Hồng Anh |
Quân đội Mỹ và Trung Quốc đã đụng độ nhau rất nhiều lần trên chiến trường Triều Tiên. Có thể nói đây là trận chiến đầu tiên và duy nhất của quân đội hai nước trong lịch sử.
LTS: Ngày 27/4 tới đây, hai miền Triều Tiên sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ. Rất nhiều thách thức và kỳ vọng được đặt trên bàn đàm phán giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in.
Về mặt lý thuyết, hai miền hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, chính quyền hai miền mới chỉ ký hiệp định đình chiến mà chưa thông qua hiệp ước hòa bình.
Nhân dịp này, Tòa soạn xin trân trọng gửi tới Quý bạn đọc loạt bài tư liệu về chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
---
Chiến tranh Triều Tiên, hay "Cuộc chiến bị Lãng quên" là cái tên được Mỹ sử dụng để nói về cuộc chiến 3 năm khốc liệt trên bán đảo Triều Tiên. Nó được gọi là "Chiến tranh Giải phóng Tổ quốc" tại Triều Tiên, và tại Hàn Quốc là "Chiến tranh 6-2-5". Trung Quốc cũng có tên gọi riêng cho sự kiện lịch sử này, đó là "Chiến tranh Kháng Mỹ Viện Triều".
Sở dĩ đây là cuộc chiến "bị lãng quên" bởi nó không được dư luận chú ý nhiều như hai cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II và Chiến tranh Việt Nam diễn ra trước và sau đó. Thậm chí các thông tin được đăng tải trên truyền thông thời ấy còn bị hạn chế hết mức.
Tuy nhiên cuộc chiến dài 3 năm trên Bán đảo Triều Tiên là một trong những sự kiện quan trọng đã góp phần định hình thế giới ngày nay.
Thực chất đây là cuộc chiến không hồi kết, bởi sau khi hai nước đình chiến, căng thẳng giữa bộ ba Mỹ-Hàn-Triều nói riêng và các nước lớn trên thế giới nói chung vẫn còn tiếp tục leo thang trong nhiều thế kỷ sau đó.
Bối cảnh xung đột
Bán đảo Triều Tiên, trước đó là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910 đến năm 1945, đã thuộc về Mỹ và Liên Xô sau Thế Chiến II. Mỹ đã đề nghị tạm chia đôi bán đảo theo vĩ tuyến 38, đồng thời chia quyền ủy trị bán đảo với Liên Xô.
Charles K. Armstrong, giáo sư nghiên cứu lịch sử Triều Tiên của Đại học Columbia cho biết,"Việc bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền là điều chưa từng có tiền lệ".
Tuy nhiên một trong những lí do khiến bán đảo này tiếp tục chia cắt cho đến ngày nay là bởi hai miền Nam-Bắc không có chung quan điểm về phát triển đất nước, ông Armstrong nhận định.
Năm 1948, chính quyền miền Nam do Mỹ ủy trị, với trụ sở đặt tại thành phố Seoul, đã tuyên bố thành lập nước Đại Hàn Dân Quốc. Ông Syngman Rhee (Lý Thừa Văn) đã trở thành Tổng thống đầu tiên của chính phủ lâm thời Đại Hàn Dân Quốc.
Ngay sau đó, chính quyền miền Bắc do Liên Xô hậu thuẫn, với trụ sở đặt tại thành phố Bình Nhưỡng, đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do ông Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) lãnh đạo.
Cả hai chế độ đều không công nhận nhau, và luôn tự coi mình là lãnh đạo hợp pháp duy nhất của bán đảo Triều Tiên. Các bên đã nhiều lần đụng độ tại biên giới trước khi Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu nổ ra.
Các lực lượng tham chiến
Dù diễn ra sau Thế chiến II nhưng chiến tranh Triều Tiên cũng khốc liệt không kém. Từ mâu thuẫn nội bộ giữa hai miền Nam-Bắc, nhiều quốc gia khác trên thế giới (đặc biệt là 2 cường quốc Liên Xô và Mỹ) đã bị kéo vào cuộc chiến.
Đây là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử có sự tham gia của LHQ. Hưởng ứng Nghị quyết 84 của Hội đồng Bảo an LHQ về việc tập hợp lực lượng và nguồn lực dưới sự lãnh đạo của Mỹ, 16 nước đã điều lực lượng đến bán đảo Triều Tiên, và 41 nước đã hỗ trợ cuộc chiến bằng khí tài và viện trợ. 90% binh lính của LHQ được điều đến Triều Tiên là người Mỹ.
"Lực lượng quân đội Hàn Quốc đã gần như bị hạ gục" ngay từ đầu cuộc chiến, ông Bruce Cuming, Giáo sư Lịch sử tại Đại học Chicago cho biết.
Ban đầu, khi cuộc chiến nổ ra, Liên Xô cũng hỗ trợ khí tài và đưa ra các tư vấn chiến lược cho Triều Tiên. Tuy nhiên sau đó Trung Quốc đã nhanh chóng thế chân Liên Xô và trở thành đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên.
Còn theo giáo sư Armstrong: "Quân đội Mỹ và Trung Quốc đã đụng độ nhau rất nhiều lần trên chiến trường Triều Tiên.Có thể nói đây là trận chiến đầu tiên và duy nhất của quân đội hai nước trong lịch sử".
Cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt
Ngày 25/6/1950, Chiến tranh Triều Tiên đã nổ ra khi quân đội Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38 tấn công miền Nam. Các binh sĩ Hàn Quốc tại biên giới do Mỹ huấn luyện đã nhanh chóng bị lính Triều Tiên hạ gục.
Đầu tháng 7/1950, sau khi được Liên Hợp Quốc chấp thuận sử dụng vũ lực, Mỹ đã dẫn đầu đội quân LHQ đến bán đảo Triều Tiên, giúp Hàn Quốc đẩy lùi quân đội Triều Tiên về sông Áp Lục gần biên giới Trung Quốc.
Tháng 10/1950, Trung Quốc quyết định điều lực lượng Chí nguyện quân đến Triều Tiên tham chiến với mục đích "kháng Mỹ viện Triều". Đây là đòn tấn công khá bất ngờ đối với Mỹ.
Với chiến thuật hợp lý, số lượng áp đảo và sự trợ giúp 'ngầm' của Liên Xô, liên quân Trung-Triều đã đẩy lùi quân đội LHQ, thậm chí còn tái chiếm được Seoul.
Sau 3 năm giao tranh ác liệt, đối mặt với nguy cơ Thế Chiến III bùng nổ, Mỹ đã quyết định rút quân về nước.
Chiến tranh Triều Tiên chỉ kéo dài 3 năm, nhưng Bán đảo Triều Tiên đã bị tàn phá nặng nề. Các nhà sử học cho biết, gần 5 triệu người đã thiệt mạng trong cuộc chiến, và khoảng 70% trong số đó có thể là dân thường. Tuy nhiên đây chỉ là con số phỏng đoán, bởi chính phủ các nước vẫn giữ bí mật về số liệu thực tế.
Triều Tiên là nơi bị tàn phá nặng nề hơn cả, khi phải hứng chịu tổng cộng 635.000 tấn bom (bao gồm bom napalm) rải thảm trong vòng 3 năm chiến tranh. Gần như mọi mục tiêu tại Triều Tiên đã bị Mỹ san phẳng trong cuộc chiến.
Nếu xét về phương diện này, thì quy mô ném bom của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên lớn hơn nhiều so với Thế chiến II, khi Mỹ thả tổng cộng 503.000 tấn bom xuống mặt trận Thái Bình Dương.
Tướng Curtis LeMay, cựu Tư lệnh Không quân Mỹ, nói về chiến dịch ném bom của Mỹ: "Cuối cùng chúng tôi đã thiêu rụi mọi làng mạc, thị trấn ở Triều Tiên, và một số khu vực tại Hàn Quốc".
Theo Giáo sư Cuming, "Triều Tiên gần như bị san phẳng. Do đó họ coi các cuộc không kích của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên là thảm họa diệt chủng, và ngày nay các em nhỏ vẫn được dạy về điều đó ở trường học".
Hàn Quốc cũng chịu nhiều thiệt hại khi thủ đô Seoul phải đổi chủ những 4 lần. Nhưng chủ yếu các cuộc giao tranh thường diễn ra ở miền Bắc, hoặc ở quanh khu vực hiện nay là khu phi quân sự DMZ, nơi hai nước bị chia cắt, do đó Hàn Quốc bị thiệt hại ít hơn.
Cuộc chiến đã kết thúc?
Trên lý thuyết, Chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa kết thúc.
Các bên chỉ tạm ngừng giao tranh khi Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ đạt được một Hiệp định đình chiến vào năm 1953. Tuy nhiên Hàn Quốc không đồng ý với hiệp định này, và các nước cũng chưa từng chính thức thông qua hiệp ước hòa bình nào khác.
Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều không đạt được các mục đích của mình, dù là xóa bỏ chế độ đối lập, hay tái thống nhất hai miền bán đảo.
Giáo sư Armstrong cho biết: "Kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên, quân đội Mỹ đã bắt đầu hiện diện cố định ở một số quốc gia trên thế giới. Đây là chuyện chưa từng có tiền lệ. Đây là bước ngoặt thực sự đối với ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ".
Góc nhìn của những người trong cuộc
- Ông Nikolay Melteshinov, cựu phi công Liên Xô đã bí mật chiến đấu trong hàng ngũ Chí nguyện quân Trung Quốc
Năm 1952, ước tính 26.000 quân Xô Viết và 321 chiến đấu cơ đã tham chiến tại Bán đảo Triều Tiên.
Bởi Liên bang Xô viết "ngầm" tham gia cuộc chiến, nên các phi công bị cấm đến gần tiền tuyến và bay ra phía biển. Quân nhân Liên Xô phải dùng danh tính Trung Quốc, và mặc quân phục của Chí nguyện quân Trung Quốc.
Ông Nikolay Melteshinov là một trong những người lính chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên dưới màu áo và màu cờ Chí nguyện quân.
Trong hồi ký của mình, ông Melteshinov viết: "Lực lượng không quân của chúng tôi (Trung Quốc và Liên Xô) đã chịu nhiều tổn thất rất nặng nề. Vào thời điểm đó, Mỹ đã tung ra loại máy bay hiện đại nhất, chiếc F-86 Sabre. Chúng được trang bị hệ thống radar và dẫn đường hiện đại. Các phi công của chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn, bởi MiG thua kém Sabre về nhiều mặt.
Chúng tôi triển khai quân gần một ngôi làng nhỏ của Triều Tiên. Chúng tôi thường thấy phấn khích khi bắn hạ được máy bay Mỹ. [...] Trong 9 tháng đầu, đơn vị của chúng tôi đã hạ được 52 chiếc Sabre.
Sau đó người Mỹ bắt đầu thả tờ rơi và kêu gọi chúng tôi đổi phe. Nhưng họ đã lầm to. Những người lính Liên Xô chúng tôi có mối quan hệ rất tốt đẹp với các đồng đội người Trung Quốc và Triều Tiên".
- Ông Yin Jixian, cựu pháo thủ thuộc lực lượng Chí nguyện quân Trung Quốc
Trả lời Thời báo Hoàn cầu, cựu chiến binh 86 tuổi này cho rằng Trung Quốc can thiệp vào Chiến tranh Triều Tiên bởi mục đích của Mỹ khi ấy không chỉ đơn thuần là "bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia" nữa.
"Chúng tôi giúp đỡ Triều Tiên để bảo vệ hòa bình thế giới. [...] Nếu Mỹ định khơi mào chiến tranh lần nữa, thì chúng tôi cũng sẽ làm như vậy", ông Yin khẳng định.
Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay, ông Yin cho rằng đối thoại vẫn là cách tốt nhất để các nước giải quyết các vấn đề chung. "Nếu có thể, thì các bên liên quan cần thay đổi các điều khoản trong Hiệp định Đình chiến Triều Tiên, để nó trở thành hiệp ước hòa bình giữa hai nước và xác lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên".
- Các cựu binh Mỹ
Đối với phần lớn cựu binh Mỹ, Chiến tranh Triều Tiên là một cuộc chiến khốc liệt và đau đớn, nhưng dường như ngày nay nó đang dần bị lãng quên. Cựu chiến binh Hải quân Rene Richards cho biết:
"Tôi thấy rất buồn khi ai đó nhắc đến cụm từ 'cựu chiến binh', nhưng không hề đả động đến những người lính từng chiến đấu ở Triều Tiên.
Hàng ngàn lính Mỹ đã thiệt mạng ở đó. Nhưng khi trở về nước, chúng tôi chẳng hề nhận được sự quan tâm, hay bất cứ lời cảm ơn nào từ chính phủ Mỹ".
Hay như trường hợp của thượng sĩ Joseph P. Cascio, do con trai ông kể lại:
"Là người sống sót duy nhất của trung đội 7 người sau khi bị quân địch tấn công ác liệt, cha tôi đã được chính phủ hứa hẹn trao tặng Huân chương Trái tim Tím (ND: Huân chương của quân đội Mỹ dành cho thương binh và liệt sĩ). Nhưng lời hứa đó chưa từng được thực hiện.
Khi tôi trực tiếp gọi đến hỏi Bộ Quốc phòng Mỹ ở Washington, họ nói rằng các loại huân chương trước Thế chiến II không còn được sử dụng nữa, và nơi duy nhất tôi có thể tìm thấy Huân chương Trái tim Tím là ở các cửa hàng cầm đồ."
Còn đối với cựu bác sĩ quân y John Conrad, hình ảnh những tử thi nằm chất đống và những người bị thương vì bom đạn đã ám ảnh ông suốt phần đời còn lại:
"Cơ thể tôi lành lặn khi còn ở đó, nhưng những tổn thương thần kinh chắc chắc sẽ không thể lành lại được nữa. Tình trạng của tôi khá tệ. Sau khi trở về, tôi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Cuộc chiến đã qua hơn 60 năm, nhưng tôi vẫn thấy không thoải mái khi kể về nó".
Ông Conrad chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị tổn thương mãi mãi vì chiến tranh.
Ông Bill Norwood, 83 tuổi, một cựu binh khác trở về từ Chiến tranh Triều Tiên, buồn bã nói: "Khi chúng tôi qua đời, mọi điều về cuộc chiến sẽ bị lãng quên mãi mãi."
- Các cựu binh Hàn Quốc
Trong cuộc phỏng vấn với đài SBS, khi được hỏi về cảm nhận sau cuộc chiến khốc liệt năm 1953, các cựu binh Hàn Quốc đều trầm tư. Tuy nhiên, câu trả lời của họ đều nhắc đến niềm tự hào khi tham gia cuộc chiến:
"Tôi rất vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên. Sự hy sinh của chúng tôi và những người đồng đội càng quý giá hơn, bởi sau đó Hàn Quốc đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu lớn ở tốc độ đáng kinh ngạc.
Trước đây, Hàn Quốc từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhưng sau cuộc chiến, chúng tôi đã nhận được rất nhiều viện trợ từ các quốc gia khác. Từ đó đến nay, Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc, có thể tự đứng trên đôi chân của mình, và thậm chí còn có thể hỗ trợ cho những quốc gia khác nữa. Tôi nghĩ rằng sự hy sinh của mình là xứng đáng".
theo Thời đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét