Lời dẫn của Hồ Đông Thụy : Mới đây, trên mạng rò rỉ một clip nói chuyện nội bộ của thiếu tướng, giám đốc học viện chính trị Công an nhân dân. Ông thiếu tướng Long phát biểu trong clip: “Nhật là nước Mỹ ở châu Á” . Nếu Việt Nam không thể ngả hẳn sang Mỹ, thì liệu việc liên minh với Nhật sẽ là thượng sách?
Chủ tịch nước nhiệt liệt chào mừng Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam |
Vào năm 2008, bức tranh sơn dầu “Bắc Kinh 2008” của họa sĩ Lưu Dật ( Hoa kiều tại Toronto, Canada) được đem ra đấu giá đã gây sự chú ý khi đài CNN đưa tin.
Bức tranh “Bắc Kinh 2008” mô tả 4 cô gái đang chơi một ván bài/cờ mạt chược, bốn cô gái được xem là đại diện cho Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Nga và 1 cô gái đứng phía ngoài bàn cờ quan sát, được cho là Đài Loan. Bức tranh đã thể hiện được ngụ ý về tình hình địa chính trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong bức tranh đó Nhật ngồi ngay bên phải Mỹ, thể hiện mối quan hệ đồng minh sâu sắc Nhật – Mỹ. Nhật Bản do vị trí địa lý và tiềm lực kinh tế, tuy là yếu nhất trong 4 tay chơi ván cờ này, nhưng cũng là một tay chơi thực thụ.
VÌ SAO NHẬT BẢN CẦN VIỆT NAM ?
Là đồng minh số 1 của Mỹ tại Châu Á, với sức mạnh kinh tế đứng hàng thứ 2 thế giới sau Mỹ ( vị trí số 2 của Trung Quốc còn gây tranh cãi do cách tính GDP theo ngang giá sức mua). Tại Nhật có đủ căn cứ hải quân, không quân, lục quân và lính thủy đánh bộ với khoảng 38.000 lính được triển khai tại 85 cơ sở ở Honshu, Kyushu và Okinawa, cộng thêm 11.000 người trên các căn cứ nổi. Tàu sân bay USS George Washington thường xuyên neo đậu tại căn cứ Fokuoka ở nước này giúp đảm bảo phòng thủ an ninh cho Nhật Bản theo hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Hơn nữa, chính sách quốc phòng của Nhật Bản hoàn toàn đi theo Mỹ. Với lợi ích gần như song trùng tại khu vực, vì thế ở một chừng mực nào đó, có thể nói Nhật Bản chính là một “nước Mỹ ở châu Á”.
Với tầm vóc một cường quốc khu vực, Nhật Bản cũng cần có đồng minh. Tại châu Á, dù có tồn tại vấn đề lãnh thổ và lịch sử xâm chiếm , Nhật Bản vẫn có quan hệ thân thiết với Hàn Quốc dựa trên nền tảng cả 2 cùng là đồng minh của Mỹ. Ngoài ra, Đài Loan với tư cách một “quốc gia không hoàn chỉnh” được Nhật Bản xem là một đồng minh do lịch sử quan hệ với hòn đảo này ( Đài Loan thuộc Nhật Bản từ 1895 – 1945 được nhượng theo hiệp ước Mã Quan ký với nhà Thanh).
Biển Đông là con đường thông thương cực kỳ quan trọng của Nhật Bản, trước yêu sách đường 9 đoạn hầu như bao trùm 90% Biển Đông của Trung Quốc, một khi Biển Đông bị phong tỏa, xem như Nhật Bản bị phong tỏa luôn con đường giao thương quan trọng huyết mạch này, khả năng cắt đứt tới 60% nguồn cung năng lượng của Nhật Bản và Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành nước bảo trợ và lãnh đạo trật tự khu vực mới. Một trật tự khu vực do Trung Quốc dẫn đầu phần lớn sẽ ít dân chủ và ít có lợi cho Nhật Bản hơn là trật tự hiện tại do Mỹ dẫn đầu. Do đó Nhật Bản chia sẻ với Mỹ và Việt Nam lợi ích quan trọng trong việc gìn giữ nguyên trạng trong khu vực.
Vì vậy việc tìm mọi cách ngăn cản Trung Quốc độc chiếm Biển Đông là ưu tiên sống còn. Trong chiến lược này, Nhật Bản nhắm đến Việt Nam như một đồng minh khác ngoài Hàn Quốc và Đài Loan tại Châu Á vì vị trí địa chính trị, địa chiến lược của Việt Nam trong khu vực Biển Đông.
Môi trường chính trị Nhật Bản tương đối ổn định, đảng Tự Do Dân Chủ (LDP) cầm quyền gần như liên tục suốt hơn 70 năm qua tại Nhật Bản, là một điều thuận lợi cho việc xây dựng và thông qua chính sách, đặc biệt là thay đổi hiến pháp hòa bình, thay đổi điều khoản phòng vệ tập thể, cho phép can thiệp vào các khu vực ngoài lãnh thổ Nhật Bản có liên quan đến lợi ích , trong đó có Biển Đông.
Nhật Bản cũng từng bị kinh động trong làn sóng bài Nhật của người Trung Quốc sau sự kiện Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư Đài vào năm 2012. Do đó tìm một quốc gia khác dự phòng ngoài Trung Quốc để chuyển hướng đầu tư trong trường hợp bất trắc là điều được cân nhắc, và Việt Nam là một trong các quốc gia được Nhật lựa chọn xem xét.
Khả năng quân sự, đặc tính chiến tranh của người Việt Nam và kinh nghiệm đối đầu với Trung Quốc là một yếu tố Nhật Bản lựa chọn Việt Nam để xây dựng quan hệ đồng minh.
VỀ PHÍA VIỆT NAM : VÌ SAO CẦN NHẬT?
Nhìn chung, ấn tượng và thiện cảm của người dân Việt Nam đối với Nhật Bản là tốt, dù cho Nhật từng có thời gian xâm chiếm Việt Nam trong chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, về cơ bản không tồn tại những ý thức thù địch giữa 2 quốc gia. Điều này khác hẳn nếu so sánh với mối quan hệ Việt – Trung, quan hệ Nhật – Trung.
Mối quan hệ Việt – Nhật được thiết lập vào thời còn chiến tranh Việt Nam, và nay đã nâng lên thành đối tác chiến lược. Nhật Bản là 1 trong 2 quốc gia phi cộng sản tại Châu Á mời tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam sang thăm chính thức vào tháng 09/2015 ( nước còn lại là Hàn Quốc) và mới đây, tháng 02/2016 , Nhật hoàng Akihito vừa sang thăm chính thức Việt Nam, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ 2 nước. Sự tin cậy chính trị là cơ sở vững chắc cho mối quan hệ Việt – Nhật tiến đến đồng minh, hoặc chí ít cũng là liên minh.
Trong suy nghĩ của Bắc Kinh, việc Việt Nam ngả hẳn về Mỹ sẽ là một thảm họa khi quân cảng Cam Ranh xuất hiện tàu chiến Mỹ đồn trú, hoặc lính Mỹ đến lập căn cứ tại Việt Nam, hoặc tệ hơn nữa là tên lửa Mỹ như hệ thống THAAD được triển khai tại Việt Nam là những kịch bản mà Bắc Kinh không muốn tưởng tượng đến. Do đó, Trung Quốc sẽ ngăn cản và gây sức ép bằng mọi cách để Hà Nội không ngả về phía Washington. Còn về phía Hà Nội, với chính sách “3 không”, sẽ hạn chế tới mức tối đa việc ngả hẳn về Mỹ để không chọc giận Bắc Kinh cũng như tôn trọng các cam kết chính trị của đảng cộng sản Việt Nam với đảng cộng sản Trung Quốc.
Nhưng với quan hệ Việt - Nhật thì Trung Quốc không quá quan ngại, dù sao Nhật cũng không phải là quốc gia hạt nhân như Mỹ, không có quân lực mạnh như Mỹ. Dù mối quan hệ Việt – Nhật có nâng tầm đến mức nào thì cũng không thể dẫn đến việc quân Nhật trú đóng tại Việt Nam hay tên lửa Nhật triển khai tại Việt Nam.
Từ lúc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào tháng 05/2016 trong chuyến thăm của tổng thống Obama cho đến lúc Việt Nam có đầy đủ khả năng tài chính để mua vũ khí từ Mỹ, thì khả năng mua vũ khi Mỹ đã qua sử dụng (second hand) thông qua Nhật Bản chính là con đường khả dĩ. Tháng 02/2014, Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, tiến thêm một bước khả năng vũ trang cho các đồng minh và đối tác chiến lược, trong đó Việt Nam là một khách hàng mục tiêu.
Khi Nhật Bản tiến hành thải loại các máy bay chiến đấu F16 để thay bằng F35, số F16 thải loại này sẽ là sự bổ sung lý tưởng cho không quân Việt Nam sau khi đã nâng cấp thành F16A/B. Một lô 10 – 20 chiếc F16A/B sẽ nâng cao khả năng tác chiến và kiểm soát không phận toàn bộ khu vực Trường Sa. Các máy bay F16A/B này hợp với các máy bay chiến đấu thế hệ 4 hiện có của Việt Nam như Su - 27, Su – 30 khiến Việt Nam có thể tự tin hơn trong khu vực trước sự đe dọa từ Trung Quốc.
Trong kế hoạch của quân đội Nhật Bản, việc thay thế các máy bay tuần tra săn ngầm P3-C Orion bằng loại máy bay hiện đại hơn là P8- A Poseidon khiến các P3- C Orion dôi dư này trở thành đối tượng của Việt Nam nhắm tới. Chỉ cần 2 – 3 chiếc P3- C Orion, Việt Nam có thể tuần tra, giám sát, phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm địch với tầm tác chiến bao trùm cả Biển Đông.
Nhật Bản cũng có thể cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần duyên để nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cảnh sát biển Việt Nam.
Theo một chuyên gia cho rằng. vai trò hiệu quả nhất của Nhật Bản trên Biển Đông là tạo điều kiện cho liên minh với Việt Nam, Mỹ và Philippines và một vài quốc gia khác có chung lợi ích trong việc gìn giữ nguyên trạng. Chỉ liên minh do Mỹ dẫn đầu mới có thể cân bằng với sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Với những lợi ích to lớn ở Biển Đông và nhận thức của giới tinh hoa về những lợi ích này, Nhật Bản có khả năng sẽ sẵn sàng giữ vai trò này.
Thời Hán – Sở tranh hùng cuối đời Tần, đại tướng quân Hàn Tín của quân Hán dùng kế “ám độ Trần Thương” dẫn binh đi vòng qua đường Trần Thương để đánh úp tướng Sở là Chương Hàm. Sau trở thành 1 trong 36 kế Tôn Tử binh pháp, với ý chỉ rằng đi đường vòng và đến được mục tiêu cần đến. Việt Nam không thể liên minh với Mỹ, nhưng có thể liên minh với Nhật Bản, thông qua Nhật Bản để gián tiếp liên minh với Mỹ nhằm chống lại âm mưu độc bá Biển Đông của Trung Quốc, cũng là cách vận dụng sáng tạo kế “Ám độ Trần Thương” vào hoàn cảnh mới của thời hiện đại.
Hồ Đông Thụy
(FB Hồ Đông Thụy)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét