tiền
này được lấy ra từ quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc, chứ không phải là hỗ
trợ xuất nhập khẩu. Nghĩa là điều kiện đi kèm của khoản vay này là Việt Nam
phải nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc.
Một thông tin khác cũng cho biết việc vay vốn từ Trung Quốc cho
dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái không phải là dễ dàng và cũng chẳng có ưu đãi
nào, còn nếu có ưu đãi (ví dụ: không cần chính phủ Việt Nam phải bảo lãnh) thì
lại gắn liền với nguy cơ thao túng về kinh tế và cả chính trị mà một số quốc
gia như Campuchia và ở châu Phi đã bị Bắc Kinh “gài bẫy”. Nhiều khó khăn như
thế đã khiến giới lãnh đạo Việt Nam chùn tay trong vay vốn. Thực tế này cũng
dẫn đến một kết luận khác có thể rất quan trọng: chính sách của Trung Quốc cho
Việt Nam vay tín dụng vẫn chưa thể mở rộng.
Dù có đồn đoán về việc Trung Quốc đã cho Việt Nam vay mượn hàng
trăm tỷ đô la trong nhiều năm qua, nhưng từ sau chuyến đi Trung Quốc của ông
Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1/2017 đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào về
khả năng “Trung Quốc đổ tiền cứu Việt Nam”. Thay vào đó, dấu hiệu rõ hơn nhiều
là Trung Quốc đã và đang tăng cường đầu tư vào các dự án ở Việt Nam để khống
chế dự án dể từ đó mở rộng thao túng kinh tế Việt Nam lẫn chiến thuật “lấn
đất”.
Trong 2 tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã
đăng ký thực hiện 123 dự án tại Việt Nam và 174 lượt mua cổ phần, chiếm 21,1%
tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, trở thành nước đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam,
sau Singapore.
Trên bình diện quốc tế, một dấu hiệu mang tính tham khảo đang
diễn ra ở phía bên kia bán cầu. Ở nơi đó, đồng minh thân cận của Trung Quốc là
“Venezuela xã hội chủ nghĩa tươi đẹp” đã chìm dưới cơn sóng thần lạm phát 700%
nhanh đến mức có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có vẻ như đang tính toán
lại mối quan hệ liên minh với Venezuela – quốc gia mà nước này đã cho vay
khoảng 60 tỷ đôla…
Một nguồn tin quốc tế cho biết một cơ quan Trung Quốc đã nêu
quan điểm: “Các cuộc họp đã đi đến nhất trí là [Trung Quốc] sẽ không đầu tư
thêm vào Venezuela”, “Có một thông điệp rõ ràng từ trên xuống: cứ để mặc họ gục
ngã”. Cũng theo nguồn tin này, các công ty Trung Quốc ở Venezuela đang chuyển
nhân viên sang Colombia và Panama vì lý do an ninh, và cũng vì nhiều dự án của
Trung Quốc ở nước này đã bị đình trệ.
Từ nhiều năm qua, chính sách cho vay tín dụng của Trung Quốc phụ
thuộc phần lớn vào mưu tính và mưu toan chính trị. Nếu chi phối được đối tượng
vay, Trung Quốc mới sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn cho vay với lãi suất ưu đãi.
Giới lãnh đạo Việt Nam nghĩ thế nào nếu ngay cả một chế độ thể được coi là
“thần phục thiên triều” như chế độ Hun Sen ở Campuchia mà cũng chỉ được Trung
Quốc viện trợ hơn 600 triệu USD trong năm 2015?
Việt Nam lại là “ca” khó hơn nhiều so với Campuchia. Muốn kinh
tế Việt Nam tạm tránh khỏi sụp đổ, nền kinh tế nước này phải được bơm lập tức
ít nhất 100 tỷ USD, tương đương 50% GDP của Việt Nam, để cứu hệ thống ngân hàng
và trả một phần nợ công. Trung Quốc sẽ lấy ở đâu số tiền khổng lồ đó, cho dù
Bắc Kinh có đủ tin cậy và muốn rót tài chính cho một phe nào đó ở Việt Nam?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét