Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Phạm Viết Đào - Chính trị không phải là công cụ độc quyền của Đảng cầm quyền hay của chính thể đương nhiệm! (1)

    Bởi Admin

  • 17/07/2010
    0 phản hồi
         
    Phạm Viết Đào
    Thiên chức chính trị của nhà văn là tự gieo, gặt trên “thửa ruộng-tâm hồn” của dân tộc mình!
    Theo định nghĩa của một số từ điển, thì nghĩa rộng của chính trị đó là: tổ hợp các chính sách, đối sách hoạt động, có định hướng của con người, của các tổ chức, đoàn thể, nhà nước, của các chính đảng chính trị đối với xã hội đối nói chung và đối với môi trường thiên nhiên xung quanh…
    Nói một cách nôm na, chính trị là tổ hợp tất cả những “luật chơi“ do một thể chế chính trị (có thể là quốc gia, vùng lãnh thổ, một chính đảng hay một hội đoàn thể…) ban hành để tập hợp, điều chỉnh và chi phối mọi hoạt động trong cộng đồng đó. Một thể chế chính trị có khi do sự chi phối của một đảng cầm quyền hay sự chi phối của một liên minh của nhiều đảng phái chính trị; tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ, chính trị được chi phối bởi một vài tôn giáo như một số nước trung đông.
    Nếu hiểu chính trị theo định nghĩa này thì: trong một cộng đồng người bao gồm nhiều giai tầng khác nhau, sẽ có nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Các khuynh hướng chính trị thường bắt nguồn, nảy sinh, từ vị trí, chỗ đứng và quyền lợi của bản thân của các cá thể, tổ chức, tập đoàn… mà tự tìm kiếm, đề xuất, tìm ra các khuynh hướng chính trị A,B,C… nào đó để tập hợp lực lượng, cố kết đồng minh để mưu cầu quyền lợi tối đa cho những người theo khuynh hướng chính trị đó...
    Trong một cộng đồng người, nói cụ thể hơn trong một quốc gia thì Đảng cầm quyền có chính sách, quyết sách của Đảng cầm quyền; Chính phủ đương nhiệm có chính sách của của Chính phủ đương quyền; Do vậy nên người buôn bán, anh đánh dậm, cậu bé đánh giày hay anh lái xe ôm… tùy cấp độ và nhu cầu của bản thân mà họ tự đề ra cho mình cách ứng xử để thích nghi với môi trường và điều kiện sống của họ; đó cũng có thể coi đó là thái độ chính trị, khuynh hướng chính trị cho dù thô sơ, sơ đẳng.

    Trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần này, một chủ đề đang được đưa ra thảo luận rôm rả:Nhà văn có tham gia hoạt động chính trị không? Mối quan hệ giữa văn học và chính trị nên như thế nào? Văn học muốn phát triển thì phải chăng nhà văn phải được cởi trói khỏi cái vòng kim cô của chính trị?
    Hoạt động sáng tạo văn học có liên quan tới chính trị không và điều được một số nhà văn đặt ra vấn đề để thảo luận: Hội Nhà văn Việt Nam có là một tổ chức chính trị nghề nghiệp không?
    Đây là một trong những điều được ghi trong phần dự thảo Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam, ở phần Tôn chỉ, mục đích. Một số nhà văn đề nghị trong Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam kỳ này nên gạch xóa khỏi Điều lệ Hội nhà văn là tổ chức chính trị-nghề nghiệp mà chỉ còn lại là tổ chức nghề nghiệp. Còn Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì giải thích không thể từ bỏ tôn chỉ của Hội chính trị nghề nghiệp vì: chính trị của chúng ta (tức của Hội Nhà văn Việt Nam) là chính trị yêu thương con người… Còn ông Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương Đỗ Kim Cuông thì giải thích chính trị mà Hội Nhà văn phải theo đuổi giống như khuynh hướng chính trị của mấy cậu bé đánh giày: Hội Nhà văn Việt Nam cần thêm vào cái đuôi chính trị để khỏi đói (Theo đuôi chính trị để có cái ăn)?
    Các thiết chế dân chủ văn minh hầu khắp trên thế giới từ xưa đến nay đều thừa nhận: quyền hoạt động chính trị là một quyền thiêng liêng của công dân; rất nhiều quốc gia đưa quyền nào vào trong Hiến pháp để bảo hộ. Không phải ngẫu nhiên mà thế giới có khái niệm “tị nạn chính trị”, đó là loại tị nạn mà các tổ chức nhân quyền kêu gọi các quốc gia không được từ chối loại tị nạn này; còn loại tù nhân chính trị là loại tù nhân sang trọng được rất nhiều quốc gia lên án các hành vi cầm cố, giam cầm, ngược đãi đối với các nhà hoạt động trong lĩnh vực chính trị…Các nhà văn Nga ra nước ngoài là để xin tị nạn chính trị chứ đâu xin tị nạn văn học...
    Bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam để đạt được quyền chính trị lãnh đạo toàn diện nhà nước và tổ chức xã hội như Điều 4 Hiến pháp 1992 xác lập như hiện nay là do: nhiều thế hệ đảng viên đã vào sinh ra tử, vào tù ra khám. Đảng đã biết lợi dụng lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự chủ của đông đảo nhân dân để tập hợp nhân dân đứng lên để đánh đuổi thực dân, đế quốc; Các hoạt động chính trị đó của Đảng nhằm mục đích cuối cùng mang lại quyền lãnh đạo độc quyền nhà nước và xã hội cho Đảng… Điều này cho thấy quyền chính trị là quyền thiêng liêng, là quyền lợi rất nhiều khi, tại nhiều quốc gia phải trả giá bằng mưu mô, thủ đoạn, bằng xương máu của hàng triệu con người chứ không tự nhiên mà có được; quyền hoạt động chính trị càng không phải là thứ do Thượng đế ban tặng.
    Thực ra ẩn chứa đằng sau những ý kiến đề xuất xóa chính trị trong Tôn chỉ mục đích của Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của một số nhà văn, do bất mãn với thể chế đương nhiệm, nên họ muốn chia tách ra không muốn giây vào chính trị theo kiểu anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Anh hãy để yên cho tôi sống, tôi làm việc. Thực ra đó là thái độ tiêu cực và phi văn học; nói cách khác nó chưa đúng với bản chất của thiên chức văn học của nhà văn.
    Những ý kiến trên hoặc là phiến diện cực đoan, hoặc ngộ nhận, nhầm lẫn giữ thiên chức chính trị nói chung với đường lối chính trị hiện hành của thể chế đương quyền.
    Rất nhiều nhà văn vẫn nhầm về cái thể chế chính trị dưới thời Mao Trạch Đông ở Trung Quốc và thời Stalin ở Liên Xô đồng nhất với thiên chức chính trị của văn học, của các nhà văn Trung Quốc, Liên Xô. Tất nhiên dưới thời Stalin và Mao Trạch Đông cai trị, đã có rất nhiều nhà văn Liên Xô, Trung Quốc đã nép mình vào cái ô tư tưởng, chính trị của Stalin của Mao Trạch Đông để được yên thân, để tác phẩm được công bố và để được giải thưởng, có tiền nhuận bút nuôi sống vợ con…
    Không vì sự ngự trị nhất thời nào đó ở tại một vùng đất nào đó mà chúng ta đồng nhất, coi các tổ hợp của tất cả luật chơi của chính thể chính trị đương nhiệm với thái độ chính trị, thiên chức chính trị của văn học, của nhà văn được bộc lộ qua các sáng tác văn học của họ.
    Một nhà văn có thể không thừa nhận, không hợp tác, không tương sinh với thể chế chính trị đương nhiệm nào đó, do vậy nên họ phải chịu thua thiệt, tác phẩm của họ viết ra hoặc sẽ không được hoan nghênh, hoặc sẽ không được xuất bản, hoặc sẽ bị cấm, thậm chí bản thân nhà văn còn bị chính quyền xử tù. Điều đó không có nghĩa là văn học và chính trị không cùng đường với nhau: có mày không tao; sự cực đoan này thường dẫn tới các đối sách chính trị cực đoan: hoạt động văn học nếu không cùng đường, cùng kênh với thể chế đương nhiệm là bất hợp pháp, là ngoài vòng pháp luật... Thực tiễn này đã và đang diễn tại nhiều nước, quốc gia, tại đó: các thể chế đương quyền đã áp đặt thô bạo khuynh hướng chính trị của chính mình cho toàn thể xã hội trong đó có giới văn học.
    Một thể chế chính trị lành mạnh là thể chế tạo ra được luật chơi để các thành viên có các khuynh hướng chính trị khác có quyền được tham gia bình đẳng; Chính thể chính trị văn minh là chính thể tạo môi trường pháp lý để thành viên với các khuynh hướng chính trị khác nhau, với những nghề nghiệp khác nhau sản sinh, tạo ra được các sản phẩm theo thiên chức của mình nhằm: đóng góp sản phẩm đa dạng, phong phú cho xã hội, tiền đề để tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường “khí quyển tinh thần” của xã hội đó.
    Nhà văn có thể đối lập với một thể chế chính trị cụ thể A,B,C… nào đó chứ nhà văn, tác phẩm của nhà văn là một sản phẩm chính trị, nó không đối lập với chính trị nếu hiểu chính trị theo nghĩa rộng, văn minh của khái niệm này. Vì văn học đề cập tới các vấn đề của con người; mà đã là con người thì nghiễm nhiên muốn hay không muốn anh cũng bị chính trị hóa, bị nhiễm, bị lôi kéo hoặc theo khuynh hướng chính trị này hoặc theo khuynh hướng chính trị kia…
    Ai đó nói rằng: tôi chỉ hoạt động văn học không dây với chính trị thì hoặc là những điều anh viết hời hợt chẳng liên quan gì tới cuộc sống xung quang anh, hoặc hoặc bị nền chính trị đương quyền bịt mắt và anh hiểu chính trị qua cái “mặt sắt” của nền chính trị đương quyền che lấp.
    (Còn nữa)

Không có nhận xét nào: