(L’Express 14/04/2018) Washington, Luân Đôn và Paris trong đêm 13 rạng sáng 14/04/2018 đã trả đũa vụ tấn công hóa học được cho là do chế độ Assad tiến hành.
Hỏa tiễn Tomahawk |
Gần một tuần lễ sau vụ thả bom hóa học hôm 7/4 vào thành phố nổi dậy Douma (50 người chết) mà chế độ Damas được cho là thủ phạm, Không quân Hoa Kỳ đã ra tay đêm 13 rạng 14/04/2018, với sự yểm trợ của các chiến đấu cơ Pháp và Anh. Đây là các cuộc không kích hạn chế, tập trung vào việc phá hủy các địa điểm có liên quan đến chương trình vũ khí hóa học của chế độ Assad.
Tại sao phải tấn công ?
Bởi vì tình trạng tại chỗ đã trở nên không thể chịu đựng nổi, nếu không hành động sẽ được coi là nhắm mắt làm ngơ để cho chế độ Syria tự tung tự tác. Washington và Paris không thể ngồi im sau bấy nhiêu tuyên bố trang trọng là sẽ trừng phạt lập tức nếu vượt qua « lằn ranh đỏ », tức sử dụng vũ khí hóa học.
Như thế là đánh mất sự khả tín, chứng tỏ sự bất lực, gởi đi một thông điệp thảm hại cho mọi tội phạm trên trái đất ; và giúp những ông chủ đang che chở Bachad Al Assad là Nga và Iran thêm phàm ăn về địa chính trị. Cách đây một năm, Hoa Kỳ đã từng đáp trả vụ tấn công hóa học làm hơn 80 người chết, bằng một loạt hỏa tiễn bắn vào một căn cứ không quân Syria.
Có điều, những cuộc không kích của phương Tây chỉ giới hạn. Theo Bộ Tổng tham mưu Mỹ, đã đánh vào ba mục tiêu có liên quan đến chương trình vũ khí hóa học Syria. Một ở gần Damas, hai mục tiêu còn lại ở Homs, miền trung Syria. Anh cho biết đã oanh kích một căn cứ hỏa tiễn cũ, ở cách Homs 24 kilomet về phía tây, nơi được cho là kho chứa vũ khí hóa học của chế độ. Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (OSDH), các trung tâm nghiên cứu khoa học, nhiều căn cứ quân sự, trụ sở của Vệ binh Cộng hòa ở Damas và vùng phụ cận cũng nằm trong tầm ngắm.
Để tránh nguy cơ leo thang, phương Tây đã chọn lựa các mục tiêu nằm xa lực lượng Nga. Quân Nga có một căn cứ hải quân ở Tartous, một căn cứ không quân ở Hmeimim, gần Lattaquié. Bộ Tổng tham mưu Pháp đã huy động nhiều phi cơ tiêm kích Rafale và Mirage 2000, và lần đầu tiên sử dụng đến các hỏa tiễn hành trình của Hải quân.
Vì sao tấn công vào thời điểm này ?
Hoặc là tấn công bây giờ, hoặc là không bao giờ. Các vụ không kích diễn ra hai ngày sau khi quân chính phủ tái chiếm toàn bộ Đông Ghouta, và những chiến binh nổi dậy cuối cùng đã rời khỏi Douma, theo loan báo hôm 12/04/2018 của quân đội Nga. Vùng nông thôn này từ lâu đã là một trong những ốc đảo cuối cùng chống chọi dai dẳng với lực lượng của nhà độc tài Assad, hơn nữa, là khu vực gần thủ đô Damas nhất.
Được cho là sẽ tiến đánh ngay từ hôm thứ Hai đầu tuần, nhưng các cuộc không kích trừng phạt đã bị chậm lại do những xung đột ngoại giao vào giờ chót tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Để tôn trọng thủ tục, phải chờ đợi bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết của Mỹ - dự kiến thành lập một « cơ chế điều tra quốc tế về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria » - và cuộc tranh luận về dự thảo phản biện do Nga khởi xướng, đòi việc điều tra phải do Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OIAC hay OCPW) chủ trì.
Theo chân ông chủ Nga, Assad vào trưa thứ Ba 10/4 vội vàng « chính thức mời » OIAC gởi ngay các chuyên gia đến Douma, thành trì phe nổi dậy đã bị chất độc hóa học hạ gục. Ông ngoại trưởng đầy thủ đoạn của Vladimir Putin là Serguei Lavrov cam đoan quân Nga và quân chính phủ Damas « có thể bảo đảm an ninh cho các thanh tra viên ». An toàn cho bản thân họ thì có thể, còn việc tự do đi lại và hành động thì còn phải xem chừng…
Tuy vậy chỉ riêng các hoạt động ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc thì không thể giải thích được vài ngày hồi hộp chờ đợi vừa qua, điểm xuyết bằng những tin Twitter trái ngược nhau của tổng thống Mỹ Donald Trump. Đồng thời bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng công khai bày tỏ, cần tránh một sự leo thang nguy hiểm. Paris cùng chia sẻ mối quan ngại này.
Trong thông cáo đưa ra sau khi phương Tây không kích, điện Elysée nhấn mạnh sự cần thiết phải tái thúc đẩy « các nỗ lực ở Liên Hiệp Quốc để giúp thiết lập một cơ chế quốc tế nhằm đặt ra trách nhiệm, tránh tình trạng tự tung tự tác, và ngăn cản mọi ý đồ tái phạm của chế độ Syria ».
Có nghi ngờ gì về việc thả bom hóa học?
Không. Ngoại trừ Matxcơva vốn tố cáo phe nổi dậy dàn dựng, không còn ai có thể nghi ngờ về chất độc hóa học được sử dụng tại Douma hôm 7/4. Đó là chất độc thần kinh bị cấm sử dụng, theo Công ước quốc tế về vũ khí hóa học.
Dù vậy Syria, Nga, Iran và « những kẻ ngốc hữu dụng » theo đuôi, vẫn cố gắng gieo rắc những nghi ngờ về các chứng cứ được thu thập từ các nguồn y tế khả tín. Đó là lực lượng Mũ Trắng – những người cứu hộ tình nguyện tại khu vực chiến sự bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, và Syrian American Medical Society – một tổ chức phi chính phủ hiện diện thường xuyên trên thực địa. Cho đến nay, đã tổng kết được có 40 người chết và 500 nạn nhân sống sót với các mức độ tổn thương hệ hô hấp khác nhau.
Một video do lực lượng Mũ Trắng đăng lên cho thấy một đống xác người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, được đặt nằm trên đất, bọt trắng trào ra khỏi miệng họ. Theo các nhân chứng, lớp bọt này có mùi chlor nồng nặc. Xem xét những hình ảnh trên thực địa, bác sĩ Pháp Raphael Pitti vốn quen thuộc với địa ngục Syria, cho rằng rất có thể khí độc sarin đã được thêm vào chlor. Tất nhiên phe tuyên truyền cho Assad nói là những « hình ảnh dàn dựng ».
Về phần các nhân viên Nga được gởi đến nơi « không tìm thấy một dấu vết nào » của chất hóa học. Liệu đây có phải là chiến thuật của một nhóm nổi dậy cực đoan nào đó, sử dụng loại vũ khí cấm này nhằm kích hoạt việc trả đũa của phương Tây ? Giả thiết này không thể đứng vững trên nguyên tắc.
Các vụ nổ trên bầu trời vùng phụ cận Damas ngày 14/04/2018. Ảnh của chính quyền Syria.
Báo cáo công bố hôm 4/4 của Human Rights Watch cho biết, hầu hết trong số 85 vụ tấn công hóa học được ghi nhận từ ngày 21/03/2013 – thời điểm xảy ra vụ thảm sát ở Ghouta làm tối thiểu mấy trăm người chết, và ngày 25/02/2018 – ngày mà quả bom chlor được thả xuống khu vực nổi dậy đang bị bao vây, đều do chế độ Damas thực hiện.
Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc khẳng định : « Không còn nghi ngờ gì nữa về thủ phạm các vụ tấn công mới này ». Ông François Delattre nhấn mạnh : « Không có chiếc máy bay Syria nào có thể cất cánh nếu không thông báo cho đồng minh Nga ».
Rõ ràng là « lằn ranh đỏ » do phương Tây vạch ra và bị chế độ Damas dẫm đạp lên, có tầm cỡ XXL. Chỉ còn lại một bí ẩn, là tại sao Al Assad và đám diều hâu của tên quỷ dữ này lại cố chấp, tiếp tục sử dụng phương cách đã bị toàn thế giới lên án ? Dù sao thì rốt cuộc Assad đã khống chế được các ổ kháng cự dai dẳng cuối cùng.
Ý định kết thúc nhanh chóng có lẽ là lý do cho thái độ « đuổi cùng, giết tận ». Ngược với các phe khác, nhóm salafiste Jaish Al Islam lâu nay làm chủ Douma, đã từ chối đề nghị cho sơ tán của chế độ. Vì vậy cần phải hạ gục cả về tinh thần lẫn thể chất những người còn trụ lại thành phố tử đạo này, làm suy sụp ý chí chiến đấu của các chiến binh. Ngoài ra không loại trừ sự chủ quan của một nhóm nhỏ Alaouite (một nhánh của hệ phái Shia, tổng thống Assad thuộc nhóm này – ND) đang say men chiến thắng, nghĩ rằng muốn làm gì cũng được.
Các cuộc không kích này có làm thay đổi thế trận ?
Chắc chắn là không. Chiến thắng của bộ đôi Nga-Iran và các nhóm liên kết ở địa phương rõ ràng không thể tránh khỏi. « Too little, too late ». Quá ít và quá trễ để làm xoay chuyển cán cân lực lượng, ngay cả chặn bước Damas.
Đã nói mãi rồi : phe đối lập Syria ngày nay vẫn phải trả giá cho sự trốn tránh đáng buồn của Barack Obama, hồi mùa hè 2013 đã bỏ rơi các đồng minh Pháp và Anh vào phút chót. Vào lúc đó, vẫn còn có thể buộc Assad phải thương lượng, nếu không muốn nói là rút lui. Nay thì hoàn toàn bất khả. Hơn nữa từ mùa thu 2015, ông ta đã có được sự hỗ trợ ồ ạt của quân Nga.
Ông Donald Trump tổ chức chiến dịch trả đũa này, có liên hệ chặt chẽ với Paris và Luân Đôn, cũng là do ông chưa bao giờ thanh toán xong các gia tài của người tiền nhiệm. Tấn công vào nơi mà người tiền nhiệm đã né tránh, ông tiếp tục điêu khắc tượng đài chống Obama.
Tuy vậy cũng có gì đó sai sai : tuần trước chủ nhân Nhà Trắng cho biết mong muốn cho rút quân Mỹ ở Syria càng sớm càng tốt. Ông nói : « Có khi đã đến lúc để trở về nhà, và chúng tôi nghĩ về điều đó một cách nghiêm túc ».
Đành rằng cách đây một năm ông Trump đã cho oanh kích căn cứ không quân Al Chaayrate ở gần Homs, để trả đũa vụ tấn công hóa học Khan Cheikhoun, nhưng 59 hỏa tiễn Tomahawk được bắn đi đã không thay đổi thế cờ.
Tác động của cuộc không kích lần này trên bàn cờ ngoại giao như thế nào ?
Vụ trừng phạt rất ngoạn mục, và không phải là vô hại. Trận bão này sẽ góp phần làm xuống cấp mối quan hệ của phương Tây với Matxcơva, Teheran, và cả với Bắc Kinh. Thế nên có thể hình dung tuổi thọ của hiệp định nguyên tử Iran sẽ bị rút ngắn chẳng hạn.
(Blog Thụy My)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét