Tháng Tư 1975 và toàn bộ cuộc chiến Việt Nam vẫn sống với chúng tôi gần như hàng ngày, dù tôi không còn muốn về Việt Nam thăm lại nữa, một cựu sỹ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ Paris nói với BBC Việt ngữ trong một cuộc trao đổi vài tháng trước.
Cựu sỹ quan thuộc binh chủng dù nhân dịp này cho hay ông đã trốn ra 'trình diện Cách mạng' sau 'ngày giải phóng' 30/4/1075 ra sao.
"Trước hết, xin quí vị đính chính giúp, tôi không phải là Đại úy, tôi chỉ là một Thiếu úy thôi, một cựu Thiếu úy ở trong Binh chủng Dù", ông Vũ Hữu Thành, người đang sinh sống tại Paris mở lời trong một thư điện tử gửi BBC. Sau đây là phần chính nội dung cuộc trao đổi với Thiếu úy Thành, được thực hiện trực tiếp tại thủ đô nước Pháp vào đầu tháng 2/2018:
BBC: Ông gia nhập quân lực Việt Nam Cộng Hòa khi nào, tự nguyện hay là được động viên hay bắt buộc?
Ông Vũ Hữu Thành: "Tôi nhập ngũ một năm sau biến cố Mậu Thân 1968, tôi tự nguyện vì cha tôi đã bị Việt Cộng sát hại khi tôi còn nhỏ ở miền Bắc, trước khi chúng tôi, những người Giáo dân Công giáo, di cư vô Nam.
Khi cuộc tấn công của Việt Cộng xảy ra năm đó, tôi vẫn còn là một học sinh ở cuối cấp học cao nhất mà bây giờ người ta gọi là phổ thông cấp Ba ở Việt Nam,
Trước đó cuộc chiến rất xa tuy cũng rất gần với chúng tôi, hàng ngày chúng tôi vẫn được nghe những tin tức chiến tranh và xem những hình ảnh của cuộc chiến, nhưng chính Mậu Thân đã kéo chiến tranh tới gần hơn với tôi.
Tôi muốn trở thành một người lính từ trước và tôi tự hào khi nhập ngũ."
'Ấn tượng chiến tranh'
BBC: Sau khi vào binh chủng dù và cuộc chiến với ông ra sao, khi 30/4/1975 xảy ra, thì ông thế nào, điều gì là ấn tượng nhất với ông sau tất cả?
Ông Vũ Hữu Thành: "Ồ, đó là cả một câu chuyện dài. Chiến tranh thì nhiều chuyện lắm. Tôi đã tham gia chiến đấu nhiều trận và một trận chiến in đậm nhất chính là trận ở Charlie đấy, Mùa hè đỏ lửa nữa, rất nhiều trận, mà những binh sỹ dù như chúng tôi đã tham gia nhưng không thể kể hết.
Còn sau ngày 30/4, tôi đã phải mai danh ẩn tích, thậm chí đã phải đổi tên, thay họ, vì tôi đã biết chuyện cải tạo và tôi không muốn bị rơi vào tình huống ấy. Tôi đã không ra trình diện.
Rồi tôi lên cao nguyên Trung Phần (Tây Nguyên) và lăn lộn ở nhiều nơi, trước khi tôi tìm đường ra nước ngoài."
Chiến tranh rất khủng khiếp, nhưng một hồi ức tôi không bao giờ quên đó là lần đơn vị chúng tôi chiến đấu chống lại một đơn vị lớn của Việt Cộng.
Rồi chúng tôi chiếm được trận địa, đêm xuống, chúng tôi bao vây một căn hầm mà ở dưới đó có những sỹ quan Việt Cộng và Bắc Việt.
Lúc đó vẫn còn sôi đỗ lắm, phía dưới có quân địch và phía trên cũng còn quân địch. Nhưng chúng tôi đã bao vây và chiếm lĩnh khu vực đó.
Chúng tôi đã mất nhiều giờ để thuyết phục họ đầu hàng, nhưng không được, đành phải thảy trái mìn Claymore xuống, và sau đó ở dưới im lặng hoàn toàn...
'Nhân đạo trên hết'
BBC: Nếu ông và các đồng đội của ông ở trong thế bị vây dưới hầm, ông sẽ ra quyết định chỉ huy thế nào?
Ông Vũ Hữu Thành: Trước hết, tôi phải nói rằng đó không phải là hành động dũng cảm, mà là một sự ngoan cố không cần thiết.
Quân lực Việt Nam chúng tôi không thế, chúng tôi có quy chế được đào tạo, phổ biến đàng hoàng. Chúng tôi biết rõ và tôn trọng Công ước Genève về đối xử nhân đạo với tù binh, hàng binh chiến tranh. Chúng tôi được dạy là nếu thế lực không còn, và không còn cách nào khác để chiến đấu hoặc thoát ly, thì phải bảo toàn sinh mạng binh sỹ. Người chỉ huy phải ưu tiên bảo toàn sinh mạng cho binh sỹ, cả những người bị thương... Anh có thể khác, nhưng hãy để họ sống.
Nếu là tôi, tôi sẽ ra lệnh cho anh chị em binh sỹ của tôi ngừng bắn và bảo toàn mạng sống mọi người, còn người là còn tất cả, tính mạng anh chị em mất rồi, thì mất tất cả, không có gì đổi lại được.
Tiện thể, tôi kể luôn là trong trận đó, anh em báo có hai, ba tù binh mặt búng ra sữa. Khi tôi tới, mấy anh em Việt Cộng đó gọi tôi là 'chú', xưng 'cháu'. Họ kể với tôi: "Chúng cháu mới 16, 17 tuổi. Chúng cháu chưa bắn phát súng nào. Chúng cháu ở ngoài đó rất khổ. Vào quân ngũ là để vào Nam và để được tìm kiếm tự do, chú ạ."
Tôi nhìn thẳng vào mắt các tù binh trẻ đó, tôi thấy được họ sợ hãi, run rẩy, có lẽ vì đói và gặp chiến trận quá ác liệt, không hiểu sao tôi tin họ. Chúng đúng là những đứa trẻ đáng lẽ giờ này đang cắp sách tới trường. Tôi lệnh cho anh em đối xử tử tế, kiểm tra xem có bị thương không thì cấp cứu, rồi cho ăn uống và chuyển cho bộ phận tiếp quản tù binh, hàng binh, trước khi chúng tôi di chuyển tới nơi khác làm nhiệm vụ chiến đấu mới.
BBC: Sau tháng Tư/1975 và sau khi ra nước ngoài, cuộc sống của ông thế nào, ông có tâm tư gì không? Ông có cách gì riêng tư để tưởng nhớ ngày này và cuộc chiến đã chấm dứt hơn 40 năm trước không?
'Cách tưởng nhớ riêng'
Ông Vũ Hữu Thành: Tôi không chọn nước Mỹ, như Đại tá Hoàng Cơ Lân, bác sỹ và sỹ quan chỉ huy cao cấp cùng binh chủng dù của tôi đây cũng vậy. Tôi làm nhiều nghề khác nhau, gần nhất là tôi làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Hàng năm, tôi và Đại tá Lân cùng nhiều cựu đồng đội vẫn tưởng nhớ ngày thành lập binh chủng của chúng tôi, rất tự hào, chúng tôi cũng tưởng nhớ này 30/4, những kỷ niệm như thế bao giờ dịp này cũng tràn về.
Tôi đã từng về Việt Nam, đi thăm lại chiến trường xưa, nhưng mọi thứ đã đổi thay hết cả.
Tôi buồn lắm và hầu như không muốn về nữa, dù các con của tôi thì vẫn về, dù các cháu đã lớn và công việc, gia đình thì ở đây, gắn với nơi mà các cháu đang sinh sống.
Chúng tôi, anh em binh chủng Dù vẫn luôn tụ họp để hồi nhớ lại những kỷ niệm thời binh lửa, anh em rất thương nhau, mỗi năm đều ít đi, vì nhiều anh chị em tuổi cao, qua đời dần.
'Chúng tôi có cách tưởng nhớ riêng của mình, hàng năm, chúng tôi chọn ngày mà nhà nước Pháp diễu hành, diễu binh, mỗi kỳ như vậy và chúng tôi cũng có thể tổ chức đội ngũ kỷ niệm của mình tham gia.
Tôi thì còn làm phim về chiến tranh Việt Nam, cả phim về Charlie nữa, những trận chiến. Tôi làm hàng nghìn bản sao để chia sẻ với mọi người và kể cả để làm rõ những sự thực chiến tranh mà chúng tôi là nhân chứng trực tiếp. Và tôi cũng có lập một 'bảo tàng' riêng, đúng hơn là một bộ sưu tập tất cả các hiện vật chiến tranh, trong đó có quân trang, quân dụng mà tôi vẫn tiếp tục ngày đêm.
Tôi đã bỏ hàng chục nghìn Euro và rất nhiều thời giờ để sưu tập đủ mọi thứ của lính, của quân đội, của thời chiến, từ chiếc lon đựng đồ hộp cho tới quân trang của các binh chủng, tới từng cái lon gắn bông mai, cái nón của binh sỹ, sỹ quan và nhiều kỷ vật chiến tranh khác nữa.
Tôi sẽ rất hân hạnh được giới thiệu với BBC về bộ sưu tập ấy của tôi, mà trong ấy còn có cả các sách vở, báo chí, tài liệu, các thước phim thời sự, thời chiến nữa, của các bên, Mỹ có, Nam Việt Nam cũng có và cả của Việt Cộng, Bắc Việt cũng có, như là những bài báo, thống kê chiến trường của họ trong toàn bộ cuộc chiến, trong Mậu Thân v.v...
Còn về tâm tư, tôi nghĩ những gì qua thì đã qua, cần nghĩ tới tương lai, tuy nhiên, như cách họ kỷ niệm Mậu Thân vừa rồi, thì tôi thấy họ chưa thực sự muốn và chưa làm được chuyện hòa giải, hòa hợp đâu...
Bài viết ghi lại lời kể theo quan điểm riêng của người được phỏng vấn, được thực hiện trong dịp phóng viên BBC gặp gỡ một số nhân chứng trong cuộc chiến Việt Nam vào đầu năm 2018 để chuẩn bị cho dịp đánh dấu 50 năm trận Mâu Thân và 43 năm ngày 30/4 kết thúc Chiến tranh Việt Nam.
BBC News Tiếng Việt tiếp tục giới thiệu các bài vở khác đánh dấu sự kiện khép lại cuộc chiến này, mời quí vị và các bạn đón theo dõi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét