Sau Đại hội 19, đa số dư luận đều cho rằng quyền lực của ông Tập Cận Bình đã ổn định, nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Đài phát thanh Pháp (RFI) mới đây có phân tích cho rằng trước thềm năm mới 2018 đã phát sinh một số chuyện cho thấy ông Tập đang có cảm giác bất an.
Sinh hoạt “dân chủ” trong nội bộ đảng – phép thử từng người một của ông Tập Cận Bình
RFI cho rằng việc đáng được chú ý đầu tiên chính là Hội nghị sinh hoạt dân chủ trong nội bộ đảng diễn ra cuối tháng 12/2017.
Theo truyền thông của chính quyền Trung Quốc, ngày 25 – 26/12/2017, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở hội nghị Sinh hoạt dân chủ, ông Tập Cận Bình tham dự hội nghị và có bài phát biểu. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình đề xuất nhiều yêu cầu trong đó đứng đầu là yêu cầu thành viên của Bộ Chính trị phải trung thành, ông cũng muốn quan chức cấp cao cần phải luôn luôn là người thành thật, nói lời thật, làm việc thật. Hội nghị đã làm “phép thử” đối với từng người.
Bình luận của RFI nhận định, lần hội nghị này cũng xác định vào tháng 1/2018 sẽ tiến hành thảo luận về sửa đổi hiến pháp, Tư tưởng Tập Cận Bình và Ủy ban Giám sát quốc gia cũng sẽ được đưa vào hiến pháp, có khả năng liên quan đến cả nhiệm kỳ của Chủ tịch nước.
Hai vấn đề trước chỉ là về hình thức, còn vấn đề sau, nếu như thành sự thực, thì cũng sẽ liên quan đến việc tiếp tục nhậm chức trong nhiệm kỳ thứ 3 của ông Tập, tức là ông Tập sẽ chấp chính trong thời gian dài nữa. Chế độ lãnh đạo trọn đời đảng và quốc gia được xóa bỏ từ thời ông Đặng Tiểu Bình cũng sẽ trở thành vấn đề lỗi thời.
Dù vậy, hội nghị này cũng sẽ thu hút sự chú ý không chỉ ở những phương diện trên. Đại hội 19 mới kết thúc được hơn 2 tháng, tại sao 25 Ủy viên Bộ Chính trị lại gấp rút mở hội nghị này, từ chỉ đạo quan trọng của hội nghị được truyền ra ngoài có thể thấy, hội nghị lại càng có ý nghĩa trong việc các Ủy viên và Thường ủy Bộ Chính trị báo cáo công tác đối với Tổng bí thư Tập Cận Bình. Bài phân tích cho rằng, hội nghị sinh hoạt nói lên điều gì, nói về vấn đề trọng tâm hay là nói mọi người phải duy hộ “hạt nhân Tập Cận Bình”.
Theo DWNews đưa tin trước đó, qua thông báo về hội nghị dài khoảng 3500 chữ được chính quyền công bố, có thể thấy, chỉ riêng tên của ông Tập Cận Bình đã xuất hiện 22 lần, trong thông báo còn nhiều lần nhấn mạnh địa vị lãnh tụ và hạt nhân của ông Tập Cận Bình. Điều này cũng thêm một bước nữa nhấn mạnh vấn đề xác lập địa vị lãnh tụ trong đảng của ông.
Còn theo nội dung được phát đi trong chương trình thời sự của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), thành viên Bộ Chính trị từng người một phát biểu trong hội nghị, trước mặt họ là một chồng tài liệu. Việc này cũng cho thấy, là thành viên của Bộ Chính trị và thuộc lớp quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ cũng giữ quy định thông thường đó là “mỗi người đều qua cuộc sát hạch”.
Bài viết của RFI nhận định, nhìn từ lịch sử của ĐCSTQ, mở “Hội nghị sinh hoạt dân chủ trong đảng” thường thường là mốc thời gian quan trọng, có lúc là cuộc đấu đá nội bộ đến mức kịch liệt nhất.
Cảnh sát vũ trang chuyển về Trung ương trực tiếp quản lý
Sự kiện thứ hai là Bộ đội Cảnh sát Vũ trang thuộc quản lý của Quốc Vụ viện được chuyển cho Quân ủy Trung ương trực tiếp quản lý.
Ngày 27/12/2017, chính quyền Trung Quốc tuyên bố, bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/1/2018, Bộ đội Cảnh sát Vũ trang thực hành thể chế Bộ đội lãnh đạo chỉ huy. Bộ đội Cảnh sát Vũ trang thuộc biên chế của Quân ủy Trung ương, không còn nằm trong Quốc Vụ viện nữa.
Ngày 28/12/2017, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra giải thích rằng, mục đích của việc này là “đảm bảo an ninh chính trị”.
Ngày 28/12, ông Nhạc Cương – cựu quân nhân thuộc Bộ Tổng Tham mưu đã đăng bài trên Weibo cho biết, cải cách Bộ đội Vũ trang là nhắm vào những lỗ hổng lớn trước đây: thứ nhất là làm yếu việc quản lý của Quân ủy; thứ hai là “đội vũ trang thứ 2” chứa nhiều ẩn hoạn bất ổn; thứ ba là địa phương lạm dụng Bộ đội Cảnh sát Vũ trang.
Ông Nhạc Cương lấy ví dụ, Chu Vĩnh Khang “ỷ thế nắm giữ đội vũ trang thứ 2, dã tâm bành trướng đến nỗi kéo bè kết phái, muốn vươn đến quyền lực cao hơn”, trong sự kiện Vương Lập Quân chạy trốn ở Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã từng điều động cảnh sát vũ trang đến bao vây Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.
Ngoài ra còn có phân tích nhận định, thu hồi quyền khống chế cảnh sát vũ trang là cuộc “thu hồi quyền lực một cách nhẹ nhàng” đối với chính quyền địa phương. Nhà bình luận Chương Lập Phàm cho rằng, ông Tập Cận Bình liên tiếp có hành động tập trung quyền lực, đây cũng là vì để giảm thiểu khả năng xảy ra chính biến, bởi vì làm thế như vậy có thể lấy đi cơ hội các lãnh đạo cao cấp khác nhúng tay vào bộ đội cảnh sát vũ trang.
Đài RFI cho rằng, để cảnh sát vũ trang thuộc về quản lý của Trung ương có lẽ là việc lãnh đạo cấp cao muốn xóa bỏ khả năng rằng bất cứ quan to có dã tâm nào muốn điều động lực lượng này.
Liên tục thanh trừng tàn dư của những “hổ lớn”
Sự kiện thứ 3 chính là chính quyền ông Tập Cận Bình vẫn đang liên tiếp thanh trừng “di độc” của Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân, Tôn Chính Tài, và việc “thanh trừng di độc” dường như trở thành việc để các nơi biểu thị lòng trung thành. Trùng Khánh thanh trừng di độc của Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân; tại Nam Kinh còn có di độc Dương Vệ Thích, Lý Kiến Nghiệp; Thiên Tân có dư độc Hoàng Hưng Quốc; quân đội có dư độc Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng. Các địa phương cũng đều đang thanh trừng di độc của những quan chức ngã ngựa.
Theo RFI, trong mắt của ông Tập Cận Bình, Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang, Tôn Chính Tài, đều kéo bè kết phái, làm chủ nghĩa người đứng đầu, nói không có dư độc thực ra chỉ là lý do thoái thác, vấn đề trọng tâm là giết gà dọa khỉ, cảnh cáo quan chức có dã tâm.
Đài Truyền hình NTD dẫn phân tích, những lão hổ kể trên phần lớn đều liên quan đến cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân. Kỳ thực, họ đều là phụ thuộc vào ông Giang đứng sau giật dây. So sánh với những “lão hổ độc ác”, người đứng sau họ – Giang Trạch Dân còn độc ác hơn.
Phân tích cho rằng, Giang Trạch Dân không bị bắt, không bị thanh trừng, thì những dư đảng, dư độc trong quan trường Trung Quốc không thể tiêu tan, xã hội vẫn sẽ loạn và khó quản lý như trước, người chấp chính cũng khó thu được lòng dân.
Ẩn hoạn chính biến khó trừ dứt
Đài RFI phân tích chỉ ra, trên bề mặt, chính quyền của ông Tập Cận Bình xem ra đang gắng sức củng cố sức mạnh, nhưng những thông tin này được công khai truyền ra lại ám chỉ cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng vẫn có khả năng xảy ra.
Trong khoảng thời gian 5 năm chấp chính của mình, ông Tập Cận Bình liên tiếp “đả hổ” chống tham nhũng, dẫn đến kẻ địch chính trị phản kháng, nguy cơ chính biến và bị ám sát cũng luôn đi theo ông; “kẻ dã tâm, kẻ âm mưu” trở thành từ ngữ chính trị hay dùng của chính quyền. Nhiều hổ lớn bị ông Tập bắt như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch, Tôn Chính Tài, Phòng Phong Huy, Trương Dương cũng liên quan đến tin tức “chính biến”.
Tháng 10/2017, tại Đại hội 19, cựu Bí thư thành phố Thượng Hải Hàn Chính – người vẫn được coi là kẻ trông coi lợi ích gia tộc của ông Giang Trạch Dân tại Thượng Hải, đứng cuối cùng trong danh sách Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Trong khi đó Ủy viên Bộ Chính trị khóa mới, gồm hai người là Lý Hồng Trung và Quách Thanh Côn đều là quan chức có dính líu sâu đến ông Giang Trạch Dân.
Cùng với đó, trong công cuộc chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình cho đến hiện nay, người thuộc phe ông Giang Trạch Dân gồm cả ông ta và Tăng Khánh Hồng cho đến những người đã nghỉ hưu như Trương Đức Giang, Lưu Vân Sơn và Trương Cao Lệ vẫn chưa bị động đến.
Đài phát thanh SOH dẫn bình luận cho biết, sau Đại hội 19, những quan chức cấp cao đã về hưu thuộc tập đoàn Giang Trạch Dân như Trương Đức Giang, Lưu Vân Sơn, Trương Cao Lệ, Tăng Khánh Hồng, và bản thân ông Giang chính là những người đứng sau “kẻ dã tâm, kẻ âm mưu” Tôn Chính Tài và Trương Dương. Nếu ông Tập Cận Bình không thể bắt những người này, thì có thể vẫn liên tục gặp phải những chính biến từ tập đoàn Giang Trạch Dân.
Theo Trithucvn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét