Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

FLC lấy đất Lý Sơn: Bài học công viên nghĩa trang!

(Doanh nghiệp) - Quy hoạch phải đi trước một bước, sau khi lập dự án phải có đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động xã hội. 


Liên quan đến Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn của Tập đoàn FLC, báo Tuổi trẻ ngày 23/4 dẫn văn bản số 152 của Tập đoàn này trình Ban thường vụ và UBND tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 9/4, trong đó đề xuất, giai đoạn 1 của dự án sẽ lấy đảo An Bình (đảo Bé, huyện Lý Sơn).
Trong đất liền FLC sẽ lấy phần diện tích tiếp giáp biển của ba xã Bình Hải, Bình Phú, Bình Hòa (huyện Bình Sơn) với tổng quy mô hơn 1.243ha và sẽ phải thu hồi nhiều loại đất khác nhau cho dự án này.
Đáng chú ý là, FLC đề xuất lấy diện tích đất trồng lúa lên đến hơn 184ha, đất rừng phòng hộ hơn 55ha, đất ở tại nông thôn gần 86ha, đất bằng trồng cây hàng năm hơn 502ha, gần 1ha đất quốc phòng...
Đáng lưu ý, khu vực di sản địa chất Gành Yến (xã Bình Hải) cũng được đưa vào dự án.
Bình luận về việc dự án của Tập đoàn FLC muốn thu hồi nhiều loại đất khác nhau phục vụ dự án, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết, luật đã có quy định rõ ràng về việc dự án sử dụng đất có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải xin phép những cấp nào, do đó tỉnh Quảng Ngãi và nhà đầu tư phải làm đúng quy định, không được cắt xén các quy trình.

Theo vị chuyên gia, đất bình thường được chia làm nhiều loại khác nhau và có loại cần phải xin phép các cấp.
Chẳng hạn, đã là đất quốc phòng thì bắt buộc phải có ý kiến của bên quốc phòng, bên quốc phòng trả lời thế nào thì phải theo ý kiến đó.
Đối với đất kinh tế, riêng đất lâm nghiệp, nếu là đất rừng phòng hộ thì có nhiều loại (rừng phòng hộ nguồn nước, rừng phòng hộ chống gió bão, rừng phòng hộ môi trường).
"Nếu lấy diện tích rừng phòng hộ trên 50ha thì phải xin phép Quốc hội. Nếu là rừng sản xuất thì 500ha phải báo cáo Quốc hội, còn bình thường các tỉnh tự giải quyết lấy", GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho biết.
Tương tự, đối với đất nông nghiệp thì phải tuân theo luật của đất nông nghiệp.
FLC lay dat Ly Son: Bai hoc cong vien nghia trang!
Di sản Gành Yến ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Zing
"Doanh nghiệp làm một tổng hợp có rất nhiều loại đất trong đó thì rất rắc rối. Nếu họ làm ít, một vài loại đất thì chỉ cần xin phép một nơi, việc gì cứ phải lấy đủ mọi thứ? Đó là nghệ thuật của người xây dựng dự án.
Thông thường, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến là đã chấp nhận dự án kinh tế nên họ muốn tháo gỡ cho nhanh. Đáng lẽ tỉnh có nhiều ban ngành về chuyên môn, ví dụ có các ban ngành về NN-PTNT trong đó có đất ruộng, đất rừng thì các cơ quan ấy phải giải thích để Chủ tịch không vội làm chuyện đó.
Đặc biệt, đối với đất quốc phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phải có ý kiến cho Chủ tịch tỉnh", GS Lung nói. 
Ông Lung nhắc lại câu chuyện xảy ra tại tỉnh Phú Yên và Vĩnh Phúc. Theo đó, tỉnh Phú Yên lấy hàng trăm ha đất rừng phòng hộ làm trang trại nuôi bò sữa. Vì tỉnh đã nhất trí nên tất cả làm thủ tục cho nhanh.
Khi địa phương chặt rừng, kiểm lâm biết nên đình chỉ việc chặt và lúc bấy giờ mới biết tỉnh chủ trương lấy đất rừng phòng hộ để chuyển thành đồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Khi hỏi đến đánh giá tác động môi trường thì dự án chưa làm xong.
"Đây là rừng phòng hộ bờ biển chống gió bão và bảo vệ cát bay, dự án muốn lấy hàng trăm ha, trong khi 50ha đã phải xin phép. Rõ ràng, chỉ cần xem đánh giá tác động môi trường là biết không thể làm được", GS Lung cho biết.
Tương tự, dự án khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cũng lấy rừng phòng hộ làm nghĩa trang. Sau khi bị thổi còi, tỉnh đã xin thôi.
Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng  khẳng định, về nguyên tắc, đã xây dựng dự án thì phải đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động xã hội. Hai tác động ấy giúp bao quát được mọi vấn đề về chính sách và môi trường.
"Đối với dự án của Tập đoàn FLC, yêu cầu đầu tiên là phải đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động xã hội xem có vi phạm vào cái gì? Ở đó có công trình về sử học hay tài nguyên hay không?...
Từ hai tác động này sẽ biết ngay, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải xin phép Quốc hội trước. Tất cả những việc đó phải làm đúng quy định của pháp luật", GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nhấn mạnh.
Một điều quan trọng trước hết được vị chuyên gia lưu ý, quy hoạch phải đi trước một bước. Nếu khu vực chưa quy hoạch thì không được đụng đến.
Trường hợp đã có quy hoạch rồi, trong đó có phần diện tích đất để phát triển kinh tế du lịch thì lúc bấy giờ mới làm được.
Thành Luân

Không có nhận xét nào: