Những ngày qua, người dân trồng mía tại Sơn Hòa (Phú Yên) mừng rỡ đón nhận chiếc máy thu hoạch mía, một sáng chế mới có thể hoạt động trong điều kiện diện tích đất trồng mía nhỏ lẻ trên địa hình phức tạp nhưng có giá rẻ.
Chiều ngày 7/10, ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện miền núi Sơn Hòa cho biết, tính đến nay anh Đệ đã cải tạo và sáng chế ra 7 loại máy nông nghiệp phục vụ cho cây mía, theo TTXVN.
Anh Phi Anh Đệ đang chạy thử nghiệm máy liên hợp thu hoạch mía (Ảnh: Trung Thi).
Chủ nhân của chiếc máy thu hoạch mía tiện ích, có sức làm việc bằng 70 công lao động là nông dân Phi Anh Đệ (42 tuổi) ở xã Sơn Nguyên, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Anh Đệ từng được biết đến là người cải tạo và sáng chế 6 loại máy phục vụ cho việc làm đất và trồng mía được mọi người ngưỡng mộ, đặt cho cái biệt danh “kỹ sư chân đất”.
Trong thời gian đến, nhiều người bày tỏ mong muốn đặt mua máy, hoặc có thể 2-3 hộ chung nhau để mua 1 máy sử dụng.
“Vào vụ thu hoạch mía rất khó để thuê nhân công, có được chiếc máy thu hoạch sẽ thuận lợi hơn cho người trồng mía rất nhiều. Nay thấy anh Đệ chế được cái máy này tôi rất vui vì người dân ở đây sắp có điều kiện tiếp xúc với công nghệ hiện đại thay vì làm thủ công như trước đây.”– ông Phan Văn Tiếp, một hộ có 6 ha mía ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết.
Mười năm ấp ủ ước mơ chế tạo máy liên hợp thu hoạch mía của người “kỹ sư chân đất” Phi Anh Đệ xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) nay đã thành sự thật. Đây không chỉ là niềm vui của nhiều nông dân trồng mía mà còn là niềm hạnh phúc của riêng anh.
Học hết lớp 5, nông dân Phi Anh Đệ cho ra đời chiếc máy nông nghiệp thứ 7
Dù chỉ học hết lớp 5, nhưng với đam mê tìm tòi, nghiên cứu máy móc và trăn trở vì nông dân tốn chi phí cao, vất vả trong sản xuất nông nghiệp, nên anh đã sáng chế thành công nhiều loại máy công cụ, là một trong những nông dân được vinh danh là nông dân tiêu biểu trong thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc.
Anh Đệ cùng với những đồng nghiệp trong xưởng cơ khí Thành Đạt (xưởng cơ khí của gia đình anh Đệ) làm ra, không trùng với bất kỳ một chiếc máy nào. Mất 10 năm để tìm hiểu nguyên lý hoạt động rồi tháo lắp, hàn, tiện… thiết kế các chi tiết hoạt động của máy, cuối cùng chiếc máy thu hoạch mía do anh Đệ sáng chế đã hoàn thành. Chiếc máy này được vận hành theo nguyên lý chung của các máy thu hoạch nông sản.
Động cơ hoạt động là máy dầu diezen, gồm hai lưỡi dao: một lưỡi dùng để cắt gốc mía một lưỡi dùng để cắt ngọn mía và một số chi tiết cơ khí khác. Anh Đệ cho biết thêm, công năng của máy này một ngày có thể chặt được 600 tấn mía thay thế cho khoảng 70 công lao động chặt mía thủ công như hiện nay, đồng thời chặt được sát gốc, không để gốc cao như chặt tay bình thường.
Ngoài ra, trong lúc thu hoạch máy cũng đã băm rác mía vụn được 1 phần để làm phân hữu cơ bón cho vụ mía sau. Máy này được nghiên cứu rất kỹ, để phù hợp với cánh đồng Việt Nam, ruộng nhỏ lẻ 3-5 sào vẫn có thể cắt được. So với máy thu hoạch mía của nước ngoài, chiếc máy này đã khắc phục được nhược điểm về kích thước quá lớn cồng kềnh và giá thành lại cao.
Ước mơ giúp bà con nông dân làm giàu từ cây mía và khẳng định quyền sở hữu trí tuệ
“Một máy thu hoạch mía của nước ngoài phải từ 5-10 tỷ, máy của anh tôi chỉ trên dưới 1 tỷ”, anh Đệ nói. Buổi trình diễn máy liên hợp thu hoạch mía của anh Đệ đã được rất nhiều công ty nhà máy đến từ các vùng thâm canh cây mía như Tây Ninh, Đắk Nông, Biên Hòa… tham quan.
Máy thu hoạch mía do anh Phi Anh Đệ sáng tạo, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tập quán sản xuất thủ công bấy lâu nay của người dân trồng mía ở Phú Yên. Chính quyền cũng luôn khuyến khích, hỗ trợ để các sản phẩm cơ khí của anh có thể được ứng dụng rộng rãi. Anh Đệ đang mong muốn sản phẩm máy thu hoạch mía do anh sáng chế sẽ được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ.
Thanh Thanh
http://www.nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/34325502-nong-dan-phi-anh-de-che-tao-thanh-cong-may-thu-hoach-mia.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét