Kim Jong-un, Donald Trump quá hiểu nhau, Trung Quốc sẽ "khó có phần"
(GDVN) - Bất chấp những hoài nghi vẫn còn trong dư luận, ông Kim Jong-un và Donald Trump tỏ ra rất hiểu nhau và lạc quan về tương lai.
"Cả Hàn Quốc, Triều Tiên đều không muốn Trung Quốc can dự vào bán đảo"Theo dõi thượng đỉnh Hàn - Triều, bà Thái An Văn trăn trở tương lai eo biểnÔng Kim Jong-un tuổi trẻ tài cao, quyền biến xuất thần, Triều Tiên đầy hy vọng
The New York Times ngày 29/4 đưa tin, Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên đã nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng, ông sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Hoa Kỳ đồng ý chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và cam kết không xâm lược đất nước mình.
Ông Kim Jong-in cũng tuyên bố sẽ mời các chuyên gia và nhà báo từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ tới theo dõi việc ngừng bãi thử hạt nhân ngầm duy nhất của Triều Tiên trong tháng tới, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan cho biết hôm Chủ nhật 29/4.
Người phát ngôn Nhà Xanh dẫn lời ông Kim Jong-un nói với Tổng thống Moon Jae-in rằng:
"Tôi biết người Mỹ vốn đã mặc định phải chống lại chúng tôi.
Nhưng khi họ nói chuyện với chúng tôi, họ sẽ nhận ra rằng tôi không phải loại người bắn vũ khí hạt nhân xuống miền Nam, ra Thái Bình Dương hay sang Hoa Kỳ."
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Nhà Hòa Bình, Bàn Môn Điếm, Vĩ tuyến 38. Ảnh: Yonhap. |
Đó là một tuyên bố hòa giải đáng kể so với những gì ông Kim Jong-un đã nói năm ngoái, khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao trào.
Với miền Nam, ông Kim Jong-un cam kết:
"Tôi quyết sẽ không lặp lại lịch sử đau thương của Chiến tranh Triều Tiên.
Cùng sống chung trên một quê hương, chúng ta không bao giờ nên để đổ máu lần nữa.
Tôi cam kết với ngài rằng, sẽ không bao giờ có chuyện dùng vũ lực.
Khi đang ngồi trong phòng chờ, nhìn lên tường tôi bất giác thấy 2 chiếc đồng hồ, một chiếc chỉ múi giờ Seoul, chiếc còn lại chỉ múi giờ Bình Nhưỡng, tôi cảm thấy buồn vì điều đó.
Tại sao chúng ta không hợp nhất múi giờ của mình trước?"
Ông Kim Jong-un đã quyết định điều chỉnh lại múi giờ Bình Nhưỡng theo múi giờ Seoul. Năm 2015 Triều Tiên đặt lại múi giờ riêng, chậm hơn 30 phút so với Seoul, Nhật Bản.
Ngày 27/4 đã đi vào lịch sử bán đảo Triều Tiên khi lãnh đạo 2 miền ký Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm, trong đó công nhận một bán đảo Triều Tiên hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân.
Phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo là mục tiêu chung của hai miền.
Các quan chức Hàn Quốc dẫn lời ông Kim Jong-un khẳng định:
"Nếu chúng ta thường xuyên gặp nhau và xây dựng lòng tin với Hoa Kỳ, nếu kết thúc chiến tranh và cam kết không xâm lược lẫn nhau, thì tại sao chúng ta phải sống trong căng thẳng với vũ khí hạt nhân?"
Ông Moon Jae-in đã thông báo cho Tổng thống Mỹ Donald Trump về nội dung cuộc họp thượng đỉnh hai miền Triều Tiên trong một cuộc điện đàm khá dài vào ngày hôm sau, 28/4.
Tổng thống Moon Jae-in nói với Donald Trump rằng: Kim Jong-un hiểu ông, hai bên có thể chung sống hòa bình vui vẻ với nhau.
Ngày Chủ nhật 29/4 ông Moon Jae-in cũng điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo, ông Kim Jong-un sẵn lòng đối thoại với Tokyo. [1]
Còn từ phía Hoa Kỳ, Bloomberg ngày 29/4 đưa tin, Tổng thống Donald Trump mong đợi được gặp ông Kim Jong-un trong 3 đến 4 tuần nữa.
Ông Donald Trump nói hôm thứ Bảy tại Washington: "Sức mạnh sẽ giữ chúng ta khỏi chiến tranh hạt nhân, chứ không phải lao vào nó."
Trước đó, hôm thứ Sáu 27/4, ông Donald Trump phát biểu về cuộc họp thượng đỉnh 2 miền Triều Tiên: "Tôi nghĩ ông ấy (Kim Jong-un) không nói chơi."
Ông Kim Jong-un tuổi trẻ tài cao, quyền biến xuất thần, Triều Tiên đầy hy vọng |
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc với ông chủ Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng:
Donald Trump nên gặp Kim Jong-un càng sớm càng tốt, để duy trì đà thành công của cuộc họp Hàn - Triều.
Trước khi tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Phòng Bầu Dục, ông Donald Trump nói với báo giới:
"Chúng tôi sẽ đưa ra một giải pháp, nếu không chúng tôi sẽ rời khỏi phòng họp với sự tôn trọng lớn và tiếp tục nỗ lực."
Sau đó trong cuộc họp báo chung với bà Angela Merkel, Tổng thống Mỹ nói thêm rằng ông và Kim Jong-un có mối quan hệ hợp tác rất tốt, có rất nhiều điều tốt đẹp đang xảy ra.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người đã gặp ông Kim Jong-un hôm 1/4 trên cương vị Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ cho biết, ông tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên rất nghiêm túc trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài ABC được phát sóng hôm Chủ nhật 29/4, ông Mike Pompeo cho biết, cuộc làm việc của ông với Kim Jong-un rất tốt, ông Kim Jong-un đã chuẩn bị nghiêm túc về việc phi hạt nhân hóa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này.
Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định:
"Khi tôi ra về, ông Kim Jong-un đã hiểu chính xác công việc như tôi đã mô tả ngày hôm nay.
Mục tiêu của chính quyền (Mỹ) là (việc phi hạt nhân hóa bán đảo) hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược."
Điều thú vị là sau hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều, Tổng thống Donald Trump dường như lại là người duy nhất, sớm nhất cho đến nay gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vai diễn nguyên thủ thay đổi, lợi ích quốc gia bất biến |
Ông nói ngay hôm thứ Sáu tại Michigan:
"Nếu không có ông ấy (Tập Cận Bình), đó sẽ là một quá trình dài hơn và khó khăn hơn!" [2]
Điều này cho thấy Trung Quốc dường như "không có phần" trong bàn đàm phán thỏa thuận kết thúc Chiến tranh Triều Tiên mà họ từng là một bên tham gia, cũng từng ký kết hiệp định đình chiến.
Như vậy là cả ông Kim Jong-un lẫn ông Donald Trump đều dành cho nhau những lời tốt đẹp, tôn trọng và khẳng định họ hiểu mong muốn của đối phương, tin tưởng vào thành công của đối thoại trong cuộc gặp sắp tới.
Sự hoài nghi trong dư luận, trong chính giới hay trên truyền thông sẽ không thể chấm dứt hoàn toàn cho đến khi những cam kết giấy trắng mực đen được ký, và thậm chí phải đợi một chuỗi các hành động tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Kim Jong-un vui vẻ chấp nhận điều này, vì đó là thực tế, là những hệ quả tất yếu của một quá trình đối đầu dai dẳng với những lời đao to búa lớn nhắm vào nhau trong các cuộc chiến tuyên truyền.
Cần có thời gian để lòng tin, thiện chí và sức mạnh của hòa bình, hòa hợp và hòa giải được lan tỏa. Cần có thêm thời gian để những vết thương mới ngày nào còn rỉ máu, lên da non và trở lại bình thường.
Con hơn cha là nhà có phúc, ông Kim Jong-un quả là đã vượt qua những rào cản nội tại một cách ngoạn mục, chắc tay lái đưa đất nước Triều Tiên thoát khỏi bao vây cấm vận, chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới phát triển và hội nhập.
Chưa gặp nhau, nhưng ông Kim Jong-un đã tin tưởng chắc chắn có thể chung sống hòa bình với Donald Trump.
Ngược lại, Tổng thống Mỹ cũng tin chắc nhà lãnh đạo Triều Tiên "không nói chơi", chúng tôi xin mượn câu Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du để kết thúc bài viết này về mối quan hệ mới nảy nở đầy kịch tính và cảm xúc: Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
Tìm hiểu ông Kim
Lê Phan
Hồi tôi còn làm cho đài BBC, khi ông tổ của dòng họ Kim, ông Kim Il Sung (hay như hồi trước chúng ta thường quen gọi tên tiếng Hán Việt là Kim Nhật Thành), qua đời năm 1994, rồi một năm sau đó, ông con lên nắm quyền, tôi được yêu cầu viết một breefing paper, một tài liệu tham khảo cho các bạn trong Thế giới vụ khi phải viết về Bắc Hàn.
Hồi đó chưa có Google, chưa có Internet, thành ra chúng tôi trông cậy vào Ban nghiên cứu của đài BBC, vốn giữ lại những tài liệu cắt từ báo chí, cũng như ban kiểm thính của đài, theo dõi các chương trình phát thanh, phát hình của Bắc Hàn. Tôi cũng được các bạn đồng nghiệp trong Ban Anh ngữ đài cho biết một số những chuyên gia về Bắc Hàn, phải nói là đếm trên đầu ngón tay.
Sau khi vật lộn với mớ tài liệu của những bài báo rất ít viết về miền Bắc của bán đảo Triều Tiên, nói chuyện với một số chuyên gia, tôi ngồi xuống viết. Tôi còn nhớ tôi viết “Bắc Hàn là một quốc gia kỳ quái, nơi một xác chết vẫn là quốc trưởng và là một quốc gia tuy trên danh nghĩa theo chế độ Cộng sản nhưng thực ra là một chế độ độc tài chuyên chế cổ điển kiểu các vua chúa thời xưa pha trộn với kỹ thuật độc tài toàn diện của Hitler và Stalin”.
Hai mươi ba năm sau, tôi lại thấy thế ra Bắc Hàn vẫn còn là một sự bí hiểm ngay cả cho thế giới tình báo Hoa Kỳ.
Theo thông tấn xã Reuters, tình báo Hoa Kỳ đang cố gắng tìm hiểu để có thể trình bày cho Tổng thống Donald Trump một chân dung của ông Kim Jong Un, hòng giúp Tổng thống có được một ưu thế cạnh tranh trong hội nghị thượng đỉnh có hậu quả đáng kể nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng họ đang đối diện với một thách thức vĩ đại, Reuters viết, làm sao hiểu được một lãnh tụ bí hiểm của Bắc Hàn mà ít người biết rõ.
Theo một truyền thống lâu đời nhằm vũ trang cho các Tổng thống Hoa Kỳ với những hồ sơ chính trị và tâm lý của các lãnh tụ ngoại quốc trước những cuộc điều đình tối quan trọng, các nhà phân tích của Chính phủ đang thu thập mọi chi tiết nào mà họ có thể có được về ông Kim và điều chỉnh lại những thẩm định trước đây mà họ nghĩ về ông Kim.
Họ sẽ dựa một phần từ cảm tưởng của ông Giám đốc Cơ quan Trung ương Tình báo CIA Mike Pompeo, người mà mới cách đây vài tuần, đã là viên chức đầu tiên trong Chính phủ Trump gặp trực tiếp ông Kim. Theo một viên chức Hoa Kỳ, ông Pompeo, người vừa được chuẩn thuận làm Ngoại trưởng, trở về từ Bình Nhưỡng và diễn tả lãnh tụ trẻ tuổi của Bắc Hàn với một số chuyên viên là “một người khôn ngoan đã học bài kỹ” cho cuộc gặp gỡ.
Chân dung của ông Kim cũng sẽ bao gồm những tin tức thu thập được từ những cuộc hỏi chuyện với những người đã từng tiếp xúc với ông, kể cả cựu cầu thủ NBA Dennis Rodman, những bạn học cũ của ông Kim từ thời còn học nội trú ở Thụy Sĩ và các Đại sứ và Đặc sứ Nam Hàn.
Tất cả những dữ liệu này đang được cập nhật cho hồ sơ mật mà Chính phủ Hoa Kỳ có về ông Kim, từ cách hành xử, động cơ nào thúc đẩy ông, cá tính cũng như lối lãnh đạo của ông, mong giúp Tổng thống và các phụ tá của ông tìm một chiến thuật để đối phó với ông Kim ở cuộc họp được chờ đợi giữa hai lãnh tụ Hoa Kỳ và Bắc Hàn.
Reuters bảo là một viên chức Tòa Bạch Ốc từ chối không xác nhận chính xác về cố gắng tìm hiểu ông Kim hơn, ngoại trừ nói “Có một cố gắng toàn chính phủ đang diễn ra để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống”, vốn nhắm đến khoảng cuối Tháng Năm đầu Tháng Sáu.
Mặc dầu vậy, hiểu biết trực tiếp về ông Kim vẫn còn rất giới hạn – một “hộp đen,” theo một viên chức Hoa Kỳ quen thuộc với cố gắng tìm hiểu – đặc biệt là với tình trạng thiếu điệp viên hay chỉ điểm ở hiện trường và sự khó khăn của gián điệp online trong một quốc gia mà liên hệ Internet với bên ngoài chỉ ở mức tối thiểu.
Sự thiếu hiểu biết về ông Kim đã hiện rõ khi chúng ta được biết là hồi ông Kim mới lên nắm quyền, cơ quan CIA đã tiên đoán là triều đại của ông Kim sẽ ngắn hạn. Bảy năm sau những tiên đoán này đã bị vứt bỏ và ông Kim nay được thấy là một người rất khôn ngoan và tàn nhẫn. Gần đây hơn nữa, nhiều chuyên gia Hoa Kỳ bị bất ngờ trước sự nhanh chóng mà ông Kim chuyển từ giễu võ dương oai trong cố gắng xây dựng kho hỏa tiễn sang ngoại giao.
Hình ảnh đang hiện hình của các chuyên gia Hoa Kỳ về ông Kim cũng giống như những gì mà nhiều chuyên gia bên ngoài đã đi đến kết luận. Một viên chức Hoa Kỳ giải thích là ông Kim được coi như là “một người hành động theo lý trí” – không phải “hoàn toàn điên cuồng” như Tổng thống Trump có lần miệt thị. Ông ao ước uy thế trên trường quốc tế nhưng mục đích chính của ông là “sự tồn tại của chế độ”, và tiếp tục đế quốc gia đình của mình, một chỉ dấu cho thấy sẽ là rất khó thuyết phục ông ta đồng ý hoàn toàn giải trừ vũ khí hạt nhân.
Ông Kim tuy trẻ tuổi nhưng có đủ tàn nhẫn để xử tử những thân nhân, và nay cảm thấy an toàn đủ trong vị thế quyền lực để đánh bạc với ông Trump. Đứng về phương diện cá tính, ông giống ông nội đầy hấp lực chính trị, lãnh tụ Kim Il Sung, hơn là ông bố.
Các chuyên gia thêm là việc ông gửi cô em đến Thế vận hội mùa Đông ở Nam Hàn hồi Tháng Hai cũng như sự xuất hiện hiếm có của bà vợ khi các Đặc sứ Nam Hàn viếng thăm hồi Tháng Ba chứng tỏ một cố gắng để đem lại cho sự lãnh đạo của ông một tư cách nhân bản hơn.
Che chở bởi sự vô cùng che đậy kín đáo của Bắc Hàn, ông Kim là một khó khăn lớn cho công việc của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Giám đốc Tình báo Quốc gia, ông Dan Coats, trong một bài diễn văn hồi đầu Tháng Tư nói là lãnh đạo Bắc Hàn là “một trong những yếu tố thu thập khó nhất” cho ngành tình báo.
Các chuyên gia Hoa Kỳ sẽ nghiên cứu kỹ cả lời nói lẫn cử chỉ của ông Kim ở hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Moon Jae-in của Nam Hàn. Các nhà phân tích tình báo Hoa Kỳ đã trải nhiều năm nghiên cứu lịch sử gia đình ông Kim, những bài diễn văn, hình ảnh và video, và nay họ đang nghiên cứu tỉ mỉ về hình ảnh và tường thuật từ hai cuộc gặp gỡ ồn ào giữa ông và các viên chức Nam Hàn và Trung Cộng.
Họ cũng phỏng vấn những người vượt tuyến bỏ hàng ngũ Bắc Hàn và đã không từ chối cả những nguồn tin cấp hai kể lại như cuốn hồi ký của một ông chef sushi người Nhật đã có thời làm việc cho gia đình họ Kim.
Trong khi đang cố gắng hết sức để tìm cách vẽ một chân dung thật chính xác về lãnh tụ Bắc Hàn, các viên chức Hoa Kỳ còn có một thách thức mới đó là quyết định xem thông báo bao nhiêu thông tin cho Tổng thống Trump – vốn nổi tiếng không thích những tường trình chi tiết hay văn kiện dài dòng – và rồi thuyết phục ông đừng hành động chỉ trên bản năng, như ông thường làm với mọi việc.
Những người báo cáo với Tổng thống sẽ dựa trên một bản ngắn gọn, kèm theo hình ảnh, bản đồ, hình vẽ và video. Đây không phải lần đầu tiên các viên chức tình báo dựa trên trợ giúp thính thị để báo cáo. Vào đầu nhiệm kỳ, Tổng thống đã được cho thấy một model đúng kích cỡ thu nhỏ của cơ sở chế bom hạt nhân của Bắc Hàn với một ngọn núi có thể mở nắp và một tượng Nữ thần Tự do nhỏ bên trong để Tổng thống nhận thức về tầm cỡ lớn của cơ sở này. Họ biện minh là vì Tổng thống quen đồ hình địa ốc nên như vậy giúp ông nhận thức nhanh hơn.
Trong nhiều thập niên nay, các Chính phủ Hoa Kỳ đã ra lệnh lập hồ sơ về các lãnh tụ ngoại quốc đặc biệt là các đối thủ như Saddam Hussein của Iraq, Muammar Gaddafi của Libya và Fidel Castro của Cuba. Nhiều quốc gia khác cũng có những cố gắng tương tự. Những thẩm định này, phát xuất từ cố gắng của Chính phủ Hoa Kỳ để tìm hiểu Adolf Hitler và nước Đức của ông ta, cũng như Nhật Bản và tâm lý người Nhật, đã có ích cho các vị lãnh đạo.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter viết trong cuốn hồi ký của ông “Keeeping Faith” là những chân dung tỉ mỉ về Thủ tướng Menachem Begin của Israel và Tổng thống Anwar Sadat của Ai Cập đã “có lợi lớn” trong việc giúp ông đạt thỏa hiệp hòa bình năm 1978 giữa hai quốc gia này.
Nhưng “biết người” theo Tôn Tử mới chỉ là một nửa của thành công, và “biết mình” khó lắm thay, nhất là khi chúng ta có một Tổng thống không hiểu có biết mình hay không.
L.P.
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tim-hieu-ong-kim/
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét