Một báo cáo của Ủy ban Hạ viện Mỹ cho thấy, các nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) cho chính phủ Mỹ, trung bình mua tới 51% linh kiện / bộ phận từ Trung Quốc.  
Báo cáo trên được công bố vào ngày 19/4 bởi Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung, một cơ quan thuộc Hạ viện Mỹ có nhiệm vụ điều tra các vấn đề thương mại và an ninh quốc gia giữa Mỹ và Trung Quốc.

Việc thiếu một chiến lược chủ động để quản lý các chuỗi cung ứng của Mỹ, cùng với ý đồ khó lường của chính quyền Trung Quốc, đã tạo ra một nguy cơ lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ, cũng như đối với khả năng cạnh tranh kinh tế và sự riêng tư của người dân Mỹ.
Dựa trên thông tin có sẵn công khai, báo cáo cho thấy trung bình 51% các bộ phận và linh kiện được chuyển đến 7 nhà sản xuất thiết bị CNTT hàng đầu của Mỹ, bao gồm Hewlett-Packard, IBM, Dell, Cisco, Unisys, Microsoft và Intel, là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất Mỹ này lần lượt cung cấp hầu hết các máy tính, thiết bị định tuyến, phần mềm, máy in và các sản phẩm CNTT khác, được chính phủ Mỹ sử dụng.
Theo báo cáo, trong số bảy công ty, Microsoft đứng đầu danh sách, với 73% các bộ phận / chi tiết của họ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Là một trong những chuyên gia đã đóng góp vào báo cáo, bà Jennifer Bisceglie, Giám đốc Điều hành của công ty Interos Solutions, cho biết phần lớn đấu thầu mua sắm CNTT hàng năm trị giá 90 tỷ USD của chính phủ Mỹ, kết thúc bằng việc mua các sản phẩm của Trung Quốc hoặc các sản phẩm có chứa các bộ phận và linh kiện sản xuất tại Trung Quốc.
Báo cáo cảnh báo rằng 7 công ty này không phải là những công ty duy nhất cung cấp thiết bị CNTT cho chính phủ Mỹ, nhưng là những nhà cung cấp hàng đầu, căn cứ trên những nguồn thông tin có sẵn công khai. Tuy nhiên, một số nhà cung cấp thiết bị CNTT hàng đầu khác như công ty AT & T, Abacus Technology và Amazon Web Services, vẫn chưa được khảo sát.
Theo báo cáo, hơn 95% các linh kiện điện tử thương mại và hệ thống CNTT, trợ giúp cho chính phủ Mỹ, là các sản phẩm thương mại có sẵn, trong đó Trung Quốc có vai trò đáng kể trong mạng lưới cung ứng toàn cầu các sản phẩm này.
Không chỉ các thiết bị phần cứng của Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo mật, mà nhiều chương trình phần mềm của Trung Quốc cũng bị xem là “Gián Điệp”, có thể lấy cắp thông tin riêng tư của người sử dụng. (Ảnh: Download Apps)
Trong nhiều năm, các chuyên gia an ninh quốc gia cũng như các quan chức Mỹ, đã lên tiếng báo động về khả năng các quốc gia đối địch, có thể đủ tinh vi để đưa vào một lỗi độc hại trong các thiết bị của Mỹ, thậm chí có thể là một lỗi có thể khai thác, có thể khởi sự hoạt động tại thời điểm mà đối thủ lựa chọn.
Xét các mối đe dọa ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc đối với an ninh quốc gia Mỹ, ngày càng có nhiều lời kêu gọi cần xem xét toàn diện về sự phụ thuộc của ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ, vào các bộ phận / linh kiện sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm mà cuối cùng chính phủ Mỹ hoặc thậm chí quân đội Mỹ, mua và sử dụng.
Báo cáo cũng chỉ ra một danh sách các chính sách và luật kinh doanh của Trung Quốc, được ban hành trong vài năm qua, tất cả đều tìm cách bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất Trung Quốc và để giúp Trung Quốc thống trị thị trường công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong tương lai.
Báo cáo viết: “Những quy định mới này đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng đối với các công ty đa quốc gia của Mỹ, và một mối đe dọa rất lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ. Nếu các công ty Mỹ, là nhà cung cấp ICT chính thức cho chính phủ liên bang Mỹ, giao nộp mã nguồn, thông tin doanh nghiệp độc quyền, và thông tin an ninh cho chính phủ Trung Quốc, họ đã tiết lộ chính mình và những mạng lưới ICT của liên bang, cho các nỗ lực gián điệp mạng của Trung Quốc”.
Cũng theo báo cáo, những cuộc tấn công mạng vào các chuỗi cung ứng cũng có thể trở nên dễ dàng hơn và phổ biến hơn, khi mà việc phát triển các công nghệ như công nghệ mạng di động 5G và internet, làm gia tăng phương thức tấn công theo cấp số nhân.
Báo cáo đề xuất việc tạo ra một “lãnh đạo tập trung” trong chính phủ Mỹ, để giám sát và điều chỉnh chuỗi cung ứng. Điều này yêu cầu các nhà thầu cho chính phủ Mỹ, phải tiết lộ các nhà cung cấp các bộ phận và chi tiết của mình. Ngoài ra, báo cáo cũng đề xuất Hạ viện Mỹ ràng buộc ngân sách của các chương trình với việc giám sát chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định có liên quan.
Phạm Duy, theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Có thể bạn quan tâm :