Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

Động não kiếm tiền quá khó, đánh vào túi dân rất dễ; Người dân không có quyền sở hữu đất đai, sao lại phải trả thuế?



Thứ bảy, 14/04/2018




Dư luận phản ứng dữ dội khi báo chí đưa tin, trong dự luật Thuế Tài sản, Bộ Tài chính đưa ra phương án toàn bộ nhà ở trị giá hơn 700 triệu đồng phải nộp thuế 0,4%.
 Ảnh minh hoa. Nguồn: Zing
Thông thường, khi đón nhận một chính sách thuế mới, người dân thường phản ứng, bởi lẽ ít nhiều cũng động đến chiếc túi vốn không dày dặn gì của mình. Nhưng trước thông tin đánh thuế nhà trị giá hơn 700 triệu đồng, thì không còn là phản ứng thông thường, mà là sự bức xúc của dân chúng.

Bộ Tài chính lâu nay hầu nhu chưa nghĩ ra cách tăng thu ngân sách nào hiệu quả hơn là đánh thuế. Dân chưa kịp thở để lấy sức trước chính sách thuế này, đã phải thất kinh vì chính sách khác. Tăng thuế VAT, tăng thuế môi trường chưa đủ nên tiếp tục nghĩ cách tăng khác.
Động não để kiếm tiền mới khó, còn đánh thuế thì quá dễ phải không quý vị.
Quí vị quá biết là ở các đô thị, căn hộ chung cư bình thường nhất cũng trên dưới tỉ đồng, nhà ở xã hội có diện tích rộng cũng không dưới 700 triệu đồng, vậy thì dân nào chịu cho thấu chính sách thuế của quí vị đưa ra.
Người dân mua nhà hay căn hộ là đã đóng một loạt thuế rồi, trong đó có những thứ thuế doanh nghiệp phải đóng như đất đai, rồi vật liệu xây dựng, sau đó tính vào giá thành cho người mua. Khách hàng mua nhà hay căn hộ của doanh nghiệp lại tiếp tục đóng thuế thêm một lần nữa. Nay theo dự luật này, mỗi năm phải đóng thuế cho cái chỗ chui ra chui vào tích góp cả đời người, thì dân đang bị tận thu, không còn là đóng thuế nữa.
Có nhiều việc nếu làm tốt thì có tiết kiệm được số tiền lớn cho quốc gia thì Bộ Tài chính loay hoay làm không xong, đó là dẹp nạn xe công đang đục khoét ngân sách, cắt giảm chi tiêu của cả bộ máy để dành tiền trả nợ.
Còn nữa, đầu năm nay thôi, qua kiểm toán công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động năm 2017, Kiểm toán Nhà nước công bố phát hiện thừa 57.175 người. Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để dẹp số lượng dư thừa này thì đủ để "khoan thư sức dân".
Với căn nhà trị giá trên 700 triệu đồng, đã phải lo đi đong thuế tài sản thì không thể nói gì khác hơn là tận thu!
Theo Lê Thanh Phong/Báo Lao độn

Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý

Cập nhật ngày: 07/10/2014 | 10:33 GMT+7
Điều 53, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Trước hết phải khẳng định, đất đai là lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia, là tư liệu sản xuất chủ yếu, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Vì vậy, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá. Ảnh: Mai Anh
Việt Nam là một nước nông nghiệp, phần lớn dân số là nông dân, nguồn sống chủ yếu từ đất đai. Sở hữu toàn dân tức là mỗi người dân đều có quyền, còn Nhà nước chỉ là đại diện chủ sở hữu thực hiện quyền quản lý về đất đai, bảo đảm sử dụng hợp lý, có hiệu quả. Đồng thời, việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta hiện nay còn tránh được những hậu quả do chế độ sở hữu tư nhân đất đai gây ra, xóa bỏ tình trạng dùng độc quyền sở hữu đất đai với mục đích bóc lột người sử dụng đất.
Không những vậy, quy định đất đai là sở hữu toàn dân là cần thiết vì đất đai gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đất đai là xương máu của nhiều thế hệ. Quy định này cũng là sự khẳng định và ghi nhận thành quả cách mạng về đất đai của dân tộc ta.
Trên thực tế, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai hiện hành đã bảo đảm cho người sử dụng đất đai, chủ yếu là nông dân có các quyền cần thiết như: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn, được bồi thường, được lựa chọn hình thức sử dụng đất, quyền sử dụng đất lâu dài, quyền cải tạo, bồi bổ đất đai để khai thác có hiệu quả cho cuộc sống…
Chế định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là nguồn lực quan trọng để phục vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Có thể nói, việc thể chế hóa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao trong nhân dân. Còn việc quy định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai và thống nhất quản lý cũng xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Mọi tài sản, tư liệu sản xuất do Nhà nước đại diện cho dân là chủ sở hữu đều được sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích chung của toàn thể nhân dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhà nước thay mặt toàn dân quản lý và phân bổ đất đai, đảm bảo điều tiết quá trình phân phối công bằng, ngăn ngừa khả năng số ít chiếm dụng phần lớn đất đai, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận bình đẳng và trực tiếp với đất đai.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, song cũng không thể thực hiện đa hình thức sở hữu về đất đai. Bởi vì, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt và có hạn; là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, không giống như các tư liệu sản xuất, tài sản thông thường khác.
Do đó, đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật thì việc khai thác, sử dụng đất đai mới bảo đảm hiệu quả cao, nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.  
Từ những vấn đề trên cho thấy, việc quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của Hiến pháp là cần thiết và đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta hiện nay, bảo đảm sự thống nhất lợi ích của người dân và lợi ích quốc gia.
Tường Mạn

Không có nhận xét nào: