Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Sự thay đổi của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình; Pew: Hầu hết người Việt Nam coi Trung Quốc là một mối đe doạ lớn

Trung Quốc đã có một số thay đổi về kinh tế, môi trường, dân số và quân sự trong 5 năm dẫn dắt của ông Tập Cận Bình.


Trong bài phát biểu tại đại hội đảng thứ 19 ngày 18/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vạch ra tham vọng biến Trung Quốc thành một siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2050.
Các quan sát viên cho rằng tham vọng "siêu cường" này của ông Tập được xây dựng trên nền tảng những thành quả về kinh tế, môi trường và quân sự  mà Trung Quốc đã đạt được trong 5 năm đầu tiên dưới nhiệm kỳ của ông, nhưng chúng vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức không nhỏ, theo CNN.
Kinh tế
su-thay-doi-cua-trung-quoc-duoi-thoi-tap-can-binh
Đồ họa: CNN.
Trong quá trình cải cách kinh tế, khoảng 40 triệu việc làm trong khu vực nhà nước của Trung Quốc đã bị cắt giảm từ năm 1995 đến 2002. Nhiều người tìm được việc làm thay thế trong các doanh nghiệp tư nhân nhưng một số khác lâm vào cảnh thất nghiệp.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã có sự cải thiện nhỏ dưới thời ông Tập, từ 4,13% năm 2011 lên 3,95% trong năm nay, điều này có thể không kéo dài. Chính phủ Trung Quốc năm ngoái nói rằng họ muốn cắt giảm ít nhất 1,8 triệu việc làm trong ngành than và thép nhằm giảm tình trạng dư thừa năng suất.
Bắc Kinh nhắm tới mục tiêu xóa bỏ "công ty thây ma" - các công ty nhà nước đã ngừng hoạt động nhưng vẫn giữ nhân viên. Một số báo cáo cho rằng Trung Quốc có thể cắt giảm thêm hơn 5 triệu việc làm.
Dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn là mối lo ngại lớn, tăng trưởng kinh tế nói chung vẫn ổn định và thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5.060 USD năm 2011 lên 8.260 USD vào năm 2016.
su-thay-doi-cua-trung-quoc-duoi-thoi-tap-can-binh-1
Đồ họa: CNN.
Chính quyền dường như cũng đang kiểm soát tốt hơn vấn đề bất bình đẳng thu nhập. Dù vẫn là một trong những quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, khoảng cách này đã thu hẹp một chút trong 5 năm cầm quyền của ông Tập.
Dù vậy, sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế Trung Quốc trong hàng thập kỷ qua đã gây ra hệ lụy về mặt môi trường. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh và nhiều tỉnh thành lân cận đã đến mức báo động, buộc chính phủ phải có những biện pháp quyết liệt để giảm bớt nỗi bức xúc của người dân.
Môi trường
Môi trường đã trở thành vấn đề lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi Bắc Kinh nhiều lần chìm trong sương mù ô nhiễm.
Năm 2010-2015, lượng phát thải khí CO2 bình quân đầu người từ các nhà máy sản xuất, nhà máy điện than và xe cộ ở Trung Quốc đã tăng từ 6,7 tấn lên 7,54 tấn. Trung Quốc vẫn là một trong những nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới.
su-thay-doi-cua-trung-quoc-duoi-thoi-tap-can-binh-2
Đồ họa: CNN.
Chính phủ Trung Quốc cho biết họ muốn thay đổi điều này. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất nói rằng đến năm 2020 họ cam kết "giảm 40-45% khí carbon so với năm 2005".
"Trung Quốc ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường hơn trong những năm gần đây", Matthew Evans, chuyên gia tại Đại học Hong Kong, nói.
Điều này được thể hiện qua các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo. Trung Quốc đã trở thành nước dẫn đầu thế giới về năng lượng mặt trời. Lượng năng lượng mà nước này thu được từ gió và mặt trời đã tăng từ 64 gigawatt vào năm 2011 lên 287 gigawatt năm ngoái, vượt xa Mỹ ở mức 123 gigawatts.
su-thay-doi-cua-trung-quoc-duoi-thoi-tap-can-binh-3
Đồ họa: CNN.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng lời nói của Trung Quốc không đi đôi với việc làm vì nước này thực chất đang cố gắng chuyển việc phát thải khí, các dự án đầu tư vào than đá và các nguồn năng lượng bẩn sang nhiều nước khác.
Dân số
Một trong những thay đổi chính sách đáng kể nhất dưới sự dẫn dắt của ông Tập là việc Trung Quốc từ bỏ chính sách một con vốn đã áp dụng trong hàng chục năm qua.
Việc buộc các cặp vợ chồng chỉ có một con cùng với truyền thống thích con trai đã tạo ra sự mất cân bằng giới tính lớn. Chính sách này cũng tạo ra nhiều gánh nặng xã hội khi chỉ có một người con để chăm sóc cho cha mẹ già.
Tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Trung Quốc đã tăng từ 8,59% năm 2011 lên trên 10% năm 2016, mặc dù thấp hơn Nhật hay Mỹ nhưng gần gấp đôi con số 5,8% của nước láng giềng Ấn Độ.
su-thay-doi-cua-trung-quoc-duoi-thoi-tap-can-binh-4
Đồ họa: CNN.
Các nhà nhân khẩu học không dự đoán việc từ bỏ chính sách một con sẽ dẫn đến bùng nổ sinh sản. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vấn đề của xã hội lão hóa: chi phí y tế và phúc lợi cao, lực lượng lao động sụt giảm.
Quân sự
Một sự thay đổi lớn khác dưới thời ông Tập là tập trung hơn vào chủ nghĩa dân tộc và quân sự. Ông Tập đã nắm chặt quân đội trong tay và thực hiện một loạt cuộc tập trận và duyệt binh lớn.
su-thay-doi-cua-trung-quoc-duoi-thoi-tap-can-binh-5
Đồ họa: CNN.
Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, chi tiêu quân sự đã tăng từ mức tương đương 1,82% GDP lên 1,92%, vẫn còn khoảng cách khá xa với mức 3,29% của Mỹ.
Trung Quốc vẫn duy trì mức quân số chính quy 2,2 triệu người, dù ông Tập và những người khác đã kêu gọi hiện đại hóa lực lượng vũ trang và giảm số lượng binh lính.
su-thay-doi-cua-trung-quoc-duoi-thoi-tap-can-binh-6
Đồ họa: CNN.
Ông Tập đã đề ra kế hoạch cải tổ lực lượng quân đội, cắt giảm quân số, xây dựng cấu trúc chỉ huy theo mô hình phương Tây nhằm tăng cường khả năng tác chiến cho quân đội nước này trên môi trường biển lớn.
Tuy nhiên, kế hoạch này của ông Tập có thể vấp phải phản ứng từ khoảng 300.000 quân nhân bị cắt giảm biên chế, tạo ra một lượng lao động dôi dư cho xã hội với nhiều vấn đề về chính sách hậu phương quân đội.
Việc Trung Quốc mạnh tay chi cho quốc phòng cũng gây ra nhiều lo ngại cho dư luận thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh nước này đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một loạt quốc gia trong khu vực.
Phương Vũ


Trung Quốc đang tiến hành Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 17 với những báo cáo thành tựu rực rỡ, nhưng cách một số nước châu Á khác nhìn họ thì không được tích cực cho lắm, trong đó có Việt Nam.

Một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở TP. Hồ Chí Minh năm 2014. Ảnh: Le Quang Nhat | AFP | Getty Images
Đây là  kết quả khảo sát mới được công bố của Trung tâm Nghiên cứu Pew – một hãng thăm dò của Mỹ – về quan điểm của người dân bảy nước châu Á – Thái Bình Dương gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia.

Trong bảy quốc gia kể trên, Việt Nam thường nằm trong số hai quốc gia có cái nhìn tiêu cực nhất về Trung Quốc trong các mục câu hỏi. Ta hãy cùng xem qua từng điểm một.

1. Phần lớn người Việt Nam coi việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là một điều tệ hại.


Khi được hỏi việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam, có đến 64% số người được hỏi cho rằng đó là một điều tệ hại (bad thing), chỉ 26% cho đó là một việc tốt (good thing).

Trong số bảy nước được hỏi, Việt Nam tỏ ra gay gắt nhất về vấn đề này, khi bỏ sau nước thứ hai là Ấn Độ (51%).

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới gần 72 tỷ USD năm 2016. Với 11,2 tỷ USD vốn đăng ký, Trung Quốc cũng nằm trong số 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2017, vốn đầu tư của Trung Quốc cũng đứng thứ tư với 1,2 tỷ USD.

Điều đáng nói là trong số gần 72 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều thì Việt Nam chỉ xuất sang Trung Quốc được gần 22 tỷ USD và nhập từ Trung Quốc về tới xấp xỉ 50 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, phần lớn người Australia và Nhật Bản lại coi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là điều tốt lành với nước họ. Gần một nửa người dân ở Indonesia, Philippines và Hàn Quốc cũng có thái độ tương tự.

2. Người Việt Nam gần như thống nhất trong việc coi sự nổi lên về quân sự của Trung Quốc là một điều tệ hại.


Gần như không có tranh cãi, tuyệt đại đa số người Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc. Có ít nhất chín trong số mười người được hỏi bày tỏ thái độ này.

Hầu hết người dân ở các nước còn lại cũng có thái độ tương tự, ngoại trừ Indonesia (48%).

Điều này khá dễ hiểu khi đây đều là các nước láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ cả trên bộ lẫn trên biển với Trung Quốc, ngoại trừ Australia. Bạn có thể tìm hiểu thêm về vấn đề Biển Đông ở đây.

Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng đều đặn 9% mỗi năm trong một thập niên qua, lên tới 150 tỷ USD năm 2017, trở thành nước chi tiêu cho quân sự lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ (khoảng 600 tỷ USD). 

3. Tuyệt đại đa số người Việt Nam coi sự nổi lên của Trung Quốc là một mối đe doạ.


Sự nổi lên của Trung Quốc, nhìn chung, không được đón nhận ở hầu hết trong số bảy nước được khảo sát.

80% người Việt Nam coi đó là một mối đe doạ lớn, 12% coi đó là một mối đe doạ nhỏ, và chỉ 5% không coi đó là một mối đe doạ.

Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có cái nhìn rất tiêu cực với hiện tượng Trung Quốc.

Pew cũng cho biết, ở bên ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trung bình chỉ có 27% số người được hỏi cho rằng sự nổi lên của Trung Quốc là một mối đe doạ lớn với nước họ. Trong khi đó, con số này ở châu Á – Thái Bình Dương lên tới 47%. Chỉ 35% coi ảnh hưởng của Mỹ là một mối đe doạ lớn với đất nước họ.

4. Phần lớn người Việt Nam không tin Xi Jinping (Tập Cận Bình) trong các vấn đề quốc tế.  


Trong khi Xi Jinping được cho là sẽ tiếp tục cầm quyền ở Trung Quốc trong năm năm tới, thậm chí còn lâu hơn, phần lớn người Việt Nam không tự tin cho rằng ông ta sẽ làm được điều gì đúng đắn trong quan hệ quốc tế.

Người Việt Nam cũng tin tưởng Tổng thống Mỹ Donald Trump hơn là vị Chủ tịch Trung Quốc, trong khi ở hai nước đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Australia thì Tổng thống Trump lại không bằng Xi Jinping.

Để biết thêm về Xi Jinping, mời bạn đọc thêm bài ở đây.

By TRẦN HÀ LINH


(Luật Khoa)

Không có nhận xét nào: