9-10-2017
Tại phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Châu Thị Thu Nga, bị cáo xin khai về số tiền 1,5 triệu USD dùng để chạy vào Quốc hội, nhưng không được chủ tọa cho phép mở miệng. Đây là một chi tiết quan trọng, ảnh hưởng đến tôn nghiêm của cơ quan lập pháp, những đã mấy ngày trôi qua vẫn chưa thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản hồi gì.
Về nguyên tắc, có những ẩn khuất eo le, bị cáo có quyền không khai với điều tra viên, mà để dành khai trước tòa. Tuy nhiên, những lời khai xung quanh 1,5 triệu USD rất khó xác lập bằng chứng, vì… chắc chắn chẳng ai thừa nhận đã cầm tiền của bà Châu Thị Thu Nga để làm việc tày đình như vậy.
Một Đại biểu Quốc hội bình thường (không giữ chức vụ gì trong các ủy ban của Quốc hội) thì phụ cấp bổng lộc tương đương một Phó Chủ tịch tỉnh, nhưng quyền lực thì thua xa một Phó Chủ tịch huyện. Bởi lẽ, Phó Chủ tịch huyện có quân có tướng trực tiếp dưới trướng, còn Đại biểu Quốc hội chỉ có dăm người giúp việc như lái xe và văn thư. Ưu điểm vượt trội của Đại biểu Quốc hội là có quyền miễn trừ và có được sự vị nể nhất định trong cộng đồng.
Do vậy, lời khai chưa trọn vẹn của bà Châu Thị Thu Nga có tính kích hoạt náo nức tham vọng chính trị từ phía những kẻ vàng kho bạc đống. Số tiền 1,5 triệu USD rất khủng khiếp với người lao động phổ thông, nhưng lại không quá lớn đối với các đại gia. Doanh nhân mà có thêm cái mác Đại biểu Quốc hội, thì mọi đàm phán thương mại trở nên dễ dàng hơn nhiều!
Người dân nghe chuyện bỏ tiền chạy Đại biểu Quốc hội, có thể chỉ nhằm thỏa mãn trí tò mò một cách đau đớn. Thế nhưng, những người lãnh đạo đất nước trong cơn hào hứng với chiếc lò chống tham nhũng đang nóng hừng hực, thì không thể không tìm hiểu thật thấu đáo và giải quyết thật căn cơ. Bởi lẽ, nếu nghi vấn dùng 1,5 triệu USD chạy vào Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga vẫn tồn tại, thì tất yếu sẽ hình thành giá sàn cho một Đại biểu Quốc hội trong thị trường mua danh bán tước đang rất sôi động! Giá sàn 1,5 triệu USD, thì giá trần thoải mái cạnh tranh chăng?
Đại biểu Quốc hội do cử tri bầu chọn, mà cũng chạy được ư? Một xã hội mà cứ để mặc đám đông tin rằng, điều gì cũng có thể xảy ra, thì nền tảng đạo đức đã lung lay tận gốc rễ!
Sự kiện bà Châu Thị Thu Nga khai dùng 30 tỷ đồng để “chạy” Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cụ thể như thế nào thì pháp luật và công luận đánh giá. Có người đặt câu hỏi “chi 30 tỷ chạy ĐBQH để làm gì?”
Nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga khai “chạy” đại biểu Quốc hội hết 1,5 triệu USD. |
Bài viết dưới đây chỉ phân tích dưới góc độ đầu tư.
Thực tế không thể phủ nhận là đầu tư từ vốn ngân sách hay tài nguyên quốc gia là một miếng bánh mà không dễ ai cũng được chia phần. Theo quy định pháp luật đòi hỏi doanh nghiệp phải có tình hình tài lành mạnh, có đủ năng lực, kinh nghiệm và tham gia đấu thầu công khai. Nhưng thực trạng lại không như vậy; nhiều gói thầu, dự án ngay từ giai đoạn đề xuất đầu tư đã xác định được doanh nghiệp thực hiện.
Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải “chạy” dự án.
Các ngã đường chạy dự án hiện nay vẫn tập trung vào hai hướng chính là “quan hệ” và “tiền tệ”. Với doanh nghiệp, mục đích cuối cùng là hiệu quả đầu tư, dù cho “quan hệ” như thế nào đi nữa cũng được quy đổi thành tiền. Nếu đã có nền tảng “quan hệ” thì phần “tiền tệ” chi ra cũng giảm bớt, thậm chí bỏ một số khâu trung gian, rút ngắn thời gian “chạy”, đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư tăng.
Không riêng gì ở Việt Nam, ngay cả những nước phát triển, những tập đoàn kinh tế cũng gián tiếp đưa người của họ tham gia vào bộ máy nhà nước để vận động, hoạch định chính sách có lợi cho một hoặc nhóm doanh nghiệp.
Không phải bây giờ, mà từ trước công nguyên đã có hình thức đầu tư “buôn quan”, thậm chí là “buôn vua”, mà nổi tiếng trong lịch sử là Lã Bất Vi làm tướng quốc nước Tần thời Chiến Quốc.
***
Trả lời câu hỏi: “Bà Châu Thị Thu Nga có nên đầu tư 30 tỷ đồng để chạy ĐBQH không?”; trước hết cần phải xem đầu tư làm ĐBQH để được gì?
- Thứ nhất là “quan hệ”
Trong cơ chế không minh định “tam quyền phân lập” thì ĐBQH là “đồng nghiệp” với những người quyền lực nhất của cả 3 nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp từ trung ương xuống địa phương; là “đồng chí” với các đảng viên từ ủy viên thường vụ của một huyện lên đến Trung ương Đảng.
Khi đã là ĐBQH thì mặc nhiên quan hệ “đồng nghiệp, đồng chí” được thiết lập; Quốc hội họp hai lần trong năm, mỗi lần khoảng một tháng để “Giám đốc, ĐBQH” phát triển “quan hệ” ngày càng tốt đẹp.
- Thứ hai là “đặc quyền”
Theo Hiến pháp quy định thì ĐBQH “có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.”; “có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.”
Trong cơ chế quản lý nhà nước của cơ quan hành pháp chưa thể nói là thực sự minh bạch, liêm chính thì rõ ràng đây là một quyền rất lớn, nếu chỉ thuần túy là giám đốc doanh nghiệp thì không thể có được.
- Thứ ba là “đặc lợi”
Ngoài những tiêu chuẩn, chế độ quy định cho ĐBQH, cái này không đáng kể. Điều quan trọng hơn là doanh nghiệp có “Giám đốc, ĐBQH” sẽ được các cơ quan nhà nước đối xử trọng thị hơn; sớm có được thông tin quy hoạch; ít bị các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức o ép, thanh tra, kiểm tra; mà ngược lại còn được ưu ái tạo điều kiện giúp đỡ sẽ dễ dàng loại được các đối thủ cạnh tranh.
***
Với ba yếu tố có được là “quan hệ, đặc quyền, đặc lợi”, thì đầu tư 30 tỷ đồng nếu “chạy” được vào ĐBQH là rất hiệu quả.
Nhiệm kỳ Quốc hội là 5 năm, phân bổ mỗi năm là 6 tỷ.
Với 6 tỷ / năm để chi phí cho cơ hội tìm kiếm dự án đối với một doanh nghiệp là không phải lớn. Chỉ cần mỗi năm “Giám đốc, ĐBQH” biết khai thác các “quan hệ, đặc quyền, đặc lợi” để có được được một dự án khoảng 10 triệu USD (hơn 200 tỷ VND), với lợi nhuận khoảng 20% là đã dư sức thu hồi vốn rồi.
Nếu thuận lợi thì chỉ cần một dự án đầu tư hạ tầng (như: công trình giao thông, đô thị, khu công nghiệp, …) quy mô khoảng 500 tỷ đồng thì xem như đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư.
Do đó, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên hay bất ngờ khi bà Châu Thị Thu Nga khai dùng 30 tỷ đồng để “chạy” ĐBQH với toan tính làm “Giám đốc, ĐBQH” với mục đích có được “quan hệ, đặc quyền, đặc lợi” trong cơ chế kinh tế thị trường nhằm tối ưu hóa lợi nhuận./.
10/10/2017
Đỗ Thành Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét