Hình sự hóa các quan hệ văn chương?
Chúng ta đã ban hành hàng trăm bộ luật chuyên ngành để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, kỹ thuật. Trong khi đó, cho đến nay, các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) vẫn chưa có luật chuyên ngành, vẫn chỉ được kiểm soát bằng Luật Hình sự.
Chúng ta đã ban hành hàng trăm bộ luật chuyên ngành để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, kỹ thuật. Trong khi đó, cho đến nay, các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) vẫn chưa có luật chuyên ngành, vẫn chỉ được kiểm soát bằng Luật Hình sự. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô hồn, liệt cảm và sinh sản vô tính trong sáng tạo VHNT hôm nay.
Hệ thống pháp luật cho lĩnh vực VHNT quá chung chung!
Một khẩu hiệu đang rộ lên trong hoạt động kinh tế trong những năm gần đây, đó là: Không được hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Để tránh việc hình sự hoá này, cách đang tiến hành trong lĩnh vực kinh tế là: đặc thù hoá hệ thống các quy định pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh, liên doanh liên kết trong nội tại các chuyên ngành. Khi có một hành vi nào đó xảy ra tại một ngành nào đó có dấu hiệu bất minh, vi phạm luật pháp thì việc trước tiên là phải đưa về các quy định của luật chuyên ngành để xem xét? Khi các hành vi đó vượt qua hành lang giới hạn quy định của luật chuyên ngành, lúc đó mới chuyển sang hình sự. Hiện nay, chúng ta đã có hàng trăm bộ luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư quy định những việc được làm và không được làm trong lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực vật chất và bất động sản.
Thế nhưng trong lĩnh vực sáng tác VHNT thì cho đến nay chúng ta chưa ban hành một bộ luật nào. Trong Chiến lược phát triển văn hóa tới năm 2020 đã được phê duyệt cũng không có chương trình biên soạn về luật chuyên ngành sáng tác văn nghệ.
Chiến lược phát triển văn hóa tới năm 2020, VHNT được coi là một trong năm lĩnh vực cốt yếu xây dựng nên đời sống văn hóa. Nhưng số trang dành cho hoạt động sáng tạo VHNT chỉ chiếm chưa đầy 2 trang trên tổng số 26 trang! Trong lĩnh vực sáng tạo VHNT, Quốc hội mới ban hành Luật Điện ảnh, Luật Báo chí, Luật Xuất bản nhưng đó cũng chỉ là những bộ luật để điều chỉnh các quan hệ hành chính giữa cơ quan báo chí và cơ quan quản lý; quy định các trách nhiệm hành chính mà các cơ quan báo chí phải tuân thủ chứ chưa phải là bộ luật chuyên sâu như một công cụ bảo hiểm cho hoạt động viết báo, đưa tin trên báo chí, sáng tạo VHNT...
Các quy định điều chỉnh các hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ trong các ngành này vẫn được bê nguyên xi các điều quy định từ trong Bộ luật Hình sự. Trong khi hoạt động sáng tạo VHNT là loại lao động đặc thù, cá thể, đơn chiếc thì hệ thống pháp luật trên lĩnh vực này lại rất chung chung khiến cho một sản phẩm VHNT - đứa con tinh thần của nghệ sĩ lúc nào cũng có thể bị đẩy ra ngoài vòng pháp luật, không được thừa nhận là sản phẩm hợp pháp.
Vì sao văn nghệ sĩ chưa sáng tác hết mình?
Để hiểu được vai trò của luật pháp quan trọng như thế nào trong việc thúc đẩy, phát huy, làm thăng hoa các tài năng nghệ thuật, chúng tôi xin lấy một vài ví dụ cụ thể để phân tích, diễn giải.
Một diễn viên xiếc sở dĩ dám đem hết tài năng ra để thực hiện những màn trình diễn nhào lộn ngoạn mục ở trên cao là bởi đằng sau họ có sợi dây bảo hiểm; nếu chẳng may bị sơ sẩy thì sợi dây vẫn đảm bảo cho tính mạng của họ không bị nguy hiểm. Tương tự, sở dĩ các cầu thủ bóng đá dám lăn xả vào trái bóng, xông vào chèn bóng, tranh bóng với đối phương là bởi các cầu thủ được bảo hiểm các hành vi của mình bằng Luật Bóng đá. Nếu họ có vô tình làm chấn thương đối phương, làm gãy chân, gãy tay đối phương, thậm chí gây tử vong cho cầu thủ đối phương thì họ cũng chỉ bị xử theo Luật Bóng đá chứ không bị xử theo Luật Hình sự. Đây là điều mà chúng tôi muốn đặt ra đối với lĩnh vực sáng tác VHNT hiện đang được quản lý, điều chỉnh bằng các văn bản nghị quyết, nghị định và Bộ luật Hình sự.
Hiện nay các nhà văn của chúng ta đang hành nghề giống như các diễn viêc xiếc nhào lộn trên dây nhưng lại không có dây bảo hiểm; giống như các cầu thủ bóng đá ra sân mà trọng tài không thổi còi theo Luật Bóng đá. Theo chúng tôi, đây cũng chính là nguyên nhân hạn chế sức phát triển, sự thăng hoa của đội ngũ văn nghệ sĩ. Những thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế của nền văn nghệ nước nhà mà Nghị quyết 23 và Chiến lược phát triển văn hoá tới năm 2020 đã chỉ ra, theo tôi có một phần nguyên nhân mà tôi đã phân tích ở trên.
Tác phẩm thiếu đi hồn cốt, thiếu vắng những tác phẩm mang tâm thế của dân tộc - thời đại; rất nhiều tác phẩm từa tựa như những ma-nơ-canh, trông bề ngoài từ mái tóc, nét mặt, số đo nhang nhác giống với các hoa hậu hoàn vũ nhưng thế giới nội tâm của họ chỉ là cái thùng rỗng kêu to. Vì sao vậy? Vì văn nghệ sĩ của ta hiện không ít người đang phải sống và hành nghề theo kiếp thợ, làm hàng để bán và để mưu sinh qua ngày, để mà duy trì cái nghiệp hơn việc tác phẩm là đứa con tinh thần, dứt ruột đẻ đau của người nghệ sĩ? Đây thực chất là một dạng "sinh sản vô tính" trong văn nghệ: tác phẩm làm ra không là máu huyết của hai sinh thể hợp thành bởi xúc cảm - giao cảm; đó là sự giao cảm giữa văn nghệ sĩ với thời đại mà họ đang sống, với bầu không khí mà họ đang hít thở, với nhân dân mà họ là m
ột thành viên...
Vậy thì nguyên nhân do đâu mà họ liệt cảm, vô cảm, né tránh những vấn đề của xã hội, không dám viết những điều mình nung nấu trong tim, trong óc họ? Theo chúng tôi, phải coi đây là một căn bệnh trầm kha đang dày vò thân xác, tinh thần của văn nghệ sĩ nước ta hiện nay mà nguyên nhân sâu xa là chúng ta chưa tạo được một hành lang pháp lý cần thiết là luật chuyên ngành cho lĩnh vực VHNT để bảo hiểm cho hoạt động sáng tác của các văn nghệ sĩ.
Phạm Viết Đào
Thế nào là hình sự hóa các quan hệ văn chương?
Trong Bộ luật Sở hữu trí tuệ, phần Quyền tác giả có ghi rõ (tôi chỉ xin nêu ý chính): "... Nhà nước bảo hộ các tác phẩm không phân biệt hình thức, ngôn ngữ thể hiện và chất lượng của tác phẩm... Tác giả có quyền đặt tên cho tác phẩm...
Trên báo Sức khỏe và Đời sống số ra ngày thứ Năm, 26/8/2010, đăng bài Hình sự hóa các quan hệ văn chương? của nhà văn Phạm Viết Đào. Sau khi báo ra, nhiều bạn đọc đã gửi thư về tòa soạn đề nghị mở Diễn đàn về vấn đề này. Chiểu theo nguyện vọng của đông đảo bạn đọc, Tòa soạn báo SK&ĐS mở Diễn đàn trao đổi xung quanh vấn đề "Hình sự hóa các quan hệ văn chương?". Chúng tôi xin thông báo và trân trọng kính mời các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học và những người yêu thích viết bài tham gia, nới rộng thêm dư luận về vấn đề đã nêu.
Để tiện trao đổi, tôi xin ghi lại đoạn sau đây trong bài: Hình sự hóa các quan hệ văn chương của tác giả PVĐ: "... Chúng ta đã ban hành hàng trăm bộ luật chuyên ngành để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, kỹ thuật. Trong khi đó, cho đến nay, các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) vẫn chưa có luật chuyên ngành, vẫn chỉ được kiểm soát bằng Luật Hình sự. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô hồn, liệt cảm và sinh sản vô tính trong sáng tạo VHNT hôm nay...".
Tôi nghĩ, hình như tác giả bài viết chưa đọc kỹ Luật Sở hữu trí tuệ trong đó có Quyền tác giả, đây là bộ luật dành cho người sáng tạo, trong đó có sáng tạo VHNT. Theo tôi, đó chính là luật chuyên ngành, chi phối toàn bộ các hoạt động sáng tạo nói chung và sáng tạo VHNT nói riêng. Tuy nhiên, tôi đồng ý với tác giả bài viết, rằng nếu các hoạt động sáng tạo VHNT lại chỉ được kiểm soát bằng Luật Hình sự, bằng tư duy của những người không hiểu các giá trị nghệ thuật mà chỉ có khả năng hình sự hóa vấn đề thì tình trạng không có tác phẩm bứt phá khỏi sự thông thường, nhạt nhẽo, vô hồn... là khó tránh khỏi.
Trong Bộ luật Sở hữu trí tuệ, phần Quyền tác giả có ghi rõ (tôi chỉ xin nêu ý chính): "... Nhà nước bảo hộ các tác phẩm không phân biệt hình thức, ngôn ngữ thể hiện và chất lượng của tác phẩm... Tác giả có quyền đặt tên cho tác phẩm... Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, cho phép hoặc không cho phép người khác sửa đổi nội dung tác phẩm... Được quyền công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm thuộc quyền sở hữu của mình...".
Như vậy, chỉ cần các tác giả và những cơ quan chức năng, quản lý các hoạt động sáng tạo VHNT hiểu đúng những gì đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ thì không thể có tình trạng chỉ sản sinh ra những "tác phẩm vô hồn, liệt cảm và sinh sản vô tính".
Xin nêu ví dụ: tác giả có quyền sáng tạo ra tác phẩm và công bố tác phẩm của mình dựa trên Luật Xuất bản. Cùng với luật đó, để bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, tác giả có quyền yêu cầu biên tập viên không được sửa chữa cắt xén, làm thay đổi ý nghĩa của tác phẩm... Vậy, không viết được hay, được như mình mong muốn ngõ hầu đưa tác phẩm đến đỉnh cao nghệ thuật không thể đổ lỗi cho luật chưa có.
Tuy nhiên, cũng trong phần Quyền tác giả, có điều khoản "Nhà nước không bảo hộ quyền tác giả với những tác phẩm có nội dung: Chống lại Nhà nước VN, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Tuyên truyền bạo lực, chiến tranh, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô trụy lạc, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục... Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và các bí mật khác do pháp luật quy định... Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm cá nhân. Mọi hành vi về việc lưu hành, sử dụng và hưởng lợi đối với tác phẩm quy định trong khoản này đều là bất hợp pháp và vô hiệu, người vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật".
Tôi cho rằng, ông PVĐ đã đúng khi ông thấy điều khoản này đã hình sự hóa lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, gây hiểu nhầm không chỉ cho người thi hành luật pháp mà cho cả người sáng tạo tác phẩm. Người sáng tạo tác phẩm, do không biết rõ như thế nào thì bị gọi là chống phá, như thế nào được gọi là xây dựng. Cùng một câu chuyện được viết ra, có người sẽ cảm nhận rằng: để xây dựng xã hội tốt hơn tác giả câu chuyện đó đã nêu ra những điều xấu, mong mỏi con người được cảnh tỉnh với những bài học đã qua, phòng tránh nó, không đi lại "vết xe đổ" trong lịch sử, nhưng có người lại cảm nhận rằng, viết ra cái xấu đồng nghĩa với việc bôi nhọ lịch sử... Chính do không có khuôn đúc cho cảm nhận nên không ít người sáng tạo đã không dám đi đến tận cùng của cảm xúc, của tư duy. Mặt khác, đây cũng là chỗ gây ra sự lúng túng cho các biên tập viên. Vào một ngày đẹp trời, một biên tập viên nào đó đã được khen là “bà đỡ” tốt cho một tác phẩm tạo ra ấn tượng lớn cho cộng đồng, nhưng nếu là ngày xấu trời, biên tập viên có thể bị khép vào tội vi phạm Luật Xuất bản, đã tiếp tay cho kẻ xấu (lúc này không còn được gọi là tác giả nữa) phổ biến tuyên truyền những điều xấu xa, phản tác dụng đối với cuộc đời...
Trong phạm vi bài báo, tôi không thể đưa thêm ra những ý kiến của mình, dựa trên những gì đã đọc của nhân loại về "quản lý văn hóa, khuyến khích sáng tạo, bảo hộ tác giả và quyền con người nói chung và trong lĩnh vực sáng tạo VHNT nói riêng" để đóng góp cho Luật Sở hữu trí tuệ trong đó có Quyền tác giả đỡ đi những câu chữ mông lung, lược bớt những chữ thừa và thêm vào những điều khoản còn thiếu... Nhưng theo thiển nghĩ của tôi, chỉ cần hiểu đúng và thực thi đúng câu "Nhà nước bảo hộ các tác phẩm không phân biệt hình thức, ngôn ngữ thể hiện và chất lượng tác phẩm" là đủ. Các khoản chống lại điều này, giới hạn nó là thừa và sai. Bởi vì, Nhà nước (đã/cần) hiểu rằng hình thức, ngôn ngữ, cũng như chất lượng của tác phẩm nào đó nếu đủ sức sống, đủ khả năng tuyên truyền, tác động vào bộ não người đọc, vào đời sống tư duy của con người thì bảo hộ nó vừa là một nghĩa vụ vừa là một vinh dự. Nếu tác phẩm không đủ sức mạnh ấy thì nó sẽ tự hoại, tự chết một cách tự nhiên.
Nhiều khi, chính do sự cấm đoán hoặc hình sự hóa vấn đề khiến cho cái chẳng đáng gọi là tác phẩm bỗng lên ngôi, đồng thời có những các phẩm được sản sinh ra trong sự thăng hoa cao độ của cảm xúc và tư duy lại bị... coi là có vấn đề khiến cho tác giả của nó... rơi vào tình trạng chán nản.
Trần Thị Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét