Xưa nay người ta vẫn luôn tranh cãi về việc trong trị quốc, thì dùng pháp trị hay đức trị. Đã có nhiều bài học của các vương triều, quốc gia trong quá khứ về việc linh hoạt dùng cả hai biện pháp thì sẽ mang lại hiểu quả tốt đẹp nhất. Nhưng về lâu về dài và để giải quyết tận gốc mọi sự đe dọa đối với bất kỳ một vương triều hùng mạnh nào, thì đức trị chính là giải pháp cơ bản.
Trong Tiết 8 – Quân Đức của quyển 2, Trường Đoản Kinh, có bàn về việc trị nước bằng nhân đức: “Người làm vua bất kể là minh chúa hay hôn quân, đều mong muốn trăm họ làm thuận dân, lương dân, vậy trăm họ hy vọng như thế nào đối với hoàng đế ngồi trên ngôi cao? Quân có đức, nhà nước hưng; quân vô đức, nhà nước vong”.

Khổng Tử nói rằng: “Chính giả, chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính?”, nghĩa là: Người cầm quyền phải chính. Lấy chính dẫn dắt người, ai dám không chính?.
Lại nói rằng: “Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong, tất yển.” Đạo đức của người quân tử như gió, đạo đức của kẻ tiểu nhân như cỏ, gió thổi hướng nào, cỏ rạp hướng đó. Chính hay không là ở người nắm quyền, một người nhân đức, một nước nhân đức; một người không tranh, cả nước không tranh; một kẻ tham lam tàn bạo, một nước làm loạn.
Những minh quân thời xưa đều biết rõ đại nghĩa trị quốc này nên đều tu dưỡng thiện tính thiên phú của bản thân, tu thành quân tử đại đức xứng với Đất Trời, điều này được coi là nhiệm vụ chính yếu của người cầm quyền, không dám có chút trễ nải.
Người nhân từ sẽ không có kẻ thù, người trị vì nhân từ sẽ không có nội loạn
Khi Khang Hy lên ngôi, thù trong giặc ngoài, dân chúng lầm than, việc thống nhất đất nước vẫn chưa hoàn thành, dân chúng mâu thuẫn lớn với triều đình. Thái hoàng thái hậu Hiếu Trang hỏi ông nghĩ gì, Khang Hy đáp: “Duy nhân giả vô địch”, chỉ có người nhân từ là không có kẻ thù. Thế nên ông đã thực hành đường lối trị quốc nhân nghĩa, khoan dung, dùng lòng nhân từ để cảm hóa thiên hạ. Khang Hy đã thi hành bãi bỏ thuế ruộng hơn 545 lượt. Ông tuyên bố: “Sinh thêm nhân khẩu, vĩnh viễn không tăng thêm thuế”, đã khiến giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho nông dân. 
Khi Khang Hy lên ngôi đã thực hành đường lối trị quốc nhân nghĩa, khoan dung, dùng lòng nhân từ để cảm hóa thiên hạ. (Ảnh: sohu.com)
Khi cửa Bắc Trường Thành bị nghiêng lún, quần thần xin xây dựng tu bổ lại. Khang Hy đã nói rằng:
“Việc Đế vương trị vì thiên hạ đều là có căn nguyên của nó, không phụ thuộc vào việc thành quách hiểm. Từ khi nhà Tần xây dựng Trường Thành tới nay, các triều Hán, Đường, Tống cũng đã thường sửa chữa, lúc ấy thật sự không gặp tai họa biên cương nào nữa sao?
Cuối đời nhà Minh, đại quân của Thái Tổ tiến quân thần tốc, tỏa đi mọi hướng, đều không có ai dám đương đầu. Có thể thấy rằng đạo lý giữ nước, chỉ có tu đức an dân, hợp lòng dân mới chắc chắn giữ được đất nước, vùng biên cương tự nhiên vững chắc, đây cũng là điều mà người ta gọi là mọi người đồng tâm hiệp lực thì sức mạnh sẽ như bức tường đồng không thể phá.”
Ông cũng nói với các đại thần: “Định loạn chi phương, duy sùng thượng khoan đại, khoan tắc đắc chúng. Trì thiên hạ chi đạo, dĩ khoan vi bản”. Tạm dịch rằng, để dẹp loạn, chỉ có duy trì lòng khoan dung, tấm lòng rộng rãi ắt được lòng dân. Đạo lý trị vì thiên hạ, lấy khoan dung làm căn bản.
Trung hoa có thời Khang Càn thịnh thế bắt đầu từ vua Khang Hy, thì Đại Việt cũng có thời Lý Trần được xem là mốc son chói lọi trong lịch sử, bắt đầu từ vua Lý Thái Tổ nhân từ với xuất thân từ nhà Phật.
Trong 18 năm trị vì của mình, Lý Thái Tổ đã ba lần tha tô thuế cho dân, tổng thời gian là bảy năm rưỡi dân không phải nộp tô, đóng thuế. Ngay khi lên ngôi, ông cũng cho bãi bỏ tất cả các hình thức xử tội dã man. Cấp gạo cho dân lưu tán, vì không chịu nổi áp bức của cường hào, phải bỏ quê hương đi tha hương cầu thực. Trong lịch sử kim cổ của nước Việt thì chưa có nhà nước nào làm được như triều Thuận Thiên của Lý Công Uẩn.
Cụ Phan Bội Châu đã vinh danh rằng: “Lý Công Uẩn là vị Tổ Trung hưng thứ nhất của nước ta”.
Sang đến thế hệ vua Lý Thánh Tông, lòng nhân ái, lấy đức trị nước tiếp tục được đề cao trong đường lối chính trị của chính thể.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Mùa đông năm Ất Mùi (1055), trời giá lạnh khủng khiếp, Lý Thánh Tông nói với các vị quan lại rằng: ‘Ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét run như thế này, ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong lao chịu đói lạnh khổ sở, chưa biết phải trái ra làm sao. Ăn không đầy bụng, mặc không đủ che thân, vì gió rét nên có kẻ chết không nơi nương tựa. Ta thật lấy làm thương. Rồi vua truyền lấy chiếu cho tù nhân và cho mỗi ngày hai bữa ăn’”.
Thương xót đến cả những phạm nhân, thành phần thuộc đáy xã hội, bởi vua nghĩ rằng những kẻ phạm tội phần lớn là vì không hiểu rõ luật lệ nên họ mới phạm pháp. “Năm 1064, vua Lý Thánh Tông ra ngự ở điện Thiên Khánh xét án, có Đông Thiên công chúa đứng hầu bên cạnh; Thánh Tông chỉ vào con gái yêu mà nói với các quan rằng: Ta yêu con ta, như là cha mẹ dân yêu dân; vì dân không hiểu luật lệ nên mới bắt tội, ta lấy làm thương. Vậy từ rày về sau không kể tội nặng hay nhẹ, các người phải xử một cách khoan hồng cả” – (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).
Trong lịch sử kim cổ của nước Việt thì chưa có nhà nước nào làm được như triều Thuận Thiên của Lý Công Uẩn. (Ảnh minh họa: soha.vn )
Dùng đức có thể ngăn chặn đạo tặc
Cuối thời Tùy, thiên hạ đại loạn, chiến tranh liên miên, đạo tặc hoành hành. Sau khi Lý Thế Dân lên làm hoàng đế, xã hội vẫn không yên ổn. Ông triệu tập bá quan bàn biện pháp ngăn chặn đạo tặc. Một bộ phận lớn đại thần chủ trương đánh mạnh.
Lý Thế Dân hỏi: “Tần Thủy Hoàng và Hán Cao Tổ, luật pháp của ai nghiêm hơn?”. Đại thần đáp: “Luật pháp của Tẩn Thủy Hoàng nghiêm hơn”. Lý Thế Dân lại hỏi: “Thiên hạ của ai yên ổn hơn?”. Đại thần đáp: “Nhà Hán yên ổn hơn”. Lý Thế Dân vặn lại: “Chẳng phải nói luật pháp nghiêm khắc có thể ngăn chặn đạo tặc hay sao? Tại sao luật của Tần Thủy Hoàng nghiêm mà đạo tặc lại nhiều hơn?”.
Đại thần không trả lời được. Lý Thế Dân nói:
Từ xưa đến nay, trăm họ rơi vào đạo tặc, không phải là pháp luật quá khoan, mà là vì thuế khóa nhiều, lao dịch nặng nề, quan lại tham ô xem thường pháp luật, ức hiếp dân chúng. Trăm họ đói rét, bất chấp liêm sỉ, nên mới bị đạo tặc cướp bóc. Cho nên muốn ngăn chặn đạo tặc, mấu chốt là phải giảm nhẹ thuế khóa, bớt nhọc sức dân.
Vài năm sau khi Đường Thái Tông áp dụng phương cách này, quả nhiên đạo tặc giảm hẳn.
Vài năm sau khi Đường Thái Tông áp dụng phương cách lấy chính đạo để trị nước quả nhiên đạo tặc giảm hẳn. (Ảnh minh họa: sohu.com)
Nhìn lại quá khứ, nhiều người cho rằng xã hội phong kiến thật là “bất công” khi con vua rồi lại làm vua, cái gọi là “tầng lớp thống trị” có quyền hành tuyệt đối, người dân phụ thuộc quá nhiều vào chính thể. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy một sự thật hoàn toàn ngược lại. Các minh quân thời xưa đều không nghĩ làm vua là một đặc ân để mình hưởng thụ vinh hoa phú quý.
Các bậc minh quân đều biết rằng, đức hạnh của người quân tử liên quan đến đạo đức của Thiên địa, liên quan đến đại sự quốc kế dân sinh. Người làm vua là để dẫn dắt, cho dân chúng cuộc sống âm no, thịnh vượng hơn. Vì thế họ đều kính trọng Trời Đất, tôn kính các bậc thánh hiền. Biết thuận theo mệnh Trời, ham học sách thánh hiền, biết “Lấy chính đạo để trị nước”. Tự thấy trách nhiệm của người làm vua là chăm lo cho dân, thương dân như con. Để làm được điều đó, mọi hành động, suy nghĩ đều phải dựa trên chính đạo, không phải chỉ là lời nói suông. 
Thuần Dương
Có thể bạn quan tâm :