Đây dường như là thời điểm nước Mỹ của Donald Trump đang "lùi lại" và tạo ra khoảng trống quyền lực trên trường quốc tế. Thế giới không hề mong muốn một nước Mỹ theo "chủ nghĩa biệt lập" hoặc một Trung Quốc với quyền lực nằm trọn trong tay Tập, nhưng dường như cả hai thứ đó lại đang cùng tồn tại.
Các tổng thống Mỹ thường có thói quen mô tả những người đồng cấp Trung Quốc của mình bằng những ngôn từ hoa mỹ. Richard Nixon nói với Mao Trạch Đông rằng các tác phẩm của vị Chủ tịch này đã làm "thay đổi thế giới". Jimmy Carter thì sử dụng những tính từ mang tính "tâng bốc" để nói về Đặng Tiểu Bình như "lịch sự, mạnh mẽ, thông minh, thẳng thắn, dũng cảm, ưa nhìn, tự tin, thân thiện". Còn Bill Clinton mô tả Giang Trạch Dân là người "có tầm nhìn" và "có trí tuệ xuất chúng". Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump cũng không phải ngoại lệ. Tờ Washington Post (Mỹ) cho biết Trump từng nói rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có lẽ là nhân vật "quyền lực nhất" của quốc gia này trong thế kỷ qua.
Có thể Trump đã đúng. Và nếu không phải vì muốn né tránh "một sự tự sát chính trị", hẳn Trump đã nói rằng "Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới". Một điều chắc chắn là nền kinh tế Trung Quốc vẫn chỉ đứng thứ hai thế giới - sau Mỹ, và quân đội nước này dù đã tăng cường được sức mạnh một cách nhanh chóng song nếu so với Mỹ thì vẫn thua kém hơn nhiều. Tuy nhiên, sức mạnh kinh tế và quân sự không phải là tất cả. Mỹ vẫn là cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, nhưng ở trong nước, nhà lãnh đạo hiện nay của Mỹ lại "yếu" hơn và ít có ảnh hưởng ở nước ngoài hơn so với những người tiền nhiệm gần đây, do ông ấy coi thường những giá trị cũng như những liên minh vốn đã tạo nên ảnh hưởng của Mỹ. Trong khi đó, nhà lãnh đạo của quốc gia đông dân nhất nhất thế giới lại có vẻ đường hoàng tự tin với thế giới bên ngoài. Quyền lực của Tập Cận Bình đã được củng cố mạnh mẽ hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào kể từ thời Mao Trạch Đông. Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông là một nước nghèo khổ và hỗn loạn, nhưng dưới thời Tập Cận Bình lại là một động cơ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Quyền lực của ông Tập Cận Bình sẽ sớm được xác lập một cách đầy đủ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 18/10 tới. Đây là lần đầu tiên Tập Cận Bình chủ trì một Đại hội đảng với sự tham dự của 2.300 đại biểu trên cả nước. Rất nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi: Tập Cận Bình sẽ sử dụng quyền lực tối cao của mình như thế nào? Trong hàng loạt chuyến công du nước ngoài, Tập Cận Bình luôn tự coi mình là người đề xướng hòa bình và tình hữu nghị, và là người có tiếng nói trong một thế giới đầy lo âu và hỗn loạn. Trong khi đó, Trump lại không dễ dàng làm được như vậy. Tại Diễn đàn Davos hồi tháng 1/2017, Tập Cận Bình đã hứa hẹn với các nhà lãnh đạo thế giới rằng ông sẽ thành công trong chiến lược toàn cầu hóa, tự do thương mại và Hiệp định Paris về vấn đề biến đổi khí hậu. Những lời nói đó của Tập Cận Bình đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế bởi Trung Quốc đang sở hữu kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Sáng kiến "Vành đai và Con đường" về tên gọi có vẻ khó hiểu, nhưng thông điệp là rất rõ ràng: Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ USD ở nước ngoài với các dự án về đường sắt, hải cảng, nhà máy điện và hạ tầng cơ sở khác góp phần đưa cả thế giới đến sự thịnh vượng.
Đó là kiểu lãnh đạo mà nước Mỹ không còn thể hiện kể từ Kế hoạch Marshall. Tập Cận Bình cũng đang thực hiện dự án thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở nước ngoài. Trong năm 2017, Tập Cận Bình đã cho triển khai căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti. Ông cũng cho phép lực lượng hải quân Trung Quốc tham gia tập trận ở những khu vực xa xôi, bao gồm cả cuộc tập trận hồi tháng 7 vừa qua ở Biển Baltic, ngay sân sau của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Có thể, Tập Cận Bình nghĩ rằng việc tập trung quyền lực trong tay một người là "sự bình thường mới" của đời sống chính trị ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đó không phải là "bình thường" mà là "nguy hiểm". Không ai có thể có được nhiều quyền lực như vậy. Quyền lực tập trung vào một người cuối cùng cũng dẫn đến sự mất ổn định ở Trung Quốc như đã từng xảy ra dưới thời Mao Trạch Đông và cuộc Cách mạng Văn hóa. Nó cũng là nguyên nhân dẫn đến những cách hành xử chuyên quyền độc đoán ở nước ngoài, đặc biệt lo ngại khi đúng vào thời điểm nước Mỹ của Donald Trump đang "lùi lại" và tạo ra khoảng trống quyền lực trên trường quốc tế. Thế giới không hề mong muốn một nước Mỹ theo "chủ nghĩa biệt lập" hoặc một Trung Quốc với quyền lực nằm trọn trong tay Tập, nhưng dường như cả hai thứ đó lại đang cùng tồn tại.
Theo “Economist”
Hùng Sơn (gt)
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Đại hội thứ 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ chính thức suy tôn Tập Cận Bình lên ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Khai mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 |
Cuốn “Tư tưởng Tập Cận Bình” mới xuất bản hồi Tháng Bảy vừa qua mở đầu rằng nước Trung Hoa cần những vị anh hùng như Mao, Đặng, và Tập đề xuất những tư tưởng và thành tựu mới. Hà Nghị Đình (He Yiting, 何毅亭), hiệu phó Trường Đảng ở Bắc Kinh, mới viết rằng lịch sử cận đại Trung Hoa có thể chia làm ba giai đoạn: Mao Trạch Đông thống nhất nước Tàu, thiết lập chế độ Cộng Sản; Đặng Tiểu Bình cải cách, mở cửa, phát triển kinh tế; và giai đoạn thứ ba từ 2012 đến nay. Năm 2012 Tập Cận Bình lên làm chủ tịch đảng và nhà nước.
Nhưng làm cách nào Tập Cận Bình có thể tự so sánh với Mao và Đặng, trong tư tưởng và hành động?
Sau khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng tại viện bảo tàng quốc gia tại Thiên An Môn, ông đọc một bài diễn văn lần đầu tiên nhắc đến một khẩu hiệu: Giấc Mộng Trung Quốc (中国梦); và Phục hưng Dân tộc Trung Hoa (中华民族的复兴). Những lời này đã được bộ máy tuyên truyền của đảng lập lại nhiều lần trong năm năm qua. Đó là “tư tưởng” của Tập, theo tập quán của các đảng Cộng Sản, lấy khẩu hiệu làm tư tưởng.
Trong hành động, trong năm năm qua Tập Cận Bình đã thực hiện hai điều. Thứ nhất, bảo vệ đảng Cộng Sản đang tan rã từ bên trong vì các đảng viên từ trên xuống dưới hết còn tin vào chủ nghĩa Mác Lê và thi đua đục khoét làm giầu. Thứ nhì, bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, ở xa bằng ngoại giao và kinh tế, ở gần bằng quân sự. Đó chính là thực hiện “Trung Quốc mộng.”
Tập Cận Bình đã thành công trong việc thanh lọc hàng ngũ đảng. Chiến dịch chống tham nhũng do Vương Kỳ Sanh đứng đầu đã quét sạch gần hết những tay chân của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Đảng viên Cộng Sản bắt đầu đóng tiền đều đặn cho đảng (2% lương bổng, từ 10 ngàn đồng nguyên trở lên.) Các chiến dịch học tập chính trị được tái lập, từ trong xí nghiệp, quân đội, tới các trường học. Những tổ chức xã hội bị khép vào kỷ luật, người đối lập bị đàn áp. Nhà nước bắt đầu can thiệp vào các xí nghiệp tư như Tencent, Alibaba, đòi dự phần quyết định các chính sách đầu tư. Tập Cận Bình đã củng cố độc quyền thống trị của đảng.
Trong quá trình thanh lọc đảng, Tập Cận Bình đã tạo ra rất nhiều kẻ thù từ bên trong. Bài học của các chế độ độc tài là một lãnh tụ gây nhiều kẻ thù nội bộ sẽ không thể nào hạ cánh an toàn. Cho nên Tập Cận Bình cũng chuẩn bị để nắm quyền hành càng lâu càng tốt, nếu không phải là vĩnh viễn.
Đại hội đảng thứ 19 là cơ hội thi hành kế hoạch này. Một nửa các ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng cũng như Bộ Chính Trị sẽ được thay thế. Trong cơ quan tối cao, năm trong số bảy người thuộc Ban Thường Vụ phải về hưu, chỉ còn hai người là Tập Cận Bình, 64 tuổi, và Lý Khắc Trường, thủ tướng, 62.
Trong năm năm qua Tập Cận Bình đã củng cố địa vị với rất nhiều chức vụ. Tập đã lên cầm đầu Quân Ủy Trung Ương ngay sau khi lên, và đã thay thế bốn viên tướng trong quân ủy, cách chức 100 viên tướng khác và hơn 4,000 sĩ quan. Chưa đủ, năm ngoái Tập đã tìm cách trực tiếp chỉ huy quân đội, qua mặt các tướng lãnh bằng cách lập ra một Trung Tâm Chỉ Huy Liên Hợp Tác Chiến (联合作战指挥中心) để đứng làm tổng chỉ huy!
Để chuẩn bị cho đại hội 19, Tập Cận Bình đã nâng đám tay chân của mình lên. Tay chân của Tập Cận Bình thường xuất thân từ các tỉnh Triết Giang và Phúc Kiến, nơi họ tập đã trấn nhậm trước khi leo lên ghế chủ tịch đảng. Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner) được Tập đưa từ Triết Giang qua làm bí thư ở Quý Châu, gần đây đã được đưa qua Trùng Khánh, thay thế Chính Tài (Sun Zhengcai), một tay chân của cựu Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã được đưa về đó sau khi Bạc Hy Lai bị truất. Tôn Chính Tài, 54 tuổi, ủy viên Bộ Chính Trị trẻ nhất, là một ngôi sao đang lên trong đảng, với kỳ vọng sẽ vào Thường Vụ năm nay, bỗng nhiên bị truất và đuổi khỏi đảng, bị kết tội tham nhũng và hiếu sắc. Trong lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ có ba ủy viên Bộ Chính Trị đã bị đuổi là Trần Hy Đồng (Chen Xitong, 陳希同) năm 1995, Trần Lương Vũ (Chen Liangyu, 陳良宇 ) năm 2006 và Bạch Hy Lai (Bo Xilai, 薄熙來 ) năm 2012.
Bí thư Tỉnh Ủy Triết Giang là Hạ Bảo Long (Xia Baolong, 夏宝龙) 64 tuổi, từng làm phó cho Tập Cận Bình ở tỉnh này từ 2003 đến 2007, mới được đưa về Bắc Kinh đứng đầu ủy ban trung ương chính trị và pháp lý, thay thế Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu, 孟建柱), 69 tuổi. Hạ Bảo Long nổi tiếng khi ra lệnh dẹp gần một ngàn cây thập tự giá trên nóc các nhà thờ tại thành phố Ôn Châu, Triết Giang năm 2015.
Một tay chân của Tập là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu, 栗战书), 67 tuổi, đã được đưa về đứng đầu Trung Ương Biện Công Sảnh, giống như chức đổng lý văn phòng, có thể được đưa lên coi Ủy Ban Trung Ương Kỷ Luật và Thanh Tra, tiếp tục các kế hoạch thanh trừng nội bộ. Những bí thư thành phố Thiên Tân, tỉnh trưởng Cát Lâm và Hồ Bắc đều là vây cánh của Lật Chiến Thư.
Tập Cận Bình đã nâng Phái Triết Giang lên thay thế Phái Thượng Hải của Giang Trạch Dân và Đoàn phái, xuất thân từ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản của Hồ Cẩm Đào. Cánh tay mặt của Tập là Vương Kỳ San, tay đao phủ đã tiêu diệt những Châu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, vân vân, năm nay 69, đến tuổi về hưu nhưng có thể sẽ được giữ lại. Nếu họ Vương còn được đại hội chấp nhận, thì đó cũng là tạo ra một tiền lệ, chuẩn bị cho Tập Cận Bình vào năm 2022, khi Tập cũng vừa 69 tuổi.
Sau khi đã gây thù chuốc oán với những phe phái khác, Tập Cận Bình rất khó về hưu sau 10 năm cầm quyền, như Hồ Cẩm Đào. Vì vậy, trong đại hội 19 này, sau khi đã được suy tôn là lãnh đạo cố lõi (hạch tâm lãnh đạo), Tập Cận Bình sẽ được ghi danh vào cương lĩnh đảng với vai trò một lý thuyết gia, kế nghiệp Mao và Đặng. Với vai trò đó, Tập có thể được lưu nhiệm vào năm 2022.
Trong đại hội này, nếu không có ai được cử ra làm phó cho họ Tập, như Tập đã được đề cử năm 2007 dưới thời Hồ Cẩm Đào để sau năm năm sẽ kế nhiệm, thì tham vọng của ông ta sẽ rõ ràng. Theo Hiến Pháp Trung Cộng, chức vụ chủ tịch nước có nhiệm kỳ 10 năm, nhưng chức chủ tịch đảng không có giới hạn.
Dù năm 2022 họ Tập không làm chủ tịch đảng thì cũng vẫn có thể bắt chước Đặng Tiểu Bình nắm giữ chức chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, cho đến khi nào có thể yên tâm nghỉ hưu! Để chuẩn bị cho tương lai đó, bộ máy tuyên truyền của đảng đã hô hào, kêu gọi nước Trung Hoa cần phải có một nhà lãnh đạo lớn để thực hiện “Trung Quốc Mộng!”
Giấc mộng Trung Quốc chính là mộng làm bá chủ. Đại hội 19 có thể suy tôn tư tưởng Tập Cận Bình, mà điểm quan trọng nhất là Phục hưng Dân tộc Trung Hoa. Cụ thể, là đưa Trung Quốc lên hàng cường quốc đứng đầu thế giới. Đài ti vi của đảng đã làm một chương trình dài trong tháng trước nêu cao các thành tích ngoại giao của Tập Cận Bình trong năm năm qua. Trung Cộng đã gây ảnh hưởng khắp thế giới nhờ bỏ tiền ra mua chuộc các nước Phi Châu, Á Châu, đầu tư vào Châu Mỹ La tinh, lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouty.
Nhưng trong mươi năm tới, Trung Cộng vẫn chưa đủ sức bành trướng ra khắp thế giới, vì sức mạnh kinh tế cũng như quân sự còn yếu. Trung Quốc chưa thể đọ sức ngay với Nhật Bản trong những tranh chấp lãnh thổ như tại đảo Điếu Ngư. Cho nên địa bàn duy nhất mà Tập Cận Bình có thể diễu võ dương oai là ở vùng Đông Nam Á. Đó sẽ là bước thứ nhất cho Tập Cận Bình thực hiện Trung Quốc Mộng! Mục đích kinh tế như khai thác dầu lửa không quan trọng lâu dài nữa, vì Trung Cộng đang dồn nỗ lực nghiên cứu và sản xuất các nguồn năng lượng mới, hô hào cả nước sẽ cùng xe hơi chạy điện. Nhưng mục tiêu chính trị không bao giờ thay đổi: Trung Cộng phải kiểm soát con đường thủy chuyên chở một phần ba hàng hóa lưu thông của thế giới.
Bành trướng trong vùng Biển Đông nước ta cũng là một chiến thuật để Cộng Sản Trung Quốc bảo vệ quyền uy của đảng, mục tiêu mà Tập Cận Bình đã theo đuổi suốt 5 năm qua. Kích thích tự ái chủng tộc, đề cao lịch sử bành trướng đế quốc Hán tộc, Tập Cận Bình sẽ khiến hơn một tỷ dân Trung Hoa thấy họ phải chấp nhận chế độ độc tài đảng trị, như họ vẫn quen sống dưới các triều đại Hán, Đường.
Đây là một cơn ác mộng đối với các nước trong vùng Đông Nam Á, kể cả Việt Nam.
Nhưng căn cứ vào kinh nghiệm lịch sử, dân tộc Việt Nam có thể đối phó với hiểm họa này! Địa vị tương đối của Trung Cộng hiện nay không mạnh bằng các triều đại Hán, Đường. Họ cũng không “một mình một chợ” tha hồ múa gậy vườn hoang, như 1000, 2000 năm trước, khi Việt Nam còn chưa quan hệ với các nước Đông Nam Á mà cũng không có một cường quốc nào có thể giúp đỡ. Nếu Tập Cận Bình không biết lùi bước đúng lúc, ông ta sẽ nhận được những bài học của Minh Thành Tổ, của Càn Long đời Thanh, khi đụng tới những Lê Lợi, Nguyễn Huệ!
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)
‘‘Giấu bài’’ đến cùng : Bí quyết thâu tóm quyền lực của ‘‘Tập hoàng đế’’
Làng được mệnh danh là làng "Tập" (Lương Gia Hà/Liangjiahe), ở tỉnh tây bắc Thiểm Tây. Bức hình tuyên truyền trong ảnh có ông Tập ở giữa, chỉ đường cho nông dân.Ảnh : RFI/Heike Schmidt
Đại hội 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa khai mạc là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay. « Tập Cận Bình trên đường đến đỉnh cao quyền lực » tựa trang nhất của Le Figaro. Báo kinh tế Les Echos chạy tựa chính : « Tập Cận Bình lên ngôi ». Cho dù còn những tranh chấp trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng việc ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo nắm « quyền lực tuyệt đối » đầu tiên tại Trung Quốc, kể từ thời Mao, là điều không gây ngạc nhiên. Le Figaro có bài lý giải bí quyết dẫn Tập Cận Bình trở thành « Hoàng đế đỏ ».
Bài « Cuộc lên ngôi thứ hai của ‘‘tân hoàng đế đỏ’’, ông chủ toàn quyền cai trị Trung Hoa » của phóng viên Cyrille Pluyette mở đầu với hình ảnh chủ tịch Trung Quốc trong trang phục rằn ri, đứng trên xe jeep duyệt binh, hình ảnh được truyền thông nước này quảng bá rầm rộ trước thềm đại hội đảng Cộng Sản. Theo nhiều nhà quan sát, sau kỷ nguyên Mao Trạch Đông, và Đặng Tiểu Bình, một kỷ nguyên Tập Cận Bình đang mở ra, và hứa hẹn sẽ kéo dài.
Cách đây năm nay, vào lúc ông Tập Cận Bình được bầu làm tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc tại đại hội 18 mùa thu năm 2012, không ai ngờ là nhân vật này sẽ trở thành lãnh đạo thâu tóm mọi quyền lực trong tay. Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), một sử gia độc lập tại Bắc Kinh, nhận xét giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc vào thời điểm đó, những người kế tục ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã « phạm sai lầm là hoàn toàn đánh giá thấp » con người vốn có vẻ ngoài « ngây thơ, dễ bảo » này.
Dưới vẻ ngoài « ngây thơ », « dễ bảo »…
Trên thực tế, Tập Cận Bình là « một chiến lược gia đáng sợ », luôn luôn biết cách che giấu tham vọng thực sự của mình. Dưới vẻ ngoài « phúc hậu » và « một tính cách điềm tĩnh » là cả « một quyết tâm sắt đá ». Ngay sau khi nắm quyền, tân lãnh đạo Trung Quốc đã « phá vỡ một điều cấm kỵ đầu tiên », đó là « lật đổ truyền thống lãnh đạo tập thể », vẫn được duy trì kể từ khi Mao chết.
Ông Tập đã đặt những người thân tín vào cương vị lãnh đạo của hơn một chục ủy ban chi phối các lĩnh vực chính như kinh tế và an ninh. Bằng « cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt», Tập Cận Bình đã đánh bật mọi đối thủ. Nạn nhân mới nhất là Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), nguyên lãnh đạo Trùng Khánh (Chongqing), hồi tháng 7/2017 còn được coi là một trong những người có khả năng kế thừa chức tổng bí thư đảng.
Le Figaro trở lại với những năm tháng thanh niên của Tập Cận Bình, để làm sáng tỏ những gì đã hun đúc quyết tâm của lãnh đạo Trung Quốc tương lai. Theo tâm sự của « một người bạn, từng 15 năm gắn bó với Tập Cận Bình », người thanh niên này đã quyết định chọn con đường « đỏ hơn cả đỏ » (hay cộng sản hơn cả cộng sản), để « sống còn » và tiếp tục thăng tiến.
Năm 21 tuổi, ngay cả trước khi Cách Mạng Văn Hóa chấm dứt, Tập Cận Bình đã chọn con đường tiến thân trong đảng, ngay khi người cha (ông Tập Trọng Huân/Xi Zhongxun, nguyên phó thủ tướng từng bị tù đày, quản thúc tổng cộng khoảng 15 năm) vẫn còn bị giam giữ. Tập Cận Bình đã nghiền ngẫm các tác phẩm của Marx – nhà tư tưởng của chế độ - để chuẩn bị nền móng cho cuộc hành trình chính trị lâu dài. Vẫn theo nhân chứng nói trên – trở thành giáo sư đại học sau này - vào thời điểm đó, ông Tập tin tưởng là các hậu duệ của những người lính làm nên Cách Mạng, chính là « những người kế thừa hợp pháp », « xứng đáng để lãnh đạo đất nước Trung Hoa ».
Tập Cận Bình khởi sự cuộc đời chính trị bằng các vị trí lãnh đạo tại địa phương, như Hà Bắc (Hebei), Phúc Kiến (Fujian), hay Chiết Giang (Zhejiang), nơi ông Tập bắt đầu lập ra phe cánh đầu tiên, trước khi trở thành ủy viên thường trực Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực tối cao.
« Dân chủ hóa » hay « bàn tay sắt » : Hai viễn cảnh trái ngược
Tính cách bí hiểm của Tập Cận Bình khiến các nhà quan sát đặt ra nhiều giả thuyết, về quyết sách của lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai sắp tới hoàn toàn trái ngược nhau : Lợi dụng quyền lực tuyệt đối đang có, để mở cửa, tiếp tục công cuộc cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình và dân chủ hóa chính trị hay ngược lại, ưu tiên nắm đảng, để cai trị Trung Quốc bằng bàn tay sắt ?
Theo Le Figaro, nhiều chuyên gia cho rằng nhà chính trị 64 tuổi này sẽ khó lòng mở cửa hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc, bởi điều này cũng có nghĩa là « làm suy yếu » uy quyền của đảng Cộng Sản.
Hiện tại, thông qua bộ máy tuyên truyền, Tập Cận Bình đã trở thành một người « rất được lòng dân tại Trung Quốc », với « lập trường cứng rắn về lãnh thổ, đáp ứng tình cảm dân tộc chủ nghĩa vốn có của đa số dân » Trung Quốc. Từ hàng nghìn năm nay đông đảo người Trung Quốc vốn tôn thờ những « lãnh đạo độc tài » có thể « giúp họ duy trì ảo tưởng » về sức mạnh Trung Hoa vĩ đại.
Theo nhà Hán học Jean Pierre Cabestan, ông Tập Cận Bình đã gây dựng hình ảnh của mình như một người gần gũi dân chúng, nhờ 7 năm trời sống tại một vùng quê nghèo khó, hẻo lánh tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), trong thời Cách Mạng Văn Hóa. Cùng lúc đó, lãnh đạo Trung Quốc không lưỡng lự thường xuyên khẳng định là người kế thừa Mao Trạch Đông, từ tư tưởng cho đến các biện pháp mà nhà độc tài từng sử dụng phổ biến trước đây, như hoạt động phê bình - tự phê bình trong đảng, sùng bái cá nhân lãnh đạo, hay thủ đoạn « thanh trừng nội bộ » nổi tiếng...
Việc chính quyền kiểm soát hình ảnh Tập Cận Bình đạt đến độ « nực cười », nhìn từ bên ngoài. Trên mạng internet, mọi gợi ý so sánh Tập Cận Bình với nhân vật hoạt hình nổi tiếng Winnie l’Ourson – với vẻ ngoài mũm mĩm giống lãnh đạo Trung Quốc - đều bị cấm chỉ.
Vẫn về chủ đề Tập Cận Bình, báo kinh tế Les Echos có bài điều tra dài đưa độc giả đến với ngôi làng Lương Gia Hà (Liangjiahe), tỉnh Thiểm Tây, nơi Tập Cận Bình đã trải qua « 7 năm trời quyết định ». Ngôi làng Lương Gia Hà giờ đây đã trở thành một địa điểm du lịch « đỏ » hàng đầu. Chính quyền quảng bá rầm rộ về sự thay đổi lớn của ngôi làng kể từ khi ông Tập đến đây.
« Bốn thách thức kinh tế » với Bắc Kinh
Les Echos hôm nay dành nhiều hồ sơ cho các thách thức của Trung Quốc trong thời gian tới. Bài « nhiều cải cách kinh tế còn phải được tiến hành », dẫn ý kiến nhiều chuyên gia, theo đó cho dù ông Tập Cận Bình tự khẳng định như người dẫn dắt các thay đổi, nhưng ông ta « đã không phải là nhà cải cách lớn mà nhiều người dự đoán cách đây 5 năm ».
Thách thức đầu tiên, được ví với « lưỡi gươm Damocles » lơ lửng đối với Trung Quốc đó là khoản nợ khổng lồ. Theo IFM, từ đây đến năm 2022, nợ Trung Quốc sẽ tăng từ 235% (năm 2016) đến 290% GDP, khiến quốc gia này « hết sức dễ tổn thương » trước bất cứ điều chỉnh kinh tế đột ngột nào. Những nỗ lực từ đầu năm đến nay của Bắc Kinh không mang lại kết quả.
Thách thức lớn thứ hai của Trung Quốc là lĩnh vực các doanh nghiệp Nhà Nước, « nợ đầm đìa và ít hiệu quả », cùng nạn sản xuất thừa, đặc biệt trong ngành than và thép. Đòi hỏi cải cách lĩnh vực kinh tế Nhà Nước vấp phải lợi ích của các tập đoàn lớn, đồng thời với việc Đảng muốn tăng cường vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp.
Thách thức lớn thứ ba với đảng Cộng Sản Trung Quốc là đòi hỏi mở cửa thị trường nước này cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi một số lãnh đạo Trung Quốc hứa hẹn sẽ cải cách, quan điểm chính thống trong Đảng vẫn là duy trì sự kiểm soát của Đảng-Nhà Nước đối với nền kinh tế.
Thách thức lớn thứ tư được báo kinh tế Pháp nêu ra là việc đồng nhân dân tệ chậm trở thành một đồng tiền quốc tế. Cho dù đồng yuan đã được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF công nhận hồi năm ngoái (được kết nạp vào « Rổ tiền tệ » quốc tế SDR). Tuy nhiên cho đến nay đồng tiền của nền kinh tế thứ hai thế giới mới chỉ chiếm có 0,8% dự trữ ngoại tệ chính thức của các nền kinh tế.
Tập dựa vào Trump và những « trái lựu đạn đã rút chốt »
Về quan hệ quốc tế « kỷ nguyên Tập Cận Bình », Le Figaro có bài phân tích « Tập – kẻ chống Trump - đang đẩy tốt trên bàn cờ châu Á ». Bài viết điểm lại những bước lấn tới của Trung Quốc trong thời gian vừa qua ở khu vực Đông Nam Á, để từng bước một trở thành thế lực thống trị châu Á, từ việc gia tăng ảnh hưởng tại Lào, Cam Bốt, lôi kéo Philippines, - vốn là đối thủ trên bàn cờ Biển Đông, buộc Việt Nam phải ngừng thăm dò dầu mỏ tại một khu vực nằm ngay trong vùng thềm lục địa của nước này. Theo Le Figaro, lãnh đạo Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ bất ngờ từ tổng thống Mỹ Donald Trump, một người chủ trương bảo hộ mậu dịch.
Quan điểm nước Mỹ trên hết của ông Trump - gây khó cho các đồng minh và đối tác tại châu Á - chính là món quà vô giá đối với Bắc Kinh. Chiến thắng của ông Trump trong bầu cử tổng thống đã được báo chí Mỹ cách nay một năm gọi là thắng lợi của Bắc Kinh.
Ngay cả thái độ ngang ngạnh của « lãnh đạo Bắc Triều Tiên mập mạp » trong vấn đề hạt nhân, tuy gây khó khăn cho Trung Quốc, nhưng cũng làm lợi cho Bắc Kinh, khi « nhấn chìm » nhiều hồ sơ nóng bỏng khác, như thâm hụt thương mại, hay tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Theo Le Figaro, các hồ sơ này là « những trái lựu đạn được rút chốt », sẵn sàng phát nổ, trong chuyến công du tháng 11 tới của tổng thống Mỹ tới Trung Quốc. Dù sao, ông Tập Cận Bình vẫn có lợi thế trước một tổng thống Mỹ đang suy yếu. Trong bối cảnh này, lãnh đạo Bắc Kinh còn thời gian ba năm nữa (tức ba năm còn lại của nhiệm kỳ Donald Trump) để rảnh tay thu lợi về cho Trung Quốc.
Hãy coi chừng hoàng đế mới của Trung Quốc
Tác giả: Graham Allison
Dịch giả: Song Phan
16-10-2017
Tập Cận Bình là người lãnh đạo mạnh mẽ nhất kể từ Mao, và có vẻ như ông ta sẽnắm giữ quyền lực cho tới khi nào ông ta còn muốn.
Đại hội Đảng lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức ngày thứ Tư, để chọn ra các nhà lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp.
Có vài sự kiện sẽ có tác động lớn hơn đến hình dạng chính trị thế giới. Kịch bản cho Đại hội Đảng chưa được tiết lộ, nhưng tôi dám cược rằng, Tập Cận Bình (TCB) không những sẽ “tái đắc cử” cho nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai, làm Tổng Bí thư đảng và làm Chủ tịch của Trung Quốc, mà trên thực tế ông ta sẽ còn được tôn thành hoàng đế thế kỷ 21 của Trung Quốc.
Mỗi ủy viên ban thường vụ Bộ Chính trị bảy người sẽ là một người trung thành đáng tin cậy của TCB. Trong số họ sẽ là đồng sự thân cận nhất của TCB là Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), là người đang là mũi nhọn thanh tra chống tham nhũng của TCB. Chiến dịch đó đã viết lại các quy tắc làm việc ở Trung Quốc và tái lập lại cảm giác lo sợ (bị tù) của các đảng viên và tầng lớp giàu có.
Theo thông lệ các lãnh đạo Trung Quốc phải nghỉ hưu vào tuổi 68, do đó, việc Vương Kỳ Sơn 69 tuổi vẫn tiếp tục nằm trong ban thường vụ—cùng với không thấy người kế nhiệm TCB xuất hiện—sẽ chuẩn bị điều kiện cho TCB vẫn tiếp tục là lãnh đạo của Trung Quốc cho đến khi nào ông muốn. Khi cảm nhận được thực tế mới này, người Mỹ sẽ hỏi: Tập Cận Bình là ai? Để bắt đầu, tôi xin đưa ra 5 điểm có độ dài một tweet.
Thứ nhất, ông ta sẽ ngày càng được xem như là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông. TCB đang làm lu mờ ngay cả Đặng Tiểu Bình, là người đã chôn nền kinh tế kiểu Liên Xô và thay nó bằng chủ nghĩa tư bản thị trường do đảng lãnh đạo, từng tạo ra ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế với hai chữ số.
Thứ hai, TCB là nhà lãnh đạo tham vọng nhất trên sàn diễn quốc tế hiện nay. Rất lâu trước khi Donald Trump cam đoan “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, TCB cũng đã tuyên bố ý định làm y như thế cho Trung Quốc. Khẩu hiệu của ông ta năm 2012 nêu ra tầm nhìn của ông ta về “Giấc mộng Trung Hoa”, “việc tươi trẻ hóa đất nước Trung Hoa”. Cho mục tiêu đó, ông ta đã thực hiện bốn cuộc cách mạng: chuyển nền kinh tế nặng về xuất khẩu của Trung Quốc trở thành nền kinh tế sản xuất giá trị cao và sáng tạo, được thúc đẩy bằng tầng lớp trung lưu tiêu thụ lớn nhất thế giới, trong khi duy trì tăng trưởng kinh tế trên 6,5%; tổ chức và xây dựng lại quân đội Trung Quốc để Trung Quốc có thể, như TCB nói, “đánh và thắng” một kẻ thù hiện đại (như Mỹ); làm sống lại chủ nghĩa dân tộc và lòng tự hào trong việc khôi phục một nước Trung Hoa vĩ đại; và, quan trọng nhất là làm cho đảng có sức sống trở lại và tái lập quyền lực của nó. Mỗi sáng kiến này sẽ làm hầu hết các nguyên thủ quốc gia lo lắng. TCB đang nắm giữ cả bốn việc này cùng một lúc.
Thứ ba, ông ta là nhà lãnh đạo đáng ngạc nhiên nhất trên sân khấu quốc tế hiện nay. Trong một sân chơi gồm Vladimir Putin, Kim Jong Un và Donald Trump, điều khẳng định này có vẻ cường điệu. Nhưng nhớ lại những điều kiện vào năm 2012, khi TCB được cử làm người kế vị Hồ Cẩm Đào. Giống như ông Hồ Cẩm Đào, TCB được dự đoán sẽ là một bù nhìn nhạt nhẽo và là người phát ngôn kỹ trị của một ban lãnh đạo tập thể 9 người. Với sự khôn khéo, tốc độ và quyết tâm, ông ta đã thực hiện chuyển đổi chế độ thành sự cai trị của một người khá thuyết phục là đáng kinh ngạc. Cho đến nay chưa hề có một quốc gia trỗi dậy quá nhanh, trên rất nhiều góc độ như Trung Quốc trong thế hệ qua. Cũng có thể nói như vậy về TCB, là người đã đi từ một nông dân bị đày ải về chính trị, sống trong một cái hang, thành “Chủ tịch của mọi thứ”.
Hơn nữa, việc ông ta chọn đảo lộn chính sách “ẩn mình chờ thời” của Đặng [Tiểu Bình] đã làm cộng đồng quốc tế choáng váng. Từ Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á mới của Trung Quốc đang làm lu mờ Ngân hàng Thế giới, đến kế hoạch địa kinh tế khổng lồ then chốt của ông ta được gọi là “Một vành đai, một con đường”, cấp vốn cho 900 dự án cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp với chi phí vượt quá $1400 tỉ (tương đương với 12 Kế hoạch Marshall), ông ta còn hơn cả táo bạo. Khi Mỹ rút lui khỏi vai trò truyền thống của mình trên sân khấu thế giới, TCB đã nhanh chóng chuyển vào lấp chỗ trống, gây sốc giới ưu tú Davos vào năm 2017 khi chính ông ta tuyên bố―trước ít ỏi người bất đồng―bênh vực cho trật tự kinh tế tự do toàn cầu mới .
Thứ tư, TCB là nhà lãnh đạo toàn cầu có hiệu quả nhất hiện nay. Đánh giá kết quả hoạt động của Trung Quốc trong 5 năm đầu tiên: lấy lại sức sống cho một đảng mà nhiều nhà phân tích phương Tây tin rằng sẽ sớm rơi vào bước tiến dân chủ “chắc chắn”, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ khi dự kiến có nhiểu khủng hoảng và sụp đổ, và khẳng định quyền lực của Trung Quốc ở nước ngoài chống lại tất cả các đối thủ, có được điều ông muốn từ biển Đông cho đến dãy Himalaya.
Cuối cùng, trong tất cả các nhà lãnh đạo trên trường quốc tế, TCB sẽ là tự phụ nhất. Điều này không chỉ đơn giản bởi vì ông ta cai quản một quốc gia với 1,4 tỉ người và nền kinh tế đã vượt qua Hoa Kỳ năm 2014 trở thành nền kinh tế lớn nhất trên thế giới (được đo bằng sức mua tương đương mà cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế lẫn CIA coi đó là thước đo tốt nhất). Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà lớn hơn Mỹ 40%.
Vào thời điểm đó, ông ta hẳn đã xác lập vững chắc Bắc Kinh là thủ đô―và Tập Cận Bình là nhân vật―mà thế giới tìm kiếm tăng trưởng và ổn định sẽ hướng về đó trước tiên. Trung Quốc sẽ khôi phục lại vị trí của nó như là “mặt trời” mà các nước châu Á chạy vòng quanh―như đã làm trong những thiên niên kỷ trước đó. Và ông TCB sẽ trở thành hoàng đế hiện đại của Trung Quốc.
Tác giả: Ông Allison là giáo sư về chính quyền tại Đại học Harvard. Ông là tác giả của “Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?” (Buộc phải đánh nhau: Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides không?) (Houghton Mifflin Harcourt, 2017).
© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt
5 thế hệ lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc
Từ thời Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình, mỗi thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đều có dấu ấn tư tưởng chính trị của riêng mình.
5 thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc. Đồ họa: Tạ Lư.
|
Thế hệ Mao Trạch Đông
Thế hệ lãnh đạo thứ nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) kéo dài từ năm 1949 đến 1976, với lãnh đạo trung tâm là Mao Trạch Đông, cùng với một số lãnh đạo khác như Thủ tướng Chu Ân Lai, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, Phó chủ tịch nước Chu Đức.
Hầu hết lãnh đạo trong thời kỳ này là đảng viên nòng cốt của CPC từng tham gia Chiến tranh Trung - Nhật và là những người khai sinh ra Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Họ chủ trương phát triển Trung Quốc theo Chủ nghĩa Marx và Tư tưởng Mao Trạch Đông.
Các nguyên tắc của tư tưởng Mao Trạch Đông xuất phát từ thực tiễn (tức nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hành), đảng phải gắn bó với quần chúng và Trung Quốc phải giữ vững độc lập, tự chủ. Ông Mao nhấn mạnh Trung Quốc không thể tiếp tục cô lập với phần còn lại của thế giới, nhưng con đường phát triển phải được dựa trên sự tự chủ, không cho phép quốc gia bị thỏa hiệp bởi sức ép từ bên ngoài.
Mao Trạch Đông có một số câu nói nổi tiếng như: "Họng súng đẻ ra chính quyền" hay "Chính trị là chiến tranh không có đổ máu, chiến tranh là chính trị có đổ máu".
Thế hệ Đặng Tiểu Bình
Đảng Cộng sản Trung Quốc coi ông Đặng Tiểu Bình là lãnh đạo "hạt nhân" của thế hệ lãnh đạo thứ hai trong giai đoạn 1976-1992, mặc dù ông Đặng không giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu đảng.
Thế hệ lãnh đạo thứ hai của CPC tập trung vào việc phát triển kinh tế theo đường lối được đặt ra trong Lý luận Đặng Tiểu Bình. Chính sách của ông Đặng Tiểu Bình chú trọng đặc biệt tới khía cạnh mở cửa nền kinh tế, cụ thể là hướng tới các nước phương Tây.
Cuối năm 1978, nhà sản xuất máy bay Boeing công bố bán nhiều phi cơ 747 cho các hãng hàng không Trung Quốc. Đồng thời, hãng Coca-Cola thông báo mở nhà máy sản xuất ở Thượng Hải. Đây là dấu hiệu cho thấy việc mở cửa diễn ra nhanh chóng.
Thế hệ này được coi là có công cải cách kinh tế để đưa Trung Quốc thành đất nước phát triển nhanh nhất châu Á trong vòng hơn hai thập kỷ.
Đặng Tiểu Bình có câu nói được nhiều người nhớ đến là "mèo đen mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột". Câu nói ra đời trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc khó khăn, tại một số địa phương đã xuất hiện các hình thức như khoán sản lượng đến từng hộ gia đình. Tuy hình thức này giúp phần nào khôi phục sản xuất, được nhân dân ủng hộ, nhưng cơ chế quản lý kinh tế quan liêu tập thể khi đó coi nó là "bất hợp pháp". Câu nói sau này trở thành triết lý áp dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Thế hệ Giang Trạch Dân
Thế hệ lãnh đạo thứ ba kéo dài từ năm 1992 đến năm 2003, với lãnh đạo nòng cốt là ông Giang Trạch Dân. Thế hệ này tiếp tục giai đoạn bùng nổ của kinh tế Trung Quốc được bắt đầu từ thế hệ thứ hai. Tư tưởng lãnh đạo mới được phát triển trong giai đoạn này là Thuyết Ba đại diện của ông Giang Trạch Dân.
Học thuyết có nội dung đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc.
Theo ông Giang Trạch Dân, sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cao nhất thế giới, nhưng đảng Cộng sản đứng trước thử thách mới: Đối nội có nhiều vấn đề nảy sinh mà nổi cộm nhất là nạn tham nhũng đã trở thành "quốc họa". Về đối ngoại, sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc phải tuân theo các quy tắc cạnh tranh quốc tế, các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa đều bị tác động. Do đó, đảng Cộng sản Trung Quốc cần có một lý luận mới để duy trì địa vị đảng cầm quyền, phù hợp với bối cảnh thế giới hiện đại.
Năm 2000, ông Giang có một cuộc phỏng vấn chưa từng có tiền lệ với nhà báo Mỹ Mike Wallace trên CBS. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn học hỏi từ phương Tây về khoa học và công nghệ và cách quản lý nền kinh tế, nhưng những điều đó phải được kết hợp với các điều kiện cụ thể ở đây. Đó là cách chúng tôi đạt được tiến bộ to lớn trong 20 năm qua".
Thế hệ Hồ Cẩm Đào
Thế hệ lãnh đạo thứ tư kéo dài từ năm 2003 đến năm 2012, với người đứng đầu là ông Hồ Cẩm Đào. Tư tưởng lãnh đạo của thế hệ thứ tư là học thuyết Quan điểm Phát triển Khoa học để đạt được mục tiêu Xã hội hài hoà. Hai chủ đề chính của học thuyết này là "nhân dân là cơ sở" và sự phát triển của Trung Quốc phải "toàn diện".
Theo ông Hồ Cẩm Đào, xã hội hài hòa là xã hội dân chủ pháp trị, công bằng chính nghĩa, ái hữu, tin tưởng, tràn đầy sức sống, ổn định có trật tự, con người sống hài hoà với thiên nhiên.
Ông Hồ Cẩm Đào tập trung cải thiện đời sống cho các khu vực bị tụt hậu sau cải cách kinh tế. Ông nhiều lần đến các khu vực nghèo khó và hẻo lánh của Trung Quốc để hiểu các khu vực này hơn. Ông cũng quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ với các nước lớn, đồng thời mở rộng ảnh hưởng đến các khu vực mà các nước lớn chưa để tâm hoặc chưa gây ảnh hưởng tới như châu Phi, Trung Á.
"Chỉ có cải cách và mở cửa mới có thể phát triển Trung Quốc. Chúng ta không được nao núng và sợ bất kỳ rủi ro nào", ông Hồ Cẩm Đào nói.
Thế hệ Tập Cận Bình
Thế hệ lãnh đạo thứ năm sẽ dẫn dắt Trung Quốc từ năm 2012 đến năm 2022, với lãnh đạo hạt nhân là ông Tập Cận Bình.
Khi mới lên cầm quyền, ông Tập đã đề xướng khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa", với hai mục tiêu là xây dựng Trung Quốc trở thành một xã hội khá giả về mọi mặt vào năm 2021 đạt mục tiêu phục hưng Trung Hoa vào năm 2049. Giới chuyên gia cho rằng mục tiêu của ông Tập có thể được hiểu là tăng trưởng kinh tế và đưa Trung Quốc trở thành cường quốc có ảnh hưởng với thế giới, theo China Focus.
Những chính sách đáng chú ý của ông Tập là cuộc chiến chống tham nhũng đã kỷ luật hơn 1,3 triệu quan chức đảng trong 5 năm qua. Trên trường quốc tế, ông dùng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc để gây ảnh hưởng ở châu Á và nhiều nơi khác.
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc đại hội đảng thứ 19, ông Tập tuyên bố chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc đang bước vào "kỷ nguyên mới". Ông nói rằng Trung Quốc đang có triển vọng tươi sáng nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh quyền lực mềm của Trung Quốc và ảnh hưởng quốc tế của văn hoá nước này đã được gia tăng rất nhiều.
"Vị thế trên trường quốc tế của Trung Quốc đã gia tăng ở mức chưa từng có", ông Tập nói.
Điều lệ hiện tại của CPC quy định rằng đảng tuân thủ Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết Ba đại diện và Quan điểm Phát triển Khoa học như là kim chỉ nam cho mọi hành động. Tuy nhiên, tên của hai nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào không được nhắc đến trong điều lệ đảng.
Trong đại hội thứ 19, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sửa đổi điều lệ để bổ sung thêm "tầm nhìn và tư tưởng mới" của ông Tập. Nhà phân tích chính trị Zhang Lifan tại Bắc Kinh đánh giá "nếu tên ông Tập được đưa vào điều lệ, vị thế của ông trong đảng sẽ sánh ngang với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình".
Phương Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét