Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

NÓI VỚI CÁC "VĂN TÀI" CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM




Trong cuộc tọa đàm hẹp về truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc tại Hội Nhà văn Việt Nam, không ít nhà văn như Văn Chinh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Văn Thọ… đã "liên tài" hay chữa thẹn bằng cách ngợi ca Trần Quỳnh Nga là một “văn tài”.

Trần Quỳnh Nga có là “văn tài” thật hay không thì tôi đã có bài phê bình mà Hữu Thỉnh đã nhắc đến và đọc to lên trong cuộc tọa đàm. Phê bình về lối viết sến sáo mượn từ cải lương. Phê bình về sự cóp nhặt từ phim Tàu. Đặc biệt phê bình về tư tưởng nô dịch, bởi cách viết “phản lịch sử” của Trần Quỳnh Nga chỉ là ăn theo nói leo thứ đã có sẵn. Việc lật ngược chân lý: biến kẻ cướp nước thành kẻ “chinh phục”, “bảo hộ”, “khai hóa” cho giống man di, hóa kẻ bán nước cầu vinh thành “yêu nước”, "thương dân" bằng quan hệ hòa hiếu với kẻ cướp nước đã từng xuất hiện nhan nhản. Chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa thực dân đã từng tuyên truyền như vậy khi xâm lược nước ta.


Gần đây nhất, khuynh hướng “phản lịch sử” ngay trong người Việt ngày càng xuất hiện rõ nét. Rất nhiều trang mang danh Việt sử chuyên làm trò phản lịch sử này. Có cả một hệ thống lật ngược giá trị: hạ bệ Hồ Chí Minh và ngợi ca Ngô Đình Diệm, hạ bệ Quang Trung và đề cao Nguyễn Ánh.v.v… Thuyết phục hay không chưa cần bàn. Nhưng gần đây có xu hướng rất nguy hiểm là xem tất cả các cuộc kháng chiến ái quốc của dân tộc ta trong lịch sử đều vô nghĩa, thậm chí có tội với dân với nước. Việc ngợi ca Thoát Hoan, biến quân cướp nước thành anh hùng và chiêu tuyết Trần Ích Tắc, hóa kẻ bán nước thành yêu nước thương dân nằm trong xu hướng đó. Trần Quỳnh Nga gần như copy trọn vẹn tư tưởng đó để hư cấu nên truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc.

Tôi dám cả quyết rằng, “văn tài” phải là sáng tạo chứ không phải nô dịch như vậy!

Lấy tình yêu để hóa giải thù hận ư? Cũng xưa như trái đất. Nhân loại đã làm từ thời cổ đại. Văn chương thế giới tràn đầy. Cải lương thời Việt Nam Cộng hòa cũng đã làm rất tốt. Nhưng truyện của Trần Quỳnh Nga thì không có hóa giải nào cả. Nó chỉ nhân danh tình yêu để ngợi ca kẻ cướp nước và bán nước, và tư tưởng đó chỉ có thể sinh ra từ cái tâm của kẻ vong quốc nô, kích thích thêm sự thù hận. Đó là chưa nói toàn truyện bôi nhọ tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhà Trần và của cả dân tộc suốt mấy ngàn năm lịch sử, biến tình yêu của người phụ nữ Việt Nam thành thứ tình yêu dễ dãi hơn cả đĩ thõa.

Văn tài như vậy thì thật khốn nạn! 

Một số người viện lý thuyết trò chơi hậu hiện đại để bênh vực cho sáng tạo Trần Quỳnh Nga. Đành rằng ở Việt Nam, rất nhiều người dốt lý thuyết, không biết lý thuyết trò chơi là gì, nhưng không dễ lòe, bởi dân Việt Nam không phải tất cả đều là lũ man di dốt nát. 

Khi phủ nhận quan hệ giữa ngôn ngữ (và tất cả các loại ký hiệu) với hiện thực, các lý thuyết gia hậu hiện đại chủ trương ngôn ngữ hay các loại ký hiệu chỉ là trò chơi trong cái ma trận của tư duy; và vì là cái ma trận của tư duy, cho nên văn hóa nhân loại xét đến cùng là sản phẩm của trò chơi. Một cuộc tương tác liên tục giữa những người chơi, và nhờ thế, lịch sử và văn hóa vận hành.

Do đó, lý thuyết trò chơi văn học thực chất là lý thuyết tương tác của diễn ngôn: tương tác tư tưởng hệ, tương tác diễn giải bằng chiến lược tấn công vào các trung tâm quyền lực đang thống trị để thay đổi nhận thức của nhân loại. Các trung tâm thống trị ấy thường là chính trị, văn hóa, đạo đức đang đè lấp tầng tầng lớp lên sự thật và các giá trị nguyên thủy. Thực chất, đó là cuộc chơi hủy – tạo (de-construction) mà lý thuyết này phát triển từ triết học giải cấu trúc. Cuộc thực hành của trò chơi này nằm trong các thao tác giải thiêng, giải huyền, giải nhị nguyên những thứ tưởng chừng đã cố kết trong siêu hình học truyền thống hay các đại tự sự với tư cách là học thuyết đang thống trị.

Tuy nhiên, truyện Bắt đầu và kết thúc không có chút gì là giải thiêng, giải huyền, giải nhị nguyên đúng nghĩa như tôi đã viết.

Giải thiêng, giải huyền là gạt bỏ yếu tố hoang đường đồng bóng từng được tô vẽ lên các thần tượng, trả thần tượng về với sự thật đời thường; trong khi truyện của Quỳnh Nga lại gia tăng thêm sự hoang đường đồng bóng bằng cách tô son trát phấn cho kẻ thù để xây dựng thần tượng mới mà lớp người có tư tưởng nô dịch đang tôn thờ.

Giải nhị nguyên là xóa bỏ ranh giới thiện/ác, tốt/xấu trong cái ma trận rạch ròi giữa chính diện và phản diện để nhìn đúng bản chất con-người; trong khi truyện của Quỳnh Nga chỉ vạch ra thêm ra cái ranh giới kì thị phân biệt giữa nước lớn và nước nhỏ, giữa văn minh và mông muội. Cách làm đó đã lật ngược giá trị hay đổi trắng thay đen, biến thiện thành ác, tốt thành xấu và ngược lại.

Không có bóng dáng nào của lý thuyết trò chơi hay chủ nghĩa hậu hiện đại trong truyện ngắn này. Đó chỉ là phép đảo nghịch giả trá trong khuôn khổ cổ điển.

Xem trò chơi hoàn toàn phù phiếm, như trẻ con chơi, chỉ có trong Plato, Aristotle thời cổ đại. Kể từ thời đại Khai sáng về sau, với Kant, Schiller và Nietzsche, trò chơi đã được xác lập như là quan hệ giữa thẩm mỹ và tư tưởng. Các nhà hậu cấu trúc xác quyết: chơi luôn là tương tác của tư tưởng hệ (Bakhtin), thực hiện các chiến lược diễn giải (Gadamer), tấn công và hủy – tạo các quyền lực và các giá trị (Derrida, Lacan, Foucault, Barthes, và Kristeva). Lyotard khẳng định trò chơi luôn có xu hướng chính trị hóa. Truyện của Quỳnh Nga có ý đồ chính trị rõ ràng chứ không là trò chơi trẻ con vô nghĩa.

Ngay cả một trò chơi đơn giản của chủ nghĩa hậu hiện đại như cắt dán, giễu nhại cũng không có trong truyện của Quỳnh Nga. Đừng nghĩ một cái bồn tiểu hay bức họa Mona Lisa với bộ ria mép của Duchamp chỉ là chơi nghịch vô thưởng vô phạt. Cái bồn tiểu được rửa sạch đặt trên không gian trưng bày với dòng chữ "cấm tiểu" đã nói lên một ý nghĩa triết học. Rằng, ở trong không gian trưng bày đó, nó đã phục nguyên giá trị thẩm mỹ của một sản phẩm lao động mà hàng ngày khi tiểu vào đó người ta chỉ có biết chức năng thực dụng. Bức họa nàng Mona Lisa với bộ ria mép hóa giải cái ma trận dị giới đầy kỳ thị giữa đàn ông và đàn bà để trả cuộc sống con người trở về với cội nguồn nhất nguyên và mở ra sự hòa điệu của thế giới đa nguyên. Chủ nghĩa hậu hiện đại với trò chơi mới đã hủy giá trị độc quyền cũ, lỗi thời để tạo ra giá trị mới mẻ đầy tinh thần khai phóng, tuyệt đối không có chuyện biến cái giá trị thành vô giá trị bằng những trò điên loạn hay đẩy đến thái cực hư vô chủ nghĩa như nhiều người nhầm tưởng.

Ngay cả một bức tranh làm bằng rác của chủ nghĩa hậu hiện đại trên thế giới cũng không đồng nghĩa với rác thải. Rác thải đã được nghệ sĩ người ta tái tạo thành giá trị thẩm mỹ. Trong khi tại Việt Nam, không hiểu được tiếp thu từ đâu, các "văn tài" của Hội Nhà văn đã và đang làm ngược, biến mọi giá trị thành rác thải văn hóa độc hại./.

21/01/2017
C.M.L

__________________

Đặng TiếnCảm ơn Chu Mộng Long. Trước hết tôi khâm phục lòng hào hiệp của bạn với tư cách là nhà giáo bạn đã không biết mệt mỏi khi cần phải dạy cho tất cả những ai còn chưa có điều kiện học, ở trường hợp này là tinh thần Hậu hiện đại. Tri thức càng mới thì càng không dễ hiểu bởi người ta đã quá quen với tri thức cũ. Nếu rất nhiều người chưa có được tri thức mới thì họ không đáng trách lắm, còn một số kẻ được gọi là có học nhưng thực chất không nắm được ra đầu ra đũa mang những khái niệm, thuật ngữ mới ra để khua môi múa mép bào chữa cho những việc làm bỉ ổi thì đáng chết "trên lửa dưới đao"! Một bài viết ngắn gọn cô đúc có giá trị nhận thức rất lớn. Mình thành thật khuyên những ai chưa rõ về Hậu hiện đại thì nên coi đây là một Nhập môn đã đạt tới độ hoàn hảo. Mình viết điều này không phải vì ông Chu Mộng Long là bạn mà đơn giản hơn rất nhiều Ông ấy là một người có học nhưng không bao giờ mang cái sở học rất bài bản để kiếm cơm! Dù muốn sống thì ai cũng phải có cơm mà ăn! Chu Mộng Long nhiều năm nay luôn luôn đem sở học ấy để sẻ chia cho tất cả những ai cần/muốn/mong có tri thức để thoát ra khỏi sự u mê, đặng mà trưởng thành. Điều tôi ấy tôi đã nói và vẫn nói vì tất cả đều được kiểm chứng chứ tuyệt đối không vu vơ một tẹo nào.

Thực ra tác giả của truyện ngắn này cũng thuộc dạng "không phải vừa đâu"! Lối viết của cô cũng khá là bài bản đấy! Nhưng tất cả chỉ là xảo thuật! Ví như cái kết với tấm chăn nhung chăn lụa chăn gấm gì đó kể ra cũng nên xem là một hư cấu táo bạo! Từ cái ống đồng nhục nhã của một bại tướng mà biến thành cái tấm chăn mềm mượt của ái tình mĩ nhân thì cũng nên coi là "sáng tạo". Nhưng tiếc thay xảo không thể thay thế cho "tài". Bởi từ thượng cổ đến giờ tài năng trước sau đều hướng tới thiện lương. Trường hợp này ngay từ đầu chân tướng bất lương đã lộ rõ thì tài ở chỗ nào. Chỉ là "xảo"!

Không có nhận xét nào: