Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Vụ đánh cắp khó tin báo cáo chính trị "tuyệt mật" của Liên Xô năm 1956

Phan Hồng Hà | 

Vụ đánh cắp khó tin báo cáo chính trị "tuyệt mật" của Liên Xô năm 1956
N. Khrushev tại Đại hội XX ĐCSLX, ngày 14/2/1956. Ảnh: rusarchives.ru

Sau cái chết của lãnh đạo Liên Xô I.Stalin (1953), cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ không hề kết thúc như nhiều người tưởng, mà dường như nó được đẩy lên ở cấp độ mới.

Bản báo cáo được săn lùng
Khi Nikita Khrushev lên nắm quyền lãnh đạo Liên Xô, cả thế giới dường như "nín thở" chờ xem cường quốc sẽ đi theo con đường nào. Đường lối đối nội, đối ngoại của Liên Xô trong tương lai chắc chắn sẽ được nói đến trong Báo cáo Chính trị của Khrushev sẽ trình bày tại Đại hội lần thứ XX Đảng cộng sản Liên Xô (2/1956).

Do vậy, về mặt ý nghĩa chính trị, đây sẽ là tài liệu quan trọng bậc nhất hành tinh vào thời điểm tháng 2/1956.
Đại hội XX đã diễn ra trong điều kiện an ninh cực kỳ nghiêm ngặt: Không có các đoàn đại biểu quốc tế. Những gì mà Khrushev đọc trong Đại hội XX, không một ai ngoài các ủy viên BCT, ủy viên Trung ương được biết. Do vậy, các cơ quan tình báo nước ngoài ráo riết vào cuộc để săn các thông tin liên quan đến báo cáo chính trị "tối mật"này.
Ngày 4/6/1956, cả thế giới rúng động khi toàn văn Báo cáo Chính trị Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô đã được đăng tải trên tờ "The New York Times" và ngay sau đó được các tờ báo lớn của phương Tây đăng lại.
"Chiến công" này là của cơ quan tình báo Shin Bet ( ISA) Israel. Cơ quan này được thành lập năm 1949, là một trong 3 cơ quan tình báo của đất nước này (ngoài ISA còn có AMAN và MOSSAD).
Rò rỉ bằng cách nào?
Trên thực tế, không có vụ tình báo nước ngoài đột nhập vào điện Kremlin để ăn cắp tài liệu mật rồi lên trực thăng trốn chạy như trong phim Hollywood.
Vụ rò rỉ tài liệu mật này xảy ra ở Ba Lan, và nó xảy ra đơn giản đến mức khó tin.
Năm 1956, Victor Graevsky là phóng viên của TTX Ba Lan. Một năm trước, khi công tác tại Israel, Graevsky đã được cơ quan tình báo ISA bí mật tuyển mộ. Các lãnh đạo của nhà nước Do Thái muốn biết các chính sách của Liên Xô đối với Israel trong thời gian sắp tới.
Sau đại hội XX, văn kiện Đại hội đã được Liên Xô bí mật gửi tới lãnh đạo các nước trong phe XHCN, trong đó có Ba Lan.
Là một phóng viên kiêm điệp viên, Graevsky biết rõ Khrushev đã đọc một báo cáo chính trị cực kỳ quan trọng tại Đại hội Đảng XX Đảng Cộng sản Liên Xô và hiện nó đang là đối tượng truy lùng các cơ quan tình báo trên thế giới. Theo một số nguồn tin, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã hối thúc CIA bằng mọi giá phải có được tài liệu quý giá này, kể cả mua với giá cực cao.
Vụ đánh cắp khó tin báo cáo chính trị tuyệt mật của Liên Xô năm 1956 - Ảnh 1.
Tổng thống Mỹ Eisenhower. Ảnh: AP
Vào thời điểm đó, Graevsky có người yêu là Lucia Baranovskaya, làm việc ở Trung ương Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan.
Một lần Graevsky ghé văn phòng rủ Lucia đi uống cà phê, nhưng cô nói quá bận. Trong lúc nói chuyện, Graevsky để ý trên bàn làm việc của người yêu có chiếc cặp tài liệu màu đỏ, bên ngoài đề "Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô. Báo cáo của Khrushev" có đóng dấu "Tuyệt mật".
Đầu tiên, Graevsky không tin vào mắt mình: Không lẽ đây chính là tài liệu đang được truy tìm gắt gao nhất trên thế giới? Khi đã bình tâm, tay phóng viên này ngỏ ý "mượn" người yêu tập tài liệu một lát để "nghiên cứu" và nhận được sự đồng ý.
Ngay sau đó, Graevsky đã đến Đại sứ quán Israel tìm gặp người quen là Yaakov Barmor. Khi đó y vẫn chưa biết Barmor cũng chính là điệp viên của ISA.
Thoạt tiên Barmor cũng cảm thấy "choáng" khi đọc tên của tập tài liệu, sau đó liền đọc nó ngay. Một tiếng rưỡi sau, Graevsky đặt trả lại tập tài liệu trên bàn của cô người yêu nhẹ dạ. Đến đây, vai trò của điệp viên này đã kết thúc. Năm sau, 1957, Graevsky chuyển sang định cư ở Israel.
Sau khi chụp bộ tài liệu vô giá, Barmor đáp chiếc máy bay sớm nhất tới Vienna và chuyển nó cho "sếp" của mình là Amos Manor. Ngay tối hôm đó, Thủ tướng Israel Ben-Gurion đã đọc được toàn văn Báo cáo Chính trị của Khrushev tại Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô.
Sau đó, Ben-Gurion quyết định chuyển nó cho Mỹ để thể hiện thiện chí "củng cố quan hệ hữu nghị" với nước này, với một điều kiện 2 nước sẽ thường xuyên "trao đổi tin tức tình báo" cho nhau.
Nhận được tài liệu giám đốc CIA Allen Dulles hoàn toàn bất ngờ. Ông ta và các lãnh đạo CIA không thể ngờ một cơ quan tình báo Israel non trẻ mới thành lập năm 1949 mà đã "vượt mặt" được Cục tình báo Trung ương Mỹ trong vụ chiếm được tài liệu tối quan trọng này.
Sau khi kiểm tra kỹ càng độ tin cậy, bản Báo cáo Chính trị của Khrushev đã được trao cho Tổng thống Eisenhower. Không suy nghĩ lâu, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh công khai văn bản này trên báo chí.

Không có nhận xét nào: