Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Họ không cần nổ súng hoặc ăn mừng trên chiến thắng đối với đồng bào mình...như Việt Nam?; Kim Jong-un vĩ đại

Người trong một nước

27-4-2018


Ảnh: internet

Đây là cái bắt tay giữa hai nền chính trị đối nghịch nhau: dân chủ (tam quyền phân lập) và độc tài toàn trị (cộng sản) trên bán đảo Triều Tiên, nơi bị chia cắt thành Bắc Triều Tiên và Nam Hàn (Đại Hàn Dân Quốc) trong khoảng thời gian nội chiến từ năm 1950 – 1953.
Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Ja-in đã được Kim Jong-un mời sang thăm nhưng với một lời rào trước rằng: đất nước tôi với cơ sở hạ tầng giao thông cũng như các phương tiện rất tồi tệ, có thể sẽ khiến ông không hài lòng và cảm thấy khó chịu. Nhưng ông Moon vẫn luôn niềm nở và coi đó là một niềm hy vọng của một sự khởi đầu tươi đẹp nhất từ trước cho đến nay.
Một đất nước bị chia cắt thành hai quốc gia sau chiến tranh, nhưng sau 68 năm dân tộc này lại tiến tới một sự hợp nhất về lãnh thổ và chủ quyền lẫn thể chế. Rõ ràng những khởi đầu này là một bước ngoặt hết sức tốt đẹp dành cho nhân dân đất nước này. Họ không cần nổ súng hoặc ăn mừng trên chiến thắng đối với đồng bào mình, họ coi nhân dân ở bên kia biên giới vẫn là người cùng dân tộc và lãnh đạo Hàn Quốc luôn cố tìm mọi cách để hoà hợp, hoà giải để thống nhất cả hai miền Nam-Bắc làm một nhà và cùng phát triển.
Còn chúng ta, có học được gì từ họ không? Khi năm nào một bên cũng coi chiến thắng đối với miền Nam là lịch sử và vĩ đại nhưng là trên xương máu đồng bào, còn một bên thất trận luôn sục sôi căm hờn với “ngày quốc hận” để oán thù? Tất cả những biểu hiện ấy chỉ đơn giản là của những tâm hồn ích kỷ, dân tộc hẹp hòi, cực đoan và không có tấm lòng và trí tâm vì tổ quốc thực sự.
Nước Mỹ cũng rơi vào chiến tranh hai miền Nam – Bắc, khiến nhiều triệu người chết và gây ra bao cảnh tang thương, chết chóc, nhưng sau khi giành quyền kiểm soát toàn liên bang, miền Bắc không ăn mừng chiến thắng vì với họ đó là cuộc nội chiến bất đắc dĩ cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt và cần để nó rơi vào lãng quên mau đi. Họ đối xử với những người thua cuộc như chính những người của bên thắng trận, những người hy sinh ở hai bên chiến tuyến vẫn được chôn cất cùng một nghĩa trang với nhau. Nước Mỹ không tổ chức ăn mừng ngày kết thúc tiếng súng thống nhất hai miền Nam – Bắc. Người Mỹ không để những người cùng một dân tộc bị phân biệt đối xử sau cuộc chiến và cũng không ai bị cải tạo về chính trị hay bị bắt bớ tù đày. Và nước Mỹ lại vĩ đại như nó vốn là như vậy ngay từ khi khởi sinh, bởi tinh thần quý tộc và đoàn kết Mỹ.
Còn trên đất nước chúng ta, năm nào cũng cất vang bài ca chiến thắng vang dội và vĩ đại trong những ngày cuối tháng 4, trong khi hàng triệu người vẫn cảm thấy đau thương và mất mát, vẫn rỉ máu trong tâm thức, những thế hệ vẫn tha hương và chất đầy những oán hận và cả những nỗi sợ hãi ám ảnh tột cùng. Những vết thương chiến tranh vẫn chưa nguôi ngoai vì bên thắng cuộc không dừng lại việc tôn vinh những thắng lợi trên sự thương đau của đồng bào mình, dù đã gần một nửa thế kỷ trôi qua. Làm sao có thể hoà giải khi day mãi vào nỗi đau của những người cùng một dân tộc? Trong khi, đất nước hiện giờ còn lâm vào bao thảm cảnh, nợ nần chồng chất, nghèo đói vây quanh, tham nhũng hoành hành và con người tàn ác với nhau.
Khi nào thì không quay đầu về quá khứ để làm tổn thương chính người trong dân tộc mình để có thể tập trung vào xây dựng đất nước phồn vinh và cường thịnh?


27-4-2018

Chỉ còn 3 ngày nữa là kỉ niệm 43 năm ngày thống nhất đất nước. Đúng vào lúc này, chúng ta nhận được thông tin về những bước đi đến thống nhất hai miền Nam Bắc Triều tiên.
Còn nhớ khi nhỏ, tôi có hỏi nhiều người lớn, rằng tại sao Đức và Triều tiên không có chiến tranh giải phóng dân tộc? Câu trả lời thường là chúng ta yêu nước hơn họ.
Bây giờ, nước Đức đã thống nhất, và đang là một trong những đất nước thuộc nhóm dẫn dắt thế giới. Còn Hàn quốc thì đã là một nền kinh tế lớn của thế giới, với những Samsung, Huyndai… Nếu hai miền Triều tiên thống nhất, khả năng cao là họ sẽ trở thành một đất nước hùng mạnh.
Nhìn lại chúng ta. Bao nhiêu triệu mạng người đã ngã xuống, đạo đức xã hội băng hoại, đất nước bị chia rẽ sâu sắc, xã hội ngày càng mất ổn định, những kẻ trong bộ máy cầm quyền càng ngày càng tham lam, độc ác, người dân càng ngày càng cảm thấy bế tắc, hoang mang.
Hàng nhiều triệu người đã bỏ đất nước này ra đi. Vì kinh tế, vì bức bách, vì chán chường, vì mong muốn một tương lai cho con, cháu… Hết trào lưu thuyền nhân với hàng vạn người vùi thây dưới đáy biển, đến trào lưu đi làm công việc phổ thông, lao động bất hợp pháp, tương lai bất định, trốn chui trốn nhủi. Bây giờ thì những người giỏi làm ăn và những kẻ vơ vét của cải, tài nguyên của đất nước lại lũ lượt ra đi.
Cái giá mà chúng ta phải trả cho thống nhất đất nước thật sự là quá đắt. Đấy là chưa kể, chúng ta đang trở thành những kẻ làm thuê rẻ mạt, đang bị chính những kẻ “không yêu nước bằng chúng ta” sai khiến, bóc lột.
Có nên vui không?
____

Kim Jong-un vĩ đại

27-4-2018
Mấy năm trước, Kim Jong Un nói sẽ giải phóng Nam Hàn, thống nhất đất nước, nghe mà cười ngặt nghẽo. Nay chứng kiến thượng đỉnh liên Triều hội nghị, mới thấm Kim Jong Un đúng là tuổi trẻ tài cao.
Riêng việc Kim rời thủ đô xuôi về phía Nam, bước qua lằn ranh biên giới với Nam Hàn, đủ cho thấy Kim đã không hành động vì lợi ích cá nhân, gia đình, dòng họ nữa.
Một thái độ trịch thượng có khi như Chí phèo, mà ông ta chấp nhận cuộc gặp này, nghĩa là Kim đã nhượng bộ. Tôi tin, sự nhượng bộ này xuất phát từ tình cảnh của nhân dân Bắc Triều đang ngày càng khốn khó.
Kim Jong Un đã bước qua “biên giới” của dân tộc, nghĩa là ông ra đã dám bước qua chính mình, để giơ tay với phía bên kia chiến tuyến, mà thực chất là thủ túc của nhau.
Như vậy, việc giải phóng mà Kim tuyên bố, đâu phải bằng vũ khí. Chỉ khi nào nhân dân không phải đổ máu và có cuộc sống ấm no, mới là chiến thắng.
Tuyệt quá, Kim Jong Un!
Tôi ước, sau cuộc gặp này và sau đó nữa là cuộc gặp Mỹ – Triều, rồi sau đó nữa, Kim biết từ bỏ những quan thầy đang sử dụng Bắc Hàn như một món hàng đặc biệt để trao đổi lợi ích với nhau, để bước tiếp về phía Nam, để tuyên bố xoá bỏ “biên giới” dân tộc, để Triều Tiên liền một dải, nhẹ nhàng, êm thấm, không một tiếng súng.
Nếu được thế, Kim Jong Un là người Vĩ đại nhất của thế kỷ này.

Tất cả hãy dũng cảm đập nát oán thù


27-4-2018
Thật khó có thể biết điều gì xảy ra tiếp theo sau những hình ảnh lịch sử có thể nói “đẹp” nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh này, khi hai nguyên thủ Nam-Bắc Triều Tiên gặp gỡ nhau trong không khí cởi mở và thân thiện, mang lại thông điệp nhiều ý nghĩa cho một khả năng dẫn đến một tiến trình hòa bình thật sự sau nhiều thập niên triền miên căng thẳng. Những bức ảnh này gợi đến lịch sử cuộc xung đột hai miền Nam Bắc Việt Nam.
Thật là một bi kịch lịch sử của dân tộc nói chung, khi ý muốn bắt tay với Bắc Việt của hai ông Diệm-Nhu nhằm tìm con đường thoát khỏi chiến tranh, đã không thành hiện thực. Bộ máy lãnh đạo cộng sản Bắc Việt, thời Lê Duẩn, cũng chẳng muốn “đổi ý thức hệ” để “lấy hòa bình”. Hà Nội sẵn sàng tắm máu đồng bào để “giải phóng” miền Nam hơn là chịu cùng bước qua vĩ tuyến 17 để bắt tay Sài Gòn, bằng tình đồng bào, trong một đất nước đau thương tan nát bởi khói lửa binh đao.
Điều đáng nói là sau khi đạn bom ngưng nổ, “cuộc chiến Việt Nam” vẫn tiếp tục dày xéo dân tộc, vẫn tạo ra những xung đột dạng này hay dạng khác giữa người dân bên này và bên kia vĩ tuyến 17 dù trong thực tế “vĩ tuyến chiến tranh” không còn tồn tại. Sau chiến tranh, hận thù vẫn không nguôi và Bắc Việt thậm chí trút sự thù hận dai dẳng và nhỏ nhen lên trên đầu cả những người đã chết. Thật là bi thảm và nghiệt ngã cho dân tộc. Sau ngần ấy năm chiến tranh, dân tộc lại oằn oại hàng chục năm, cho đến nay, trong nghi kỵ và căm ghét hẹp hòi.
Trong chiến tranh, cơ hội để tìm kiếm hòa bình là rất mong manh và rất hiếm hoi nhưng trong thời bình mà không biết khai thác vô số cơ hội để hàn gắn vết thương chiến tranh là một nghịch lý khủng khiếp đến mức tàn bạo. Tôi chán phải nói đến những điều này. Không ít người cũng mệt mỏi khi nghĩ đến điều này.
Bây giờ, tôi chỉ mong, chỉ mơ một điều, rằng, tất cả hãy dũng cảm đập nát oán thù, còn bao nhiêu đạn dược trong đầu hãy bắn nát vào những oán thù, hãy đứng lên rũ bỏ oán thù và cùng với nhau tiến đến việc xây dựng đất nước, hơn là tiếp tục ưỡn ngực phô bày những tấm huy chương nhuộm máu đồng loại. Sau hơn 40 năm, điều đó còn chưa làm được thì bao giờ đất nước này mới thôi cảnh trầm luân!

Kông Kông
28-4-2018
Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un nắm tay TT Nam Hàn Moon Jae-in, vui mừng chiến thắng cho người dân hai miền. Ảnh: Internet
Tháng Tư, ngày 27/4/2018, tại đất nước Triều Tiên, hai miền Nam Bắc họp thượng đỉnh. Ngay buổi tối, ngày đầu tiên, họ đã ra Tuyên bố chung chứ không phải cần thương lượng gì nhiều. Điều nầy chứng tỏ hai bên đã đạt được đồng thuận rất nhanh trong giai đoạn rất ngắn để dàn xếp cho cuộc họp thượng đỉnh kể từ sau Olympic mùa Đông tại Nam Hàn vừa rồi.
Có 2 điểm quan trọng nhất trong 8 điểm được họ cam kết là từ nay vận mệnh Triều Tiên sẽ được chính hai miền quyết định. Và cũng từ nay giữa hai miền chấm dứt mọi “hành vi thù địch”!
Chỉ với 2 điều đầu tiên đó đã cho thấy ló dạng một Triều Tiên thống nhất, tự chủ và người dân giữa hai miền sẽ không hề bị chia rẽ! Yếu tố người Triều Tiên không bị chia rẽ là quan trọng nhất để họ có thể hỗ trợ nhau xây dựng một Triều Tiên thống nhất lớn mạnh trong tương lai.
Lịch sử đã phân chia Triều Tiên từ năm 1953 nhưng trong suốt thời gian 65 năm dài, tuy hai miền vẫn trong thời chiến (vì không có hiệp định ngưng chiến) nhưng họ đã không thực sự tấn công nhau nên không có nợ máu với nhau nhiều! Yếu tố không có nợ máu nầy là cốt lõi để hàn gắn những rạn nứt vì cách biệt lối sống do chế độ chính trị gây ra.
Điều may mắn là xã hội đói rách Bắc Hàn không thể ồ ạt tràn xuống Nam Hàn với tư duy xã hội chủ nghĩa để “giải phóng miền Nam”, rồi tha hồ cướp bóc, cai trị bằng súng và nhà tù!
Cũng cùng thời điểm vào cuối Tháng Tư, 43 năm trước tại Việt Nam, ngày 30/4/1975, miền Nam bị miền Bắc đánh chiếm sau 20 năm chiến tranh do phía miền Bắc gây ra với con số người chết cho cả 2 miền từ 3 đến 5 triệu! Đã thế, sau khi chiếm được họ còn tàn phá tận gốc rễ về mọi mặt xã hội miền Nam, một xã hội văn minh đúng theo tiến hóa của nhân loại. Từ tự do, nhân bản, giàu có và văn minh người miền Nam bỗng chốc biến thành “tội đồ”! Mọi giá trị từ tinh thần đến vật chất đều bị hủy diệt thay vào đó là lối sống man rợ của phe chiến thắng, tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ của loài người”!
Từ đó thế giới phải cưu mang hàng triệu người Việt tị nạn và bất hạnh thay, tự điển thế giới khai sinh danh từ mới là “thuyền nhân” (Boat people) có gốc rễ là Việt Nam!
Triều Tiên và Việt Nam giống nhau vì cùng bị chia cắt do 2 thế chế đối chọi nhau, Cộng sản và Tự do, nhưng kế thúc chắc chắn sẽ khác nhau.
Hiện tại Triều Tiên đang khởi đầu trong tiến trình hòa giải và thống nhất. Sự độc tài, đói khát và lạc hậu của Bắc Hàn có thể sẽ được con rồng kinh tế Nam Hàn vực dậy bằng cách đổ vốn đầu tư để xây dựng lại thay vì đầu tư vào nước khác. Từ căn bản đó có thể chỉ trong vòng một thập niên Bắc Hàn sẽ từng bước hội nhập tương đối được vào thế giới văn minh và lúc đó cơ may Triều Tiên sẽ thống nhất. Là sự thống nhất thực sự vì lúc đó người dân giữa hai miền không quá khác biệt về kinh tế và đặc biệt là không có hận thù vì nợ máu với nhau!
Họ phải học được bài học từ sự thống nhất của Đức. Nam Hàn sẽ không phải gồng mình đón nhận Bắc Hàn một cách bất ngờ kiểu Tây Đức gồng mình đón nhận Đông Đức.
Đặc biệt hơn là bài học lớn từ Việt Nam. Vì Việt nam sau 43 năm “giải phóng” mà nền tảng (grass roots) ban đầu của đảng cộng sản là công nhân, nông dân bây giờ lại trở thành nạn nhân bị đảng cấu kết với tư bản hoang dã nước ngoài và phe nhóm trong đảng bóc lột càng tàn tệ hơn thời thực dân phong kiến. Yếu tố “cách mạng ăn thịt con đẻ” đang xảy ra hàng ngày! Đã thế hàng năm họ còn tổ chức lễ tiệc linh đình mừng “ngày giải phóng 30/4” trên hàng triệu xác người còn chưa mờ dấu vết nên đất nước đang rơi vào bế tắc. Còn tệ hại hơn nữa là đảng đang chầu phục giặc phương Bắc, là kẻ thù của dân tộc.
Như vậy cùng trong Tháng Tư, một đàng thế giới phải cưu mang hàng triệu người tị nạn 43 năm về trước vì nhân đạo. Một đàng thế giới đang chào đón hội nghị thượng đỉnh với hy vọng kết thúc cuộc chiến tranh dai dẳng giữa Cộng sản với Tự do mà không gây ra đổ máu. Đặc biệt sẽ không gây ra làn sóng người tị nạn!

Riêng với cá nhân gia đình dòng họ Kim cai trị Bắc Hàn thì sử ký Triều Tiên và thế giới sẽ luận công và tội khi lịch sử sang trang.


Không có nhận xét nào: