VŨ PHƯƠNG
(GDVN) - Không ít ý kiến nghi ngại năng lực của Tập đoàn FLC trong thời gian gần đây thường "nổ" rất hay về dự án, nhưng khi xin được đất thì án binh bất động, chây ì.
Với năng lực của FLC, có đến mức phải di dời đồn biên phòng?Vì sao Quảng Ngãi "hỏa tốc" di chuyển đồn biên phòng, ưu ái cho FLC?Ai dung túng cho FLC chây ì hàng trăm tỷ đồng?Tập đoàn FLC gây nhiều tai tiếng, sao vẫn ẵm giải "uy tín nhất"?
Nhiều ngày qua dư luận ngỡ ngàng trước sự vào cuộc ráo riết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khi phát đi văn bản “hỏa tốc” gửi đến các ban ngành yêu cầu “cả hệ thống chính trị” cùng vào cuộc giúp Tập đoàn FLC xây khách sạn, sân golf, nghỉ dưỡng…
Đáng chú ý, trong văn bản phát đi, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi còn đề nghị các cơ quan tham mưu nhằm di dời đồn biên phòng để nhường chỗ cho dự án FLC Bình Châu – Lý Sơn.
Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn giai đoạn 1 chiếm đến 1.243 héc-ta thuộc các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Bình (đảo Bé, huyện Lý Sơn). Được biết, cả giai đoạn 2 của dự án sẽ có tổng diện tích gần 4.000 héc-ta.
Dự án được giới thiệu bao gồm các hạng mục chính như: sân golf 18 lỗ; khách sạn 5 sao và Trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ; các khu trung tâm thương mại, các khu Shophouse; khu biệt thực sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng; các khu ở tầng thấp; các khu vui chơi, giải trí; các khu resort hưởng biển; các tiện ích chăm sóc sức khỏe, không gian xanh…
Vì sao Quảng Ngãi "hỏa tốc" di chuyển đồn biên phòng, ưu ái cho FLC? |
Chiều 23/4, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phí Quang Hiển – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Dự án của Tập đoàn FLC hiện mới thực hiện bước thứ nhất là phê duyệt chủ trương đầu tư và quy hoạch. Sau đó, mới làm đánh giá tác động môi trường đối với dự án này.
Đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được báo cáo đánh giá về tác động môi trường của chủ đầu tư”.
Dư luận cũng khá bất ngờ trước cách vào cuộc quyết liệt và gấp gáp của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi dành cho Tập đoàn FLC.
Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại bởi phạm vi tổng dự án rất lớn lên đến gần 4.000 héc-ta sẽ chiếm hết phần đất liền tiếp giáp với biển và như vậy ngư dân bám biển sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng ngàn ngư dân Quảng Ngãi vẫn bám biển, vươn khơi vừa kiếm sống vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo.
Hơn nữa, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đề xuất cứ 8km dự án sẽ mở một tuyến đường ra biển. Như thế khác nào làm khó cho ngư dân mưu sinh. Điều này khác nào triệt tiêu con đường sống của ngư dân để nhường chỗ cho FLC.
Dự án khu công nghiệp FLC Hoàng Long khởi công duy nhất cái cổng chào từ năm 2015 đến này vẫn bỏ hoang,còn hàng trăm hộ dân bị lấy đất mà chưa được đền bù. Ảnh: Hữu Chí. |
Một câu hỏi mà không ít người đặt ra đó là diện tích dự án lên đến gần 4.000 héc-ta, Tập đoàn FLC sẽ làm gì hay lại giống như dự án FLC Hoàng Long (Thanh Hóa) vào ngày khởi công dự án có hàng ngàn người tham dự rồi xây cái cổng chào xong bỏ hoang.
Thậm chí có ý kiến đặt ra, Tập đoàn FLC “vẽ” ra rất nhiều dự án quy mô, tầm cỡ nhằm mục đích xin nhiều đất sau đó găm đất bán kiếm lời cho những doanh nghiệp có nhu cầu? Năng lực thật sự của FLC có kham nổi cùng lúc làm nhiều đại dự án một lúc hay không? Câu trả lời đã phần nào rõ chỉ cần nhìn vào một vài dự án bỏ hoang.
Sáng 24/4, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Phương – Phó Chủ tịch xã Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Xã có 36,2 héc-ta nằm trong dự án FLC Hoàng Long. Tổng số hội có đất nằm trong dự án là 353 hộ.
Với năng lực của FLC, có đến mức phải di dời đồn biên phòng? |
Đến thời điểm này mới có vài chục hộ được nhận đền bù đất canh tác tại vị trí xây cổng dự án để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 22/9/2015. Còn tiền hỗ trợ cho bà con ổn định cuộc sống thì số hộ này cũng chưa nhận được.
Trong khi đó hơn 300 hộ dân còn lại có đất nằm trong dự án đến nay vẫn chưa nhận được một đồng nào từ chủ đầu tư”.
Ông Nguyễn Hữu Phương cũng cho biết thêm: “Dự án xây mỗi cái cổng chào xong để đó, còn người dân thiếu đất canh tác. Về mặt thủ tục pháp lý, chính quyền chưa bàn giao cho Tập đoàn FLC mặt bằng dự án FLC Hoàng Long bởi chủ đầu tư chưa hoàn ngành nghĩa vụ tài chính nên người dân có quyền canh tác.
Chúng tôi cũng đề nghị lên các cấp và lãnh đạo Tập đoàn FLC trả lời về việc dự án có tiếp tục thực hiện nữa hay không, bao giờ thực hiện tiếp và đền bù cho bà con để chúng tôi thông tin đến bà con”.
Được biết, khu công nghiệp FLC Hoàng Long có diện tích 286,82 héc-ta, tổng mức đầu tư 2.317,5 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng để có thể bàn giao cho một số doanh nghiệp đầu tiên ngay trong năm 2015.
Giới thiệu là vậy nhưng thực hiện dự án theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, khu công nghiệp được giới thiệu hoành tráng nhất Thanh Hóa hiện đang bỏ hoang, “chết lâm sàng” ngoài cái cổng dự án rêu mốc đen thì bên trong cỏ dại mọc hoang hóa.
Người dân một số xã dự kiến nằm trong dự án của FLC tại Quảng Ngãi chưa hay biết gì thông tin về dự án. Ảnh: VOV |
Không chỉ Thanh Hóa, mà ngay giữa Thủ đô Hà Nội, hồi tháng 7/2017 Tập đoàn FLC đã đấu giá thành công lô đất ĐM1 có diện tích 64.090m2 (6,4 héc-ta) nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chây ì số tiền hơn 700 tỷ đồng nộp vào ngân sách.
Theo đó, lô đất ĐM1 mà Tập đoàn FLC trúng đấu giá là 860 tỷ đồng, nhưng Tập đoàn này mới nộp được 98 tỷ đồng. Trong khi quy định nêu rõ sau 20 ngày công bố kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá nếu không sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại đã hơn 8 tháng trôi qua kể từ khi Tập đoàn FLC trúng đấu giá, nhưng tập đoàn này vẫn chây ì, thách thức pháp luật và dư luận.
Điều lạ lùng và khó hiểu là vấn đề đã “rõ như ban ngày”, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của Tập đoàn FLC và thu hồi lô đất trên. Một lần nữa dư luận lại phải đặt ra câu hỏi: Ai dung túng cho FLC chây ì hàng trăm tỷ đồng gây thiệt hại nặng cho ngân sách, xâm hại lợi ích nhà nước?
Điều bất ngờ hơn nữa, một giải thưởng về bất động sản mới đây do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức đã vinh danh Tập đoàn FLC ở hạng mục giải “Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất” khiến không ít người ngạc nhiên.
Với những tai tiếng, lùm xùm gần đây thì việc lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi bố trí cho FLC làm resort sẽ phá vỡ cảnh quan khu vực đang có hàng ngàn ngư dân bám biển và nhiều cảnh quan tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng.
Một câu hỏi đặt ra là kịch bản có lặp lại giống như dự án FLC Hoàng Long hay không, khi chủ đầu tư xin thật nhiều đất sau đó bỏ hoang, còn tiền đền bù cho người dân nằm trong dự án thì "không có thời gian cụ thể".
Việc chính quyền tỉnh Quảng Ngãi sốt sắng và quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị giúp FLC có vội vàng và đã đặt lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và hàng ngàn ngư dân bám biển?
Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải thông tin sáng 27/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi có buổi tiếp xúc cử tri tại ba xã Bình Châu, Bình Phú, Bình Hòa (huyện Bình Sơn).
Tại đây, Đại tá Bùi Minh Hải - nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, cho hay rất ngỡ ngàng trước những chỉ đạo hỏa tốc của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về quyết định cho FLC triển khai dự án tại đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn) và ba xã của huyện Bình Sơn.
Đại tá Hải nói thẳng: “Từ tháng 3/2018 đến nay, chỉ có hai cuộc họp mà đã quyết định. Công trình của FLC làm đem lại phúc lợi gì cho người dân? Gần 4.000 héc-ta đất giao cho FLC thì có xứng đáng không?”.
Ông Hải tiếp tục nêu vấn đề: “Khởi công trên cơ sở khoa học nào? Đến nay còn một tháng nữa mà di dời dân thì có khả năng không? Tỉnh nghèo như chúng ta khi xây dựng cơ sở vật chất xã hội còn thiếu vốn mà chủ tịch tỉnh hứa sẽ ứng 500 tỉ đồng để nhà đầu tư giải phóng mặt bằng. Vậy thì điều này có đúng quan điểm phục vụ nhân dân không hay phục vụ cho FLC?”.
Theo Đại tá Hải, nhân dân đã sống ở đây bao nhiêu năm, giờ cuộc sống đảo lộn mà chủ tịch tỉnh nói rằng 8 km mới làm một đường xuống biển.
Trước sự thẳng thắn của cử tri, ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, bên cạnh việc bảo tồn các di sản thì tỉnh phải có chính sách để thu hút đầu tư. Từ đó mới tạo ra nguồn lực bảo tồn.
Tuy nhiên, ông Chữ khẳng định rằng khi dự án vào cuộc thì phải có những cuộc họp, đối thoại để tranh luận.
“Vừa rồi mình cho chủ trương để khảo sát lập dự án đề xuất đầu tư. Đến giờ phút này tỉnh chưa có gì gọi là quyết chủ trương đầu tư cả. Mình cho chủ trương như vậy có nghĩa là để nhà đầu tư tiến hành công tác đo đạc, khảo sát đánh giá thực trạng tại dự án theo quy định. Trên cơ sở đó mới đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, quyết định đầu tư hay không”, ông Chữ nói.
Theo Bí thư Quảng Ngãi, trước khi đầu tư phải nghe đầy đủ tác động về kinh tế-xã hội của dự án. Khi quyết định dự án phải thu thập ý kiến người dân, nhất là người dân trong vùng dự án.
Việc khởi công dự án ngày 19/5 chỉ là dự kiến, muốn làm được thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định, không đủ thì không khởi công. Hàng trăm hộ dân khổ sở vì độ lì của dự án FLC Hoàng Long
(GDVN) - FLC Hoàng Long từng được kỳ vọng là khu công nghiệp kiểu mẫu, nhưng đã gần 3 năm sau lễ khởi công rầm rộ, cái gọi là “kiểu mẫu” chỉ là bãi đất trống...
Với năng lực của FLC, có đến mức phải di dời đồn biên phòng?Vì sao Quảng Ngãi "hỏa tốc" di chuyển đồn biên phòng, ưu ái cho FLC?Ai dung túng cho FLC chây ì hàng trăm tỷ đồng?
Không còn đất, phải tha phương cầu thực
Ngày khởi công dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long (22/9/2015), người dân đến rất đông, nín thở theo dõi từng phát biểu của các vị quan chức, khách mời.
Nào là Khu công nghiệp kiểu mẫu FLC Hoàng Long; nào là chủ đầu tư cam kết sẽ dành những nguồn lực tốt nhất về con người, tài chính… để dự án triển khai đúng tiến độ, đúng với tinh thần thần tốc của tất cả các dự án mà FLC đã và đang triển khai; nào là dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho từ 60.000-80.000 lao động...
Nhưng sau gần 3 năm, cái gọi là “khu công nghiệp kiểu mẫu” chỉ là bãi đất trống mênh mông, cỏ mọc um tùm phía sau chiếc cổng chào lạnh lẽo, vô hồn.
Dân mất tư liệu sản xuất (ruộng đất), mất luôn kế sinh nhai, có người phải lặn lội đi khỏi quê nhà để mưu sinh.
Mấy năm nay, ít có đêm nào ông L.Đ.B. (hơn 60 tuổi, trú tại thôn 8, xã Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) được yên giấc vì lo nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền.
Những tưởng Khu công nghiệp FLC Hoàng Long đi vào hoạt động, gia đình ông sẽ đổi đời vì nhận được hơn 300 triệu đồng tiền đền bù từ 4 sào đất nông nghiệp bị lấy vào dự án.
Nào ngờ “triệu phú” chưa thành, chỉ thấy cuộc sống ngày càng khốn khó vì doanh nghiệp chây ì trả tiền đền bù, thực hiện dự án.
Có lẽ vậy mà từ một người nông dân chất phác, thật thà, thì nay tính cách của ông cũng trở nên thất thường đến lạ.
Ngày đó, ông B. dự định, sau khi lấy tiền đền bù, sẽ sửa lại căn nhà cho đỡ dột nát, nhưng nào ngờ...
“Để dự án sớm đi vào hoạt động, họ làm thủ tục giải phóng mặt bằng rầm rộ lắm! Người dân thấy doanh nghiệp về đầu tư, cam kết tạo công ăn việc làm như mở cờ trong bụng, nên ủng hộ hết mình.
Vào một đêm cuối tuần năm 2015, mấy chục hộ dân trong thôn 8 được cán bộ (cán bộ xã, đại diện tập đoàn) mời tới nhà văn hóa thôn phổ biến kế hoạch đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Họ làm thủ tục giấy tờ với tinh thần "tốc chiến, tốc thắng", rồi nói với chúng tôi ký giấy tờ, ngày mai sẽ có tiền chuyển về.
Nhưng dân chờ mãi chả thấy tiền đâu, chỉ thấy họ hứa hết lần này đến lần khác”, ông B. kể lại.
Không có đất sản xuất, mất nguồn thu nhập chính trong gia đình, cho nên mấy đứa con của ông cũng vì thế mà phải bỏ xứ đi làm ăn.
Vất vả nhất là vợ chồng đứa con trai phải gửi con cho ông bà để ra Hà Nội đánh giày mưu sinh.
Ông bảo, sống đến gần cuối đời rồi mà vợ chồng già vẫn còn chưa hết khổ: “Không có đất sản xuất, làm gì ra tiền bây giờ? Trong nhà, ngoài ngõ hễ có đám giỗ chạp nào, tôi đều phải đi vay tiền để tiêu. Tiêu tằn tiện mà vẫn không đủ sống”.
Không còn tin vào chủ đầu tư dự án, có lúc ông B. đã tính đến chuyện “làm liều” một phen với doanh nghiệp cho ra nhẽ sự việc.
“Đời tôi cũng chả còn được mấy nữa, nhiều khi nghĩ phải làm toáng lên, đập bỏ cái dự án ấy đi thì người ta mới để ý, giải quyết cho quyền lợi của người dân.
Dân bức xúc với dự án này lắm rồi!”, ông nói với giọng điệu có vẻ bất cần.
Gia đình ông B. chỉ là một trong số 528 hộ dân tại huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dự án.
Theo đó, tổng số tiền mà Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phải thanh toán cho các hộ dân khoảng 70 tỷ đồng cho 53,18 ha đất thuộc diện thu hồi.
Nhưng hiện đơn vị này chỉ mới thanh toán được hơn 14 tỷ đồng cho... 9,4 ha đất.
Được biết, dự án Khu công nghiệp kiểu mẫu FLC Hoàng Long có quy mô 286,82 ha, bao gồm vị trí địa giới hành chính thuộc các xã: Hoằng Anh, Hoằng Long, Hoằng Quang (thành phố Thanh Hóa), Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh (huyện Hoằng Hóa).
Khu công nghiệp FLC Hoàng Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với chức năng là khu công nghiệp đa ngành, như viễn thông, phần mềm, lắp ráp công nghệ cao, sản xuất đồ công nghiệp tiêu dùng, may mặc, giày da…
Dự án được thực hiện với quy mô 286 ha, tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, dự kiến sau hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho từ 60.000-80.000 lao động.
Dự án "kiểu mẫu" thì chưa thấy đâu, chỉ thấy bức xúc của người dân và nhiều cán bộ địa phương. Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoằng Long (thành phố Thanh Hóa) cho biết, xã có khoảng hơn 800 hộ và 110 ha đất bị ảnh hưởng bởi dự án.
“Sau khi công bố quy hoạch dự án, thành phố Thanh Hóa có văn bản chỉ đạo tạm dừng sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án triển khai đúng tiến độ. Nhưng sau lễ khởi công ồn ào ấy, tất cả lại rơi vào im lặng.
Để tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án, thành phố Thanh Hóa lại tiếp tục ra văn bản chỉ đạo người dân tiếp tục sản xuất, canh tác.
Tuy nhiên, do đất để lâu không canh tác, gây khó khăn cho cải tạo và sản xuất.
Trước tình hình đất bỏ hoang, địa phương đã vận động người dân quay trở lại đồng ruộng cày cấy, nhưng diện tích đất canh tác trở lại chỉ đạt khoảng 10 ha/110 ha”, ông Chiến cho biết.
Vị Chủ tịch xã chua chát: “Với diện tích 110 ha, hằng năm sẽ cho sản lượng lúa khoảng 600 tấn/năm/2 vụ.
Nhưng bây giờ ruộng nương không cho dân chuyển đổi để sản xuất, nhiều lao động mất tư liệu sản xuất phải bỏ xứ đi làm ăn.
Tỷ lệ này chiếm khoảng 10% trong tổng số 4.000 nhân khẩu của xã”, ông Chiến viện dẫn số liệu trong đợt khảo sát bảo hiểm y tế trên địa bàn xã.
Bất lực với cách hành xử của doanh nghiệp, ông Lê Văn Chiến kiến nghị: “Bây giờ FLC lấy đất hay không lấy đất thì trả lời dứt khoát cho dân. Nếu không lấy nữa thì để cho nhân dân chuyển đổi mục đích để cải tạo sản xuất.
Nếu lấy đất phải khẩn trương thu hồi đất, đền bù để nhân dân nhanh chóng ổn định đời sống. Làm (dự án) thì không làm được, thu hồi thì không, sản xuất thì hạn chế khiến nguồn thu ngân sách của xã giảm hẳn”, ông Chiến cho biết.
Cán bộ xã, huyện bị dân mắng té tát
Từ năm 2016 đến nay, không ít lần Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa, Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa ký văn bản đôn đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC chuyển kinh phí giải phóng mặt bằng; khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và triển khai dự án...
Tuy nhiên, ngay cả khi các địa phương có văn bản đôn đốc, thì doanh nghiệp này vẫn “chây ì” trong việc triển khai chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ông Nguyễn Đình Tuy – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa bức xúc: “Trước đó, để có đất phục vụ lễ khởi công dự án, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã chi trả trước một phần kinh phí giải phóng mặt bằng cho một số đối tượng có đất, tài sản trong phạm vi dự án.
Tuy nhiên, đã qua 3 vụ, đất không được đưa vào sản xuất, trong khi Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vẫn chưa chi trả số tiền còn lại khiến người dân bức xúc. Người dân nhiều lần kéo lên huyện, xã, đề nghị giải quyết. Bức xúc vì cách làm ăn láo nháo của FLC, dân chửi lây cả cán bộ huyện, xã”.
Ông Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp biết, trước tình trạng trên, Ban đã nhiều lần chủ động làm việc với chủ đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn nhưng chưa có kết quả.
“Về dự án này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản đề nghị chủ đầu tư (FLC) thực hiện đúng cam kết. Nhưng có lần họ đòi gia hạn, rồi hứa triển khai, nhưng sau đó lại thôi.
Tuần tới chúng tôi sẽ làm việc với họ để đốc thúc doanh nghiệp thực hiện dự án theo cam kết. Hiện tại doanh nghiệp xin điều chỉnh quy hoạch (sử dụng một phần diện tích dự án làm nhà ở) dự án. Cái này đang xin ý kiến cấp trên”, ông Thi cho biết.
Không thể phủ nhận rằng, trong thời gian vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã có giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Nhưng rõ ràng, đối với một số chủ đầu tư có dấu hiệu “chây ì” trong việc triển khai dự án, thì cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để nhằm khắc phục tình trạng “treo dự án”, thậm chí phải thu hồi để tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, quyền lợi của các doanh nghiệp khác...
QUỐC TOẢN
|
Vũ Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét