15/04/2018
Một nỗ lực của Nga để Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp nhắm vào Syria, liên quan tới một vụ tấn công bị nghi sử dụng vũ khí hóa học, đã thất bại hôm thứ Bảy sau khi chỉ có Trung Quốc và Bolivia cùng Nga biểu quyết ủng hộ dự thảo nghị quyết.
Hội đồng 15 thành viên đã hội họp vào ngày thứ Bảy, theo yêu cầu của Nga, lần thứ năm về Syria kể từ một vụ tấn công bị nghi sử dụng khí độc nhắm vào thị trấn Douma cách đây một tuần. Mỹ, Pháp và Anh đã bắn 105 phi đạn trong đêm để đáp trả, nhắm vào chương trình vũ khí hóa học của Syria.
"Tại sao quí vị không đợi kết quả cuộc điều tra mà quí vị yêu cầu?" Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói sau cuộc biểu quyết. Ông cáo buộc Mỹ, Pháp và Anh "trắng trợn coi thường luật pháp quốc tế."
"Tôi hy vọng những cái đầu nóng sẽ hạ nhiệt và sẽ dừng lại ở đó," ông nói với các phóng viên.
Các nhà điều tra quốc tế từ cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu đang có mặt tại Syria và bắt đầu cuộc điều tra vào ngày thứ Bảy về một vụ tấn công bị nghi sử dụng khí độc. Nga và Syria đã nói rằng không có bằng chứng cho thấy một tấn công bằng vũ khí hóa học đã xảy ra.
Mỹ, Pháp và Anh biện hộ hành động quân sự của họ là hợp pháp trong cuộc họp Hội đồng Bảo an.
"Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã làm tê liệt chương trình vũ khí hóa học của Syria. Chúng tôi sẵn sàng duy trì áp lực này, nếu chế độ Syria dại dột muốn thử ý chí của chúng tôi," Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói.
"Nếu chế độ Syria sử dụng khí độc này một lần nữa, Hoa Kỳ đã sẵn tư thế khóa và nạp đạn," bà Haley nói.
Trong một phát biểu tại Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các nước "kiềm chế trong những tình huống nguy hiểm này và tránh bất kỳ hành động nào có thể leo thang sự việc và làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ của người dân Syria."
Tám nước biểu quyết chống lại dự thảo của Nga vào ngày thứ Bảy, dù Peru, Kazakhstan, Ethiopia và Guinea Xích đạo không biểu quyết. Nghị quyết cần có chín biểu quyết thuận và không có phủ quyết nào của Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh hoặc Mỹ để thông qua.
Hội đồng hôm thứ Ba không thông qua được ba dự thảo nghị quyết về các vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria. Nga phủ quyết một nghị quyết của Mỹ, trong khi hai nghị quyết của Nga không giành đủ chín biểu quyết thuận tối thiểu để thông qua.
Pháp, Mỹ và Anh dự định đệ trình một dự thảo nghị quyết mới nhằm dỡ bỏ chương trình vũ khí hóa học của Syria, diệt trừ khủng bố, đòi hỏi một tiến trình ngừng bắn ở Syria và tìm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc, François Delattre, nói với hội đồng vào ngày thứ Bảy.
Tấn công Syria : Nga có được báo trước không ?
Tên lứa phóng đi từ một chiến hạm Pháp trên Địa Trung Hải đêm 13 qua ngày 14/4/2018.AFP/ECPAD
Matxcơva có được báo trước hay không, và nếu được báo trước, thì vào thời điểm nào trước cuộc tấn công của Mỹ, Pháp, Anh đêm 13 qua ngày 14/4/2018, nhắm vào « các cơ sở hóa học » Syria ? Câu hỏi trên đây hiện còn để ngỏ.
Trang France Info hôm nay, 14/04/2018, dẫn lời tổng tham mưu trưởng Quân Đội Mỹ, Joe Dunford, cho biết Washington và các đồng minh đã tìm cách tránh tấn công vào các lực lượng Nga, vốn có mặt đông đảo tại Syria, nhưng Matxcơva « không được thông báo trước » về các cuộc không kích. Còn trang tin Pháp LCI cho hay, theo phủ tổng thống Pháp, Nga đã được thông tin về chiến dịch này, theo « kênh ngăn ngừa xung đột », cơ chế cho phép tránh các va chạm trên bộ và trên không giữa quân đội phương Tây với Nga. Tuy nhiên, cũng nguồn tin này khẳng định Nga chỉ được « thông báo » trong quá trình chiến dịch khởi sự, chứ không được « báo trước ».
Trong khi đó theo France Info, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly ngược lại đã cho biết Matxcơva « được báo trước ». Riêng Reuters dẫn lại một nguồn tin quân sự cao cấp Syria cho rằng các mục tiêu quân sự của Damas, bị nhắm vào, đã được « sơ tán trước đó nhiều ngày », nhờ thông tin từ Nga.
Theo các nhà quan sát, kể từ khi liên quân quốc tế can thiệp chống Daech tại Syria, nhìn chung để tránh va chạm với lực lượng Nga, hai bên đã có nhiều kênh thông tin để phòng ngừa đụng độ ngoài ý muốn. Một trong những phương tiện chính để « ngăn ngừa va chạm » là thông qua đường điện thoại đặc biệt giữa trung tâm chỉ huy các lực lượng liên quân, có trụ sở tại Qatar, với trung tâm tương đương của Nga, được coi là kênh liên lạc chính, vốn nhiều lần bị đe dọa đình chỉ, vào thời điểm quan hệ song phương căng thẳng.
Tiêu diệt được các mục tiêu đề ra
Về các thiệt hại của chính quyền Syria, theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (OSDH), cơ sở có nhiều mạng lưới thông tin tại chỗ, ba địa điểm bị Mỹ - Pháp – Anh nhắm vào đều là các chi nhánh của Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Syria (CERS), thuộc bộ Quốc Phòng, nơi bị tình nghi là cơ sở nghiên cứu vũ khí hóa học. Trong một cuộc họp báo, tướng Kenneth McKenzie, một quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng Mỹ, khẳng định các cuộc không kích vừa được tiến hành là « chính xác » và « hiệu quả », chương trình sản xuất vũ khí hóa học của chính quyền Damas sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi như trước.
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian cũng ghi nhận với BFMTV là đợt không kích đã nhắm trúng các mục tiêu đề ra, hệ thống vũ khí hóa học của Syria bị phá hủy « một phần quan trọng», đồng thời cảnh báo, nếu chính quyền Damas sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa, họ sẽ không thoát khỏi các trừng phạt quân sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét